Luật mới, doanh nghiệp cần tỉnh táo khi ký hợp đồng tín dụng
Theo phân tích của luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội), Bộ luật Dân sự mới, có hiệu lực từ đầu năm 2017 quy định, lãi suất cho vay theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm.
Luật sư Vũ Ngọc Chi
Tuy nhiên, việc áp dụng các khoản vay giữa DN và ngân hàng có áp dụng theo mức này hay không còn chưa được khẳng định rõ. Vì vậy, khi vay vốn ngân hàng, DN hãy dành thời gian để tìm hiểu kỹ hợp đồng, để tránh những bất lợi quá lớn sau này khi tranh chấp xảy ra.
Thưa luật sư, trong một số vụ tranh chấp về hợp đồng tín dụng, số tiền lãi có thể cao gấp đôi hoặc hơn thế so với số nợ gốc. Ông có cho rằng việc tính lãi như thế là quá cao?
Khi cho vay, việc tính lãi của ngân hàng trước hết là theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng khi các bên ký kết. Mức lãi suất này có thể cố định suốt thời kỳ vay (nhưng hiếm) hoặc được điều chỉnh theo từng chính sách lãi suất của ngân hàng từng giai đoạn. Đây là mức lãi suất trong hạn, nói cách khác là lãi suất khi chưa có tranh chấp.
Kể từ khi khoản nợ đến hạn thanh toán, bên ngân hàng sẽ nhắc nợ và trong trường hợp bên vay chưa có tiền thanh toán thì lãi suất sẽ chuyển từ lãi suất thỏa thuận sang lãi suất phạt (bằng 150% lãi suất trong hạn). Đây là cách phổ biến mà các ngân hàng thường áp dụng cho các DN khi vay đến hạn mà không trả được nợ cho ngân hàng. Nhưng đó mới chỉ là lãi suất quá hạn.
Nếu vụ việc trở thành tranh chấp tại toà án thì ngân hàng sẽ tính toán và yêu cầu tất cả các khoản có thể đòi DN. Thực tế, trong các vụ kiện tranh chấp tín dụng, nhiều ngân hàng yêu cầu lãi trong hạn, lãi quá hạn, lãi phạt, bồi thường thiệt hại… Việc này khiến cho DN thêm khốn khó bởi thực tế khi đó, DN đã khó khăn về tài chính, chứ không phải DN cố tình chây ỳ không trả.
Khi ra tòa, nhiều DN kêu khổ về cách tính lãi tận thu, lãi chồng lãi của các ngân hàng. Ông nghĩ sao về điều này?
Việc bị tính lãi suất tận thu và thường bị tính mức lãi suất cao là có thật và thường được các ngân hàng cho vào các điều khoản trong hợp đồng tín dụng. Thực tế, không ít vụ tranh chấp, ngân hàng tính nhiều mức lãi và có mức lãi lên tới trên 30%/năm. Có DN còn phản ánh là bị tính lãi tới trên 40%/năm. Có trường hợp, DN đã khó khăn, để nợ quá hạn và xin trả gốc trước để giảm bớt nghĩa vụ lãi phát sinh nhưng ngân hàng không đồng ý.
Trong khi đó, các DN khi ký hợp đồng tín dụng thường quan tâm nhiều hơn đến thời gian giải ngân nhanh hay lâu và thậm chí ký nhanh để được giải ngân nhanh, chưa lường hết được tình huống có thể nếu xảy ra tranh chấp với ngân hàng.
Video đang HOT
Việc tận thu này đành rằng là theo thỏa thuận, nhưng rõ ràng ưu thế sẽ thuộc về ngân hàng trong mối quan hệ cho vay với DN, mà thể hiện rõ nhất là hợp đồng thường được bên ngân hàng soạn trước, sau đó bên vay chỉ việc soát lại một số thông số cơ bản và ký. Do vậy, việc bị tận thu lãi hoặc trả tiền chỉ được tính trả vào lãi… là điều dễ hiểu.
Bộ luật Dân sự mới sẽ có hiệu lực từ 1/1/2017 và có sự thay đổi rất lớn về quy định lãi suất cho vay dân sự. Liệu quy định này có ảnh hưởng gì tới lãi suất cho vay của ngân hàng hay không?
Bộ luật Dân sự mới sắp có hiệu lực có quy định về lãi suất cho vay tại Điều 468: Luật vẫn đề cao yếu tố thỏa thuận của các bên theo quy định. Tại khoản 1 của điều này còn nêu rõ lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, song Luật lại đề cập thêm: trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Với quy định mức lãi suất mới này, rõ ràng là có sự khác biệt trong các khoản vay dân sự. Tuy nhiên, việc áp dụng các khoản vay giữa DN và ngân hàng có áp dụng theo mức này hay không còn chưa được khẳng định rõ, vì luật còn bỏ ngỏ về việc áp dụng trong quan hệ giữa DN và ngân hàng khi viện dẫn thêm: trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác.
Hiện nay, các ngân hàng đều cho rằng, việc DN vay tiền ngân hàng là các khoản vay thương mại, chứ không phải là khoản vay dân sự và thực tế hiện nay, việc tính lãi suất cho vay thương mại này không do Bộ luật Dân sự điều chỉnh, mà do hướng dẫn ngành dọc của ngân hàng điều chỉnh. Vì không có sự thống nhất và rõ ràng như vậy nên chưa có căn cứ để khẳng định một cách chắc chắn rằng quy định này có ảnh hưởng tới việc điều chỉnh lãi suất vay ngân hàng.
Qua các phân tích trên, chúng ta thấy rõ ràng, có hai cách hiểu và áp dụng với mức lãi suất vay khác nhau giữa dân sự và thương mại và các chế tài này còn chưa có sự phân biệt rạch ròi về nguồn luật điều chỉnh, nhất là các khoản vay thương mại và bất cập hơn ở chỗ bên vay – là DN thường bị yếu thế hơn trong quan hệ vay.
Theo ông, DN cần cân nhắc những yếu tố nào trước khi đặt bút vay vốn ngân hàng?
Theo tôi, DN cần tính toán và mở rộng hơn hình thức huy động vốn nhàn rỗi, cũng không nhất thiết qua ngân hàng, có thể thông qua TTCK, chẳng hạn đây cũng là một kênh huy động vốn tương đối tốt và rất nhiều DN đã áp dụng thành công khi huy động vốn ở thị trường này.
Trong trường hợp chưa có điều kiện để huy động nhiều kênh khác nhau, buộc phải thương lượng với ngân hàng thì các DN hãy dành thời gian để tìm hiểu hợp đồng và nhớ rằng nên trao đổi và thương lượng tất cả những điều bất hợp lý trong hợp đồng hoặc chấp nhận ở mức độ có thể, để tránh cho DN những bất lợi quá lớn sau này khi giữa DN và ngân hàng không có sự đồng thuận hoặc mâu thuẫn thì đã có phương án xử lý.
Bùi Trang thực hiện.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Bị bắt giam vẫn có chữ ký trong hợp đồng thế chấp
Ngày 16/12/2015, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).
Được biết, 2 năm trước, BIDV đã có đơn khởi kiện đối với Công ty TNHH Gia La (địa chỉ tại thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) xung quanh việc tranh chấp Hợp đồng tín dụng hạn mức số 427.
Theo đó, tháng 4/2011, do nhu cầu vay vốn kinh doanh ngành nghề giặt là, ông Nguyễn Văn Mùi, Giám đốc Công ty TNHH Gia La đã ký Hợp đồng tín dụng hạn mức số 427 vay BIDV số tiền 400 triệu đồng. 5 tháng sau, Công ty vay thêm 700 triệu đồng.
Ngân hàng đã đồng ý cho vay với tổng số tiền là 1,1 tỷ đồng. Thời hạn vay là 10 tháng, lãi suất vay 19%/năm tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng và lãi suất thả nổi được điều chỉnh theo thông báo của BIDV Tây Hà Nội tại từng thời điểm.
Lãi suất nợ quá hạn là 150% lãi suất trong hạn (lãi suất vay đã được điều chỉnh nếu có). Hàng tháng, bên vay phải trả tiền lãi và đến thời hạn trả hết tiền gốc, nếu đến hạn không trả nợ sẽ chuyển sang nợ quá hạn.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay là nhà và đất đứng tên hộ gia đình ông Trương Văn Ý (anh trai ông Mùi). Hộ gia đình gồm 4 người, diện tích đất 467,6m2 tại thôn Gia Trung, xã Quang Minh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội.
Thực hiện hợp đồng trên, BIDV đã tiến hành giải ngân 1,1 tỷ đồng theo 2 khế ước. Sau một thời gian kinh doanh, Công ty Gia La làm ăn thua lỗ, không trả được nợ gốc và lãi. Quá hạn thanh toán, Ngân hàng đã gửi đơn đến tòa, đề nghị Công ty phải thanh toán khoản nợ trên.
BIDV tạm tính khoản nợ đến ngày 1/7/2013 được xác định là gần 1,5 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 1,1 tỷ đồng; nợ lãi là hơn 363 triệu đồng.
Mặc dù vắng mặt bị đơn và những người có nghĩa vụ liên quan, song phiên tòa sơ thẩm (tháng 12/2014) vẫn diễn ra. Theo đó, Tòa án Nhân dân huyện Mê Linh tuyên bố chấp nhận đơn khởi kiện của Ngân hàng, buộc bị đơn phải hoàn trả tiền nợ, tính đến ngày 30/12/2014, tổng cộng là 1,8 tỷ đồng. Trường hợp Công ty không trả được nợ, Ngân hàng có quyền đề nghị phát mại tài sản để thu hồi nợ.
Theo quy định tại Điều 48 Luật Công chứng: "Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên".
Sau phiên tòa trên, ông Trương Văn Ý kháng cáo toàn bộ bản án. Trước Hội đồng xét xử phúc thẩm (Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội), ông Ý trình bày, hồi tháng 8/2010, con trai ông bị bắt và phải thụ án về hành vi Chống người thi hành công vụ (thời gian là 3 năm tù). Do đó, tại thời điểm hợp đồng thế chấp được thiết lập vào tháng 4/2011, con trai ông không có mặt ở nhà để ký vào hợp đồng. Bản công chứng có đầy đủ chữ ký của các thành viên trong gia đình ông là không chính xác.
"Con tôi không có mặt nhưng lại có chữ ký là không thể xảy ra", ông Ý nói.
Tại tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi của ông Ý đã cung cấp tài liệu thể hiện trong quá trình cấp sơ thẩm thụ lý, thân chủ của ông không được tòa tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ông Ý cũng cho biết chỉ được triệu tập 2 lần để lấy lời khai về chương trình vay và lịch trình trả nợ.
Với 2 lý do nêu trên, ông Ý đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, giám định lại chữ ký. Đặc biệt, bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân huyện Mê Linh cũng bị Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội kháng nghị theo hướng hủy án để xét xử lại. Nguyên do là cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng vì không đưa một số thành viên trong gia đình ông Ý tham gia tố tụng.
Tại phiên tòa, hai bên đương sự tranh luận khá căng thẳng. Luật sư bảo vệ quyền lợi của người có nghĩa vụ, người liên quan khẳng định tòa sơ thẩm đã không thu thập đầy đủ chứng cứ.
Phản bác các quan điểm của bên đối phương, phía nguyên đơn cho rằng, gia đình ông Ý không đến dự phiên tòa sơ thẩm là lỗi chủ quan, thậm chí là hành vi cản trở hoạt động tố tụng hợp pháp. Còn vấn đề tòa án sơ thẩm không trưng cầu giám định chữ ký là không trái luật, bởi lẽ không có đơn yêu cầu hoặc tố cáo.
Sau khi xem xét lời khai và diễn biến tại tòa, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội chấp nhận đơn kháng cáo và nội dung kháng nghị, quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại.
Đồng thời kiến nghị cấp sơ thẩm cần thiết đưa phòng công chứng tham gia tố tụng và giám định chữ ký nhằm xác định tính hiệu lực của hợp đồng thế chấp, cũng như xem xét trách nhiệm các bên liên quan để giải quyết triệt để vụ án.
Đỗ Mến
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Vấn đề "tín dụng đen" trong quy định của luật Có nhiều yếu tố để các giao dịch vay tiền biến thành "tín dụng đen", nhưng yếu tố chính yếu nhất là lãi suất cao ngất ngưởng, đây là nguyên nhân đẩy người vay tiền và cho vay trở thành thủ phạm và nạn nhân của "tín dụng đen". Tuy nhiên, không thể thiếu nguyên nhân là do pháp luật thiếu minh bạch,...