Luật hóa nguyên tắc suy đoán vô tội – Bài 1: Thả rồi bắt, bắt rồi thả
Hai vòng tố tụng đầu, tòa huyện tuyên bị cáo vô tội thì tòa tỉnh hủy án. Đến vòng thứ ba, cả hai cấp tòa lại thống nhất là có tội dù kết quả điều tra lại không có gì mới…
Từ quốc lộ đi vào nhà anh Nguyễn Văn Kiên ở ấp 5, xã Đông Nơ, Hớn Quản (Bình Phước) phải vượt qua chục cây số đường đất đỏ ngoằn ngoèo giữa rừng cao su. Sau gần tám năm vướng vào vòng tố tụng với sáu phiên tòa, Kiên vừa bị TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm lần ba phạt 36 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Gặp chúng tôi, mẹ Kiên buồn bã: “Hai lần tòa từng tuyên thả thằng bé về, cả nhà ai nấy đều khấp khởi vui mừng, ai ngờ…”.
Hai lần được tuyên vô tội
Vụ án của Kiên là một điển hình cho việc khó kết tội vì chứng cứ buộc tội yếu.
Anh Nguyễn Văn Kiên bên mẹ già trước phiên sơ thẩm lần ba.
Năm 2005, Kiên cùng bạn đi ăn cưới ở huyện Chơn Thành. Nhóm của Kiên vừa rời đám cưới về thì bị năm thanh niên địa phương đuổi đánh. Bị ngã xe, Kiên bỏ chạy. Trong lúc hỗn loạn, Kiên lượm được một khúc cây ném trúng đầu một người đuổi theo, gây thương tật 26% tạm thời. Sau đó, Kiên bị bắt, bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích.
Thụ lý, TAND huyện Chơn Thành nhận thấy trong quá trình tố tụng, Kiên kêu oan rằng có nhặt khúc cây nhưng chưa kịp đánh ai. Nhân chứng thì khai mâu thuẫn, người nói thấy Kiên ném cây, người bảo không, ngoài ra không có chứng cứ buộc tội khác. Cơ quan điều tra thì không thu giữ vật chứng kịp thời, đúng quy định. Khi thấy khúc cây nằm cạnh vết máu tại hiện trường, lẽ ra Công an xã phải báo cho cấp có thẩm quyền đến thu thập thì lại tự cầm đem về.
Hôm sau, Công an xã đem khúc cây đến lập biên bản hiện trường thì lại xuất hiện khúc cây thứ hai không rõ ở đâu ra. Hồ sơ cũng không có bút lục nào thể hiện việc thu giữ, niêm phong hai khúc cây làm tang vật. Bị cáo và nhân chứng khai lúc đuổi đánh nhau có nhiều người cầm cây nhưng họ sử dụng thế nào thì cơ quan điều tra không thể làm rõ. Mặt khác, hồ sơ cũng không khẳng định thương tích của nạn nhân do hung khí gì gây ra…
Vì thế, tháng 11-2007, TAND huyện Chơn Thành xử sơ thẩm lần đầu đã tuyên bố Kiên không phạm tội vì không đủ chứng cứ kết tội. Bản án sơ thẩm bị VKS huyện kháng nghị. Tháng 7-2008, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm lần đầu đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Quá trình điều tra lại cũng không bổ sung được chứng cứ buộc tội mới nên tháng 10-2009, TAND huyện Chơn Thành xử sơ thẩm lần hai, một lần nữa tuyên bố Kiên vô tội. VKS huyện lại kháng nghị theo hướng Kiên phạm tội. Tháng 5-2010, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm lần hai lại hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Bất ngờ bị kết án
Kết quả điều tra lại sau đó vẫn không có gì mới bởi hiện trường vụ án không còn, những mâu thuẫn về hung khí không cách nào khắc phục được. Cơ quan điều tra chỉ có thể triệu tập Kiên và các nhân chứng lên lấy lời khai mà không giám định lại được cơ chế hình thành vết thương vì thời gian xảy ra vụ việc quá lâu. Các tổ chức giám định pháp y đều cho biết không thể xác định được hung khí gây thương tích cho nạn nhân…
Video đang HOT
Tuy nhiên, tháng 11-2012, xử sơ thẩm lần ba, TAND huyện Chơn Thành bất ngờ nhận định Kiên có tội và phạt 36 tháng tù. Rồi trong phiên phúc thẩm lần ba của TAND tỉnh Bình Phước mới đây, Kiên đã bị buộc tội theo kiểu “không có lửa sao có khói?”. Chẳng hạn tại tòa, đại diện VKS tỉnh hỏi: “Vì sao trong lời khai ban đầu tại Công an xã bị cáo lại nhận tội? Vì sao bị cáo không có tội mà gia đình lại bồi thường? Không có lửa sao có khói? Phải chăng bị cáo tác động đến gia đình?”.
Kiên khai: “Đêm 21-11-2005, mỗi lần bị cáo không thừa nhận thì bị điều tra viên dùng giày đá vào người. Bị cáo rất hoảng loạn…”. Người nhà giải thích: “Khi Kiên bị bắt, công an tới nhà bảo nên khắc phục hậu quả thì làm theo chứ lúc đó Kiên đã bị tạm giam, gia đình không thể tác động gì”. Đại diện VKS yêu cầu Kiên chứng minh đã bị nhục hình, Kiên trả lời: “Trong nhà tạm giam chỉ có công an và bị cáo thì không thể có người làm chứng”…
Cuối cùng, TAND tỉnh y án sơ thẩm. chủ tọa phiên phúc thẩm này nguyên là chánh án TAND huyện Chơn Thành, người từng xử sơ thẩm tuyên bố Kiên không phạm tội. Năm 2009, sau hai lần TAND huyện Chơn Thành tuyên Kiên không phạm tội, chính vị thẩm phán này đã ký công văn gửi Thường trực Huyện ủy và chánh án TAND tỉnh. Công văn này có đoạn: “Tòa đã xét xử công khai, quá trình tranh luận diễn ra dân chủ (có luật sư bào chữa, bảo vệ cho các bên), nghị án có cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét toàn diện đầy đủ các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ và diễn biến tại tòa, đảm bảo đúng quy định của tố tụng hình sự. Kết quả: Hội đồng xét xử đã tuyên bị cáo Nguyễn Văn Kiên không phạm tội cố ý gây thương tích. Việc tuyên bị cáo không phạm tội sẽ dẫn đến hậu quả bồi thường oan sai sau này”…
Thiệt thòi vì không được suy đoán vô tội
Theo luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang), nếu pháp luật hình sự nước ta ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội, nhiều khả năng số phận pháp lý của Kiên đã không phải kết thúc bằng bản án tù. Thậm chí, vụ án có thể đã không phải kéo dài gần tám năm dằng dặc với sáu phiên xử.
Luật sư Triết phân tích: Ngay từ đầu, cơ quan điều tra đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong việc thu thập chứng cứ. Giám định thì không thể kết luận hung khí gây thương tích cho nạn nhân. Lời khai của các nhân chứng thì mâu thuẫn, dẫn đến không có đầy đủ chứng cứ để kết tội bị cáo.
Về nhận chức chủ quan, ở hai lần xử sơ thẩm đầu, TAND huyện đã cho rằng mình đánh giá kỹ, đầy đủ, toàn diện và kết luận không thể kết tội Kiên nhưng đến lần thứ ba lại thay đổi hoàn toàn dù quá trình điều tra lại không có gì mới. Việc trong hai phiên xử sơ, phúc thẩm lần ba, hai cấp tòa dùng lời khai ban đầu của bị cáo (mà bị cáo nói bị ép cung) và lời khai của một số nhân chứng để làm cơ sở kết tội là chưa ổn. Như vậy, nếu áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội thì Kiên sẽ trắng án.
Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cũng nhận xét: Tinh thần của nguyên tắc suy đoán vô tội là nếu chưa đủ căn cứ vững chắc để kết tội bị cáo thì phải suy đoán theo hướng có lợi cho bị cáo là không phạm tội. “Rất tiếc, pháp luật hình sự chưa ghi nhận nguyên tắc này nên các cơ quan tố tụng, nhất là tòa nhiều khi đã không dám mạnh dạn tuyên bố bị cáo vô tội trong các trường hợp tương tự” – vị thẩm phán này nói.
Tám năm phập phồng
Trước khi bị tòa tỉnh kết án 36 tháng tù, Kiên đã trải qua gần tám năm trong vòng tố tụng với nhiều lần cơ quan điều tra thả rồi bắt, bắt rồi thả (tổng thời gian Kiên bị tạm giam khoảng hơn 30 tháng). Cuộc sống của Kiên và gia đình đầy phập phồng, bất an. Kiên sống bằng nghề ghép cây sao su giống. Mùa khô, Kiên vào rừng tìm những gốc lộc vừng, sanh, si dại chở về. Tỉ mẩn, chăm chút, Kiên đã tạo ra nhiều gốc cây kiểng lớn nhỏ khác nhau. Thi thoảng có người mua, Kiên lại có thêm một khoản tiền nhỏ tích cóp để mua thuốc chữa bệnh cho mẹ. Cha Kiên mất từ năm 2000 vì căn bệnh tim quái ác. Kiên ở với người mẹ già yếu trong căn nhà nhỏ, xây bằng gạch mộc tuềnh toàng do người cha tạo dựng, tài sản không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ. Năm 2010, một lần lên trại tạm giam thăm Kiên, người mẹ bị tai nạn xe, té đập mặt xuống đường, đất đỏ ghim vào mắt khiến bà phải nhập viện mổ mắt. Gần đây bà nằm liệt giường vì chứng bệnh hạch ở hàm cổ lây lan, thi thoảng còn lên cơn co giật gây méo miệng, ăn uống khó khăn. Bệnh trọng nhưng bác sĩ khuyên không nên mổ vì sức bà dễ biến chứng nguy hiểm. Hôm gặp chúng tôi, bà nghẹn ngào: “Không biết tui còn sống được đến ngày thằng Kiên thụ án xong trở về nữa hay không”! “Cảm giác kinh khủng”! Tôi đã phải bỏ lỡ nhiều cơ hội của cuộc đời khi lâm vào vòng lao lý từ lúc 22 tuổi. Cái cảm giác được tuyên vô tội, được thả ra rồi bị bắt lại, bị kết tội lại ấy thật kinh khủng. Nhiều lúc, tôi chỉ biết tự an ủi mình là chắc cái số của mình nó vậy.
Theo Dantri
Thảm cảnh đằng sau một vụ án giết người
Chồng nhảy sông tự vẫn, để lại cho chị 3 đứa con thơ dại. Rồi một ngày, đứa con trai duy nhất vì bức xúc trước lời thách thức của bà hàng xóm đã dùng dao chém chết người này khiến chị như gã gục.
Chu Thiên Huế tại phiên tòa với khuôn mặt đờ đẫn vô hồn
Tại phiên tòa xét xử Chu Thiên Huế (SN 1989, trú tại xóm 3, xã Diễn Trường, Diễn Châu, Nghệ An) về hành vi giết người diễn ra vào sáng ngày 21/5/2013, tôi đặc biệt chú ý tới người phụ nữ ngồi ở hàng ghế dành cho thân nhân bị cáo.
Người đàn bà khắc khổ Nguyễn Thị Khuyên mang theo một bọc giấy tờ tới để dự phiên tòa xét xử đứa con trai duy nhất của mình. Ngồi chỉ cách mẹ chừng hơn 1m nhưng Chu Thiên Huế gần như bất động, nhìn vô định về phía trước, chẳng thèm đáp lại những lời hỏi han của mẹ. Chị cho biết, những lần vào thăm con trong trại tạm giam, nó cũng lầm lỳ như thế, mẹ hỏi, chỉ trả lời nhát gừng.
Chị mở bọc túi ni lông, bày lên bàn mớ giấy tờ rồi nói như trình bày: "Đây, giấy tờ đi viện chữa bệnh trầm cảm của thằng Huế. Đây là đơn trình bày và quyết định cho phép bảo lưu kết quả học tập tại Trường ĐH sư phạm kỹ thuật Nghệ An để thằng Huế chữa bệnh. Nó bị trầm cảm, đến khi bị thách thức, không kiềm chế được mới gây nên tội tày trời này chứ giữa hai nhà có xích mích chi mô".
Kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, ngày 20/9/2012, Chu Thiên Huế ở nhà trong khi mẹ đi làm đồng cách nhà vài trăm mét. Do nghi ngờ Huế ném vỡ mái ngói nhà mình nên bà Phạm Thị Hường (SN 1963, là hàng xóm sát vách nhà Huế) đứng bên nhà chửi vọng sang. Nghĩ không liên quan tới mình nên Huế cũng chẳng bận tâm.
Mẹ của Huế làm ruộng gần đó nghe tiếng hàng xóm chửi, nghĩ đang ám chỉ con trai mình nhưng cố nín nhịn đến khi về nhà. Xẩm tối, đi làm về, hai bà hàng xóm lời qua tiếng lại. Huế nằm trong nhà, nghe tiếng chửi bới liền chạy ra quát: "Im mồm đi, không tau sang chém chết". Bà hàng xóm cũng chẳng vừa, lên tiếng thách thức: "Tau thách mi sang chém".
Mẹ của Huế - bà Nguyễn Thị Khuyên tại phiên tòa
Buông lời thách thức xong, bà Hường vào nhà ngồi và cũng thôi chửi bới. Còn Huế, chạy ra giếng cầm một con dao sang nhà hàng xóm chém lia lịa vào cổ, tay, chân bà chủ nhà. Hậu quả làm bà Hường chết tại chỗ. Sau khi gây án, Chu Thiên Huế bỏ trốn nhưng được sự động viên từ phía gia đình nên chỉ một giờ đồng hồ sau, Huế đã tới cơ quan chức năng đầu thú.
Theo chị Khuyên, nguyên nhân khiến hành động của Huế là do một câu chửi của bà hàng xóm. "Chị Hường chửi thằng Huế là con kẻ chết sông chết chợ, nó mới điên lên, không kiềm chế được", chị lý giải.
Năm 2003, chồng chị bị ốm. Trận ốm cũng không phải là quá nặng, chị đi đưa chồng đi khám, người ta bảo anh bị hạ đường huyết. Cắt chén thuốc bắc vừa chữa bệnh, vừa tẩm bổ cho chồng. Tối đó, anh dậy rót thuốc uống, chị vì mệt quá nên ngủ thiếp đi. Sáng sớm, cơm nước chuẩn bị sẵn, chị mới gọi chồng dậy ăn để con uống thuốc.
"Trong giường ngủ không có, gọi mãi cũng không thấy ông ấy trả lời. Cả nhà tôi, rồi huy động cả xóm đi tìm cũng không thấy. 3 hôm sau, người ta phát hiện xác ông ấy nổi ngoài sông. Đến tận bây giờ, sau 10 năm, tôi vẫn không thể lý giải được vì sao ông ấy lại nhảy sông tự tử, để lại cho tôi 3 đứa con thơ dại", chị sụt sùi.
Chồng chết, một nách 3 con đang tuổi ăn tuổi học, chị gồng mình đứng lên làm trụ cột gia đình. Khó khăn, thiếu thốn quanh năm nhưng chị cũng cố gắng động viên các con ăn học, những mong sau này không phải cực nhọc, đầu tắt mặt tối như mình. Sau 4-5 lần thi, cuối cùng, đứa con gái đầu cũng đậu vào một trường cao đẳng sư phạm. Đứa thứ 2, thi mãi không đậu đành bỏ mộng học hành, vào miền Nam làm thuê phụ mẹ nuôi chị và em.
Khi đứa con gái đầu bước vào năm cuối thì Chu Thiên Huế thi đậu vào hệ cao đẳng nghề của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh. Nhà chỉ trông vào hơn 5 sào ruộng, lại không có việc làm thêm, nuôi một đứa học đã khó, giờ nuôi tới hai đứa, nhiều khi chị cảm thấy mình đuối sức, khó mà vượt qua được.
Thế nhưng người mẹ khốn khổ này đã động viên mình, động viên con cùng cố gắng. Ngày mùa, thấy chị một mình vất vả, cực nhọc, chồng bà Hường tuy không được khôn ngoan, nhanh nhẹn như người khác những cũng sang lúc giúp gánh lúa, khi giúp chất rơm. Tình nghĩa xóm giềng càng trở nên khăng khít.
Số quà quê ít ỏi bà Khuyên chuẩn bị cho con nhưng lại phải mang về
Đang học dở năm thứ nhất thì Huế thường xuyên xuất hiện những cơn đau đầu, tức ngực và nằng nặc xin nghỉ học. Thương con, không muốn con lỡ dở chuyện học hành, chị Khuyên làm đơn xin bảo lưu cho con và được nhà trường chấp nhận.
"Từ hồi nghỉ học, nó sinh ra lầm lỳ ít nói. Thậm chí, có khi không vừa lòng, nó quát mắng cả mẹ. Tôi đưa con đi khám, người ta bảo nó bị trầm cảm, chữa một thời gian, thấy yên yên nên cũng yên tâm. Ai ngờ nó lại gây ra tội tày đình này", chị lại sụt sùi.
Sau khi Huế bị bắt, cả gia tài được con bò, chị quyết định bán, rồi vay mượn anh em họ hàng được 40 triệu đồng sang gọi là bù đắp cho gia đình hàng xóm. Quả thật, gia đình bà Hường cũng cám cảnh không kém hoàn cảnh của chị. Chồng không được nhanh nhẹn như người khác, lại thêm cô con gái bị thiểu năng nên mọi công việc lớn bé trong nhà đều một tay bà lo liệu. Cô con gái đầu của bà Hường đi làm thuê, cũng chỉ đủ nuôi thân, bởi vậy, bà Hương mất đi, cái gia đình nhỏ ấy cũng lâm vào thảm cảnh.
Tại phiên tòa, trước những câu hỏi của chủ tọa phiên tòa, Chu Thiên Huế trả lời nhát gừng, chẳng ăn nhập gì với nhau. Khi được hỏi, chị Khuyên một mực khẳng định, khi Huế bị bắt, chị có trình lên cơ quan điều tra toàn bộ giấy tờ chứng minh tình trạng bệnh tình của con. Thế nhưng trong suốt quá trình điều tra, chị không được mời lên tham gia với tư cách là người giám hộ hợp pháp cho Huế.
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Nghệ An cũng chỉ rõ: Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tâm thần đối với Chu Thiên Huế. Kết quả giám định cho thấy Chu Thiên Huế mắc bệnh tâm thần dạng F25.1, mất một phần năng lực hành vi.
Nhận thấy vụ án còn nhiều tình tiết cần phải làm rõ, mặt khác, Chu Thiên Huế có dấu hiệu tâm thần từ giai đoạn điều tra, tuy nhiên cơ quan điều tra chưa thực hiện đúng trình tự tố tụng, không có người giám hộ trong quá trình điều tra, bởi vậy sau khi hội ý, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Tòa hoãn, Huế được đưa ra xe để về trại tạm giam. Chị luýnh quýnh chạy theo, hy vọng gửi cho con tấm bánh nhưng Huế vẫn cứ dửng dưng như thể chẳng nhận ra người phụ nữ khốn khổ đó là mẹ mình.
"Từ bữa bị bắt tới nay, tôi nhìn thấy nó dường như không được như trước. Tội nó gây ra, nó phải chịu sự trừng phạt của pháp luật nhưng càng nghĩ, càng thương con. Phải chi nó là người bình thường thì một nhẽ, đằng này...", chị bỏ lửng câu nói, nhìn ra khoảng sân mịt mù khói khi chiếc xe chở phạm lao đi.
Theo Dantri
Kiện chủ tịch phường vì... không phạt hàng xóm Một người dân đi kiện yêu cầu tòa buộc chủ tịch phường ra quyết định xử phạt hành chính đối với hàng xóm vì bán cà phê lấn chiếm hẻm chung nhưng bị tòa trả đơn, từ chối thụ lý. Vụ việc đang gây nhiều tranh cãi... Gần đây, TAND một quận tại TP.HCM đã quyết định trả lại đơn, không thụ lý...