Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh”
Ngày 16-10, trong chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi.
Tờ trình của Chính phủ cho biết, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật DN không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho DN trong việc tuân thủ; một số nội dung không còn tương thích với một số quy định của luật mới ban hành.
Ngoài ra, một số nội dung khác cần được tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng tổ chức quản trị DN theo thông lệ quốc tế tốt, tăng mức độ an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ.
Vì vậy, Dự thảo bãi bỏ 2 thủ tục không còn cần thiết là thủ tục thông báo mẫu dấu và thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN. Đồng thời, bổ sung quy định về đăng ký DN qua mạng thông tin điện tử, theo đó người thành lập DN có thể thực hiện đăng ký DN qua mạng với bộ hồ sơ điện tử (không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay).
Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình sửa đổi Luật DN. Ảnh: QUOCHOI.VN
Dự luật cũng mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và khởi kiện trong trường hợp người quản lý lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho Cty và cổ đông. Cùng với đó, giao quyền cho chủ sở hữu Cty TNHH một thành viên (không phải là DN Nhà nước) quyết định và lựa chọn cơ chế kiểm soát Cty phù hợp với điều kiện cụ thể của DN, thay vì bắt buộc DN phải thành lập Ban kiểm soát như hiện hành.
Đồng thời, bổ sung một số quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong việc huy động vốn, như: bổ sung quy định về Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết ( NVDR); sửa đổi quy định có liên quan về phát hành trái phiếu DN theo hướng phân định phát hành trái phiếu riêng lẻ của Cty TNHH và Cty CP với phát hành trái phiếu của Cty đại chúng…
Video đang HOT
Dự thảo tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình DN khác, không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành DN hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh. Đồng thời, quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh và bãi bỏ hạn chế của hiện nay đối với hộ kinh doanh (như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện).
Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Kinh tế nhất trí cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật DN và đánh giá hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông trên cơ sở hài hòa với tổ chức được Chính phủ ủy quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết, cần quy định rõ tại dự thảo Luật về số lượng, điều kiện phát hành, quyền của cổ đông nắm giữ chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết. Việc chuyển đổi chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết thành cổ phiếu phổ thông, quyền biểu quyết đối với cổ phần phổ thông đã được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.
Phát hành trái phiếu là vấn đề rất quan trọng, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư (nhất là Cty không đại chúng), thị trường trái phiếu, thị trường tài chính, nên cần phải quản lý và kiểm soát chặt chẽ từ khâu phát hành và trong suốt quá trình giao dịch. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định phát hành trái phiếu riêng lẻ của DN không phải là Cty đại chúng gồm Cty TNHH và Cty CP nhằm tạo điều kiện cho DN trong việc huy động vốn, bảo đảm quản lý nhà nước và tránh rủi ro cho nhà đầu tư.
Các trường hợp phát hành trái phiếu ra công chúng, phát hành trái phiếu riêng lẻ của Cty đại chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Bên cạnh việc bảo đảm tính liên thông về vấn đề phát hành trái phiếu với Luật Chứng khoán (sửa đổi), đề nghị đồng thời rà soát bảo đảm tính thống nhất với dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư quy định về phát hành trái phiếu DN dự án.
Về hộ kinh doanh, một số ý kiến nhất trí bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh. Có ý kiến cho rằng về bản chất hộ kinh doanh không khác gì DN nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ. Đã đến lúc cần xem xét lại khái niệm để tạo điều kiện cho chủ thể này tiếp tục phát triển phù hợp với thông lệ quốc tế…
Ủy ban Kinh tế cho rằng, hộ kinh doanh là một bộ phận cấu thành không nhỏ của nền kinh tế, cần được khẳng định về địa vị pháp lý và luật hóa các quyền, nghĩa vụ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa… của hộ kinh doanh, vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh vừa tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch với DN.
Phương Thảo
Theo phapluatxahoi.vn
Thị trường trái phiếu vẫn sôi động
Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) mới đây công bố bản tin thị trường trái phiếu tháng 9/2019, cho thấy hoạt động mua bán vẫn diễn ra sôi động, với hàng loạt doanh nghiệp và ngân hàng tiếp tục phát hành thành công.
Về thị trường trái phiếu chính phủ, trong tháng 9 đã có 8 phiên đấu thầu với tổng giá trị gọi thầu là 6.250 tỷ đồng. Nguồn: internet
Về thị trường trái phiếu chính phủ, trong tháng 9 đã có 8 phiên đấu thầu với tổng giá trị gọi thầu là 6.250 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ trúng thầu tiếp tục ở mức cao đến 95%, tương ứng đã có 5.950 tỷ đồng trái phiếu được hấp thụ. Kỳ hạn 10 năm và 15 năm tiếp tục có số lượng phát hành lớn nhất, chiếm hơn 66% lượng trái phiếu phát hành. Đáng lưu ý là lãi suất trúng thầu trung bình cho tất cả kỳ hạn từ 5-30 năm tiếp tục giảm so với tháng 8.
Như vậy trong quý III, Kho bạc Nhà nước đã phát hành tổng cộng 48.879 tỷ đồng trái phiếu, tương ứng gần 70%. Trong bối cảnh các hoạt động đầu tư công vẫn giải ngân chậm trễ, Chính phủ cũng khó có động lực đẩy nhanh tiến độ huy động vốn bằng trái phiếu, khi phần lớn nguồn vốn này KBNN vẫn đang gửi tại các ngân hàng mà chưa sử dụng hết.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2019, tổng giá trị trái phiếu lưu hành của trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương là 1.111.423 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu chính phủ chiếm phần lớn tổng giá trị lưu hành với tỷ trọng 86,72%, tương ứng 963.841 tỷ đồng, phần còn lại là trái phiếu chính phủ bảo lãnh 129.358 tỷ đồng, tương ứng 11,64% và trái phiếu chính quyền địa phương là 18.224 tỷ đồng, chiếm 1,64%.
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong tháng 9 có thêm 30 doanh nghiệp gọi vốn qua việc phát hành trái phiếu, huy động 20.307 tỷ đồng. Về số lượng đợt phát hành trái phiếu tháng 9 giảm 9 đợt nhưng về giá trị huy động vốn tăng 7.736 tỷ đồng so với tháng 8, phần lớn là các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản.
Trong đó có những thương vụ khá lớn như ngân hàng Agribank phát hành 4.998 tỷ đồng; BIDV 2.999 tỷ đồng gồm hai đợt, mỗi đợt 500 tỷ đồng và 2.499 tỷ đồng; ACB 2.600 tỷ đồng gồm 2 đợt, mỗi đợt 1.000 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng; HDBank 900 tỷ đồng; OCB phát hành các đợt huy động 200 tỷ đồng, 500 tỷ đồng, 500 tỷ đồng, 500 tỷ đồng; SeABank huy động 266 tỷ đồng và 243 tỷ đồng; VIB phát hành 500 tỷ đồng; LienVietPostBank phát hành 200 tỷ đồng.
Một số công ty thuộc lĩnh vực bất động sản phát hành trái phiếu thành công như Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn SOVICO phát hành trái phiếu huy động nhiều đợt trị giá 100 tỷ đồng, 50 tỷ đồng, 200 tỷ đồng; Công ty TNHH đầu tư và phát triển bất động sản Nova Tân Gia Phát phát hành 281 tỷ đồng trái phiếu; Công ty CP BCG Energy phát hành 116 tỷ đồng; Công ty CP Sunshine Marina Nha Trang phát hành 22 tỷ đồng trái phiếu...
Trong danh sách phát hành trái phiếu tháng 9 còn có sự xuất hiện của Công ty CP Tập đoàn Masan phát hành trái phiếu huy động 1.500 tỷ đồng. Lãi suất trái phiếu cao nhất trong tháng 9 là 11%/năm thuộc về các công ty, riêng lãi suất trái phiếu của các ngân hàng ở vào mức 6-7%/năm.
Đối với ngân hàng, áp lực tăng vốn tự có và vốn trung dài hạn để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới vẫn hiện hữu từ giờ đến cuối năm. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản cũng buộc phải tăng cường huy động vốn qua trái phiếu do có những hạn chế trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Đáng lưu ý là vào cuối tháng 8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có công văn nhắc nhở các ngân hàng kiểm soát rủi ro trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt lĩnh vực bất động sản. Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành theo đúng quy định. Ngân hàng kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro.
Theo Gia Lê/doanhnhansaigon.vn
NVDR vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Chờ gỡ nút thắt room ngoại Với việc lần đầu tiên được bổ sung vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi, các thành viên thị trường trông đợi chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) sẽ được triển khai để tháo gỡ bế tắc về tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp niêm yết đã kéo dài nhiều năm qua....