Luật chống rượu, bia: Cần thẳng thắn nhìn nhận thiếu sót
Các nhà làm luật cũng cần nhìn nhận thẳng thắn những thiếu sót trong quá trình làm luật khi đưa ra một quy định xử phạt nghiêm ngặt trong luật
Trước những băn khoăn liên quan tới luật phòng chống tác hại rượu, bia và Nghị định số 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có liên quan đến Luật này, còn ý kiến cho rằng, trong luật còn nhiều kẽ hở, thậm chí đang có sự nhầm lẫn giữa việc phòng chống tác hại của rượu bia với việc quản lý nồng độ cồn.
Cần thẳng thắn nhìn nhận thiếu sót khi làm luật. Ảnh: Thethao247.vn
Bình luận thêm, TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẳng định, mục đích của Luật hướng tới việc tuyên truyền, xử lý những trường hợp uống rượu bia khi lái xe là cần thiết, nhằm bảo đảm an toàn trật tự giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng cho người điều khiển phương tiện giao thông cũng như người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, TS Đinh Xuân Thảo cũng thừa nhận qua phản ánh thực tế Luật đang bộc lộ nhiều kẽ hở.
Về phía người làm luật, ông Thảo cho biết, tại thời điểm làm luật cũng đã nảy sinh hai luồng ý kiến gây tranh cãi về quy định ngưỡng nồng độ cồn nhất định để đưa ra biện pháp xử lý cho phù hợp. Sau đó, Luật đã thông qua quy định với nồng độ cồn từ 0-0,24 mg/lít khí thở, người điều khiển xe sẽ bị phạt tiền và giữ giấy phép lái xe.
Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000-600.000 đồng.
Ông Thảo cho rằng, đặt ra ngưỡng nồng độ cồn để xử phạt như trên rõ ràng những người làm luật đã chưa tính toán, chưa nghiên cứu kỹ càng mọi nhẽ. Vì, từ thực tế cho thấy, để đo được nồng độ cồn thì không chỉ do uống rượu, mà ăn một số loại hoa quả nhiều đường, hoa quả ngâm đường đều có thể tạo ra nồng độ cồn như: vải, nho, sô cô la nhân rượu, siro cảm cúm, dung dịch sát trùng miệng họng… cũng có lượng cồn nhưng không ảnh hưởng tới hành vi, năng lực của người điều khiển phương tiện giao thông.
Trong khi đó, nếu đặt ra ngưỡng xử phạt với nồng độ cồn trong hơi thở, trong máu từ 0-0,24 mg/lít thì luật không chỉ hướng tới quy định cấm uống rượu bia nữa mà bất cứ ai ăn gì, uống gì nếu đo được nồng độ cồn đều có thể bị xử phạt.
Ông Thảo cho rằng, đây là vấn đề bất cập thể hiện rõ sự hạn chế trong quá trình làm luật, cần phải xem xét kỹ lưỡng.
Trong khi đó, nếu thực hiện như giải thích của lực lượng CSGT là dựa vào quan sát thái độ của người vi phạm hoặc đợi một khoảng thời gian nhất định cho lượng cồn bay đi hoặc yêu cầu xét nghiệm máu để xác định nồng độ cồn của người tham gia phương tiện giao thông là rất lằng nhằng, phức tạp, tốn kém, mất thời gian, hoàn toàn không khả thi.
Do đó, nguyên Viện trưởng Viện lập pháp cho rằng nên thực hiện theo các nước, đặt ra một ngưỡng tối thiểu ví dụ: nếu đo được nồng độ cồn từ 0,02 mg/lít hơi thở thì lúc đó mới cần xử phạt.
“Các nhà làm luật cũng cần nhìn nhận thẳng thắn những thiếu sót trong quá trình làm luật khi đưa ra một quy định xử phạt nghiêm ngặt trong luật”, ông Thảo nói.
TS Lê Hồng Sơn: Có kẽ hở trong luật chống rượu, bia
Bàn thêm về Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, ông Thảo cho biết trước nay chúng ta hay nói câu chuyện thiếu chế tài xử lý nghiêm khắc, không mang tính răn đe.
Theo xu hướng này, việc nâng cao mức phạt để bảo đảm tính răn đe là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, nâng tới mức độ nào theo ông Thảo cũng phải tính.
“Đồng ý các biện pháp xử lý cần phải nghiêm khắc, thực thi triệt để mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, mới buộc người dân phải thực thi theo pháp luật. Ví dụ như việc cấm đốt pháo.
Tuy nhiên, các nước đưa ra mức phạt cũng phải căn cứ trên thu nhập theo đầu người, ở Việt Nam cũng phải dựa trên các yêu cầu như vậy. Pháp luật phải trải qua một quá trình gồm: tuyên truyền, giáo dục và răn đe. Nếu đặt ra mức phạt quá cao và thực hiện ngay có thể sẽ gây sốc, gây khó cho người thực thi. Việc này cũng phải cân nhắc, điều chỉnh cho hợp lý”, ông Thảo góp ý.
Liên quan tới nội dung này, tại buổi họp báo mới đây Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, cục trưởng Cục CSGT khẳng định, không có chuyện ăn hoa quả hay uống siro mà bị xử phạt.
Ông Dũng cho biết, đã quán triệu tới các đơn vị, nếu tài xế trình bày mình vừa ăn hoa quả hoặc uống siro thì sẽ cho họ uống nước hoặc 5 phút sau thổi lại. Kết quả thông báo không có nồng độ cồn thì không xử lý, ngược lại, nếu chính xác có nồng độ cồn thì phải xử lý theo quy định.
Thông tin thêm, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, trưởng phòng tuyên truyền, hướng dẫn giải quyết TNGT, cho biết cục trưởng Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng tổ chức thực nghiệm tình huống này.
Kết quả cho thấy nếu ăn các loại hoa quả như nho, dứa… qua kiểm tra không phát hiện được cồn.
Đối với các loại siro, hoa quản lên men, ban đầu cho chỉ số từ 0,6-1, thậm chí là 1,2mg/lít khí thở. Tuy nhiên, chỉ sau 2-5 phút hoặc uống nước, chỉ số này về 0.
Vì thế, thông tin ăn hoa quả mà bị xử phạt nồng độ cồn là không chính xác.
Về kết quả thực hiện nghị định 100, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật – trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết, sau 1 tuần triển khai, lực lượng CSGT đã xử phạt 25.000 trường hợp vi phạm với số tiến hờn 22 tỉ, trong đó riêng vi phạm nồng độ cồn xử phạt 3.700 trường hợp, số tiền đã nộp phạt là 12,5 tỉ.
Lam Nguyễn
Theo baodatviet.vn
Trưởng phòng CSGT TP.HCM: 'Xử lý nghiêm CSGT uống rượu bia mà vẫn chạy xe'
Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) khẳng định kiên quyết không để xuất hiện tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn và xử lý nghiêm CSGT nếu uống rượu bia mà vẫn chạy xe.
Ông Phong nói sẽ không để xảy ra tiêu cực, sai phạm khi CSGT kiểm tra nồng độ cồn Ảnh Vũ Phượng - Độc Lập
Chiều 6.1, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) tổ chức tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP trong năm 2019 và phương hướng hoạt động năm 2020.
"Nóng" nhất buổi tổng kết là các câu hỏi liên quan đến Nghị định 100 vừa có hiệu lực từ ngày 1.1.2020, đặc biệt là các lỗi vi phạm liên quan đến người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong hơi thở.
Vợ Việt kiều Pháp cãi tay đôi với CSGT vì chồng uống 1 ly bia bị giam xe
Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên về việc người dân hoài nghi sẽ xuất hiện hối lộ, tiêu cực trong khi CSGT lập chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn vì mức phạt đang quá cao, thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng PC08 khẳng định kiên quyết không để CSGT xuất hiện tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Theo đó, ông Phong cho biết, khi tổ chức triển khai thực hiện kiểm tra nồng độ cồn, PC08 đã quán triệt đến 100% cán bộ chiến sĩ về tinh thần trách nhiệm trong quá trình tác nghiệp. Để hạn chế tiêu cực, lực lượng CSGT không làm việc độc lập mà còn có sự tham gia của các lực lượng khác như: tổ công tác 363, Cảnh sát cơ động, công an phường,...
Ông Huỳnh Trung Phong trả lời báo chí trong chiều 6.1 Ảnh Vũ Phượng
"CSGT cũng kết hợp với cả người dân để tuyên truyền ở khu phố và khu dân cư trên tinh thần cam kết thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra sai phạm nào của cán bộ chiến sĩ trong việc xử lý nồng độ cồn với người vi phạm để tạo được tính răn đe và sự tuân thủ pháp luật của người dân TP", ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, ngay bản thân CSGT cũng phải cam kết đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện. PC08 sẽ xử lý rất nghiêm cán bộ chiến sĩ có uống rượu bia mà điều khiển phương tiện trên đường.
Theo PC08, trong 6 ngày đầu năm 2020, CSGT đã lập biên bản 200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó 10 trường hợp là người lái ô tô, 190 trường hợp là người đi xe máy.
Theo thanhnien.vn
Ăn pizza, uống nhiều nước tăng lực sẽ khiến nồng độ cồn tăng cao Ngoài rượu bia thì nước tăng lực cũng khiến nồng độ cồn trong người tăng cao và sẽ bị phạt nặng nếu dùng quá nhiều. Bên cạnh rượu bia thì nước tăng lực, thuốc lá và nhiều loại thuốc cũng gây ra dương tính khi đo nồng độ cồn, thậm chí là xét nghiệm máu. Ảnh minh hoạ. Dùng sản phẩm chứa bạc...