“Luận” vai trò của ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh
Bản án sơ thẩm xác định, bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo ký kết Hợp đồng EPC số 33 trái quy định; bị cáo Trịnh Xuân Thanh giữ vai trò quyết định trong việc chỉ đạo điều hành Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) ký kết Hợp đồng EPC số 33.
Ông Thăng chỉ đạo ký hợp đồng trái quy định
Làm rõ vai trò của bị cáo Đinh La Thăng trong việc chỉ định PVC làm tổng thầu dự án NMNĐ Thái Bình 2, HĐXX sơ thẩm xác định, Nghị quyết Hội đồng thành viên PVN (HĐTV PVN) đã nêu rõ, muốn thực hiện dự án thì PVC phải thành lập liên danh tổng thầu với các nhà thầu nước ngoài có đủ năng lực và kinh nghiệm.
Tuy nhiên, sau đó, bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ định PVC là nhà thầu duy nhất làm tổng thầu EPC Dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, vi phạm Nghị quyết của HĐTV PVN, Điều lệ PVN. Lời khai của bị cáo Đinh La Thăng thể hiện, bị cáo cũng thừa nhận do sức ép về tiến độ nên có sai phạm về quy trình trong việc chỉ định PVC làm tổng thầu không thông qua HĐTV.
Bị cáo Đinh La Thăng tại buổi tuyên án sáng 22/1. (Ảnh: TTXVN)
Trong khi dự án đầu tư hiệu chỉnh chưa được phê duyệt, chưa có thiết kế FEED, tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu và một loạt các thủ tục pháp lý khác có liên quan nhưng do nôn nóng, cũng như do sức ép công việc nên bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo ký kết Hợp đồng EPC số 33 trái quy định.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) khai, tại thời điểm ký kết, Hợp đồng EPC số 33 chưa có căn cứ pháp lý, chưa đủ điều kiện để ký kết Hợp đồng EPC nhưng bị cáo chỉ đạo phải nhanh chóng ký Hợp đồng EPC số 33 là do tại thời điểm này, ông Đinh La Thăng và Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN) chỉ đạo yêu cầu rút ngắn tiến độ, ký Hợp đồng EPC dự án NMNĐ Thái Bình 2 trước ngày 28/2/2011 để khởi công vào ngày 1/3/2011. Điều này phù hợp với lời khai của ông Vũ Huy Quang, nguyên Tổng Giám đốc PVPower; phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án…
Do vậy, theo bản án sơ thẩm, có đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Đinh La Thăng đã được báo cáo và biết rõ phải đến tháng 6/2011 mới có đủ hồ sơ để ký Hợp đồng EPC dự án NMNĐ Thái Bình 2 nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới ký kết hợp đồng trái quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định của Chính phủ về Hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận chỉ đạo tạm ứng vốn 10% cho PVC trong khi tài liệu thể hiện Hợp đồng EPC số 33 thiếu nhiều nội dung quan trọng, không có cơ sở để tạm ứng. Tại tòa, ông Vũ Huy Quang khẳng định đã báo cáo rõ với bị cáo Đinh La Thăng và toàn thể lãnh đạo PVN là Hợp đồng EPC số 33 có thiếu sót, chưa đủ cơ sở pháp lý, cần phải ký lại.
Lời khai này cũng phù hợp với lời khai của bị cáo Vũ Hồng Chương về việc đã trực tiếp báo cáo bị cáo Đinh La Thăng về việc Ban quản lý dự án không làm văn bản chuyển tiền tạm ứng cho PVC vì việc tạm ứng không phù hợp quy định, có sự chứng kiến của bị cáo Nguyễn Quốc Khánh. Sau đó, bị cáo Đinh La Thăng có yêu cầu bị cáo Nguyễn Xuân Sơn lên báo cáo và yêu cầu trong tuần sau phải chuyển tiền cho PVC. Điều này cũng phù hợp với lời khai của bị cáo Sơn về việc bị cáo Thăng chỉ đạo chuyển tiền tạm ứng.
Bị cáo Thăng cũng thừa nhận đã có bút phê vào Công văn xin tạm ứng hợp đồng của PVC, chỉ đạo việc tạm ứng 10% giá trị Hợp đồng EPC số 33 cho PVC.
Video đang HOT
PVC ở thời điểm chỉ định thầu trái pháp luật, ký Hợp đồng 33 khi chưa đủ các điều kiện cần thiết theo luật định, tạm ứng số tiền lớn để chi tiêu trái phép, không cho công trình, là một doanh nghiệp đang thâm hụt tài chính, đang thu lỗ và không có khả năng đảm nhận các dự án lớn. Điều này đã được cảnh báo tại các văn bản của Ban quản lý Dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 và của PVPower.
Cũng thời điểm đó, PVN chỉ định thầu xây dựng một số dự án khác như Ethanol Dung Quất, Ethanol Phú Thọ, Xơ Sợi Đình Vũ…, cho đến nay đã được xác định là thất thoát thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Mỗi dự án như vậy có nguy cơ trở thành một vụ án, lãnh đạo PVC đang phải đối mặt với việc bị điều tra, truy tố, xét xử trong các vụ án hình sự khác.
Các tài liệu và lời khai của các bị cáo khác khẳng định bị cáo Đinh La Thăng biết rõ điều kiện, năng lực của PVC đang rất khó khăn nhưng vẫn yêu cầu chỉ định thầu và chỉ định thầu cho PVC thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2.
HĐXX tòa sơ thẩm nhận định, hành vi của bị cáo Thăng đã vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, gây hậu quả nặng nề cho Nhà nước. Đối chiếu với quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, hành vi của bị cáo thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu của tội “ Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” chứ không phải tội danh khác như bị cáo và luật sư đưa ra.
HĐXX ghi nhận quá trình cống hiến của bị cáo Đinh La Thăng như là tình tiết giảm nhẹ, nhưng pháp luật cần được tôn trọng công minh và bình đẳng, không loại trừ bất kỳ ai. Một bản án có tình, có lý, tính đến cả công và tội nhưng nghiêm khắc cũng là sự cảnh báo cần thiết cho sự lạm dụng quyền lực và tùy tiện vi phạm pháp luật gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho lợi ích của đất nước, lợi ích của nhân dân.
Trịnh Xuân Thanh giữ vai trò quyết định
Tại phiên tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh thừa nhận biết năng lực PVC chưa đạt để làm tổng thầu, hồ sơ chưa đầy đủ nhưng vẫn chỉ đạo PVC ký kết Hợp đồng EPC số 33; thừa nhận đôn đốc Ban Giám đốc PVC sớm xin cấp tạm ứng thực hiện hợp đồng; thừa nhận HĐQT đã ra chủ trương và quyết định việc góp vốn vào các công ty con, tuy nhiên cho rằng việc sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích để góp vốn là do Ban Giám đốc và Kế toán trưởng thực hiện.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh được xác định giữ vai trò quyết định trong việc chỉ đạo điều hành PVC ký kết Hợp đồng EPC số 3.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng, vai trò của bị cáo trong việc chỉ đạo ký kết Hợp đồng EPC số 33 là rất mờ nhạt và bị cáo không có vai trò quyết định trong việc sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích. Hành vi của bị cáo chỉ là thiếu trách nhiệm.
HĐXX thấy rằng, đối với việc chỉ đạo ký kết Hợp đồng EPC số 33, bị cáo Trịnh Xuân Thanh thừa nhận chỉ đạo ký kết trong khi hồ sơ chuẩn bị không đầy đủ theo quy định của pháp luật. Điều này phù hợp với lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa và phù hợp với tài liệu, chứng cứ thu thập được. Như vậy, vai trò của Trịnh Xuân Thanh là quyết định trong việc chỉ đạo điều hành PVC ký kết Hợp đồng EPC số 33, ý kiến của các luật sư cho rằng bị cáo có vai trò mờ nhạt và chỉ đạo thiếu trách nhiệm là không có cơ sở.
Đối với việc xin cấp tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng, Trịnh Xuân Thanh thừa nhận đã đôn đốc việc xin tạm ứng tiền. Điều này phù hợp với lời khai của bị cáo Vũ Đức Thuận tại phiên tòa về việc đẩy nhanh tiến độ xin tập đoàn tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng là theo chỉ đạo của Thanh, lúc đó tài chính công ty rất khó khăn, chỉ trông chờ nguồn tiền dự án.
Điều này phù hợp lời khai của bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến là tại PVC việc quản lý và điều hành rất gần nhau. Trịnh Xuân Thanh là người quản lý nhưng luôn tham gia việc giao ban tuần, tháng của Ban Giám đốc. Các chỉ đạo của Thanh tại các cuộc họp này luôn được Tổng Giám đốc tiếp thu và đưa vào kết luận của Ban điều hành.
Điều này còn phù hợp với lời khai của bị cáo Pham Tiến Đạt về việc đã có báo cáo nhanh về tình hình tài chính khó khăn của PVC với HĐQT, trong đó có Trịnh Xuân Thanh và Ban Giám đốc nên Trịnh Xuân Thanh đã biết được tình hình tài chính của PVC….
Như vậy, HĐXX có đủ căn cứ để khẳng định Trịnh Xuân Thanh biết được PVC không đủ năng lực để làm tổng thầu thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2, chưa đủ điều kiện để ký kết nhưng bị cáo vẫn chỉ đạo ký kết Hợp đồng EPC số 33; chỉ đạo việc xin tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích. Hành vi của bị cáo thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu của tội “Cố ý làm trái”.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Thẩm phán xử vụ ông Đinh La Thăng: Sức ép lớn nhất là thời gian
Theo thẩm phán Trương Việt Toàn, trong vụ án ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm, HĐXX không chịu sức ép gì ngoài sức ép về mặt thời gian.
Làm việc cả ngày nghỉ Tết
Sau buổi tuyên án ông Đinh La Thăng và 21 đồng phạm sáng 22/1, thẩm phán Trương Việt Toàn - thành viên HĐXX - đã có cuộc trao đổi ngắn với báo giới.
Theo ông Toàn, đây là phiên tòa mà đa số bị cáo đều có chức vụ, quyền hạn, từng giữ trọng trách cao trong cơ quan nhà nước.
HĐXX tuyên án sáng 22/1. (Ảnh: TTXVN)
Trong vụ án này, HĐXX không chịu sức ép gì ngoài sức ép về mặt thời gian. Do thời gian hồ sơ vụ án từ khi chuyển sang tòa đến khi xét xử tương đối ngắn, HĐXX đã phải tập trung nghiên cứu hồ sơ không có ngày nghỉ, từ sáng đến 8-9h tối, kể cả ngày mồng 1 Tết Dương lịch.
"Áp lực cũng được hạn chế đi rất nhiều bởi sự phối hợp rất tốt giữa các cơ quan nội chính Trung ương, đặc biệt khi có kết thúc điều tra, các điều tra viên đã chủ động sao chụp hồ sơ chuyển cho thẩm phán nghiên cứu. Sự phối hợp giữa tòa án với các cơ quan tố tụng trung ương đặc biệt tốt." - thẩm phán Trương Việt Toàn chia sẻ.
Nói về quá trình xét xử, ông Toàn cho hay, tại tòa, do cách thẩm vấn của HĐXX, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội và thể hiện sự ăn năn dù trước đó, trong suốt quá trình nghiên cứu hồ sơ, một số bị cáo chưa thực sự thành khẩn.
Theo thẩm phán Trương Việt Toàn, ở góc độ quản lý, do thiếu sự giám sát, kiểm tra nên các bị cáo giữ chức vụ tự cho mình quyền hành xử không phù hợp pháp luật. Tuy nhiên, khi ra tòa, các bị cáo hiểu được việc hành xử như vậy thì hệ quả một ngày tất yếu các bị cáo phải vào vòng lao lý nên các bị cáo ăn năn.
"Quá trình xử án, HĐXX đã lắng nghe ý kiến trình bày của các bị cáo cũng như luật sư, đại diện Viện Kiểm sát. Khi lượng hình, HĐXX cũng xem xét đến nhân thân, thành tích của các bị cáo." - thẩm phán Toàn cho hay.
Đưa vụ án ra xét xử là tiếng chuông cảnh tỉnh
Chia sẻ về những đổi mới theo tinh thần cải cách tư pháp được áp dụng trong phiên tòa này, ông Toàn cho biết, đây là một trong những phiên tòa được áp dụng theo Bộ luật Tố tụng hình sự mới.
Ông Đinh La Thăng tại buổi tuyên án. (Ảnh: TTXVN)
Một số điểm mới đáng chú ý như bị cáo không phải đứng trước vành móng ngựa, đại diện Viện Kiểm sát và luật sư ngồi ngang hàng nhau, điều tra viên có thể được triệu tập đến tòa để làm rõ hành vi tố tụng của điều tra viên, hai nguyên tắc suy đoán vô tội và công ước quốc tế về quyền con người được thể chế hóa rất rõ...
Qua vụ án này và một số vụ án tham nhũng gần đây, thẩm phán Trương Việt Toàn cảm thấy tâm huyết với câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng bất kỳ một tổ chức, cơ quan đoàn thể nào, yếu tố con người mang tính quyết định.
"Các vụ án gần đây mang yếu tố lãnh đạo. Người lãnh đạo thiếu phát huy dân chủ, độc đoán, không chỉ để bản thân sai phạm mà còn kéo theo nhiều người ở dưới. Công tác kiểm tra giám sát các ngành, các tổ chức doanh nghiệp rất quan trọng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước." - ông Toàn chia sẻ và cho rằng, các vụ án được kịp thời đưa ra xét xử là tiếng chuông cảnh tỉnh với những người có ý định xâm phạm tài sản của Nhà nước và thực hiện hành vi tham nhũng.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Đại án VNCB: Đề nghị thu 6.120 tỉ đồng từ TPBank, Sacombank, BIDV Theo đại diện Viện KSND TPHCM thì TPBank, Sacombank, DIBV cho Phạm Công Danh vay sai quy định nhà nước gây thiệt hại cho VNCB số tiền 6.120 tỉ đồng. Vì vậy, cần xem xét đề nghị thu hồi số tiền này trả cho VNCB. Ngày 22/1, TAND TPHCM tiếp tục phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ...