Luận tội Tổng thống Trump: Cử tri Mỹ nghĩ gì?
Hầu hết cử tri Mỹ đều tin rằng cuộc điều tra luận tội sẽ chỉ tiêu tốn thời gian của đất nước và không ảnh hưởng tới Tổng thống Trump.
Bà Kristy Schneeberger, một người ủng hộ đảng Dân chủ tới từ miền Đông bang Iowa nói đã tới lúc đảng Dân chủ tính tới chuyện luận tội Tổng thống Trump.
“Không ai ở trên pháp luật”, bà nhấn mạnh.
Nhưng với bà Schneeberger và nhiều cử tri Dân chủ khác trên khắp đất nước, viễn cảnh về một cuộc chiến luận tội bùng nổ ở Washington cũng khiến họ lo lắng.
Họ lo sợ luận tội sẽ phản tác dụng, đẩy thêm các lá phiếu về tay ông Trump và khi đảng Dân chủ bận rộn chuyện kiện cáo, các nghị sỹ sẽ chẳng còn thời gian để để tâm tới nỗ lo của người dân về chăm sóc sức khỏe, nhập cư và kinh tế.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi công bố khởi động cuộc điều tra luận tội. (Ảnh: Reuters)
Theo New York Times, những người ủng hộ đảng Cộng hòa của ông Trump cũng như các cử tri ôn hòa bỏ phiếu bầu cho ông năm 2016 nhìn chung vẫn không mấy tin vào chuyện Tổng thống phạm tội.
Cuộc điều tra luận tội mới do các lãnh đạo Dân chủ ở Hạ viện khởi xướng theo họ chỉ là một câu chuyện bị đẩy lên quá mức và ông Trump sẽ dễ dàng vượt qua.
“Tôi nghĩ đó là một trò đùa”, ông Reggie Dickerson, 54 tuổi, một người thợ làm gỗ ở phía đông bang Kentucky nói.
Cô Donna Burgraff tới từ Andersonville, bang Tennessee cho rằng những câu chuyện luận tội lặp đi, lặp lại của đảng Dân chủ cũng giống như chuyện cậu bé chăn cừu. Do đó phải có gì đó thực sự lớn và nghiêm trọng mới đủ sức thuyết phục.
“Nhưng tôi chẳng nhìn thấy điều gì khủng khiếp cả”, cô này nói.
Vài năm qua, các cuộc thăm dò đều chỉ ra rằng đa số người Mỹ đều phản đối luận tội ông Trump và coi đây là chủ đề ít quan trọng các vấn đề thực tế như chăm sóc sức khỏe và tạo việc làm.
Trong cuộc phỏng vấn của New York Times với các cử tri hôm 24/9 sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội, không có sự thay đổi rõ ràng nào quan điểm luận tội Tổng thống của họ.
Trong khi các cử tri đảng Cộng hòa tin rằng diễn biến mới đây sẽ mở rộng thêm đường tái đắc cử của ông Trump, những người ủng hộ đảng Dân chủ e ngại việc luận tội nhà lãnh đạo Mỹ có thể không qua nổi cửa Hạ viện chứ chưa nói tới Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa đang kiểm soát.
“Tội sợ rằng ông Trump có thể lật lại vấn đề này mọi lúc và quay lại phản công”, ông Kevin Hansen, một nông dân ở Dubuque, Iowa cho biết.
Video đang HOT
Quá trình luận tội tương tự như thông qua dự luật. Trước hết, phải có 218 lá phiếu đồng ý luận tội tổng thống trong tống số 435 ghế tại Hạ viện. Đảng Dân chủ hiện nắm 235 ghế. Nếu Tổng thống Trump bị luận tội ở Hạ viện, vấn đề này sẽ tiếp tục được chuyển lên Thượng viện, nơi các thượng nghị sỹ sẽ xem xét các bằng chứng và quyết định có phế truất Tổng thống hay không. Ông Trump sẽ bị buộc rời nhiệm sở nếu có ít nhất 2/3 thành viên Thượng viện bỏ phiếu thông qua việc bãi nhiệm ông.
Dù vậy, một số cử tri đảng Dân chủ tỏ ra hài lòng với tính biểu tượng của cuộc điều tra vào thời điểm này cũng như triển vọng của các phiên điều trần kéo dài nhiều tháng.
Song song với các cuộc tranh cãi ở Washington về nội dung cuộc điện đàm mới được công bố giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine, cuộc tranh luận tương tự cũng xảy ra giữa các cử tri ủng hộ 2 đảng.
Cử tri đảng Dân chủ tin rằng ông Trump đã lạm dụng quyền lực để thúc ép nhà lãnh đạo Ukraine điều tra ông Biden, cử tri đảng Cộng hòa lại quả quyết cuộc điện đàm chẳng đề cập gì tới một lời đe dọa.
Bà Trisha Hope, người “sưu tập” các tweet của Tổng thống Trump và biên soạn lại chúng trong một cuốn sách nói bà thấy “không có gì là không đúng” trong cuộc trao đổi cuối tháng 7.
Ngay cả những cử tri đang dao động về ông Trump cũng hoài nghi luận tội, cho rằng đây sẽ chỉ là một trò hề.
Ông Mike Callaham, 72 tuổi, nhà hóa sinh đã nghỉ hưu ở Apex, Bắc Carolina nghi ngờ về thủ tục luận tội. Ông tin rằng đảng Dân chủ chỉ đang đánh lạc hướng cử tri về các vấn đề thực sự mà đất nước đang phải đối mặt như nhập cư và cơ sở hạ tầng.
“Họ chắc chắn đã cố gắng luận tội ông ấy kể từ ngày ông đắc cử. Quốc hội đang làm gì vậy?”, ông Callaham đặt câu hỏi.
Nhưng với ít nhất một người từng ủng hộ ông Trump, hành vi của ông với người cấp Ukraine đã đi quá xa.
Ông Reginald Johnson, 60 tuổi tới từ Memphis, Tennessee từng bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 nói ông ủng hộ cuộc điều tra luận tội.
“Tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải làm một cái gì đó. Hành động của ông ấy đang tạo ra một tiền lệ nguy hiểm để các quốc gia khác can thiệp vào cuộc bầu cử và làm bất cứ điều gì họ muốn với Mỹ mà không phải chịu hậu quả”, ông Johnson nhận định.
Nhiều cử tri Dân chủ xem luận tội là một vụ cá cược chính trị đầy rủi ro và tin rằng bà Pelosi cùng các đồng minh đã hành động quá vội vàng.
Hơn hết, nhiều cử tri của 2 đảng trải qua thời điểm ông Clinton bị luận tội và hiểu rõ rằng luận tội là phức tạp và tiêu hao thời gian nhiều thế nào.
“Nếu bạn nhìn lại bất cứ quá trình luận tội nào, chúng đã chia rẽ chúng tôi sâu sắc hơn. Và giờ cũng vậy”. bà Leticia Pelaez tới từ Miami cho hay.
(Nguồn: NYT)
SONG HY
Theo VTC
Chiến dịch 'I' - Luận tội Tổng thống Trump: Mục đích che giấu của đảng Dân chủ là gì?
Mục đích thực sự của việc khởi động luận tội Tổng thống không phải là loại bỏ ông Donald Trump khỏi quyền lực, mà là một nỗ lực nhằm ngăn chặn ông tái đắc cử.
Câu chuyện về cuộc đối đầu giữa Donald Trump và các đối thủ của ông từ đảng Dân chủ Mỹ đang nhanh chóng biến thành các hành động thù địch. Khi biết không thể chơi "lá bài Nga" để khởi động luận tội, đảng Dân chủ quay sang lợi dụng những tuyên bố mơ hồ của ông Trump trong cuộc trò chuyện tháng 7 với Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Nhà lãnh đạo Mỹ bị cáo buộc cố gắng gây áp lực với người đồng cấp Ukraine để có được bằng chứng buộc tội chống lại đối thủ chính của mình trong cuộc bầu cử năm 2020 - ông Joe Biden. Đáp lại, Nhà Trắng công bố đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện. Tuy nhiên, Hạ viện lại khẳng định rằng hành vi của Tổng thống có thể làm suy yếu an ninh quốc gia.
Giới chuyên gia cho rằng, việc bắt đầu thủ tục luận tội chính là một phần chiến lược của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sắp tới. Song việc tước bỏ vị trí của nhà lãnh đạo Mỹ thông qua quá trình này là gần như không thể.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố bắt đầu tiến trình luận tội Tổng thống. (Ảnh: TASS)
Chỉ cần một lý do
"Impeachment" (luận tội) là từ thường xuyên xuất hiện trong những phát ngôn giận dữ từ các đối thủ của ông Donald Trump, gần như ngay từ khi ông bước qua ngưỡng cửa Nhà Trắng, bắt đầu công cuộc " làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Chế độ hai đảng của Mỹ ngay từ đầu đã "cấy gene bất đồng" vào hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Tuy nhiên, việc đặt chân tới Đỉnh Olympus (Washington) của ông Donald Trump - một người nằm ngoài hệ thống và thích chơi theo luật của riêng mình - đã biến sự ganh đua thành chiến tranh. Và tại đây, tất cả mọi thứ đều có thể trở thành phương tiện.
Đối với đảng Dân chủ, nhà lãnh đạo Mỹ hiện tại không chỉ là một trong những tổng thống của đảng Cộng hòa. Ông ấy là một nhân vật nguy hiểm, đe dọa " rút cạn đầm lầy Washington", và quan trọng nhất là hoàn toàn không thể đoán trước.
Chiến thắng của ông Trump năm 2016 là một đòn giáng mạnh vào cách làm truyền thống của chính trị Mỹ. Và nếu như đảng Cộng hòa buộc phải làm quen với sự lãnh đạo của ông và thậm chí còn công khai tập hợp xung quanh ông chủ của mình, thì đảng Dân chủ vẫn theo đuổi " cuộc viễn chinh Thập Tự quân" mà không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào.
Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Muller, kéo dài từ tháng 5/2017 đến tháng 3/2019, không thể chứng minh được sự thông đồng của ông Trump với Nga, mà chỉ xác nhận rằng Matxcơva có can thiệp vào chiến dịch tranh cử. Đảng Dân chủ đã xoa tay trong gần 2 năm, kiên nhẫn chờ đợi kết quả điều tra của ông Muller, và tin rằng kết quả đó chắc chắn sẽ giúp họ trục xuất ông Trump ra khỏi Nhà Trắng. Tuy nhiên, công tố viên đặc biệt, người đã tiêu tốn hàng tỷ USD cho nghiên cứu của mình, khiến phe Dân chủ vô cùng thất vọng, đồng thời mang lại cho Tổng thống cơ hội buộc tối các đối thủ của mình gian dối.
Tình hình bắt đầu trở nên phức tạp hơn bởi thực tế là trong đảng Dân chủ hầu như không có ai đủ sức đứng lên đối đầu với ông Donald Trump trong cuộc bầu cử sắp tới. Danh sách các ứng cử viên thì rất dài, nhưng lại chẳng có ai là đối thủ nặng ký cả. Cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người mà tại thời điểm bỏ phiếu ngày 3/11/2020 sẽ là 78 tuổi thiếu 3 tuần, đang phải è cổ gánh trách nhiệm cho phần còn lại.
Theo các cuộc thăm dò mới nhất vào ngày 24/9, được công bố trên realclearpolencies.com, ông Joe Biden chỉ hơn ông Donald Trump vài phần trăm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các cuộc điều tra xã hội học trong hầu hết các trường hợp đều cho thấy những kết quả nghiêng về các ứng cử viên Dân chủ tiềm năng. Cũng giống như câu chuyện của bà Hillary Clinton, khi mà tất cả các cuộc thăm dò và các phương tiện truyền thông đều nhất loạt tuyên bố từ rất sớm rằng bà sẽ là tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vào năm 2016, trong khi ông Trump khi đó chỉ được coi là một trong các đối thủ không nên xem thường.
Khi không thể sử dụng Nga làm lý do khởi động luận tội, niềm vui bất ngờ đến với các nhà dân chủ. Trong cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và ông Volodymyr Zelensky vào ngày 25/7, nhà lãnh đạo Mỹ bị cáo buộc là khăng khăng yêu cầu người đồng nghiệp điều tra vụ án liên quan đến con trai của ông Joe Biden - người trong ban giám đốc của công ty khí đốt Burisma. Và để đổi lấy sự thỏa hiệp đó, người đứng đầu Nhà Trắng hứa sẽ "gỡ niêm phong" số tiền 400 triệu USD viện trợ quân sự cho Kiev.
Khi vụ bê bối bắt đầu theo chiều hướng xấu, ông Donald Trump hứa sẽ công khai đoạn băng ghi âm cuộc trò chuyện này. Nhưng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi quyết định không chờ đến khi nội dung đó được công bố và thông báo bắt đầu cuộc điều tra.
Và đúng là, hành động của ông Trump trở thành vô ích. Ngày 25/9, Nhà Trắng công bố đoạn băng ghi âm cuộc trò chuyện giữa hai Tổng thống. Trong đó, ông Trump thực sự có nói với ông Zelensky: " thật tốt nếu như vụ việc liên quan đến con trai ông Biden được làm sáng tỏ". Và nhà lãnh đạo Ukraine cũng khẳng định rằng Tổng Công tố viên mới sẽ xử lý vụ án này " một cách cởi mở và thẳng thắn".
Tuy nhiên, không hề có bất cứ áp lực nào từ phía người đứng đầu Nhà Trắng lên người đồng cấp Ukraine trong cuộc trò chuyện này. Và cũng không có thông tin nào là dùng khoản tiền hỗ trợ quân sự để đổi lấy bằng chứng buộc tội. Do đó, có thể khẳng định rằng những thông tin đã đưa trước đó đều là tin giả.
Mục đích che giấu
Trên thực tế, quá trình luận tội này khó có khả năng dẫn đến sự từ chức của Tổng thống. Thứ nhất, một số Ủy ban của Hạ viện chỉ vừa mới bắt đầu nghiên cứu khả năng luận tội nhà lãnh đạo Mỹ đương nhiệm. Thứ hai, toàn bộ Hạ viện cần bỏ phiếu để có thể tiếp tục điều tra sau khi có kết luận của các Ủy ban. Và chỉ sau đó, Thượng viện sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng. Trong khi tại Thượng viện, ưu thế lại đang thuộc về những nghị sĩ đảng Cộng hòa - những người khó lòng lại đi chống lại nhà lãnh đạo của mình.
Ngoài ra, như giải thích của Chủ tịch Đại học Mỹ tại Matxcơva, ông Eduard Lozansky, ngay cả ở Hạ viện, đảng Dân chủ hiện cũng đang thiếu mất khoảng 2 chục phiếu bầu phản đối Tổng thống Mỹ. Có một thực tế là, những khu vực mà số người này được bầu vào Quốc hội đều đã bỏ phiếu cho ông Trump hồi năm 2016.
Mục đích thực sự của việc khởi động luận tôi là làm tổn hại danh tiếng của ông Donald Trump và toàn bộ đảng Cộng hòa - theo ông Andres Aslund, một chuyên gia của The Atlantic Council.
" Xét cho cùng, điều này có thể sẽ dẫn đến thất bại của họ trong cuộc bầu cử tới. Điều này đã được chứng minh qua bài học với lần luận tội thất bại đối với ông Bill Clinton (năm 2000, tổng thống Dân chủ vẫn tại vị đến khi kết thúc nhiệm kỳ, nhưng đảng của ông đã mất Nhà Trắng, và đảng Cộng hòa của George W. Bush đã thắng). Trong quá trình luận tội, Tổng thống sẽ không được coi là một vị vua nữa, mà là một tội phạm. Điều đó sẽ diễn ra ngày qua ngày, và đương nhiên, sẽ ảnh hưởng lớn đến ấn tượng của mọi người" - chuyên gia cho biết.
Theo ông Valery Garbuzov, giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ và Canada, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, việc luận tội không có cơ hội "để lưu vào tâm trí" mọi người, nhưng chính chủ đề này có thể hủy hoại cuộc sống của ông Donald Trump và trở thành một trong những yếu tố quyết định đến chiến dịch tranh cử.
" Ở Mỹ, không có tòa án nào thụ lý một vụ việc như vậy. Còn Quốc hội thì có thể, bằng cách sử dụng các quy định có trong Hiến pháp. Do đó, tất cả điều này là nhằm mục đích chính trị" - chuyên gia giải thích.
Không chỉ đảng Dân chủ, mà cả Tổng thống Mỹ cũng sẽ cố gắng nắm bắt những yếu tố có lợi từ câu chuyện này - chuyên gia lưu ý. Ông ấy đã từng một lần tuyên bố một cách đắc thắng trước những vu khống chống lại mình trong cửa "Russiagate", và có lẽ nhiều khả năng ông chủ Nhà Trắng sẽ lại tiếp tục chiến thắng trong cửa "Ukrainegate".
Theo ông Eduard Lozansky, Tổng thống Trump sẽ tìm cách biến câu chuyện này đi theo đúng hướng mình.
" Ông ấy chắc chắn sẽ nói: thay vì đối phó với các vấn đề của đất nước - chăm sóc sức khỏe, nền kinh tế,... họ lại chơi các trò chơi chính trị, lợi dụng vấn đề tham nhũng của ông Biden. Đó cũng là lý do tại sao bà Pelosi phản đối việc bắt đầu thủ tục luận tội trong suốt một thời gian dài. Nhưng sau vụ bê bối với Ukraine, bà ấy không còn lựa chọn nào khác. Nhiều khả năng, ông Trump vẫn sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến này" - chuyên gia nhận định.
(Tổng hợp)
VĂN ĐỨC
Theo VTC
Chủ tịch Hạ viện Pelosi : Tôi muốn nhìn thấy Tổng thống Trump vào tù Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói bà muốn thấyTổng thống Trump ngồi tù sau khi ông rời nhiệm sở và bị truy tố thay vì luận tội. "Tôi không muốn nhìn thấy ông ta bị luận tội, tôi muốn thấy ông ta trong tù", bà Pelosi tranh luận với Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler trong cuộc họp...