Luận tài hai ứng viên Tổng giám đốc IMF
Cuộc đua giành chiếc ghế Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đang hết sức nóng bỏng bởi hai ứng viên “ngang tài ngang sức” và cùng có những lợi thế không thể phủ nhận.
Tài năng “ngang ngửa”
Theo thông báo của IMF, cuộc đua cho chức vụ cao nhất của thể chế tài chính này giờ chỉ thuộc về Bộ trưởng tài chính Pháp Christine Lagarde và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico Agustin Carstens.
Hai nhân vật này đều được giới phân tích đánh giá rất cao về khả năng chuyên môn của mình. Trong khi bà Lagarde từng được bầu là Bộ trưởng Tài chính thành công nhất ở châu Âu do Financial Times bình chọn năm 2009, thì ông Agustin Carsten cũng có kinh nghiệm nắm giữ vị trí Phó Tổng giám đốc IMF giai đoạn 2003 – 2006.
Bản lý lịch của bà Christine Lagarde và ông Agustin Carstens đều chứa đầy những nốt son sáng chói. Năm 17 tuổi, sau khi cha qua đời, bà Lagarde sang Mỹ học tiếng Anh trong một năm. Trở về Pháp, bà học ĐH Luật Paris, sau đó nhận bằng thạc sĩ luật tại Viện nghiên cứu Khoa học Xã hội ở tỉnh Aix en Provence.
Năm 1981, bà trở lại Mỹ làm việc tại Công ty luật quốc tế Baker & McKenzie. Sau khi làm việc ở Baker & McKezie 18 năm, bà trở thành nữ chủ tịch hội đồng quản trị đầu tiên của công ty luật này.
Trở về làm việc tại Pháp năm 2005, bà Lagarde được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại. Năm 2007, bà được bổ nhiệm vào chức Bộ trưởng Tài chính, trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí này không chỉ ở Pháp mà ở cả các nước công nghiệp G-8.
Cả hai nhân vật này đều có rất “có tài” trong lĩnh vực tài chính.
Video đang HOT
Tỏ ra không kém cạnh, hồ sơ của ông Carstens ghi rõ, ông tốt nghiệp Học viện kỹ thuật Mexico chuyên ngành kinh tế. Sau thời gian ngắn làm việc tại Ngân hàng Trung ương Mexico, ông tiếp tục sự nghiệp học hành để nhận được tấm bằng thạc sĩ kinh tế năm 1983 và tiến sĩ kinh tế năm 1985. Sau đó ông kết hôn cùng nữ học giả Mỹ Catherine Mansell và chuyển sang quê hương vợ sinh sống.
Tuy nhiên, chỉ xa quê được vài năm, đầu những năm 1990, ông Carstens trở về nước và tiếp tục làm việc cho Ngân hàng Trung ương Mexico và leo lên vị trí trưởng phòng tài chính, tiếp đó là Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu kinh tế trực thuộc ngân hàng này.
Sau nhiều năm giữ chức vụ cao tại Ngân hàng Mexico, năm 2003, ông được bầu làm Phó giám đốc IMF. Đến năm 2007, ông nhận chức vụ mới đó là Bộ trưởng Tài chính Mexico và sau đó là tháng 12/2009, Tổng thống Felipe Calderón quyết định chuyển ông sang vị trí Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico.
Trong một lá thư gửi lên ban lãnh đạo IMF mới đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico Carstens tỏ ra tự tin về năng lực của bản thân khi tuyên bố mình có đủ tiêu chuẩn để làm người đứng đầu IMF.
Thế cờ “giằng co”
Với một tài năng “ngang ngửa”, giới phân tích cho rằng, điểm mấu chốt của cuộc đua này giờ là lợi thế mà hai bên có được. Tuy nhiên, đây không phải phép tính đơn giản.
Theo giới quan sát, Bộ trưởng Tài chính Pháp Lagarde có ưu thế hơn so với ông Carstens với sự ủng hộ từ các nền kinh tế hàng đầu châu Âu, nơi bà đã có những đóng góp không nhỏ trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Trong những ngày gần đây, bà Lagarde còn giành được sự ủng hộ từ Ai Cập, Indonesia và một số các quốc gia châu Phi. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico Carstens mới chỉ nhận được sự ủng hộ khá dè dặt của một số nước khu vực Mỹ Latinh, trong đó không có hai nền kinh tế lớn nhất khu vực này là Brazil và Argentina.
Quả thực, so với đại diện của nước Pháp, sự ủng hộ cho ông Carstens không nhiều. Chính bản thân ông Carstens cũng lường trước được khó khăn này. “Tôi không ngộ nhận về bản thân mình. Nó giống như là bắt đầu một trận đấu bóng với tỷ số 5-0″, ông Carstens chia sẻ. Tuy nhiên, ông Carstens nhấn mạnh, nếu một ứng viên châu Âu được bổ nhiệm làm giám đốc IMF, nó sẽ gây ra sự xung đột về quyền lợi do cuộc khủng hoảng nợ đang tiếp diễn tại một số quốc gia châu Âu.
Quốc tích châu Âu là lợi thế, đồng thời cũng là điểm yếu của nữ Bộ trưởng Tài chính Pháp.
Theo ứng viên người Mexico, châu Âu đang chìm trong những khoản nợ lớn suốt vài năm qua và khu vực này cần một nhân tố mới để giải quyết các vấn đề trên. Ông cho rằng, với tư cách là người ngoài khu vực, nếu trở thành tổng giám đốc IMF, ông sẽ có cách nhìn khách quan và phát biểu thẳng thắn hơn đối với cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu. Ông khẳng định đây chính là lợi thế của mình so với đối thủ Lagarde.
Sự tự tin của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico không phải không có cơ sở. Dù được lợi thế ủng hộ rộng rãi từ nhiều nước nhưng bà Lagarde cũng đang phải chịu sức ép rất lớn.
Đã từ lâu, ghế Tổng giám đốc IMF thường rơi vào tay một người châu Âu, còn Mỹ nắm ghế giám đốc Ngân hàng thế giới (WB). Tuy nhiên, ngày 25/5, đại diện của các quốc gia mới nổi gồm Brasil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Nam Phi (Nhóm BRICS) kêu gọi thay đổi “quy tắc” này khi nền kinh tế của họ đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Họ cho rằng thay vì chọn lựa một ứng viên châu Âu vào các vị trí quan trọng thì cần chọn lựa một nhà lãnh đạo tại các nước đang phát triển vào các vị trí này.
Áp lực đối với nữ Bộ trưởng Tài chính Pháp có thể càng gia tăng khi IMF muốn thay đổi truyền thống 26 năm nắm giữ chức vụ này của quan chức Pháp để “xốc” lại hình ảnh sau vụ bê bối của cựu Tổng giám đốc người Pháp Strauss Kahn.
Đó là còn chưa kể đến việc bà Lagarde đang phải đợi kết quả thanh tra từ ba tòa án tối cao của Pháp sau khi bị cáo buộc lạm dụng quyền hành để giúp một thương nhân nổi tiếng giải quyết vấn đề liên quan đến pháp luật. Vụ bê bối này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đua cho chiếc ghế Tổng giám đốc IMF của bà.
Cuối cùng, một nhân tố đặc biệt quan trọng khác là bà Lagarde vẫn phải chờ đợi sự ủng hộ của Mỹ. Ngay từ khi ông Dominique Strauss-Kahn từ chức, các nhà phân tích cho rằng, ai là người đứng đầu IMF cũng không quan trọng vì thực chất định chế tài chính này vẫn lệ thuộc nhiều vào Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Vì thế, cuộc đua vào chiếc ghế nóng của IMF chỉ thực sự chấm dứt khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama đưa ra một cái tên để hậu thuẫn.
Theo Báo Đất Việt
Chốt danh sách ứng viên Tổng giám đốc IMF
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa rút ngắn danh sách ứng viên tranh cử chức Tổng giám đốc IMF chỉ còn Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde và Thống đốc Ngân hàng Mexico Agustin Carstens.
Ông Agustin Carstens và bà Christine Lagarde, ai sẽ là Tổng giám đốc mới của IMF?
IMF cho hay, dự kiến tiến trình chọn lựa Tổng giám đốc mới sẽ được hoàn thành vào ngày 30.6.
"Hội đồng điều hành sẽ gặp gỡ các ứng viên tại Washington DC và sau đó, hội đồng sẽ thảo luận về những điểm mạnh của từng ứng viên trước khi đưa ra một lựa chọn cuối cùng", IMF cho biết.
Đến nay, bà Chrisine Lagarde, Bộ trưởng Tài chính Pháp vẫn được xem là ứng viên tiềm năng nhất có thể đắc cử chức Tổng giám đốc IMF, thay thế ông Strauss-Kahn - cũng người Pháp - người phải từ chức sau bê bối gạ tình với một nữ hầu phòng.
Ngoài được sự ủng hộ bởi Liên minh Châu Âu, bà Lagarde còn được sự hậu thuẫn của Ai Cập, Indonesia và Các tiểu vương quốc Arab.
Trong khi đó, ông Carstens, Thống đốc Ngân hàng Mexcio chỉ nhận được sự hậu thuẫn lớn từ các quốc gia trong khối Mỹ La Tinh. So với đại diện của nước Pháp, sự ủng hộ cho ông Carstens không nhiều. Chính bản thân ông Carstens cũng lường trước được khó khăn này.
"Tôi không hề có ý lừa phỉnh bản thân. Rõ ràng là chúng tôi đang chơi một trận đấu bóng đá mà nó được bắt đầu với tỷ số 5-0", ông Carstens phát biểu tại Viện nghiên cứu Kinh tế học Thế giới Peterson hôm qua 13.6.
Ông Agustin Carstens chỉ nhận được sự hậu thuẫn từ các nước Mỹ La Tinh.
Thống đốc Mexico có bao nhiêu cơ hội chiến thắng?
Bất chấp điều này, ông Carstens cho rằng, nếu một ứng viên của Châu Âu lại được chọn lần này, điều này có nghĩa là một cuộc xung đột lợi ích sẽ xảy ra và mang đến cuộc khủng hoảng nợ giữa các nước Châu Âu.
"Tình hình hiện nay của chúng ta chính là việc những con nợ của thế giới lại đang thi nhau thống trị Quỹ Tiền tệ Quốc tế", ông Carsten nói.
Theo ứng viên người Mexico, Châu Âu đang chìm trong những khoản nợ lớn suốt vài năm qua và khu vực này cần một nhân tố mới để giải quyết các vấn đề trên.
Ricardo Ochoa, người đứng đầu cơ quan đối ngoại của Bộ Tài chính Mexico cho hay, kinh nghiệm của ông Carstens trong thời gian làm Thống đốc ngân hàng trung ương sẽ giúp ông ấy giải quyết tinh tế những vấn đề của các quốc gia đang cần nguồn vốn hỗ trợ từ IMF.
"Mexico từng ở vào tình trạng tương tự và những cuộc cải cách quan trọng đã diễn ra. Tôi nghĩ đưa ông ta (Carstens) vào vị trí đó có nghĩa là giúp cho IMF trở nên thấu hiểu và tinh tế hơn", ông Ochoa cho biết.
Theo Lao Động
Bà Christine Lagarde có thể "trượt" ghế TGĐ IMF Hãng AFP đưa tin một tòa án Pháp ngày 10/6 đã trì hoãn việc mở một cuộc điều tra chính thức các cáo buộc đối với bà Christine Lagarde, Bộ trưởng Tài chính Pháp và là ứng viên sáng giá cho chức vụ Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Theo đó, việc điều tra cáo buộc bà Christine Lagarde lợi dụng...