Luân chuyển cán bộ về cơ sở: Yên Bái “ưu tiên” những xã khó khăn
Công tác luân chuyển cán bộ được tỉnh Yên Bái quan tâm đẩy mạnh, nhằm củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và thúc đẩy kt-xh.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp (2015 – 2020) đến nay, hàng trăm lượt cán bộ đã được luân chuyển về các địa phương trong tỉnh Yên Bái. Các cán bộ này đã cùng Đảng bộ cơ sở tập trung phát triển kinh tế – xã hội với nhiều giải pháp thiết thực, giúp bộ mặt nông thôn và đời sống người dân tại nơi có cán bộ luân chuyển có nhiều khởi sắc.
Các cán bộ về cơ sở ở Yên Bái luôn thực hiện 4 cùng với bà con.
Hoàng Thắng tuy không phải là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Văn Yên, nhưng trong phát triển kinh tế – xã hội lại thường gặp khó khăn về chọn các loại cây, con làm mũi nhọn để xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động của chính quyền cơ sở còn nhiều bất hợp lý, sự đồng thuận chưa cao, đôi lúc người dân còn phản ánh về cách giải quyết công việc của cán bộ xã.
Thực hiện chủ trương luân chuyển của tỉnh Yên Bái và huyện Văn Yên, năm 2017, ông Phí Hùng Sơn, phó Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức – Nội vụ Văn Yên được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã. Về cơ sở, tân Bí thư Sơn bắt tay ngay vào việc củng cố, kiện toàn, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ xã cho hợp lý; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là khi tiếp xúc với người dân. Đồng thời, đưa ra hướng và khuyến khích bà con phát triển kinh tế bằng cách trồng quế và chăn nuôi tập trung để phát triển kinh tế, xóa đói nghèo.
Nhờ vậy, trong 2 năm 2017, 2018, tỷ lệ hộ nghèo ở xã bình quân mỗi năm giảm 5%, thu nhập bình quân vượt mức trung bình của huyện. Năm 2018, Hoàng Thắng đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện, 100% thôn bản của xã có mô hình dân vận khéo hoạt động hiệu quả.
Bí thư Đảng ủy Hoàng Thắng Phí Hùng Sơn cho biết, ông cùng các cán bộ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành xuống cơ sở để nắm bắt tình hình thực tế, từ đó đưa ra quyết sách để giúp bà con phát triển kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện nay, phong trào phát triển kinh tế của nhân dân được nhân lên rất là cao, theo thống kế năm 2018, thu nhập bình quân của nhân dân Hoàng Thắng đã đạt 32 triệu đồng/năm.
Video đang HOT
Phong Dụ Thượng là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên, với trên 90% dân số là đồng bào dân tộc ít người. Do trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, nên đồng bào ở đây còn giữ nhiều tập tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi; tỷ lệ học sinh bỏ học cao; trong phát triển kinh tế thì manh mún, nhỏ lẻ theo hướng tự cung, tự cấp… Trong nhiều năm, tỷ lệ đói nghèo ở Phong Dụ Thượng luôn thuộc tốp đầu của huyện.
Năm 2017, ông Nguyễn Thượng Phi, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Yên được điều động lên đảm nhận Bí thư Đảng ủy xã. Song song với việc cùng với cấp ủy đảng ở đây củng cố lại hệ thống chính trị cơ sở, tân Bí thư xã cũng chú trọng việc xây dựng các mô hình tiêu biểu, như: mô hình “Dòng họ tự quản”, “Bản người Mông tự quản”, “Bóng điện an ninh”…
Qua đó, đã từng bước thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc, xóa bỏ dần những hủ tục lạc hậu, tạo thuận lợi trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến đồng bào. Bên cạnh đó, việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế, như nuôi gà tập trung, tổ hợp tác nuôi vịt bản địa, nuôi trâu bán công nghiệp…cũng tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương, như gia đình anh chị Mai Hồng Hà và Hoàng Thị Biến ở thôn Làng Than, từ một gia đình khó khăn trước đây, nay đã là một trong những hộ có kinh tế khá khi tham gia mô hình nuôi gà nghìn con, kinh tế gia đình tạm thời ổn định.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XV đến nay, Huyện ủy Văn Yên đã điều động, luân chuyển 23 lượt cán bộ về cơ sở, với các chức danh Bí thư Đảng ủy hoặc Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn. Các cán bộ được luân chuyển, điều động hầu hết được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiệt huyết với công việc; nhiều đồng chí sau khi được luân chuyển đã cùng với cấp ủy địa phương có nhiều sáng tạo trong phát triển kinh tế – xã hội, giúp đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao. Từ đó, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến nay chỉ còn trên 18%; thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/người/năm và đã có 8/27 xã về đích nông thôn mới.
Ông Nguyễn Trọng Thủy, Thủ trưởng cơ quan Tổ chức – Nội vụ huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Cán bộ từ huyện về xã là thực hiện tốt mối đoàn kết, những xã có cán bộ từ huyện luân chuyển đến cơ bản đạt được các chỉ tiêu hàng năm và tình hình địa phương ổn định. Qua đó, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, giảm được những cái phản ánh của người dân, người dân tin tưởng hơn vào đội ngũ cán bộ ở địa phương.
Từ những kết quả đạt được, công tác luân chuyển cán bộ về vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn sẽ tiếp tục được huyện Văn Yên và tỉnh Yên Bái chú trọng trong thời gian tới. Qua công tác luân chuyển, sẽ giúp địa phương sàng lọc năng lực lãnh đạo của cán bộ, giúp người được luân chuyển có thêm điều kiện tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện để trưởng thành. Từ đó, góp phần ổn định an ninh, chính trị và thúc đẩy kinh tế – xã hội tại địa phương phát triển./.
Theo Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc
Yên Bái: Nhà nông trồng quế, nuôi cá, vươn lên làm giàu
Những năm qua, Hội Nông dân xã Đại Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng mô hình sản xuất mới
Là xã vùng sâu của huyện Văn Yên, Đại Sơn có 99% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chiếm phần lớn là đồng bào dân tộc Dao, Mông. Nhiều năm trước, kinh tế của xã Đại Sơn chậm phát triển nên đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.
Gia đình anh Bàn Tiến Nhị - Chi hội thôn 1 (xã Đại Sơn, huyện Văn Yên) với mô hình chăn nuôi lợn rừng lai và cá rô phi đơn tính có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ảnh: A Mua
Những năm gần đây, Hội Nông dân xã Đại Sơn đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên quan tâm sản xuất nông, lâm nghiệp đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, phát huy thế mạnh trồng quế; phát triển các mô hình sản xuất kinh tế mới như: Chăn nuôi tổng hợp, trồng nấm... tăng nguồn thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên.
Xác định nâng cao trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất cho hội viên là nhiệm vụ trọng tâm, năm 2018, Hội Nông dân xã Đại Sơn đã phối hợp tổ chức được nhiều buổi tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho hội viên; mở 2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn về chăn nuôi - thú y và kỹ thuật trồng nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ cho trên 60 học viên tham gia và tổ chức một số buổi đi tham quan thực tế mô hình kinh tế điển hình trong, ngoài xã.
Bên cạnh đó, Hội còn chú trọng các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ, nhất là hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân đầu tư phát triển sản xuất.
Hội Nông dân xã Đại Sơn đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên để xây dựng kế hoạch vay vốn cũng như hoạt động ủy thác vay vốn, quản lý dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn xã. Tất cả các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trả gốc và lãi đúng hạn, không có tình trạng nợ quá hạn.
Ông Lý Tòn Cầu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Sơn cho biết, về cây quế, Hội đã tuyên truyền các hội viên từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật như: Trồng quế bầu để nâng cao tỷ lệ sống, không phun thuốc trừ cỏ, hạn chế thuốc trừ sâu theo hướng phát triển quế sạch...
Tăng thu nhập cho nông dân
Từ những kiến thức thông qua các lớp học nghề ngắn hạn, các buổi tập huấn về khoa học, kỹ thuật, tập huấn đầu bờ do Hội Nông dân xã Đại Sơn trực tiếp và phối hợp tổ chức, nhiều hội viên, nông dân tích cực phát triển kinh tế bằng chăn nuôi, trồng mấm, trang trại tổng hợp, tăng thêm thu nhập.
Trong số các mô hình sản xuất hiệu quả, một số mô hình đã đem lại thu nhập cao, điển hình như: Mô hình chăn nuôi lợn rừng; nuôi cá rô phi đơn tính của hội viên Bàn Tiến Nhị ở Chi hội thôn 1; nuôi cá quất, cá lăng, cá bỗng của hội viên Hoàng Văn Thu ở Chi hội thôn 1...
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã Đại Sơn luôn giữ vững diện tích quế với 3.000ha. Hàng năm cho khai thác quế vỏ khô đạt trên 475 tấn, tận thu gỗ quế trên 4.000m3 và hàng nghìn tấn cành, lá. Nguồn thu từ cây quế giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên khá, giàu.
Hội viên Bàn Tiến Nhị ở Chi hội thôn 1 chia sẻ: "Qua các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức và tự tìm hiểu thông tin, tôi nhận thấy hướng phát triển kinh tế truyền thống ngày càng hạn chế vì đất đai hạn nên tôi bắt đầu học hỏi hướng phát triển kinh tế hiện đại, không cần nhiều đất, nhưng hiệu quả cao...".
Sau 2 năm thực hiện mô hình chăn nuôi lợn rừng lai kết hợp nuôi cá rô phi đơn tính trên diện tích hơn 1.000m2 ao, sau khi trừ chi phí gia đình anh Nhị đã có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm".
Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhất là sự đồng hành, giúp đỡ trực tiếp của Hội Nông dân xã Đại Sơn, hội viên, nông dân trong xã đã có chỗ dựa vững chắc về vật chất, kinh nghiệm, kỹ thuật, tạo động lực tinh thần giúp hội viên mạnh dạn khai thác thế mạnh tại chỗ phát triển kinh tế.
Ông Lý Tòn Cầu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Sơn khẳng định, Hội sẽ tiếp tục tập trung mạnh vào các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề cho hội viên, nông dân. Các ngành, nghề mới mà Hội đề xuất đưa vào tổ chức tập huấn, dạy nghề cho nông dân sẽ tập trung vào khai thác hiệu quả nhất tiềm năng về đất đai, thế mạnh đồi rừng, nguồn lao động ở địa phương. Hội cũng sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động phối hợp ủy thác, tín chấp để hội viên, nông dân vay được vốn đầu tư từ Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NNPTNT...
Theo Danviet
Lũ ống, lũ quét gây nhiều thiệt hại tại Sa Pa Ông Lê Tân Phong, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa (Lào Cai) cho biết, mưa lớn kéo dài từ ngày 23/6 đến rạng sáng 24/6 đã gây lũ ống, lũ quét tại xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, làm thiệt hại về nhà cửa, tài sản và ách tắc tuyến đường từ trung tâm huyện Sa Pa đến trung tâm xã Bản Hồ....