Lửa và giận dữ bao trùm Lebanon trong “Ngày Phán xét”
Cuộc biểu tình ngày 8/8 đã nhanh chóng biến thành bạo lực, khiến hàng trăm người bị thương, buộc Thủ tướng Lebanon phải kêu gọi 1 cuộc bầu cử sớm.
Ngày 8/8 được nhiều người gọi là “ Ngày Phán xét” ở Lebanon, khi hàng chục nghìn người dân quốc gia này đã xuống đường biểu tình tại Thủ đô Beirut. Cuộc biểu tình đã nhanh chóng biến thành bạo lực khi một nhóm người tấn công và tràn vào được trụ sở một số Bộ, cơ quan chính phủ của Lebanon như Bộ Ngoại giao, Bộ Môi trường và Bộ Kinh tế.
Cuộc biểu tình ngày 8/8 đã nhanh chóng biến thành bạo lực, khiến hàng trăm người bị thương, buộc Thủ tướng Lebanon phải kêu gọi 1 cuộc bầu cử sớm. Ảnh: Reuters
Tòa nhà của Hiệp hội Ngân hàng Lebanon cũng bị người biểu tình xông vào phóng hỏa khi họ cho rằng cơ quan này là nguyên nhân cho cuộc khủng hoảng tài chính quốc gia. Bộ Ngoại giao bị 1 nhóm biểu tình do các sĩ quan quân đội về hưu đứng đầu chiếm đóng và tuyên bố đây sẽ là “cơ quan đầu não của cách mạng”.
Tuy nhiên, chỉ 3 giờ sau đó, 1 lực lượng quân đội tiếp viện lớn đã đến và đưa nhóm này ra khỏi tòa nhà. Để ứng phó với sự xâm nhập trái phép nhằm vào các Tòa nhà công quyền khác, hay những “cơn mưa gạch đá và pháo hoa” nhằm vào lực lượng an ninh, cảnh sát Lebanon đã buộc phải sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán người biểu tình.
Theo truyền thông địa phương, đã có một nhân viên an ninh Lebanon thiệt mạng khi đụng độ với người biểu tình. Đến thời điểm hiện tại, Tổ chức Chữ thập Đỏ Lebanon cho biết, có hơn 700 người bị thương trong các vụ đụng độ, trong đó 153 trường hợp phải nhập viện.
Video đang HOT
Bất chấp các biện pháp ứng phó được truyền thông cho là “khá mạnh tay”, các cuộc biểu tình vẫn đang tiếp diễn, buộc Thủ tướng Lebanon Hassan Diab phải kêu gọi bầu cử quốc hội sớm để xoa dịu tình hình.
“Trên thực tế, không có cách nào thoát khỏi cuộc khủng hoảng này nếu không có một cuộc bầu cử quốc hội sớm, để tạo ra một giai cấp chính trị mới và một quốc hội mới. Chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp, không chỉ vì thảm họa và cách xử lý nó, mà tình trạng khẩn cấp mà tôi đang nói đến có liên quan đến số phận, tương lai của quốc gia. Đó là lý do tại sao tôi kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị thống nhất về giai đoạn tiếp theo. Chúng ta không còn nhiều thời gian. Tôi sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm này trong khoảng thời gian 2 tháng để các bên có thể đạt được thỏa thuận”, ông Diab nói.
Ngày 10/8, Thủ tướng Lebanon sẽ thảo luận với Nội các về vấn đề này. Ông Diab cũng cam kết sẽ đưa tất cả những ai có liên quan tới vụ nổ ở Cảng Beirut hôm 4/8 vừa qua, ra chịu trách nhiệm trước pháp luật; khẳng định sẽ không có bất kỳ 1 ngoại lệ nào.
Tuy nhiên, người biểu tình vẫn chưa thể hài lòng sau lời cam kết này, tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi 1 cuộc bầu cử sớm được tiến hành.
“Với tư cách là một người dân, chúng tôi không thể chịu đựng được nữa. Chúng tôi đang ở bên bờ vực, nhà của chúng tôi bị phá hủy, chúng tôi không có việc làm và mọi người sẽ ở đây để đòi hỏi quyền lợi”, một người dân bày tỏ.
Sau thảm họa ngày 4/8, một Đại sứ và 5 nghị sĩ Lebanon đã từ chức để phản đối sự quản lý yếu kém của chính quyền. Trong bối cảnh, quốc tế đang nỗ lực hỗ trợ Lebanon giải quyết hậu quả của vụ nổ, các cuộc biểu tình lan rộng ở Lebanon càng khiến quốc gia này rơi vào khủng hoảng “chồng chất”, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trước làn sóng biểu tình bạo lực, Đại sứ quán Mỹ tại Lebanon đã lên tiếng chỉ ủng hộ các cuộc biểu tình bày tỏ quan điểm trong hòa bình.
Hơn 2.700 tấn amoni nitrat ở Beirut được mua làm thuốc nổ
Một công ty sản xuất chất nổ ở Mozambique xác nhận họ là bên đặt hàng số amoni nitrat bị bỏ lại cảng Beirut, dẫn tới vụ nổ thảm khốc.
"Chúng tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi đã đặt hàng chúng", phát ngôn viên giấu tên của Fabrica de Explosivos Mozambique (FEM), công ty sản xuất chất nổ ở Mozambique, trả lời phỏng vấn hôm 7/8, đề cập tới 2.750 tấn amoni nitrat cất trong kho ở cảng Beirut, Lebanon.
FEM dự định dùng số hóa chất này để sản xuất thuốc nổ cho các công ty khai khoáng ở Mozambique. Người phát ngôn cho biết tình huống này "hoàn toàn không phổ biến", nói thêm rằng họ chưa từng để thất lạc lô hàng amoni nitrat nào khác ít nhất kể từ năm 2008.
Hiện trường vụ nổ tại cảng Beirut, Lebanon, hôm 7/8. Ảnh: Reuters.
Số amoni nitrat lưu trữ hơn 6 năm tại Beirut đã gây ra vụ nổ khiến ít nhất 154 người chết và 5.000 người bị thương hôm 4/8. Lô hàng được xuất đi hồi tháng 9/2013 từ thành phố Rustavi, Gruzia, do tàu Rhosus treo cờ Moldova vận chuyển.
Tuy nhiên, khi đi qua Địa Trung Hải, chủ tàu là doanh nhân người Nga Igor Grechushkin yêu cầu thuyền trưởng Boris Prokoshev ghé cảng Beirut để chở thêm hàng đến cảng Aqaba ở Jordan, trước khi tiếp tục hành trình tới châu Phi để giao hàng cho FEM.
Nhưng Rhosus đã không thể rời khỏi Beirut do số máy móc hạng nặng tại cảng này không phù hợp với con tàu đã cũ. Tàu Rhosus và thủy thủ đoàn sau đó vướng vào tranh chấp pháp lý về phí cập cảng cùng những khoản phí dịch vụ khác, khiến Prokoshev và ba thủy thủ mắc kẹt trên tàu gần 11 tháng.
Họ được giới chức Lebanon cho hồi hương vào tháng 8/2014. Vì tàu không còn thủy thủ, giới chức Lebanon phải gánh trách nhiệm dỡ toàn bộ số amoni nitrat trên tàu lên cảng để cất tại nhà kho nhằm đảm bảo an toàn.
Phát ngôn viên của FEM cho biết họ đã hợp tác với một công ty thương mại để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển hàng từ Gruzia đến Mozambique. Tuy nhiên, vài tháng sau khi số amoni nitrat rời Gruzia, công ty thương mại nói với FEM rằng lô hàng sẽ không thể đến nơi.
"Công ty đó thông báo với chúng tôi rằng con tàu vận chuyển gặp rắc rối, nên chuyến hàng sẽ không được giao. Do đó, chúng tôi không phải trả tiền cho nó và cũng chưa bao giờ nhận được", người phát ngôn kể lại, nói thêm rằng FEM sau đó đặt đơn hàng amoni nitrat khác để thay thế và chuyến hàng này đã được giao.
Phát ngôn viên nhấn mạnh việc tàu Rhosus mắc kẹt tại Beirut "hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát" của FEM. "Mọi người trong công ty vô cùng ngạc nhiên khi biết số amoni nitrat được cất tại cảng lâu như vậy, bởi đây không phải loại hóa chất nên lưu trữ nếu không sử dụng. Tiêu chuẩn vận chuyển chúng cũng rất nghiêm ngặt", người phát ngôn nói.
Sau khi số amoni nitrat được cất vào kho, tàu Rhosus bị bỏ rơi và chìm ở cảng Beirut, theo email của một luật sư gửi cho thuyền trưởng Prokoshev vào tháng 5/2018, trong đó viết nó "vừa bị đánh chìm".
Lebanon từ chối điều tra quốc tế vụ nổ Beirut Tổng thống Lebanon khước từ lời kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về vụ nổ ở cảng Beirut, cho rằng điều đó sẽ chỉ làm suy giảm sự thật. Tổng thống Lebanon Michel Aoun hôm 7/8 thừa nhận hệ thống chính trị nước này đang bị "tê liệt" và cần "xem xét lại" sau vụ nổ kho chứa 2.750 tấn amoni...