Lừa tiền của công nhân nghèo
Ngày 26-1, chúng tôi có mặt tại quán cà phê Mai Hảo (khu phố 2, phường Hòa Phú, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) khi mặt trời vừa đứng bóng. Hàng chục công nhân với vẻ mặt rầu rĩ đến quán cà phê để nghe ngóng thông tin của vợ chồng Nguyễn Văn Tân, kẻ bán hàng trăm vé xe “ma” khiến họ rơi vào cảnh dở khóc dở cười.
Đại lý… lừa
Tranh thủ lúc chưa vào ca, anh Đào Văn Sậy (ngụ Cà Mau) cầm tấm vé xe mà anh mất 220.000 đồng để mua về quê ngày 26 tháng chạp, bức xúc: “Khi tôi đến mua vé, bà Hảo khuyên tôi nên mua vé khứ hồi vì như vậy sẽ chắc cú hơn. Tôi nói đặt cọc một nửa thì bà ta không chịu và gằn giọng cho biết đến chừng đó giá vé tăng cao, không lấy thì mất cọc ráng chịu!”.
Chiều cùng ngày, nhiều công nhân vừa tan ca nghe tin đã vội vàng chạy đến quán cà phê với đôi mắt đỏ hoe. Chị Nguyễn Ngọc Lan vừa khóc vừa gọi điện thoại báo tin cho những người cùng quê cùng chung cảnh ngộ. “Ki cóp hằng tháng mới đủ tiền mua vé để về quê ăn Tết, giờ mất trắng làm sao Tết này về quê được!”- chị Lan nói. Tương tự, anh Nguyễn Việt Thái cũng mất cho đại lý Mai Hảo 5 vé xe khứ hồi tuyến Bình Dương – Cà Mau ngày 27 tháng chạp có giá 2,1 triệu đồng. Anh Thái ngậm ngùi: “Tôi may mắn hơn rất nhiều người, Cà Mau cũng gần nên nếu không có xe thì phóng xe máy về. Hôm tôi đến mua vé, còn có gia đình đặt tiền mặt 13 triệu đồng để mua vé xe về Nghệ An”. Hầu hết các công nhân bị lừa đều ở trọ gần quán cà phê Mai Hảo, trong đó có hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Điện tử Poster VN.
Ngoài việc lừa bán hàng trăm vé xe “ma” cho những công nhân khó khăn, vợ chồng Nguyễn Văn Tân cũng đã lừa một người thân 7 triệu đồng trước khi cao chạy xa bay. Cách đây một tuần, vợ chồng Tân đến gặp chị Đặng Thị Kiều Tiên (34 tuổi) để bàn bạc việc sang lại quán cà phê với giá 25 triệu đồng. Chị Tiên không có tiền nên Tân cho mướn với giá 3,5 triệu đồng/tháng và phải đưa trước 7 triệu đồng. Vừa nhận quán chưa buôn bán được thì vợ chồng Tân biến mất. Hiện chị Tiên phải đứng ra gom vé xe của những người bị lừa để giúp công an phường thống kê số trường hợp bị “dính bẫy”.
Nữ công nhân này rầu rĩ vì mất vào tay vợ chồng Nguyễn Văn Tân 1,5 triệu đồng khi mua hai vé xe về Nghệ An
Theo người dân sống quanh khu vực, tháng 10-2008, Nguyễn Văn Tân (29 tuổi, quê Hà Tĩnh) cùng vợ là Mai Hảo (quê Thanh Hóa) đến thị xã Thủ Dầu Một lập nghiệp. Sau đó, Tân thuê lô đất của ông Võ Văn Hường mở quán cà phê phục vụ công nhân. Dịp Tết 2009 và 2010, vợ chồng Tân kiêm luôn công việc “cò” bán vé xe khi cho ra đời đại lý vé xe Mai Hảo. Tân đứng ra tổ chức hợp đồng với một hãng xe đưa hàng trăm công nhân ở các tỉnh miền Tây và một số tỉnh miền Trung về quê.
Video đang HOT
“Năm ngoái, thấy vợ chồng Tân làm ăn cũng đàng hoàng, đưa công nhân đi đến nơi về đến chốn, nhiều công nhân khá hài lòng vì được phục vụ tận tình nên năm nay số công nhân đến đặt vé xe nườm nượp. Do đó nhiều người khá bất ngờ khi nghe tin vợ chồng Tân “ôm” hàng chục triệu đồng cao chạy xa bay”- anh Nguyễn Văn Minh, làm nghề hớt tóc cạnh quán cà phê, nói. Mỗi vé xe đi Cà Mau khứ hồi vợ chồng Tân – Hảo bán giá 420.000 đồng, vé xe đi Nghệ An không dưới 600.000 đồng.
Theo thông tin trên tấm biển treo trước quán cà phê Mai Hảo, đây là đại lý bán vé của hãng xe Hòa Thuận có trụ sở tại tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc với nhân viên bán vé tên Hữu của hãng xe thì anh này bác mọi thông tin: “Chúng tôi chỉ biết đến Mai Hảo như là một điểm đưa đón khách, ngoài ra giữa Hòa Thuận và Mai Hảo không có bất kỳ một hợp đồng thỏa thuận kinh doanh nào!”. Từ số điện thoại do một nạn nhân cung cấp, trong vai công nhân muốn đặt vé xe về Nghệ An, chúng tôi liên hệ với bà chủ Mai Hảo thì một phụ nữ giọng miền Bắc cười cợt: “Em làm công nhân cạo mủ cao su ở Bù Đăng-Bình Phước, làm gì có chuyện em bán vé xe!” – nói xong người phụ nữ cúp máy.
Trao đổi với phóng viên, ông Lộc Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Phú, thị xã Thủ Dầu Một, cho biết đã yêu cầu công an phường nhanh chóng điều tra làm rõ sự việc. Đề cập quyền lợi của những công nhân bị lừa, trung tá Biện Thanh Đơn, Phó trưởng Công an phường Hòa Phú, cho biết hiện công an phường đã nhận được 3 đơn tố cáo tập thể với nội dung có hơn 300 công nhân bị lừa. Để thống kê số công nhân đã mua vé của Mai Hảo, công an phường đã có công văn gửi đến tất cả các công ty trên địa bàn phường để công ty thông báo cho công nhân mua vé khác về quê. “Hiện công an phường đang thống kê số người bị hại để chuyển hồ sơ lên Công an thị xã Thủ Dầu Một mở rộng điều tra. Chúng tôi sẽ làm việc luôn buổi tối để những công nhân đi làm ban ngày có thêm thời gian đến trình bày, tố cáo”- ông Biện Thanh Đơn nhấn mạnh.
Theo Người lao động
"Vừa bán, vừa la vẫn đắt hàng"
Liên hệ với hơn 10 hãng xe chất lượng cao để đặt vé xe, nhưng cả sáng 30.12, anh Phan Văn Đức chỉ nhận được những câu trả lời: Hết vé! Thậm chí, nhiều nhân viên bán vé còn "mắng" anh: "Đi chơi mà đến giờ này mới hỏi vé à?"
Trong khi xe ở bến tại Hà Nội phải ngậm ngùi không tăng giá vé và "chắt chiu" khách thì ngược lại, xe ngoài bến với danh nghĩa "du lịch lữ hành", "xe hợp đồng chạy tuyến cố định" tha hồ "chặt chém" khách.
Vé ... nằm dưới sàn xe cũng không còn
Gọi điện đến hơn 10 hãng xe chất lượng cao của các hãng du lịch lữ hành như Camel, Hưng Long... để đặt vé về quê (TP. Huế) vào chiều 31.12 nhưng cả sáng 30.12, anh Phan Văn Đức (SV năm thứ 3, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội) chỉ nhận được những câu trả lời: Hết vé! Thậm chí, nhiều nhân viên bán vé còn "mắng" anh: "Đi chơi mà đến giờ này mới hỏi vé à?
"Dưới danh nghĩa xe hợp đồng, xe "VIP", các nhà xe ngang nhiên lập bến cóc, chiếm dụng bến xe buýt để bắt khách, bán vé cao gấp đôi mà không cơ quan nào xử lý
Cực chẳng đã, anh phải nhờ một lãnh đạo của một công ty vận tải mua hộ 2 vé đi Huế (xe ngồi) với giá cắt cổ: 270.000 đ/vé, tức là tăng gấp đôi so với ngày thường.
Đại diện công ty vận tải Hưng Thành cho hay, từ chiều 29.12 doanh nghiệp đã khoá vé xe giường nằm đi miền Trung. Vé ngồi chỉ còn lác đác, dù cho số lượng xe đã được tăng cường hơn 30% so với ngày thường, và giá vé cũng tăng gần gấp đôi. Ví dụ như xe đi Huế giường nằm đến chiều 29.12 đã tăng từ 180.000đ lên 300.000đ/vé.
Tương tự, xe du lịch chất lượng cao của công ty Hưng Long cũng tăng gần 100.000đ/vé chặng đi Quảng Bình, Hà Tĩnh, Vinh trong dịp tết dương lịch song cũng đã hết vé từ sáng 29.12. Ngày thường vé nằm xe này đi Đồng Hới chỉ 170.000/vé nhưng nay lên 250.000đ cũng không có mà mua.
Công ty du lịch Lạc Đà trên phố Trần Khát Chân cũng cho hay, từ chiều 29.12 đã không còn vé đi Huế, Quảng Trị, Đồng Hới, thậm chí vé... nằm dưới sàn cũng không còn.
Trong khi các xe du lịch lữ hành, xe hợp đồng đón khách trên phố, tại bến cóc Trần Khát Chân, Võ Thị Sáu... đều cháy vé thì xe trong các bến xe lớn của Hà Nội như Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm vẫn giữ nguyên giá vé.
Lái xe giường nằm của công ty Sao Vàng chạy tuyến Nước Ngầm - Quảng Ngãi cho biết, 16g xe xuất bến nhưng đến 15g vẫn trống cả chục giường (xe có 39 giường), điều đáng nói là, giá vé đi Quảng Ngãi còn thấp hơn vé xe ngồi đi Huế của các công ty lữ hành bên ngoài bến.
Lái xe Hải Vân (Đà Nẵng) cũng không thể hiểu nổi, tại sao nhiều người chen chúc mua vé "tour" bên ngoài để đi Đà Nẵng với giá 400.000đ, mà xe nằm Hải Vân trong bến xe Nước Ngầm giá giữ nguyên 250.000 đ/vé vẫn rất ít người mua.
Cũng tại bến xe Nước Ngầm, nhân viên bán vé của xe Mai Linh cho biết, đến gần trưa ngày 30.12, vé đặt trước của khách đi trong các ngày 30, 31 cũng chỉ mới khoảng 50% số ghế, dù cho, vé của Mai Linh vẫn giữ nguyên mức cũ.
"Xe dù" chất lượng cao
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các nhà xe nâng giá vé đều là xe không đăng ký hoạt động trong bến mà tự lập bến cóc gần các trường đại học (như khu vực ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân), hoặc ngang nhiên chiếm dụng bến xe buýt thành "bến nhà" như nhà xe Hưng Long trên đường Trần Khát Chân.
Trong khi xe ngoài bến thì không còn chỗ thì xe trong bến vẫn đìu hiu chờ khách, dù giá vé không tăng
Hơn nữa, đây thực chất là những xe dán mác "xe hợp đồng", "xe du lịch lữ hành" (xe tour) nghĩa là chỉ được chở khách theo hợp đồng, không được bán vé lẻ trên xe. Tuy nhiên, các nhà xe này thường chở "khách quen" là cán bộ, sinh viên tại những địa phương đó đang học tập, làm việc tại Hà Nội chứ không phải hề có hợp đồng trước.
Thêm vào đó, tuyến cố định của nhà xe thường "ăn theo" các điểm du lịch như đi Huế, Quảng Bình (Phong Nha) để núp bóng xe du lịch lữ hành, "qua mặt" cơ quan chức năng và tha hồ chặt chém, tăng giá vé mà không cần phải thông báo với các bến xe.
Khi được phóng viên phản ánh chuyện tăng giá vé gấp đôi của các "xe hợp đồng", "xe du lịch lữ hành" này, ông Nguyễn Hoàng Linh, phó giám đốc sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, sở Giao thông chỉ có quyền tiếp nhận thông báo bảng giá của doanh nghiệp đăng kí lên, chứ không có chế tài nào quy định sở Giao thông hay thanh tra giao thông được phạt nếu doanh nghiệp tăng giá, mà đó là trách nhiệm của sở Tài chính.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Giảm ăn muối khi trẻ, sẽ khỏe khi về già Các nhà nghiên cứu Đại học California ( Mỹ) khuyến cáo nếu bạn hạn chế ăn mặn khi còn trẻ thì về già sẽ giảm đáng kể nguy cơ bị mắc các chứng bệnh như tim mạch và đột quị. Lời khuyến cáo trên được rút ra từ kết quả phân tích mẫu của máy tính, các nhà nghiên cứu cho biết khi...