Lừa dối cơ quan chức năng, Út ‘trọc’ vẫn nói mình vô tội
Tại phiên xét xử cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cùng 7 bị cáo liên quan, bi cao Đinh Ngọc Hệ (Út ‘trọc’) vẫn khẳng định không có tội.
Cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến gây thất thoát hơn 939 tỷ đồng
Trưa 18/5, sau khi trình bày xong cáo trạng, đại diện VKS tại phiên tòa đã nêu bổ sung cáo trạng.
Cụ thể, theo đại diện VKS, trong cáo trạng nêu, khi ký kết hợp đồng họp tác liên doanh tại khu đất số 7-9, các bị can không căn cứ vào giá đất được UBND TP.HCM quy định, dẫn đến thực hiện việc họp tác liên doanh góp vốn với giá đất hàng năm tính theo m2 thấp hơn nhiều so với giá Nhà nước quy định, gây thiệt hại số tiền 20.382.653.362 đồng (tính từ 4/9/2006 đến năm 2018).
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) tại phiên tòa sáng 18/5 . (Ảnh Thông tấn quân sự)
Các bị cáo Nguyễn Văn Hiến, Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền này. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, VKS quân sự Trung ương xác định không đủ căn cứ xác định thiệt hại này.
Vì vậy, tại phiên tòa hôm nay, VKS rút nội dung yêu cầu các bị cáo Nguyễn Văn Hiến, Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo liên đới bồi thường số tiền này.
Ngoài ra, đại diện VKS cũng bổ sung việc sửa lại một số số liệu trong cáo trạng do lỗi đánh máy nhầm. Sau khi đại diện VKS trình bày cáo trạng, HĐXX cho biết, do sức khỏe yếu nên bị cáo Bùi Như Thiềm được đưa ra ngoài.
Sau đó, chủ tọa đã hỏi bị cáo Thiềm về một số nội dung liên quan và bị cáo này đồng ý, không có ý gì khác.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc có ý kiến gì đối với tội danh bị truy tố theo cáo trạng không, bị cáo Đinh Ngọc Hệ trả lời “không phạm tội này”.
Trước đó, sáng 18/5, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân (QCHQ) mở phiên toà xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) Nguyễn Văn Hiến, cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) và các bị cáo liên quan đến sai phạm đất đai xảy ra tại 3 khu đất trên đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).
Theo cáo buộc, năm 2005, Đinh Ngọc Hệ nhờ Vũ Thị Hoan (cháu gọi Hệ bằng cậu), sinh viên năm thứ nhất hệ cao đẳng trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đứng tên giám đốc, là người đại diện theo pháp luật để thành lập Công ty Yên Khánh đăng ký kinh doanh ngày 29/7/2005 với vốn điều lệ 1,7 tỷ đồng.
Công ty gồm 2 thành viên đứng tên góp vốn là Vũ Thị Hoan và Đỗ Văn Trưởng (Trưởng là bảo vệ của Công ty Đức Bình). Năm 2007, Đinh Thị Hiên là thành viên góp vốn thay Đỗ Văn Trưởng (thực chất Hoan, Trưởng, Hiên không có vốn góp). Trụ sở công ty là nhà riêng của Đinh Ngọc Hệ tại số 72 đường số 3, phường Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM.
Vũ Thị Hoan làm giám đốc nhưng không có thực quyền, mọi việc Hoan đều làm theo chỉ đạo, điều hành của Hệ. Theo chỉ đạo của Hệ, ngày 2/1/2009, Hoan ký Quyết định số 01/QĐ-CT bổ nhiệm Phạm Văn Diệt làm Phó Giám đốc Công ty Yên Khánh và ngày 19/12/2012 ký Quyết định số 01/QD-HDTV bổ nhiệm Diệt làm Giám đốc điều hành Công ty Yên Khánh.
Những năm đầu, công ty không có cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, tài chính, kinh nghiệm kinh doanh. Hiện nay, doanh nghiệp này là Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh theo đăng ký kinh doanh do Đặng Thái Hà làm Tổng giám đốc, vốn điều lệ của công ty là 1.250 tỷ đồng. Trong đó, Hoan 868,75 tỷ đồng, Đinh Thị Hiên 375 tỷ đồng, Đinh Ngọc Liên 6,25 tỷ đồng, thực chất những cá nhân này chỉ đứng tên trên danh nghĩa nhưng không có vốn góp.
Đinh Ngọc Hệ còn nhờ người thân, bạn bè đứng tên để thành lập một số công ty như: Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình (Tập đoàn Đức Bình), Công ty cổ phần đầu tư Cái Mép, Công ty cổ phần Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Thái Sơn Bộ Q.P,…
Các công ty trên có tư cách pháp nhân, trên danh nghĩa pháp luật là độc lập nhưng thực tế hoạt động hoàn toàn dưới sự chỉ đạo và điều hành của Hệ.
Phạm Văn Diệt được Hệ bổ nhiệm làm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Đức Bình, là “cánh tay nối dài” của cựu thượng tá quân đội.
Quá trình hoạt động, các công ty chịu sự điều hành của Tập đoàn Đức Bình. Các bên ký kết hợp đồng kinh tế, chuyển tiền lòng vòng cho nhau; tùy tiện giới thiệu, bổ nhiệm, ủy quyền để giúp nhau ký kết các văn bản, hợp đồng không đúng quy định…
Năm 2006, Hệ biết Quân chủng Hải quân có chủ trương chuyển mục đích sử dụng một số khu đất tại TP.HCM sang làm kinh tế, Hệ đã chỉ đạo Vũ Thị Hoan ký Tờ trình số 10/CV-YK ngày 8/3/2006 gửi Bộ Tư lệnh Hải quân đề nghị hợp tác đầu tư kinh doanh tại khu đất số 7-9, diện tích 4.044m2 (sau điều chỉnh còn 3.531 m2) đường Tôn Đức Thăng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
Nội dung Tờ trình phản ánh gian dối về năng lực tài chính, nguồn nhân lực và các dự án mà Công ty Yên Khánh đã thực hiện. Mục đích để Công ty Hải Thành và Quân chủng Hải quân tin tưởng Công ty Yên Khánh có đủ năng lực để thực hiện dự án, thực chất Công ty Yên Khánh không đủ năng lực thực hiện dự án xây dựng cao ốc văn phòng như đã đề nghị với Quân chủng Hải quân.
Trong buổi đàm phán đầu tiên, Hệ xuất hiện tại Công ty Hải Thành, tự giới thiệu là chủ của Công ty Yên Khánh, những người tham gia đàm phán là người của Hệ, sau đó Hệ xin vắng mặt, không tham gia đàm phán và đề nghị tạo điều kiện để Công ty Yên Khánh sớm được ký hợp đồng với Công ty Hải Thành.
Sau khi đàm phán thành công, ngày 4/9/2006, Hệ chỉ đạo Vũ Thị Hoan ký hợp đồng liên doanh với Công ty Hải Thành, thành lập Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành để thực hiện dự án tại khu đất số 7-9.
Sau khi ký được họp đồng, Hệ chỉ đạo Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan phối hợp Công ty Hải Thành và QCHQ cung cấp các văn bản để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất số 7-9 từ đất quốc phòng sang làm kinh tế.
Bị cáo Vũ Thị Hoan tại phiên xét xử.
Ngày 3/10/2010, khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) khu đất số 7-9 cho Công ty Hải Thành, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo Phạm Văn Diệt làm các thủ tục để Công ty Yên Khánh nhận và quản lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Mặc dù Công ty Yên Khánh không góp 288 tỷ đồng theo đúng hợp đồng đã cam kết, nhưng Hệ đã chỉ đạo thực hiện trong việc lừa các cơ quan chức năng để được cấp, đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ Công ty Hải Thành sang Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành (sau này đổi thành Công ty cổ phần Yên Khánh Hải Thành).
Ngày 18/3/2010, sau khi có được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất số 7-9 mang tên Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành, Hệ chỉ đạo Diệt, Hoan sử dụng Biên bản họp Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị Công ty Yên Khánh Hải Thành ký giả mạo chữ ký của Trần Trọng Tuấn (Phó Giám đốc Công ty Hải Thành) là người đại diện pháp luật phần vốn góp của Công ty Hải Thành trong liên doanh, đem Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 7-9 bảo lãnh thế chấp cho các công ty của Đinh Ngọc Hệ vay tiền tại Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Thành Đô, thực hiện vào mục đích riêng không liên quan đến việc thực hiện dự án.
Tài sản Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm chiếm đoạt của Quân chủng Hải quân là quyền sử dụng khu đất số 7-9 đường Tôn Đức Thắng, phường Ben Nghé, quận 1, TP.HCM có giá trị tại thời điểm tháng 2/2010 là 525.312.106.562 đồng.
Cáo trạng nhận định, hành vi của Đinh Ngọc Hệ đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, với vai trò là người tổ chức và phải chịu trách nhiệm hình sự chính trong vụ án.
Cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến và 4 đại tá ra tòa với những tình tiết giảm nhẹ nào?
Sáng nay (18/5), Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út trọc) và 7 bị cáo, trong số này có ông Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trước khi ra tòa, ông Nguyễn Văn Hiến đã bị Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức khai từ khỏi Đảng (Hội nghị Trung ương 12 ngày 14/5).
Trong vụ án này các bị cáo bị truy tố gồm: Đinh Ngọc Hệ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng; Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P; Bị cáo Phạm Văn Diệt, Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần tập đoàn Đức Bình, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh; Bị cáo Vũ Thị Hoan, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Yên Khánh Hải Thành.
Ông Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng hầu tòa sau 4 ngày bị kỷ luật khai trừ Đảng (ảnh IT).
Ba bị cáo trên đều bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo điểm a Khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc chung thân.
Các bị cáo: Bùi Như Thiềm, nguyên Trưởng phòng Kinh tế, Quân chủng Hải Quân đã nghỉ hưu; bị cáo Bùi Văn Nga, nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành, Quân chủng Hải Quân; bị cáo Đoàn Mạnh Thảo, nguyên Trưởng phòng Tài chính Quân chủng Hải quân; bị cáo Trần Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành, Quân chủng Hải Quân.
4 bị cáo trên khi công tác đều có cấp bậc hàm là đại tá, cả 4 người cùng bị truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo Điểm b Khoản 3 Điều 229 Bộ luật hĩnh sự năm 2015, có mức hình phạt từ 5 đến 12 năm tù.
Riêng bị cáo Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điểm c Khoản 3 Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015, có mức hình phạt từ 7 đến 12 năm tù.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ, tức Út trọc (ảnh TTXVN).
Trong vụ án này, cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương đã liệt kê những tình tiết giảm nhẹ mang tính định khung với các bị cáo. Theo đó tình tiết người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải (điểm s Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015) gồm bị cáo: Nguyễn Văn Hiến, Vũ Thị Hoan, Phạm Văn Diệt, Bùi Như Thiềm, Đoàn Mạnh Thảo, Bùi Văn Nga, Trần Trọng Tuấn.
Tình tiết người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án (điểm t Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015), có bị cáo Phạm Văn Diệt, Vũ Thị Hoan.
Tình tiết người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong công tác (điểm V Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015) gồm bị cáo: Bùi Như Thiềm, Đoàn Mạnh Thảo, Bùi Văn Nga, Trần Trọng Tuấn, Nguyễn Văn Hiến.
Cáo trạng cũng nêu rõ, ông Nguyễn Văn Hiến trong quá trình công tác đã có nhiều công lao đóng góp xây dựng Quân đội và cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc; được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh; anh trai ruột của ông Hiến là Liệt sỹ (Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015).
Ngoài ra Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương còn đề nghị áp dụng Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 đối với các bị cáo sức khỏe yếu, mắc nhiều bệnh tật: Nguyễn Văn Hiến, Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo, Trần Trọng Tuấn.
Như vậy, trong số các bị cáo, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến là trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhất, tiếp đến là các bị cáo Thiềm, Thảo, Nga và Tuấn, đây là cơ sở rất quan trọng khi tòa lượng hình.
Theo lịch, phiên tòa diễn ra trong 3 ngày, từ 18 đến 20/5.
Út 'Trọc' bị cáo buộc chiếm đoạt đất vàng quận 1 như thế nào? Viện kiểm sát cho rằng Út "Trọc" lợi dụng sự kém hiểu biết pháp luật của một số cán bộ Quân chủng Hải Quân để chiếm đoạt một trong 3 khu đất vàng của đơn vị này ở TP.HCM. Trong vụ án Quân chủng Hải quân mất 3 lô đất vàng ở TP.HCM vào tay tư nhân, Viện kiểm sát Quân sự Trung...