Lừa đảo tiền từ thiện của khách nước ngoài
Thấy người nước ngoài đi trên phố vắng, nam thanh niên dừng xe để cô gái bước tới chìa tờ giấy khổ A4 ép plastic kèm tấm thẻ rồi mời chào bằng tiếng Anh. Nhiều du khách đã ủng hộ 500.000 đồng, thậm chí cả 100 USD.
Chiều 7/5, trong khi hai phụ nữ đang chèo kéo khách ở tượng đài Lê Nin, hai thanh niên ngồi ở bên cạnh để cảnh giới. Ảnh. Bá Đô.
Sau một thời gian theo chân nhóm mạo danh tổ chức từ thiện hoạt động ở khu vực vườn hoa Lê Nin, cổng bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), VnExpress.net đã ghi lại được cảnh gần chục thanh niên đi xe máy thường xuyên mồi chài, lừa tiền du khách.
Hễ thấy người nước ngoài đi trên những đoạn phố vắng, nam thanh niên lại dừng xe để “đồng nghiệp” bước tới chìa tờ giấy khổ A4 ép plastic kèm tấm thẻ rồi mời chào bằng tiếng Anh. Nhiều người từ chối nhưng cũng không ít vị khách đã rút tiền đưa cho cô gái rồi ký tên vào một quyển sổ.
*Ảnh: Mánh lừa tiền từ thiện của khách nước ngoài
*Clip: Lừa đảo tiền từ thiện của du khách
Sau khi ghi được những hình ảnh lừa đảo này, VnExpress.net đã liên hệ với công an phường Điện Biên. 10h sáng 8/5, khi đang mồi chài khách tại sân tượng đài Lê Nin, đôi nam nữ đã bị cảnh sát ập tới tóm gọn. Bị phát hiện, cô gái kịp ném chiếc thẻ Hội viên Hội chữ thập đỏ vào bụi cây.
Vợ chồng Đang và Thủy tại trụ sở Công an phường Điện Biên. Ảnh: Bá Đô.
Tại trụ sở công an, Đặng Văn Đang và Nguyễn Thị Thủy khai là vợ chồng, cùng ở huyện Gia Lộc (Hải Dương). Thủy thừa nhận cùng chồng và một số người bạn làm giả thẻ Hội viên Hội chữ thập đỏ và nhờ soạn thảo đoạn văn bản kêu gọi lòng thương của khách nước ngoài. Đoạn văn bản này được dịch sang 6 thứ tiếng, mỗi khi gặp du khách Thủy đưa tờ giấy này cùng gói tăm để mời chào.
Video đang HOT
Thủy khai, làm việc này cách đây khoảng 7 tháng. Hàng ngày, Thủy cùng chồng và một số người bạn đi từ Hải Dương ra Hà Nội rồi tối lại quay về quê. Mỗi ngày thu nhập khoảng 300.000 – 400.000 đồng.
Những chiếc thẻ được làm giả. Ảnh: Bá Đô.
Tuy nhiên, kiểm tra túi xách của Thủy, công an phát hiện quyển sổ ghi chép số tiền khách du lịch ủng hộ lên tới cả chục triệu đồng, trong số đó trên 10 trang ghi kín tên du khách, có người nộp 500.000 đồng, thậm chí có người đưa 100 USD.
Thủy thừa nhận hành vi và đề nghị công an tha thứ để được trở về với con và không tái phạm.
Công an phường Điện Biên đang làm rõ hành vi của nhóm lừa đảo trên.
Theo VNE
Đến VN: Nỗi ám ảnh mang tên "chặt chém"
Chỉ trong thời gian ngắn, tại Hà Nội liên tục xảy ra các vụ bắt chẹt, lừa đảo khách du lịch nước ngoài. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại một số điểm du lịch nổi tiếng, làm xấu đi hình ảnh của du lịch Việt Nam.
Hãi hùng với tiền đi taxi, xích lô
Lợi dụng khách nước ngoài không am hiểu ngôn ngữ, giao thông cũng như chưa biết nhiều về các hãng taxi lớn ở Việt Nam nên cánh tài xế tìm đủ mọi cách để "chặt chém" du khách. Lập lờ giữa VNĐ và USD cũng là cách các tài xế này qua mặt du khách nước ngoài. Chẳng hạn, đồng hồ bấm cước hiện 40.000 đồng nhưng tài xế chỉ bấm số 40 nên du khách nghĩ cước phí cho chặng đường hết... 40 USD. Cũng có những trường hợp du khách nước ngoài đổi ngoại tệ ra tờ 200.000 đồng hoặc 500.000 đồng để trả tiền cho món hàng chỉ vài chục ngàn, nhưng người bán hàng... không trả lại tiền dư.
Tình trạng tài xế taxi "chặt chém" khách diễn ra phổ biến bằng nhiều hình thức. Vụ việc mới đây nhất, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã triệu tập lái xe taxi của hãng Trung Việt vì thu của khách quá số tiền quy định. Đại diện hãng này đã phải xin lỗi vợ chồng và trả lại tiền vị khách người Australia, đồng thời chấm dứt hợp đồng với tài xế, phạt 20 triệu đồng - mức cao nhất cho hành vi thu quá tiền quy định.
Cụ thể, chiều 28/4, khi đi hưởng tuần trăng mật ở Việt Nam, vợ chồng người Australia bị tài xế taxi Trung Việt ép trả 980.000 đồng cho quãng đường gần 7 km từ Bảo tàng Lịch sử Quân sự đến Bảo tàng Dân tộc học.
Cách đó chỉ vài ngày, 3 du khách Pháp vừa đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) đã bị tài xế taxi và nhân viên khách sạn trên phố cổ cấu kết lừa đảo, đe dọa tính mạng. Khi công an vào cuộc, nhân viên lễ tân khách sạn đã nhận lỗi, đồng thời bồi thường cho 3 vị khách 10 triệu đồng.
Lập biên bản xử lý với các taxi vi phạm
Trước đó, một du khách Nhật đón một chiếc taxi của Hợp tác xã vận tải du lịch 27/7, có gắn đèn hiệu và logo "nhái" taxi Mai Linh từ chợ Bến Thành về khách sạn Khải Hoàn (đường 3/2, phường 12, Q.10, TPHCM). Đi đến ngã tư Cách Mạng Tháng 8 - Điện Biên Phủ (phường 7, Q.3), ông Hirako được tài xế thông báo phải trả 650.000 đồng cước taxi, dù đồng hồ chỉ báo hết 65.000 đồng. Khi xuống xe, ông Hirako còn bị tài xế đấm một cú vào mặt vì không chịu trả tiền.
Còn hai du khách quốc tịch Tây Ban Nha đón xe taxi với đoạn đường chỉ hơn 1 km, mức giá cước thông thường chưa đến 20.000 đồng. Tuy nhiên, khi đến nơi, tài xế đã yêu cầu trả số tiền 394.500 đồng theo như số hiện trên đồng hồ taxi. Họ buộc phải trả số tiền 400.000 đồng và đề nghị cơ quan chức năng làm rõ.
Tương tự, một nữ du khách người Nhật cũng đã bị tài xế taxi Sài Gòn Hoàng Long thu cước quá giá và lấy mất hành lý. Mặc dù đồng hồ tính cước hiện con số 252.000 đồng từ trung tâm TP.HCM tới sân bay, nhưng khi chị này đưa tờ 500.000 đồng tài xế giơ ba ngón tay. Lúc này, khách lấy ra hai tờ 500.000 đồng nữa thì tài xế giằng lấy. Sau đó, tài xế này chở chị tới máy ATM để rút tiền, rồi phóng xe đi mất, mang theo toàn bộ hành lý của chị và ba tờ 500.000 đồng đã lấy trước đó.
Phản ánh lên báo chí, ông Phương, một Việt kiều cùng người bà con ở Long An đã bị một tài xế taxi khu vực Bến Thành "chém đẹp" 300.000 đồng cho đoạn đường chưa đầy một cây số. Nhìn đồng hồ nhảy quá nhanh trong xe, ông Phương liền la lên và đòi xuống xe ngay.
Ông Thomas Kenger, một chuyên gia môi trường người Thụy Điển, cũng kể lại: Ông dùng bản đồ Google Map để xác định vị trí đi tới một khách sạn và biết rất rõ đoạn đường đi chỉ khoảng 2km, nhưng vừa lên chiếc xe mang hiệu Vinasum, ông được tài xế chạy vòng vòng hơn 4 km sau đó đòi trả 150 USD tiền cước, dù đồng hồ nhảy tiền Việt và dừng ở con số 150.000 đồng!
Ngay cả đại biểu Interpol tới Việt Nam cũng bị chặt chém. Tài xế của hãng taxi Phú Gia chở 2 người khách Singapore đến Việt Nam dự họp Đại hội đồng Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) ở Hà Nội. Khi chở khách tới nơi, trong lúc thanh toán, do khách không biết tiếng Việt, lái xe đã tự lấy ví của họ và rút 200 USD và 80 đô la Singapore rồi giữ luôn chiếc điện thoại iPhone 4 do khách để quên trên xe.
Rất nhiều du khách nước ngoài đến Hà Nội thích được đi dạo bằng xích lô quanh các khu phố cổ, nhưng họ lại sợ vì không ít trường hợp đã phải trả tiền triệu cho một cuốc xích lô quanh khu phố cổ. Mới đây, Tổng cục du lịch vừa phải gặp và xin lỗi du khách người Australia, bà Ilona Schultz, do bị "chặt chém" khi đến tham quan Hà Nội. Bà cùng hai con nhỏ đi xích lô từ phố Ông Bích Khiêm về Hàng Trống (Hà Nội) đã bị "hét" giá 1,3 triệu đồng.
Xử lý đã mạnh tay?
Theo nhiều chuyên gia, nạn "chặt chém" còn tồn tại sẽ gây tổn hại không nhỏ tới hình ảnh Việt Nam và ngành du lịch. Chính vì thế, một động thái mới, khác lạ là ngay sau khi việc người khách Australia được làm rõ, đại diện Tổng cục Du lịch đã đến gặp và chính thức xin lỗi du khách đi xích lô bị đòi trả 1,3 triệu đồng. Tổng cục trưởng, ông Nguyễn Văn Tuấn, lấy làm tiếc vì hành động của người đạp xích lô, cho rằng hành động này là con sâu làm rầu nồi canh, có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của cả ngành du lịch Việt Nam. Ông có hứa sẽ xử lý vụ việc theo pháp luật.
Lần đầu tiên lãnh đạo Tổng cục Du lịch đã phải đến tận nơi xin lỗi khách du lịch bị "chặt chém" khi đi xích lô ở Hà Nội
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng cho biết, tới đây, cơ quan này sẽ có những biện pháp cụ thể, đề xuất mức phạt nặng nhất đối với những khách sạn, hãng xe taxi móc nối, lừa gạt khách; đồng thời kiểm tra tất cả các khách sạn có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh để xử lý nghiêm.
Theo ông Võ Đình Hải - đoàn Luật sư TP. Hà Nội, "để phát triển du lịch lâu dài, bền vững cần có cơ chế, hệ thống chính sách, văn bản pháp luật đủ mạnh, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Cần có chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe với những hành vi đeo bám và "chặt chém", thậm chí có thể truy tố nếu đủ dấu hiệu vi phạm hình sự. Đối với những lái xe taxi chặt chém, lừa đảo du khách, cần sớm lập hồ sơ và làm thẻ cho từng cá nhân. Qua đó, các cơ quan chức năng dễ dàng xử lý những lái xe taxi giả hoặc lái xe có hành vi chèn ép du khách. Ngoài ra, các công ty du lịch khi đưa khách đến Hà Nội cũng phải có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho du khách trong suốt quá trình lưu trú, tham quan".
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, nhìn nhận, vụ tài xế taxi bắt chẹt khách đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh taxi Thủ đô. "Những tài xế như vậy phải tẩy chay khỏi ngành để không ảnh hưởng đến các lái xe và hãng hoạt động lành mạnh", ông kiến nghị.
Sau vụ việc này, Hiệp hội đã thiết lập đường dây nóng (04 37710851 và 04 38525252) để hành khách phản ánh về chất lượng phục vụ cũng như giá cước của các hãng taxi.
Trước thực trạng nhức nhối này, các cơ quan chức năng ngành du lịch đã chỉ đạo toàn ngành phải kiên quyết vào cuộc, giải quyết triệt để tình trạng chèo kéo, chặt chém, lừa đảo khách tại các trung tâm du lịch trong thời gian tới.
Theo 24h
Sự khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn qua ảnh đồ họa Loài hoa đặc trưng ngày Tết ở Hà Nội là hoa đào, còn ở Sài Gòn phải là hoa mai. Món ăn đường phố ở Hà Nội thường là những gánh hàng rong, còn Sài Gòn lại dùng xe đẩy.... Bộ ảnh đồ họa "The Difference Between Hanoi and Saigon" (Sự khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn) của Lê Duy Nhất...