Lừa đảo là người nhà bệnh nhân để xin tiền tài trợ
Đối tượng xấu trải chiếu, dùng một cái đĩa để “mồi” bằng ít tiền lẻ cho bệnh nhân Đ. ngồi xin tiền. Sau đó, người này chiếm đoạt tiền của bệnh nhân.
Mới đây, phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết phát hiện đối tượng hướng dẫn và sắp xếp để người nhà bệnh nhân xin tiền hỗ trợ trong bệnh viện.
Cụ thể, bệnh nhân L.V.Đ. (dân tộc Thái, Lai Châu, Hòa Bình) hiện điều trị tại Trung tâm Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng, gia đình thuộc diện hộ nghèo, không giao tiếp được nhiều bằng tiếng Kinh.
Bệnh nhân Đ. có tiền sử Thalassemia, vào viện do nhiễm trùng bàn chân, vết thương hoại tử nhiều, phải cắt cụt cẳng chân phải. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được ra viện ngày 31/10.
Đối tượng xấu lợi dụng hình ảnh, thông tin của bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai để lừa đảo người dân nhẹ dạ. Ảnh: BVBM.
Biết bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng đã tiếp cận để người nhà của Đ. ngồi ở sảnh tầng 1 (nhà ăn bệnh viện), hướng dẫn cách để xin tiền hỗ trợ. Sau đó, đối tượng này chiếm đoạt của họ.
Đối tượng là một phụ nữ trung tuổi, tóc ngắn, tự nhận với những người xung quanh là người nhà của bệnh nhân. Người này đã trải chiếu, dùng một cái đĩa để “mồi” bằng ít tiền lẻ cho bệnh nhân Đ. ngồi xin tiền. Khi nhân viên Phòng Công tác xã hội yêu cầu nếu là người nhà bệnh nhân phải làm thủ tục hành chính xuất viện, đối tượng liền lẩn trốn.
Người nhà bệnh nhân chia sẻ không biết đối tượng này, chỉ gặp ở hành lang và được rủ đi lấy tiền. Đây là dấu hiệu lợi dụng hình ảnh, thông tin của bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai để lừa đảo.
Sau khi sự việc này xảy ra, Phòng Công tác xã hội cảnh báo người dân và các cán bộ y tế cần nâng cao cảnh giác và không tin vào những thông tin, hình ảnh chưa được xác thực. Nếu muốn hỗ trợ người bệnh khó khăn, người dân có thể liên hệ trực tiếp với các cán bộ tại đơn vị để được hướng dẫn cụ thể.
Theo Zing
Video đang HOT
Bạo hành thầy thuốc ở Việt Nam rất cao, chiếm 25% tổng số bạo hành tại nơi làm việc.
Đảm nhiệm công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân, nhưng các cán bộ y tế lại luôn phải đối mặt với những nguy cơ đến từ môi trường làm việc, đặc biệt là sự bạo hành của chính bệnh nhân và người nhà người bệnh.
Các đại biểu tại hội thảo "Bảo vệ Blouse trắng" năm 2019 với chủ đề "An toàn, vệ sinh lao động - Phòng chống bạo hành tại các cơ sở y tế".
Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Bảo vệ Blouse trắng" với chủ đề "An toàn vệ sinh lao động - phòng chống bạo hành tại các cơ sở y tế" do Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý Môi trường Y tế, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) tổ chức ngày 29/10, tại Hà Nội.
Gần 2.000 cán bộ y tế mắc ung thư, bệnh hiểm nghèo
Theo TS. Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam - cán bộ y tế, đặc biệt các bác sĩ, là những người phải trải qua quy trình tuyển chọn, đào tạo khắt khe với thời gian học tập kéo dài. Thế nhưng, môi trường làm việc của cán bộ y tế ở nước ta thuộc diện áp lực nhất vì quá tải, thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị, chưa kể nhân viên y tế còn phải đối mặt với nhiều rủi ro vì những tác hại của bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm.
TS. Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam
"Nguy hiểm hơn là những tác hại không lây nhiễm như hóa chất, nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, sóng siêu âm, các tác động đến da, căng thẳng về tâm lý stress, nguy cơ bị bạo hành cao. Đáng lo ngại là các bức xạ ion hóa gây biến đổi gen, nhiễm sắc thể, can thiệp vào quá trình chuyển hóa, chậm phân chia tế bào, nguyên nhân của các loại ung thư máu, da, xương và tuyến giáp. Thống kê sơ bộ của Công đoàn Y tế Việt Nam cho thấy có gần 2.000 đoàn viên là cán bộ y tế bị ung thư, mắc bệnh hiểm nghèo" - Bà Bình chia sẻ.
PGS. TS. Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường - cũng cho biết: Hiện có 500.000 nhân viên y tế làm việc tại hơn 13.000 cơ sở y tế trên cả nước. Họ thường xuyên phải làm việc trong môi trường có áp lực lớn, đối mặt nguy cơ mắc các bệnh dịch nguy hiểm (viêm gan, lao,...), tiếp xúc với hóa chất. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm tới môi trường làm việc của các cán bộ y tế, đánh giá mức độ nguy hiểm, nguy cơ lây bệnh,... đồng thời, khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên y tế.
PGS. TS. Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường
Thực tế cho thấy, ngay tại các bệnh viện trung ương, kết quả khám định kỳ của các nhân viên y tế cũng đều không có. Khi không có hồ sơ thì không thể theo dõi tình trạng sức khỏe và phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, hầu hết các nhân viên y tế đều chủ quan đối với các yếu tố không nhìn thấy, như hóa chất, xạ trị ung thư,... đều có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ngoài ra, bệnh nghề nghiệp của các nhân viên y tế liên quan đến các yếu tố vật lý cũng rất lớn."
Ông Phạm Xuân Thành - Cục Quản lý môi trường y tế
Thông tin về công tác đảm bảo an toàn lao động cho cán bộ y tế, ông Phạm Xuân Thành - Cục Quản lý Môi trường Y tế - cho hay: "Nhân viên y tế thường làm việc vào ban đêm, theo ca, kíp nên thường gặp các bệnh về cơ xương khớp. Điều tra năm 2016 tại Bệnh viện Việt Đức cho thấy trên 90% nhân viên y tế mắc các bệnh này. Ngoài ra, họ thường xuyên phải đối mặt với căng thẳng, lo sợ không chỉ đến từ áp lực công việc mà còn đến từ sự bạo hành của người bệnh và người nhà người bệnh."
Làm thế nào để bảo vệ "blouse trắng"?
Theo thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), từ năm 2010 đến năm 2016, cả nước đã xảy ra ít nhất 22 vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hành hung cán bộ y tế. Năm 2017, có 13 vụ. Đặc biệt, năm 2018 không chỉ xảy ra nhiều vụ tấn công thầy thuốc nghiêm trọng, mà nhiều vụ côn đồ vào tận bệnh viện tấn công bệnh nhân và thầy thuốc.
Từ đầu năm 2019 đến nay, có khoảng 20 vụ bạo hành thầy thuốc tại bệnh viện, chủ yếu tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, trong đó có 4 bác sĩ, 15 điều dưỡng và một bảo vệ bị hành hung.
Trong số các vụ bạo hành y tế, 70% nạn nhân là bác sỹ, 15% là điều dưỡng. 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sỹ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân, 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.
"Tình trạng bạo hành cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ ngày càng gia tăng và nghiêm trọng về mức độ. Điển hình là trường hợp của bác sĩ Trần Văn Giàu (Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư, Thái Bình) tử vong vì bị người nhà bệnh nhân bạo hành. Gần đây, một nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Y tế Quế Sơn (Quảng Nam) cũng đã tử vong do ngăn cản vụ cãi nhau giữa người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Chính vì vậy, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và phòng chống bạo hành là trách nhiệm không chỉ của người sử dụng lao động, người lao động, các cấp công đoàn, mà còn của các bộ, ngành, cấp chính quyền. Các cơ quan truyền thông cần lên tiếng để cán bộ y tế yên tâm làm tốt công việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh." - PGS. TS. Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ: "Trong hành trình nghề nghiệp và sứ mệnh cao cả của mình, những nhân viên y tế đã luôn nỗ lực, chăm lo và cứu chữa người bệnh. Tuy nhiên, họ đã và đang làm việc trong môi trường nhiều rủi ro với các yếu tố liên quan đến bệnh tật, tâm lý, bạo hành.
Ngành y tế hiện nay do thiếu nhân lực, đặc biệt là thiếu nhân lực cục bộ, nên nhiều nhân viên y tế phải làm việc với một điều kiện hết sức căng thẳng. Nhiều bác sĩ phải mổ hàng chục giờ liền. Nhiều nhân viên y tế có những giấc ngủ không ngon. Tại bệnh viện, hạ tầng yếu kém, an ninh trật tự còn hạn chế.
Nếu có máy đo đếm về tâm lý môi trường của con người thì có lẽ môi trường tâm lý ở bệnh viện là đặc biệt nhất. Tâm trạng, nhịp tim đập mạnh nhất là ở bệnh viện. Xã hội thường đòi hỏi nhân viên y tế nhiều nhưng hiểu công việc của nhân viên y tế lại ít."
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh: "Hiện, có hơn 1.400 bệnh viện, 339.000 lượt bệnh nhân và hơn 500.000 nhân viên y tế, mỗi năm có khoảng 160 triệu lượt người khám và 27 triệu người bệnh điều trị nội trú. Đây là sức ép khá lớn đối với các nhân viên y tế. Nếu nhân viên y tế không đảm bảo đủ sức khỏe thì không thể chăm sóc tốt cho người bệnh.
Trên thế giới, nhân viên y tế bị bạo hành gấp bốn lần so với ngành nghề khác. Tại Việt Nam, bạo hành trong ngành y tế có tỷ lệ cao, chiếm 25% tổng số bạo hành tại nơi làm việc. Từ năm 2010 đến tháng 5/2017 có 26 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện trong đó năm 2014 có tới 7 vụ điển hình.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng chưa mang tính răn đe cao. Nhiều nước chỉ cần có lời nói mang tính gây hấn với nhân viên y tế là bị giam giữ. Trong khi pháp luật nước ta chưa có những quy định chặt chẽ, chưa có chế tài xử phạt nặng, nên tình trạng bạo hành như xúc phạm danh dự, bạo hành tinh thần rất phổ biến trong môi trường bệnh viện." - ông Khoa nhấn mạnh.
Theo viettimes
Bếp yêu thương: 4.500 suất ăn miễn phí mỗi ngày Căn "Bếp yêu thương" tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày có hàng ngàn lượt người đến nhận suất ăn miễn phí. Đây là sự phối hợp của Phòng Công tác xã hội với Chi hội từ thiện Bảo Hòa, Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Nhơn Hòa, Họ đạo Chợ Lớn và quán cơm Hạnh Dung. "Bếp yêu thương" được Phòng...