Lựa chọn bất ngờ của ông Trump
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp tục gây chú ý khi chọn một lãnh đạo công ty dầu khí có quan điểm trái chiều về biến đổi khí hậu cho vị trí Bộ trưởng Năng lượng.
Hôm qua (giờ VN), Tổng thống đắc cử Trump thông báo chọn ông Chris Wright, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty dầu khí Liberty Energy ở TP.Denver (bang Colorado, Mỹ), cho vị trí Bộ trưởng Năng lượng, Reuters đưa tin.
Gây tranh cãi
Truyền thông Mỹ đưa tin ông Wright đã liên tục vận động việc phát triển dầu mỏ và khí đốt, bao gồm sử dụng công nghệ thủy lực cắt phá để khai thác dầu khí, vốn bị cho là gây hậu quả lớn với môi trường. Theo Đài CBS News, ông Wright dự kiến sẽ ủng hộ kế hoạch tăng sản lượng dầu mỏ và khí đốt ở Mỹ lên ngưỡng tối đa nhằm đưa nước này lên vị thế “thống trị năng lượng” trên thị trường toàn cầu.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và sự lựa chọn cho ghế Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright. ẢNH: AFP/REUTERS
Tổng giám đốc Liberty Energy cũng được cho là có cùng quan điểm với ông Trump trong việc phản đối thế giới hợp tác nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. “Chẳng có cuộc khủng hoảng nào mang tên khí hậu, và chúng ta cũng không đang trong tiến trình chuyển đổi năng lượng”, ông Wright phát biểu hồi năm ngoái. Đài CBS News lưu ý người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Năng lượng chưa có bất kỳ kinh nghiệm chính trị nào. Trong khi đó, Bộ Năng lượng xử lý vấn đề ngoại giao chính sách, quản lý kho dự trữ dầu quốc gia, điều hành những chương trình tài trợ và cho vay để phát triển các công nghệ năng lượng. Bộ trưởng Năng lượng cũng có trách nhiệm giám sát các kho vũ khí hạt nhân, rác thải phóng xạ và 17 phòng thí nghiệm trên toàn nước Mỹ.
Trong một diễn biến khác, ông Trump hôm qua cũng thông báo chọn luật sư riêng William Owen Scharf vào vai trò trợ lý tổng thống kiêm thư ký báo chí Nhà Trắng khi nhiệm kỳ mới bắt đầu.
Chưa nhậm chức, ông Trump đối diện nguy cơ bị nhiều bang phản đối
Quan hệ với nước ngoài
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm qua thông báo nhà lãnh đạo này và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru nhất trí tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác ba bên với Mỹ khi ông Trump chính thức nhậm chức tổng thống vào tháng 1 năm sau. Hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Lima (Peru) hôm 16.11.
Cùng ngày, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho hay quan hệ giữa ông với Tổng thống đắc cử Mỹ đã có khởi đầu vô cùng tốt, dựa trên cuộc điện đàm song phương sau khi ông Trump đắc cử. “Đó là cuộc điện đàm tích cực. Chúng tôi trao đổi khoảng 10 phút, và đó là một trong những cuộc gọi đầu tiên mà ông ấy thực hiện (sau khi biết tin đắc cử)”, Reuters hôm qua dẫn lời ông Albanese nói.
Lãnh đạo Mỹ – Trung ra tuyên bố quan trọng về AI
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Peru ngày 16.11. ẢNH: REUTERS
Trong cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16.11 tại Peru, bên lề hội nghị cấp cao APEC 2024, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc đối thoại thẳng thắn và mang tính xây dựng về vấn đề trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo Reuters, ông Tập và ông Biden nhấn mạnh quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân phải nằm trong tay con người chứ không phải AI, cùng với đó là yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy AI cho những mục đích tốt đẹp. Thông cáo của Nhà Trắng đề cập thêm hai nhà lãnh đạo nêu rõ phải cân nhắc kỹ lưỡng các rủi ro tiềm ẩn, cũng như phát triển AI trong lĩnh vực quân sự một cách thận trọng và có trách nhiệm.
Cũng tại cuộc gặp trên, ông Tập lưu ý nhân loại đang đối mặt với những thách thức chưa từng có trong thế giới biến động, qua đó cho rằng cạnh tranh nước lớn không nên trở thành logic của thời đại, mà chỉ có đoàn kết và hợp tác mới giúp thế giới vượt qua khó khăn. Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch nước Trung Quốc khẳng định trong 4 năm qua, quan hệ Mỹ – Trung có những thăng trầm, song nhìn chung vẫn ổn định và hai nước đạt được thành tựu tích cực trong nhiều lĩnh vực. Tổng thống Biden nói quan hệ Mỹ – Trung là quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, nhấn mạnh hai chính phủ có trách nhiệm với hai dân tộc và thế giới trong việc đảm bảo sự cạnh tranh không biến thành xung đột.
Vai trò của tỉ phú Elon Musk trong Nhà Trắng sắp tới
Tờ The New York Times mới đây loan tin tỉ phú công nghệ Elon Musk hồi đầu tuần đã có cuộc gặp gỡ bí mật với Đại sứ Iran tại LHQ Amir Saeid Iravani để thảo luận cách giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Ông Trump và ông Musk tại buổi vận động cử tri ở Pennsylvania hồi tháng 10. ẢNH: AFP
Nếu được xác nhận, thông tin trên sẽ là một dấu hiệu cho thấy vai trò lớn của ông Elon Musk trong chính quyền sắp nhậm chức của ông Trump.
Ông Musk gặp gỡ ông Trump vào đầu nhiệm kỳ đầu tiên, nhưng quan hệ chỉ phát triển thành đồng minh thân thiết trong những tháng cuối của chiến dịch tranh cử vừa qua. Vị tỉ phú giàu nhất thế giới đã tài trợ hơn 119 triệu USD cho ủy ban hành động chính trị ủng hộ ông Trump và công bố ủng hộ ứng viên Cộng hòa sau khi ông bị bắn tại Pennsylvania hồi tháng 7. Kể từ đó, ông Musk liên tục xuất hiện trong các sự kiện của ông Trump.
Truyền thông Mỹ cho rằng ông Musk đã trở thành người quyền lực nhất trong "bộ sậu" sắp tới của ông Trump, có mặt tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida của tổng thống đắc cử "gần như mỗi ngày" gần đây. "Elon sẽ không về nhà. Tôi không thể thoát khỏi cậu ấy, ít nhất là cho đến khi tôi không thích cậu ấy nữa", ông Trump nói đùa trong cuộc gặp các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện ngày 13.11. Theo trang Axios, tỉ phú Musk là một trong số ít người thân tín dự những phiên họp chọn lựa thành viên trong chính quyền sắp tới của ông Trump.
Ông Musk đã được ông Trump chọn làm lãnh đạo Ban Hiệu quả chính phủ (DOGE), cơ quan không chính thức phụ trách cải cách bộ máy quan liêu của chính phủ. Chưa rõ cách hoạt động của cơ quan này là như thế nào, song ông Musk tự tin có thể tiết kiệm 2.000 tỉ USD, gần bằng 1/3 chi tiêu hằng năm của chính quyền liên bang. Đồng thời, ông cũng muốn giảm số cơ quan liên bang từ hơn 400 xuống còn 99.
Giới quan sát nhận định cuộc gặp của ông Musk với Đại sứ Iran (nếu đúng) cho thấy chính quyền Trump đang chuẩn bị hoạt động vượt ra ngoài khuôn khổ ngoại giao truyền thống. Theo đó, ông Trump không cần đến những nhà ngoại giao đích thực hoặc các quan chức chính quyền để liên lạc với đồng minh và các đối thủ như Iran, Nga hay Trung Quốc. Thay vào đó, ông có thể nhờ cậy những người thân tín như ông Musk để làm kênh liên lạc không chính thức.
Tỉ phú Elon Musk bí mật gặp đại sứ Iran
Ngoài cuộc gặp với Đại sứ Iran, ông Musk còn được cho là đã nhiều lần liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin từ năm 2022 cũng như các quan chức khác của Nga. Ông Musk và Điện Kremlin đã bác bỏ thông tin này nhưng các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ mới đây đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp điều tra vì lý do an ninh quốc gia, khi Công ty SpaceX của vị tỉ phú tham gia nhiều dự án quan trọng của Lầu Năm Góc và NASA, theo Reuters.
Mặt khác, CNBC dẫn lời giới chuyên gia cho biết đã có nhiều tò mò tại Trung Quốc trong vài tháng qua về việc liệu ông Musk, người có lợi ích kinh doanh lớn tại Trung Quốc, có thể là một "phiên bản" của cố Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger để làm trung gian thỏa thuận giảm căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nhận định vừa nêu là "nói quá".
Iran đảm bảo không có ý định giết Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump Iran đã viết thư bảo đảm với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng không có ý định ám sát ông Donald Trump, trong một động thái phản ánh cuộc trao đổi bí mật nhằm làm dịu căng thẳng giữa Tehran và Washington trước khi ông Trump quay về Nhà Trắng. Thông điệp trên đã được Iran chuyển giao cho phía Mỹ...