Lừa chơi tiền ảo dưới mác đầu tư chứng khoán
Không kiến thức, ham lợi nhuận, nhiều nạn nhân bị chôn vốn vào kênh tiền ảo dưới mác đầu tư chứng khoán mà không hề hay biết…
Gala dinner hoành tráng chào mừng khai trương chi nhánh Công ty TNHH Đầu Tư Financial.org Việt Nam tại Hà Nội tháng 8/2018
Sau 1 năm thu vốn, nhận lãi gấp đôi
Quanh năm nội trợ ở nhà, song khi được một “người anh” rủ rỉ đầu tư cho một công ty chứng khoán có trụ sở tại Thụy Sỹ, chị T.M.H. (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng quyết “ôm” hơn 2 trăm triệu đồng trong nhà để đầu tư. “Anh ấy bảo, mình chỉ cần đổ tiền vào thôi còn công ty đã có ê-kíp thay mình chơi. Mỗi một lệnh thành công, tiền lãi sẽ công khai báo về tài khoản của mình. Phía công ty chỉ giữ lại chút % coi như hoa hồng trả công”.
Theo lời kể của chị H., gói thấp nhất để đầu tư là 10 nghìn USD, người chơi nhận được cam kết 1 năm sẽ hoàn vốn và tiền lãi tăng gấp đôi. “Người quen bảo tôi vào càng sớm càng có lợi, với gói đầu tư của mình, mỗi tháng tôi sẽ nhận về một số giá trị bằng đồng tiền Foin. Muốn rút thì có thể quy đổi ra đồng USD rồi thành tiền Việt khoảng 30 triệu đồng. Nếu không muốn rút, có thể để dành hoặc mua thêm Foin của người khác vì đồng tiền này sẽ tăng lũy tiến, càng nhiều người vào chơi, giá trị càng tăng”.
Cũng theo lời chị H., do quy trình giao dịch rút tiền khá rắc rối với một bà nội trợ không biết tiếng Anh, nên chị hoàn toàn phải phụ thuộc vào người “cấp trên”. “Thấy bảo là cấp trên chuyển tiền vào tài khoản cho mình chứ mình cũng không hề biết họ là ai. Sau 6 tháng tiền về đều đặn thì tới tháng 9/2018 đột nhiên không thấy động tĩnh gì. Lúc này, số tiền gốc của tôi vẫn còn mắc trong hệ thống khoảng 40 triệu đồng. Khi tôi thắc mắc, “người anh” kia trả lời nếu không mở tài khoản mới thì họ sẽ ngưng hoạt động tài khoản của mình lại, chờ đến tháng 7/2019 là ngày hệ thống sẽ tung đồng Foin ra thị trường thế giới, khi đó mình lại thoải mái mua bán”, chị H. giãi bày.
Tuy nhiên tới hẹn, chị H. vẫn chưa thấy tín hiệu từ tài khoản. “Truy hỏi nhiều lần mới được biết đồng Foin không ok nên tháng 10 công ty sẽ tìm cách đổi sang giá trị đồng Bitcoin. Tuy nhiên, để được chuyển đổi, mỗi mã chơi sẽ phải nộp thêm 1,5 triệu đồng nữa. Thôi thì vớt vát được chút nào hay chút ấy, tôi đành nghe theo. Thế nhưng, bây giờ đã gần tháng 11 rồi vẫn thấy im ắng lắm”, chị H. cho hay.
Với 40 triệu đồng có khả năng bị “chôn mất” vào hệ thống đầu tư tiền ảo, chị H. vẫn cho mình khá may bởi nhiều người khác xung quanh chị còn mất nhiều hơn rất nhiều. “Bạn tôi thấy ban đầu tiền lãi đổ về tài khoản thật nên đâm ra say, chơi hết gói này tới gói khác. Cắm cả nhà vay 1 tỷ đồng đổ vào, giờ thì chết ngất ôm nợ”.
Theo tìm hiểu, công ty chứng khoản mà chị H. nhắc tới chính là Financial.org. Với chiêu thức là “cầu nối” giữa những người có tiền nhàn rỗi và các nhà đầu tư chứng khoán cần tiền, Financial.org ra mức đầu tư tối thiểu là 10.000 USD. Mỗi tháng, công ty sẽ trả 8% lãi và 8% gốc (tương đương 1.600USD). 16% này đến từ quy trình được giải thích là cho các nhà đầu tư chứng khoán vay tiền và thu phí hàng tháng. Chưa kể nếu mời thêm được người tham gia, người chơi sẽ được thưởng nóng 6% giá trị tài khoản đầu tư. Ngoài ra, còn hoa hồng cân nhánh từ những người chơi tiếp theo.
Tuy nhiên, chia sẻ với PV Báo Giao thông, nhiều thành viên cũ (tham gia từ năm 2018) đều cho hay, sau khi nhận lãi được 3 – 6 tháng, tài khoản bị “treo”. “Khi tham gia họ nói nếu không bán bên ngoài thì cấp trên cam kết sẽ mua lại số Foin đó, nhưng đến khi muốn rút thì tôi lại bị từ chối. Có trường hợp, cấp trên giả vờ nhận lời, chuyển Foin đó sang nhưng 2 tháng sau chuyển ngược lại lấy cớ không tìm được người mua”, một người chơi tại TP HCM cho hay.
Video đang HOT
Khi đa cấp hợp sức với tiền ảo
“Bitcoin giảm mạnh kéo theo hàng loạt tiền ảo lao dốc. Tính tới ngày 24/10, giá Bitcoin đồng loạt giảm mạnh xuống ngưỡng 7.000 USD. Theo sau Bitcoin, các loại tiền điện tử có vốn hóa lớn khác cũng giảm từ 1% đến 10% về giá trị. Bị ảnh hưởng bất lợi nhất là Bitcoin SV, tiền ảo này mất 9,91% và đang giao dịch mức 96,7 USD. Vốn hóa ghi nhận chỉ 1,7 tỷ USD, trong khi khối lượng giao dịch trong 24 giờ gần nhất vào khoảng 495 triệu USD. Hai tiền ảo Binance Coin và Bitcoin Cash giảm lần lượt 8,57% và 8,26%. EOS giảm 7,7%, Ripple và Ethereum giảm khá sâu với 6,6%.”
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, thực chất Financial.org là một trang web thuộc sở hữu của một tập đoàn tài chính ở Thụy Sĩ nhưng rất lạ là không thể tìm thêm được bất kỳ thông tin nào về công ty này. “Năm 2018, Reuters phát đi cảnh báo Financial.org không nằm trong danh sách công khai các công ty được ủy quyền và điều chỉnh bởi Cơ quan Quản lý tài chính (FCA) của Anh để mua và bán cổ phiếu hoặc trái phiếu cho khách hàng. Cung cấp các dịch vụ đầu tư mà không có sự chấp thuận của pháp luật là một hành vi vi phạm hình sự ở Anh”, ông Hiếu cho biết.
Được biết, công ty này mở văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2017. Khi biết mình sa bẫy vào đồng Foin của Financial.org, nhiều người chơi cho hay chấp nhận đầu tư vì tưởng đây là kênh ủy quyền chơi chứng khoán. “Thời gian đầu, trong tài khoản hàng ngày đều công khai hôm nay đầu tư mã nào, lãi như thế nào. Nên nhiều người tin và tham gia lắm”, một người chơi cho hay.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế Huỳnh Trung Minh cho biết: “Dụ chơi chứng khoán hay tham gia đầu tư gắn liền với một thứ hàng hóa nào đó… cũng chỉ là hình thức, giải pháp tạo nên giá trị cho đồng tiền ảo. Cứ như thế đồng này sập thì đồng kia được dựng lên hút vốn người chơi”.
Từ trường hợp đồng Foin, ông Minh cho biết: Đây là hình thức kinh doanh tiền ảo nhưng mô hình gần giống kinh doanh đa cấp. “Nếu như hầu hết công ty kinh doanh đa cấp đều kinh doanh các sản phẩm hữu hình, người đến trước sẽ được hưởng lợi dựa trên mức tiêu thụ sản phẩm/doanh số của người đến sau thì đối với kinh doanh tiền ảo, giá trị ban đầu của đồng tiền ảo bị đẩy lên cao khi càng có nhiều người tham gia… Điều này tạo sự khan hiếm vì số lượng tiền ảo được tạo ra luôn là có hạn theo ý thức chủ quan của người/tổ chức viết ra. Và người tham gia bị thúc đẩy bởi tâm lý “tôi phải là người đi trước”. Càng nhiều người nghĩ mình là người đi trước sẽ càng có nhiều người tham gia”, ông Minh phân tích.Đáng nói, theo ông Minh, qua rất nhiều bài học cảnh báo, người chơi tiền ảo biết là lừa đảo nhưng vẫn cố tình tham gia. “Nhiều người tham gia lại nghĩ là mình là thế hệ đầu, khôn hơn, khi cần sẽ rút chân ra kịp, trước khi hệ thống sập. Chính vì thế, tiền ảo vẫn được coi là một kênh đầu tư dù pháp luật Việt Nam chưa công nhận”, vị chuyên gia nói.
Hoàng Ngân
Theo baogiaothong.vn
London - Mô hình trung tâm tài chính quốc tế chuẩn mực
Chiếm tới 37% lượng giao dịch tiền tệ trên toàn cầu và có khoảng 5.100 tỷ USD giao dịch mỗi ngày, Trung tâm tài chính London (Anh) có tác động một cách toàn diện đến hoạt động của các thị trường tài chính khác, là mô hình trung tâm tài chính chuẩn mực.
Trao đổi với TG&VN, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp, Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính chia sẻ quan điểm về vai trò, cũng như những ưu thế của một trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, từ đó gợi ý những bài học kinh nghiệm khi xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới.
Ông có thể giới thiệu về quá trình xây dựng, hình thành của Trung tâm tài chính London, nơi diễn ra các giao dịch tài chính sôi động, ảnh hưởng tới nền tài chính toàn cầu?
Năm 1795, sau khi trung tâm tài chính Amsterdam (Hà Lan) sụp đổ do cuộc tấn công của Napoleon, hoạt động tài chính thế giới, mà lúc đó chủ yếu ở châu Âu, bị đình trệ khiến người ta phải tìm nơi thay thế, và London được chọn. Khi đó, sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, London đã bắt đầu có vị thế của của một trung tâm thương mại. Một loạt nhà tài chính tên tuổi đã đến London, biến nơi đây từ trung tâm tài chính của riêng nước Anh thành trung tâm tài chính khu vực và toàn cầu.
London đã thu hút được những chuyên gia tài chính hàng đầu, nhất là các nhà tài chính Do Thái, những người nắm được các công cụ tài chính, hiểu biết về mặt tài chính tốt nhất thời bấy giờ. Đến thế kỷ XIX, London đã trở thành trung tâm tài chính hàng đầu khu vực và thế giới. Hiện nay, London luôn là một trong những trung tâm tài chính quốc tế dẫn đầu thế giới, tất nhiên, cũng có những năm London bị "vượt mặt".
Về mặt quy mô, Trung tâm tài chính London thu hút khoảng 350.000 nhà tài chính, khoảng 500 ngân hàng hàng đầu thế giới, lượng giao dịch tiền tệ chiếm 37% toàn cầu, khối lượng giao dịch vô cùng lớn, trung bình khoảng 5.100 tỷ USD mỗi ngày. Khoảng 75/100 doanh nghiệp hàng đầu thế giới và 75% các công ty trong danh sách Fortune 500 có trụ sở, văn phòng ở London.
Để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, phải có điều kiện cần và đủ chứ không phải cứ thích là làm được.
Với quy mô như vậy, ông nhận định thế nào về vai trò của Trung tâm tài chính London đối với nền tài chính khu vực và thế giới?
Sau Thế chiến II, New York (Mỹ) và Tokyo (Nhật Bản) vươn lên trở thành những trung tâm tài chính lớn. Nhưng, như tôi đã nói, chỉ có vài năm London bị "vượt mặt", còn London vẫn là trung tâm chính đứng đầu.
Là trung tâm chính quốc tế thì có nhiều vai trò lớn. Trung tâm tài chính London là nơi quyết định Lãi suất liên ngân hàng London (LIBOR). LIBOR là lãi suất thống nhất của tám ngân hàng lớn nhất thế giới và có vai trò quyết định lãi suất chung của hệ thống ngân hàng toàn cầu, là cơ sở tham chiếu của nhiều thị trường tài chính, từ New York đến Paris (Pháp), Hong Kong (Trung Quốc)... Vì vậy, lãi suất, tỷ giá hối đoái, trái phiếu trên thị trường London tác động một cách toàn diện đến các thị trường tài chính khác.
Tuy nhiên, nếu nói về tính linh hoạt, sáng tạo, đột phá, nguời ta đánh giá cao thị trường New York hơn. Ở đó xuất hiện những hình thức, phương thức kinh doanh hàng hóa mới trên thị trường chứng khoán, thị trường chứng khoán phái sinh và các thị trường liên quan khác. Nhưng London, tuy là thị trường truyền thống, vẫn là một mẫu chuẩn mực cho các thị trường thị tài chính khác.
Theo ông, Trung tâm tài chính London có ưu thế và hạn chế gì?
Trung tâm London có ưu thế rất lớn về quy mô ngành nghề với lượng giao dịch ngoại hối lớn, các sản phẩm phái sinh chiếm khoảng 48% toàn cầu, 18% những khoản vay của các công ty đa quốc gia.
Ngoài ra, tuy là thị trường truyền thống, môi trường thể chế pháp luật ở Anh theo thông lệ và phán quyết quốc tế, coi trọng và bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư (đứng thứ tư thế giới theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới - WB), vì vậy thích ứng nhanh với sự biến động của thị trường. Cơ chế bảo vệ tài chính chặt chẽ và linh hoạt cũng giúp ngành tài chính London phát triển nhanh chóng, quản lý tương đối ôn hòa trong đó coi trọng sự điều tiết, trao đổi giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Và vì thế, giá thành hoạt động đối với các công ty tương đối ổn định.
Thêm vào đó, nước Anh có môi trường thuận lợi cho đào tạo chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới. Châu Âu trước đây có năm chương trình giáo dục về quản trị tài chính thì ở Anh có bốn, cung cấp một lượng lớn chuyên gia tài chính cho khu vực. Hơn nữa, thuế suất, bình quân 20% (so với các nước khác là 33-35%) hay tính bền vững của thị trường này cũng là những yếu tố thu hút các doanh nghiệp.
Ngoài ra, múi giờ ở London là giữa múi giờ 24 tiếng nên tạo điều kiện để nối liền mạch giữa thị trường châu Á, châu Âu và Mỹ, các thị trường từ Franfurt đến New York, Hong Kong, Tokyo kết nối với nhau rất dễ thông qua thị trường London.
Về mặt không thuận lợi, thứ nhất là do tính ổn định cao nên tính "bảo thủ" của trung tâm này cũng tương đối cao, đôi khi "vênh" với các thông lệ quốc tế, tạo ra xung đột, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thứ hai, hiện nay, với sự phát triển của Internet, các chủ thể có thể liên hệ trực tiếp với nhau, việc thông qua các thị trường giảm đi. Điều này không chỉ London mà các trung tâm tài chính khác cũng gặp phải. Ngoài ra, vì tồn tại hơn 200 năm và có nhiều ưu thế, London luôn bị các trung tâm tài chính khu vực và thế giới cạnh tranh.
Bên cạnh đó, thị trường London đi lên từ thị trường quốc gia, sau đó được quốc tế hóa, nên vẫn có những cơ chế tài chính của nước sở tại. Và trong điều kiện hội nhập hiện nay, đây là một cản trở. Việc Anh cố giữ đồng Bảng và gần đây là Brexit, là những hạn chế lớn. Đang và sẽ có nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính rời khỏi Anh. Rõ ràng, việc bị đứng ngoài lề so với các quốc gia châu Âu khác khiến London có khả năng chịu phân biệt thậm chí cô lập trong hoạt động tài chính là có.
TP. Hồ Chí Minh đang có kế hoạch xây dựng trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Theo ông, từ thực tế hoạt động của Trung tâm tài chính London, Thành phố có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì?
Để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, phải có điều kiện cần và đủ chứ không phải cứ thích là làm được. Hiện nay, có hàng chục trung tâm tài chính khu vực nổi lên như là các trung tâm giao dịch về vốn, cổ phiếu, trái phiếu... trong đó có những nơi gần Việt Nam như Bangkok (Thái Lan), Seoul (Hàn Quốc) và Kuala Lampur (Malaysia). Và Việt Nam, với nền kinh tế phát triển rất nhanh, dân số hơn 100 triệu, nhu cầu về vốn, kinh doanh buôn bán rất lớn, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh là khả thi, hợp lý và đúng thời điểm.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rõ những khó khăn và những việc phải làm. Trước hết, cần phải thu hút được những nhà đầu tư tài chính quốc tế đến Việt Nam để mua bán cổ phiếu, trái phiếu, những giấy tờ chứng từ có giá trị hay đầu tư chứng khoán. Điều này tương đối khó, bởi thứ nhất, trái phiếu của Việt Nam ít, doanh nghiệp nhỏ bé; thứ hai, thị trường chứng khoán Việt Nam mới thành lập và chưa có hoạt động ổn định; thứ ba, chính sách, cơ chế quản lý đối với thị trường tài chính chưa ổn định, đang trong quá trình hoàn thiện; thứ tư, hàng hóa cũng như thị trường nhánh chưa có tính đa dạng, thị trường chứng khooán phái sinh chưa phát triển, không đủ sức cuốn hút nhà đầu tư quốc tế. Ngoài ra, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cũng thiếu và yếu nên không phải một sớm một chiều triển khai được ngay mà cần một quá trình nỗ lực phấn đấu lâu dài.
Là người đi sau, TP. Hồ Chí Minh nên cố gắng để kết nối, học hỏi, kêu gọi được sự giúp đỡ của các thị trường đi trước. Có thể cử người đi học hỏi kinh nghiệm, nhờ họ giúp xây dựng cơ sở vật chất và tạo nên những ngân hàng dữ liệu. Nếu có sự giúp đỡ, cộng thêm sự học hỏi và đầu tư nghiêm túc, TP. Hồ Chí Minh có cơ sở và niềm tin để xây dựng thành trung tâm tài chính khu vực và toàn cầu.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Nam
Theo baoquocte.vn
Đầu tư dài hạn sẽ giảm thiểu được rủi ro? Thông thường, những nhà đầu tư chứng khoán dài hạn được xem là đang đi theo mục tiêu "chậm mà chắc", là sự lựa chọn hoàn hảo cho những người không ưa mạo hiểm với lợi nhuận ổn định, bền vững và ít rủi ro. Tuy nhiên, đầu tư chứng khoán dài hạn không hề dễ dàng, nhà đầu tư phải là người...