Lũ lịch sử nhấn chìm nhà dân, mưa vẫn như trút nước
Tính đến 17h chiều nay (16/10) mưa lũ đã khiến 3 người chết, hàng ngàn hộ dân thuộc 3 huyện Hương Sơn, Vũ Quang và Hương Khê bị cô lập hoàn toàn, hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.
Khi mực nước đã đạt đỉnh của cơn lũ lịch sử năm 2002 nhưng hiện tại Hương Sơn, Vũ Quang (Hà Tĩnh), mưa vẫn đang như trút nước. Người dân các huyện miền núi này đang đối mặt với cơn lũ lớn nhất trong hàng chục năm qua.
Tại huyện Hương Sơn, mưa lớn đã làm 3 người người bị chết, 100% số xã với hàng chục ngàn hộ dân bị nhấn chìm trong biển nước. Quốc lộ 8A đi qua địa phận huyện Hương Sơn nước lũ đã mấp mé đường, có nhiều nơi nước đã ngập sâu gần nửa mét khiến toàn bộ hệ thống giao thông bị tê liệt hoàn toàn.
Clip nước lũ từ thượng nguồn đổ về dồn dập nhấn chìm toàn huyện Hương Sơn trong biển nước
Hàng trăm hộ dân bị nhấn chìm trong biển nước
Huyện Hương Sơn chìm trong nước lũ
Tại huyện Hương Khê hiện đang có mưa rất to, lương mưa đo được lên tới 400mm. Hiện 13 xã với trên 700 hộ dân đã bị cô lập hoàn toàn. Tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua xã Phúc Đồng, Hòa Hải cũng bị ngập sâu.
Tại huyện Vũ Quang do nước lên nhanh vào ban đêm làm 11/12 xã thị trấn bị ngập sâu và cô lập hoàn toàn. Trong đó, xã Hương Quang có 3 nhà dân và 50 con trâu bò bị nước cuốn trôi.
Cận cảnh người dân Hương Sơn thu dọn đồ đạc, giải cứu gia súc, gia cầm trong cơn lũ dữ
Nhiều tuyến đường đã biến thành sông
Hiện mưa đang còn rất to khiến mực nước tại các con sông Ngàn Phố (Hương Sơn), Ngàn Trươi (Vũ Quang) và Ngàn Sâu (Hương Khê) đang tiếp tục dâng nhanh, các hộ dân đang khẩn trương di dời về nơi an toàn để tránh lũ.
Quảng Bình: Gần 5.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong biển nước
Mưa lớn trong những ngày qua cũng đã khiến hàng ngàn nhà dân ở 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy (Quảng Bình) ngập sâu trong biển nước, nhiều tuyến đường giao thông, nhiều địa phương bị cô lập, chia cắt…
Tại huyện Lệ Thủy, mưa lớn đã làm cho nước sông Kiến Giang dâng cao, xấp xỉ mức báo động 2. Đến 16h chiều nay, huyện này vẫn tiếp tục có mưa rất to. Dự kiến trong đêm nay và sáng mai, nước sông vẫn tiếp tục dâng cao.
Các tuyến đường giao thông trên địa bàn bị chia cắt. Đường về nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị ngập gần 0,5m. Mặc dù đã chuẩn bị từ trước nhưng do 2 cơn bão gần kề nhau đã khiến cuộc sống người dân gặp không ít khó khăn. Công tác khắc phục bão số 10 chưa hoàn tất thì trận lũ mới lại ùa về.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện đã có 2 người bị thương do mưa lũ, gần 500 hộ dân bị ngập lụt chủ yếu ở các xã như: An Thủy, Sơn Thủy, Lộc Thủy, Dương Thủy, Hồng Thủy… Hơn 15km kênh mương bị hư hỏng nặng. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, chính quyền địa phương đang gấp rút chỉ đạo người dân di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn, dự trữ lương thực trong khoảng 7 đến 10 ngày.
Video đang HOT
Tại huyện Quảng Ninh, mưa lớn cũng đã khiến mực nước tại nhiều sông, suối, hồ, đập dâng cao. Hơn 30 hộ dân thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh bị ngập sâu hơn 1,5 m.
Nhiều nhà dân tại huyện Quảng Ninh bị ngập sâu
Anh Nguyễn Công Lý cho biết, mưa lớn trong 2 ngày qua đã khiến nhà anh bị ngập sâu hơn 1m, hiện nước bên ngoài đã tràn vào nhà. Còn anh Nguyễn Hoài cho hay, từ đêm qua đến nay nước ngoài đồng dâng lên cao, nhà anh đã bị cô lập hoàn toàn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, mưa lũ đã khiến nước từ thượng nguồn đổ về rất nhanh. Hiện 6 xã gồm: Hiền Ninh, Tân Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh, Võ Ninh và xã miền núi Trường Xuân đã bị cô lập. Hơn 4.500 hộ dân bị ngập sâu trong nước. Đặc biệt, vào khoảng 9h30′ sáng 15/10, một trận lốc xoáy đã càn quét 3 xã Hải Ninh, Gia Ninh và Trường Xuân khiến 1 người bị thương, hơn 30 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 1 trường mầm non cũng bị gió lốc đánh bật mái. Trước đó, địa phương đã tiến hành di dời hơn 600 hộ ra khỏi vùng xung yếu.
Mênh mông nước lũ
Cũng như Hà Tĩnh, trên địa bàn Quảng Bình cũng đang xảy ra mưa lớn. Nếu mưa to kéo dài hết đêm nay thì sẽ còn hàng trăm ngôi nhà khác bị chìm sâu.
Nghệ An cũng ngập nhiều nơi
Theo bản tin của Đài khí tượng khu vực Bắc Trung Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh, kết hợp với hoạt động của đới gió đông, nên khu vực Nghệ An từ ngày 15 đến ngày 16/10 đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 70 đến 200 mm, riêng tại huyện Đô Lương, lượng mưa lên đến 130mm, Nam Đàn 100mm.
Ông Trần Doãn Hùng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, Phó ban thường trực Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Đô Lương cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão Nari, cơn bão số 11 nên trong hai ngày hôm nay, trên địa bàn huyện Đô Lương đã xảy ra mưa lớn với lượng mưa lên đến hơn 130mm. Bên cạnh đó, nước sông Cả từ thượng nguồn đổ về nhanh dẫn đến việc thoát nước chậm.
Tình hình mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ ở nhiều tuyến đường trên địa bàn thị trấn huyện Đô Lương và tuyến đường liên xã từ trung tâm huyện xuống các xã Thái Sơn, Quang Sơn, Thượng Sơn, Hiến Sơn… Có đoạn nước dâng ngập đến 30-40cm, lực lượng chức năng phải lập rào chắn cấm các phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn. Các phương tiện tham gia giao thông qua đây gặp nhiều khó khăn, nhiều xe bị chết máy khi đi qua những đoạn nước ngập sâu. Nhiều hộ dân tại thị trấn Đô Lương sống xung quanh các tuyến đường phải dùng bao cát, gỗ để ngăn nước vào nhà.
“Chiều nay, chúng tôi đã cử các đoàn xuống các địa phương để kiểm tra tình hình mưa lũ thì thấy nhiều vùng bị nước dâng ngập trắng, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là diện tích cá vụ 3 và rau màu vụ đông mà nhân dân vừa mới gieo trồng. Trong vụ Đông năm nay, Đô Lương có 700 ha cá vụ 3, 1.100 ha ngô bãi và trên 1.200 ha ngô trên đất hai lúa. Nếu thời tiết mưa trong đêm nay nữa thì diện tích bị ngập sẽ còn lớn hơn”, ông Hùng nói.
Đến cuối chiều 16/10, trên địa bàn huyện Đô Lương vẫn đang có mưa rất to. Ông Trần Doãn Hùng cho biết thêm, hiện UBND huyện Đô Lương đang chỉ đạo cho các ngành chức năng và các địa phương thực hiện nghiêm túc công điện phòng chống lụt, bão của UBND tỉnh trong đó chú trọng kiểm tra, rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư ở vùng thấp trũng để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Lượng mưa lớn, kéo dài cộng với việc hồ thủy điện Bản Vẽ xả lũ với tổng lưu lượng từ 300 m3/s đến 1000 m3/s đã khiến nước sông Lam lên rất nhanh, gây ngập úng ở nhiều vùng thấp, trũng của các huyện Thanh Chương (vùng Bích Hào gồm các xã Thanh Hà, Thanh Tùng, Thanh Giang, Thanh Mai, Thanh Xuân); tại huyện Nam Đàn các xã như: Nam Phúc, Nam Cường, Nam Kim, Nam Trung… và các xã ngoài đê của huyện Hưng Nguyên như Hưng Lợi, Hưng Long, Hưng Lĩnh,…cũng đang bị nước sông Lam dâng lên cao ngây ngập lụt cục bộ.
Trong khi đó, tại thành phố Vinh mưa lớn cũng gây ngập nhiều tuyến phố, đường và nước dâng cao vào nhàn dân từ 0-8-1m như phường Lê Mao, Lê Lợi, Quang Trung… Đặc biệt, một số tuyến phố chính như Nguyễn Thị Minh Khai, Đinh Công Tráng, Hồng Bàng, Lê Hồng Phong… mưa lớn nước dâng cao có đoạn 1m, gây ách tắc giao thông.
Chiều ngày 16/10, Ban phòng chống lụt bão Nghệ An cho biết, hiện diện tích lúa hè thu trên địa bàn tỉnh đã cơ bản gặt xong, đang còn khoảng 7.500ha lúa mùa đến thời kỳ thu hoạch cùng 12.000ha ngô vụ Đông mới gieo và 7.000ha rau màu các loại. Nếu mưa lớn liên tục sẽ bị hư hại, nhiều diện tích hoa màu sẽ bị mất trắng.
Người dân không thể đi nổi vì mưa lớn gây ngập ở đường Đinh Công Tráng.
Nhiều hồ đập đã phải xả nước kịp thời.
Đường ngập tại huyện Đô Lương. (Ảnh: Nguyễn Duy).
Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật về cơn “đại hồng thủy” đang hoành hành ở miền Trung này.
Văn Dũng – Xuân Sinh – Phượng Vũ – Đăng Đức – Duy Hòa
Theo Dantri
"Không để người dân màn trời, chiếu đất sau bão"
Sáng 16/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi khảo sát về tình hình khắc phục hậu quả cơn bão số 11 tại Quảng Nam, TP Đà Nẵng và làm việc với lãnh đạo 4 địa phương từ TT-Huế đến Quảng Ngãi về tình hình thiệt hại do cơn bão gây ra.
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ông Văn Hữu Chiến - trong cơn bão số 11 vừa qua, lãnh đạo các địa phương trên địa bàn đã sơ tán trên 9.000 hộ dân với trên 45 ngàn nhân khẩu; ngoài ra còn tổ chức sơ tán trên 41 ngàn sinh viên và công nhân trên địa bàn quận Liên Chiểu. Về tàu thuyền, đã kêu gọi trên 1.800 phương tiện của Đà Nẵng và các địa phương lân cận vào tránh trú bão an toàn với gần 7.500 lao động.
Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 11
Đối với tình hình thiệt hại của Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến cho biết trên địa bàn không có người bị chết nhưng có 11 người bị thương. Thiệt hại về tài sản, Đà Nẵng có 122 nhà sập hoàn toàn, 178 nhà sập một phần, có 4.137 nhà bị tốc mái một phần, 1.134 nhà tốc mái hoàn toàn.
Đối với trường học có 100 phòng học bị tốc mái, 35 phòng học và các cơ sở mẫu giáo bị hư hại. Có khoảng 40 ngàn cây xanh bị ngã đổ, một số tuyến đường bị sạt lở và hư hại. Theo ước tính, tổng thiệt hại tại Đà Nẵng trên 868 tỉ đồng chưa kể thiệt hại của các doanh nghiệp. TP Đà Nẵng đề nghị Trung ương hỗ trợ 500 tỉ để khắc phục hậu quả.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình thiệt hại tại trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (Đà Nẵng)
Đối với tỉnh Quảng Nam, báo cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh - ông Lê Phước Thanh - cho biết tỉnh có 3 người chết, 6 người bị thương, trên 5.500 nhà dân bị tốc mái hoàn toàn, trên 15.700 nhà bị tốc mái một phần, 66 phòng học bị tốc mái, 89 công sở bị tốc mái, 47 chiếc ghe bị chìm và hư hỏng. Ngoài ra nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng gây ách tắc giao thông. Tổng thiệt hại gần 500 tỉ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ hỗ trợ 100 tỉ đồng để sửa chữa nhà dân, trường học, trạm y tế, cơ quan nhà nước. Hỗ trợ 15 tỉ đồng để mua giống cây trồng vụ đông xuân và hóa chất xử lý môi trường, hỗ trợ 100 tỉ đồng để xây dựng đê chắc sóng khu neo đậu tàu thuyền An Hòa, hỗ trợ 130 tỉ đồng để xây dựng bờ kè sông Quảng Huế với bờ kè biển Cửa Đại và bờ kè chống nước biển xâm thực tại xã Tam Quang (huyện Núi Thành).
Lực lượng Công an giúp dọn dẹp cây đỗ trên đường sau bão trong sáng ngày 16/10
Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh QK5 cho biết, để chủ động PCLB, QK5 đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra trên địa bàn. Sở chỉ huy quân khu ứng phó bão lụt, điều động lực lượng quân khu tại các vùng ngập lụt, giúp dân, các xe cứu hộ, cứu nạn. Sau khi bão xảy ra, QK5 đã điều động 1.300 quân xuống địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, giải phóng giao thông QL1A, sửa chữa nhà cửa, trường học, trạm y tế.
Tại hai địa phương là TT-Huế và Quảng Ngãi cũng đã có báo cáo thiệt hại khoảng 140 tỉ đồng do bão số 11 gây ra. Tổng thiệt hại của các địa phương ước tính trên 1.500 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương cấp ủy các địa phương đã sâu sát, quyết liệt, chủ động triển khai tốt công tác chuẩn bị phòng chống bão, nhất là chỉ đạo quyết liệt việc di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người.
Sáng ngày 16/10, xe tải, xe xúc được điều động để dọn dẹp cây xanh ngã đổ
Trước và trong bão, lãnh đạo các địa phương chủ động cử cán bộ nắm địa bàn, chỉ đạo sát sao công tác phòng chống. Sau bão kịp thời giải quyết ngay vấn đề môi trường. Phó Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị Quân đội, Công an với cấp ủy, chính quyền các địa địa phương trong việc di dời nhân dân, kêu gọi tàu thuyền tránh trú an toàn.
Sau bão, các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị của Bộ quốc phòng đứng chân trên địa bàn đã sát cánh cùng với địa phương chủ động điều lực lượng, phương tiện giúp chính quyền và nhân dân khắc phục hậu quả, từng bước ổn đinh cuộc sống...
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Không được để dân màn trời chiếu đất, không được để dân đói, ốm đau, bệnh tật. Trước mắt phải đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men và các đồ dùng thiết yếu hỗ trợ cho đồng bào vùng bị thiệt hại do bão lũ".
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để khắc phục hệ thống đường giao thông, tình trạng ô nhiễm, dịch bệnh...
Về lâu dài, các Bộ, Ngành trung ương quan tâm đầu tư hỗ trợ giúp các địa phương quy hoạch, xây dựng và cải tạo lại môi trường đô thị. Đối với kè biển mà Quảng Nam yêu cầu hỗ trợ sửa chữa để bảo vệ xóm làng, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm.
Về các vấn đề địa phương kiến nghị trong công tác khắc phục hậu quả bão lũ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.
Công Bính
Theo Dantri
Lũ đang nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà Lu đang nhân chim cac xa năm hai bên sông Gianh đoan qua đia ban huyên Quang Trach va Tuyên Hoa (Quang Binh). Hang ngan ngôi nha, hang trăm trương hoc va tram y tê chim trong biên nươc... Sáng nay 16/10, theo ghi nhận của PV Dân trí tại huyện miền núi Minh Hóa (Tuyên Hoa, Quang Binh), hiện có hơn 2.000...