Lũ chia cắt giao thông ở miền Trung, Tây Nguyên
Mưa nhiều ngày làm nhiều tỉnh ở miền Trung và Tây Nguyên bị ngập lụt, sạt lở. Giao thông bị ách tắc ở nhiều tỉnh.
Liên tiếp trong ba ngày qua, khu vực miền Trung, Tây Nguyên có mưa to gây sạt lở ở nhiều địa phương. Một số thủy điện xả tràn gây ngập cho hạ du làm giao thông ách tắc.
Nhiều vùng ở TP Nha Trang bị ngập trong nước. Ảnh: TRẦN KHOA
Nhiều nơi ở Quảng Nam bị ngập, chia cắt
Sáng 1-12, các thủy điện công bố mức xả nước về hạ du, trong đó trên lưu vực sông Thu Bồn, thủy điện Sông Tranh 2 nước về lòng hồ 2.174 m3/giây, xả qua tràn và phát điện 2.280 m3/giây.
Trên lưu vực sông Vu Gia có ba thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Bung 4 điều tiết qua tràn, phát điện 1.138 m3/giây.
Quảng Nam đang có mưa lớn, nhiều huyện ở hạ du tỉnh Quảng Nam như Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn… bị ngập nặng.
Tại huyện Duy Xuyên, nhiều vùng bị cô lập, người dân phải di chuyển bằng ghe. Lực lượng chức năng di tản người già, trẻ em về những vùng cao để đảm bảo an toàn.
Còn tại TP Tam Kỳ, đã di dời hơn 600 người dân ở vùng trũng thấp đến các điểm an toàn. Nhiều tuyến đường ở phường Phước Hòa ngập đến nửa mét.
Tại Hội An, các tuyến đường ven sông Hoài ngập sâu gần 1 m. Theo dự báo, lũ tại đây tiếp tục lên và thoát chậm do mưa lớn và thủy điện Sông Tranh 2 ở thượng nguồn đang điều tiết qua tràn.
Video đang HOT
Tại huyện Bắc Trà My, cầu bắc qua sông Trường ngập sâu gần 3 m khiến tuyến đường lên các xã Trà Giáp, Trà Bui, Trà Tân và huyện Nam Trà My bị chia cắt. Huyện này đã di dời gần 2.000 người có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Còn tại huyện Phước Sơn, tuyến ĐH1 thuộc địa bàn xã Phước Kim thêm một vụ sạt lở lớn khiến đường lên xã Phước Thành và Phước Lộc lại bị chia cắt. Ngoài ra còn nhiều điểm sạt lở khác trên tuyến đường này.
Hơn một tháng qua, các xã này bị chia cắt do nhiều vụ sạt lở đất, chắn đường. Lực lượng chức năng đang nỗ lực thông đường thì nay lại thêm những điểm sạt lở mới.
Hiện lực lượng chức năng đã tạm dừng các hoạt động khắc phục để đảm bảo an toàn cho các đơn vị thi công.
Đường phố ở TP Nha Trang và nhiều nơi ở Quảng Nam bị ngập. Ảnh: LX
Khánh Hòa ngập nặng
Đến chiều 1-12, hàng chục xã, phường, thị trấn thuộc huyện Diên Khánh, TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vẫn còn bị ngập nặng. Tỉnh Khánh Hòa đã sơ tán gần 2.600 người đi tránh lũ. Riêng TP Nha Trang sơ tán 2.400 người.
Theo UBND TP Nha Trang, lũ lên rất nhanh, dâng cao, gây ngập nhiều khu dân cư ven sông Cái. Lũ ngập nặng nhất tại các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thái, Vĩnh Phương… Hàng ngàn căn nhà ở các khu vực này bị ngập 0,5-1,5 m, nước ngâm 2-3 ngày nay.
Theo nhiều người dân xã Vĩnh Thạnh, hầu hết người dân đều không kịp di dời tài sản do nước lên quá nhanh. Do đó, rất nhiều tài sản, vật dụng, ô tô bị hư hỏng hoặc bị lũ cuốn trôi. “Nước chảy ào ào vào nhà, dâng cao rất nhanh. Gia đình tôi chỉ kịp chạy đến nhà người thân trú tạm. Toàn bộ đồ đạc, tài sản đều bị ngâm trong nước ba ngày nay. Đợt lũ này lớn không thua đợt lũ lịch sử năm 2018″ – ông Cao Nguyễn Hà (ngụ xã Vĩnh Trung) than thở.
TP Nha Trang có nhiều đường phố bị ách tắc do bị ngập sâu trong nước. Người dân một số khu vực phải dùng thuyền di chuyển ra khỏi vùng ngập nước.
Theo văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, tại huyện Diên Khánh, lũ dâng cao gây ngập lụt nặng, nhiều tuyến giao thông trọng yếu ở Khánh Hòa bị chia cắt, ách tắc do ngập lũ như quốc lộ 1C, tỉnh lộ 8B, tỉnh lộ 2…
Hiện nhiều hồ thủy lợi ở Khánh Hòa vẫn đang tiếp tục xả lũ như Suối Dầu, Am Chúa, Đá Bàn, Cam Ranh, Hoa Sơn… Thông tin nhanh từ các địa phương, đơn vị ở Khánh Hòa cho biết lũ lụt đã làm sạt lở, hư hỏng nặng hàng loạt công trình giao thông, thủy lợi.
Đường phố ở TP Nha Trang và nhiều nơi ở Quảng Nam bị ngập. Ảnh: LX
Trong sáng 1-12, lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể ba cha con bị lũ cuốn mất tích tại xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang. Tối 30-11, trong khi cả gia đình đi qua một con suối gần nhà, ba cha con ông Nguyễn Ngọc Duy bị lũ cuốn trôi mất tích.
Tại TP Nha Trang còn có một người tử vong do điện giật khi nước lũ tràn vào nhà rạng sáng 1-12 là bà Nguyễn Thị Làm (41 tuổi, ngụ thôn Tây, xã Vĩnh Phương).
Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm anh Trần Văn Quốc (24 tuổi, ngụ xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) bị lũ cuốn mất tích. Đợt mưa lũ này ở Khánh Hòa đã làm bốn người chết, một người mất tích, hai người bị thương.
Liên quan đoàn du khách 36 người đến từ TP.HCM và chín người địa phương dẫn đoàn leo núi Tà Giang bị mắc kẹt trên núi do mưa lũ, chiều 1-12, những người trên đã ra khỏi rừng an toàn.
Lũ chạm báo động 3, Hội An bị nhấm chìm lần thứ 3 trong một tháng
Lúc 17h chiều 1-12, mực nước ghi nhận trên sông Thu Bồn đoạn qua phố cổ Hội An là 1,9m, mấp mé báo động 3 và đang tiếp tục lên nhanh. Phố cổ Hội An bị nhấn chìm lần thứ 3 chỉ trong vòng 1 tháng.
Phố cổ Hội An ngập sâu trong nước lũ chiều 1-12 - Ảnh: B.D
Ông Nguyễn Thế Hùng - phó chủ tịch UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) - cho biết tính tới 17h chiều 1-12, mực nước lũ ở TP Hội An đã chạm mốc 1,9m, mấp mé báo động 3. Việc nước lũ dâng cao vào thời điểm này và gây ngập phố cổ Hội An lần thứ 3 trong vòng chưa đầy một tháng là điều khá hiếm gặp.
Ghi nhận tại Hội An chiều 1-12 cho thấy nước lũ đã tràn bờ sông Hoài và làm ngập sâu các tuyến phố đi bộ như Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Thái Học, Trần Phú... Người dân đôi bờ sông Hoài đã không thể qua lại bằng xe máy mà phải di chuyển bằng ghe (đò).
Ở khu dân cư nằm bên bờ Nam sông Hoài, mực nước ngập sâu có nơi hơn 2m, tràn vào nhà dân. Nhiều vùng thấp trũng nằm trên các tuyến đường sau khu vực Nguyễn Phúc Chu bì bõm trong nước lũ, người dân phải kê dọn đồ đạc, tất tưởi chạy lũ lần thứ 3 trong vòng một tháng qua.
Nước tràn vào phố cổ Hội An chiều 1-12 - Ảnh: B.D
Ông Nguyễn Tấn Sáu - người dân ở An Hội, Đồng Hiệp - cho biết chưa năm nào lũ dày như năm 2020 này.
"Riêng tháng này nhà tui phải dọn lũ 3 lần rồi, nặng nhất là đợt bão số 9. Cứ nghĩ qua đầu tháng 12 dương lịch là hết mưa lũ, bà con ra đồng gieo hạt chuẩn bị vụ hoa Tết rồi nhưng hai hôm nay nước sông bất ngờ lại lên ngâm dầm dề", ông Sáu nói.
Nước ngập lên đến đường Nguyễn Thái Học chiều 1-12 - Ảnh: B.D
Tại Quảng Nam ngày 1-12, nhiều nơi tiếp tục có mưa lớn, tình trạng ngập sâu đã xảy ra ở nhiều nơi ở các huyện như Đại Lộc, TP Tam Kỳ. Đặc biệt mưa lũ cũng chia cắt nhiều tuyến đường lên các huyện vùng cao, tái diễn sạt lở ở các huyện Tây Giang, Đông Giang.
Trước diễn biến của mưa lũ, trong ngày 1-12 một số trường học nơi thấp trũng của Quảng Nam đã cho học sinh nghỉ học. Chiều cùng ngày, Phòng GD-ĐT Hội An đã ra thông báo cho toàn bộ học sinh nghỉ học tránh lũ vào sáng mai (2-12).
Thảm cảnh "chôn chân" nửa ngày trên con đường đau khổ bậc nhất Hà thành "Ngày nào cũng tắc, tắc bất cứ giờ nào chứ không riêng giờ cao điểm, có hôm tắc cả nửa ngày", anh Nguyễn Thanh Hải nói về tuyến đường 70 (đoạn qua bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Hà Nội). Gần 10 tháng nay, kể từ khi đường Nguyễn Xiển - Xa La được kết nối vào Tỉnh lộ 70A (vị trí...