‘Loving’: Câu chuyện tình yêu thay đổi lịch sử nước Mỹ
Bộ phim “ Loving” dựa trên câu chuyện có thật về một đôi vợ chồng son tại nước Mỹ vào cuối thập niên 1950. Họ bị đuổi khỏi quê hương chỉ vì mang hai màu da khác biệt.
Năm 1958 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời đôi tình nhân trẻ Richard Loving ( Joel Edgerton) và Mildred Jeter ( Ruth Negga) khi họ quyết định tiến đến hôn nhân. Đó cũng là lúc cô gái đang mang thai đứa con đầu lòng của hai người.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đồng quê yên bình thuộc bang Virginia, nước Mỹ, được bạn bè, gia đình ủng hộ và động viên, tưởng như chẳng gì có thể ngăn cản anh chàng thợ xây 25 tuổi Richard gây dựng tổ ấm với cô gái của cuộc đời mình. Chỉ có một rắc rối duy nhất: Richard là người da trắng, còn Mildred là người da màu.
Cách thủ đô của mảnh đất tự do chỉ chưa đầy 200 km, nhưng bang Virginia – thành lũy năm xưa của phe Liên minh miền Nam ủng hộ chế độ nô lệ trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ – vẫn duy trì đạo luật cấm người da trắng kết hôn với người da màu.
Loving dựa trên câu chuyện có thật về đôi vợ chồng Richard và Mildred Loving. Chỉ vì mang màu da khác biệt, họ bị cấm trở lại quê hương trong vòng 25 năm.
Tin rằng đạo luật lỗi thời từ năm 1924 chỉ là “trở ngại nhỏ”, Richard và Mildred lái xe lên thủ đô Washington, D.C. để làm lễ kết hôn, rồi quay lại vùng quê xanh ngắt của Virginia với mảnh giấy giá thú được lồng trang trọng trong khung kính.
Nhưng ở cái nơi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn được coi là “ý Chúa” như Virginia, tấm giấy giá thú đó rốt cuộc chỉ là tờ giấy lộn. Vợ chồng nhà Loving lập tức bị bắt giữ giữa đêm khuya vì tội “phá hoại sự bình yên và phẩm giá của Virginia”. Rồi họ bị tống vào tù, bất chấp Mildred đang bụng mang dạ chửa.
Để tránh cảnh tù tội và tiếp tục được sống bên nhau, Richard và Mildred buộc phải “nhận tội” trước tòa án và nhận hình phạt cấm trở lại quê hương trong vòng 25 năm. Không còn lựa chọn nào khác, hai vợ chồng buộc phải chuyển tới đô thành Washington, D.C. với tâm trạng nặng trĩu, cùng nỗi nhớ những đồng cỏ xanh, những cánh đồng bông, những trang trại thơ mộng nơi quê nhà.
Như nhánh cây chẳng thể sống thiếu đất, gia cảnh êm ấm ở thủ đô không thể khiến Mildred Loving yên lòng. Dẫu thấp cổ bé họng, cô quyết tâm đứng lên phản kháng quyết định bất công của tòa án Virginia, để giành lại quyền được sống ở quê hương.
Niềm tin mà nước Mỹ đang cần tới
Loving là tác phẩm mới nhất của đạo diễn 37 tuổi Jeff Nichols – người chỉ trong 5 năm đã cho ra đời hàng loạt các tác phẩm đáng chú ý như Take Shelter (2011), Mud (2012) hay mới nhất là Midnight Special (2016).
Cùng lấy bối cảnh chính là vùng đồng quê đậm chất thiên nhiên của nước Mỹ, các tác phẩm của Nichols luôn thấm đẫm tính nhân văn, tập trung mô tả vẻ đẹp tâm hồn và xung đột nội tâm của những người dân thuộc tầng lớp lao động trong xã hội.
Không nằm ngoài khuôn khổ ấy, nhưng Loving có lẽ là bộ phim mang tinh thần nhập thế hơn cả, bởi tác phẩm đề cập đến đề tài nóng bỏng nhất của nước Mỹ lúc này: nạn phân biệt chủng tộc.
Với những người không am hiểu lịch sử nước Mỹ, họ khó có thể tưởng tượng rằng tới giữa thế kỷ XX, ở một nơi được coi là ngoại vi thủ đô của cường quốc số một thế giới, nam nữ chẳng thể đến với nhau chỉ vì khác biệt màu da.
Video đang HOT
Loving chú trọng vào tính nhân văn, tập trung khắc họa tình yêu thương giữa hai vợ chồng, song song với cuộc đấu tranh đòi lại công lý.
Phải chờ đến khi lời oán thán đơn giản nhưng xuất phát từ sâu thẳm tâm can của Richard Loving, “Tôi yêu vợ tôi, và thật bất công khi tôi không được sống cùng cô ấy ở Virginia”, được Tòa án Tối cao nước Mỹ xem xét năm 1964, tình trạng ấy mới được chính thức xóa bỏ.
Lấy bối cảnh là một trong những thời khắc quan trọng nhất của cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da màu tại nước Mỹ thế kỷ XX, nhưng trung thành với cái tên Loving, bộ phim mới nhất của Jeff Nichols chủ yếu tập trung khắc họa tình yêu thương mà Richard và Mildred dành cho nhau, và dành cho quê hương xứ sở, dành cho những giá trị tự do, thay vì những xung đột sắc tộc, thậm chí là bạo lực, chết chóc.
Kịch bản chú trọng tính nhân văn, đặt nặng tình yêu thương giữa người với người giúp Loving tạo ra nét khác biệt so với nhiều bộ phim Hollywood mang cùng đề tài trong những năm gần đây như 12 Years a Slave (2013) hay Selma (2014), đồng thời thêm một lần nữa chứng tỏ tài năng của Jeff Nichols trong việc truyền tải vẻ đẹp nội tâm nhân vật đến cho khán giả.
Quan trọng hơn, chất nhân văn thấm đẫm của Loving còn giúp Jeff Nichols nói lên thông điệp tích cực về niềm tin vào công lý, vào sức mạnh của lý trí, vào phương thức đấu tranh bất bạo động. Đó có lẽ là thứ niềm tin mà người dân Mỹ đang rất cần ở thời điểm hiện tại.
Bám sát câu chuyện ngoài đời thực
Trong thành công của Loving, bên cạnh bàn tay của đạo diễn Jeff Nichols, không thể không nhắc tới tài năng diễn xuất và sự ăn ý giữa Joel Edgerton với Ruth Negga.
Nếu như tài tử người Australia đã sở hữu vị trí nhất định tại Hollywood với hàng loạt vai diễn gai góc trong Animal Kingdom (2010), Zero Dark Thirty (2012), hay Black Mass (2015), thì nữ diễn viên người Ireland gốc Ethiopia thực sự là một bất ngờ. Ruth Negga thể hiện xuất sắc hình ảnh Mildred Loving đẹp đẽ với tâm hồn phản kháng rực lửa.
Một bên là Richard thô mộc, kiệm lời, nhưng đặc biệt nhạy cảm, một bên là Mildred mong manh, dịu dàng, nhưng không kém phần dứt khoát, Edgerton và Negga là hai mảnh ghép hoàn hảo cho bức tranh “yêu thương” của Loving.
Hình ảnh nhà Loving ở ngoài đời thực.
Khi so sánh những khung hình mô tả tình yêu ngập tràn mà Richard và Mildred dành cho nhau trong phim với bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Grey Villet thực hiện cho tạp chí Life vào năm 1966 ngoài đời thực, người xem chắc chắn sẽ cảm nhận thấy sự thành công của Edgerton và Negga trong việc tái hiện niềm yêu thương thông qua nụ cười, ánh mắt và cử chỉ của vợ chồng nhà Loving.
Bổ sung cho phần diễn xuất ăn ý của bộ đôi Edgerton – Negga là phần hình ảnh và nhạc phim mang đậm hơi thở thế kỷ XX. Thành công tương đối trọn vẹn về mặt nghệ thuật của Loving cho thấy khán giả hoàn toàn có thể hy vọng vào những tác phẩm xuất sắc trong tương lai của bộ tứ bao gồm: đạo diễn Jeff Nichols, dựng phim Julie Monroe, quay phim Adam Stone, và soạn nhạc David Wingo.
Tuy thuộc hàng xuất sắc trong dòng đề tài khó nhằn là nạn phân biệt chủng tộc tại nước Mỹ, nhưng Loving chưa hẳn là một tác phẩm hoàn hảo. Điểm yếu lớn nhất của bộ phim là nhịp phim chậm chạp, thiếu kịch tính, cao trào.
Việc trung thành với câu chuyện “người thật, việc thật” của Jeff Nichols là đáng trân trọng trong bối cảnh nhiều tác phẩm Hollywood thường xuyên cường điệu, thập chí là bóp méo, xuyên tạc sự thật để tạo dựng kịch tính, thu hút người xem. Nhưng khi có thời lượng lên tới 120 phút, Lovingthiếu đi nhiều điểm nhấn và khiến độ hấp dẫn chưa đủ xứng với tầm vóc lịch sử của cuộc đấu tranh đòi quyền được sống của gia đình Loving.
Mạch phim chậm và thiếu kịch tính của Loving có thể là một thách thức dành cho khán giả đại chúng.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Chánh án Tòa án Tối cao nước Mỹ Earl Warren trao lại quyền được sống trên quê hương Virginia cho Richard và Mildred Loving với phán quyết lịch sử: “Hôn nhân là một trong những quyền công dân cơ bản của con người, là quyền lợi cơ bản nhất cho sự tồn tại và sống còn của chúng ta”.
Nhưng mãi tới năm 2000, bang Alabama ở miền Nam mới chính thức loại bỏ luật phân biệt chủng tộc trong kết hôn. Và cho đến ngày hôm nay, người đồng giới tại xứ sở cờ hoa vẫn đang tiếp tục phải chiến đấu để giữ lấy quyền lợi vô cùng cơ bản ấy.
Trong bối cảnh đó, Loving là một tác phẩm xứng đáng để xem, để suy ngẫm, để trân trọng, khi phim không chỉ nhắc nhở khán giả về một thời khắc lịch sử trong cuộc đấu tranh bình quyền tại Mỹ, mà còn truyền đi thông điệp rằng chúng ta cần tiếp tục yêu thương lẫn nhau, và tiếp tục bảo vệ cái quyền cơ bản ấy cho tất cả mọi người trong xã hội.
Zing.vn đánh giá: 4/5
Theo Zing
10 màn trình diễn sáng giá cho mùa giải thưởng điện ảnh 2016
Liên hoan phim Quốc tế Toronto, bệ phóng cho mùa giải thưởng điện ảnh cuối năm, sắp sửa khép lại. Đây là 10 gương mặt sẽ còn được báo chí nhắc đến nhiều trong bốn tháng tới.
Natalie Portman trong Jackie: Minh tinh 35 tuổi từng nhận đề cử Oscar với Closer (2004) vàBlack Swan (2010), trong đó có một lần giành chiến thắng năm 2011. Tuy nhiên, sau khi Jackiera mắt, nhiều nhà phê bình quốc tế đánh giá đây mới là màn trình diễn hay nhất trong sự nghiệp Natalie Portman. Trong phim, cô vào vai Đệ nhất Phu nhân Jacqueline Kennedy, khắc họa những tâm tư của bà sau khi chồng mình là Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát. Ảnh: Fox Searchlight.
Emma Stone trong La La Land: Đây có thể là đối thủ lớn nhất dành cho Natalie Portman trên đường đua tới danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Oscar 2017. Mang đến giọng ca khàn khàn cho nhân vật Mia trong tác phẩm ca vũ nhạc La La Land, Emma Stone đang tràn trề cơ hội lần thứ hai nhận đề cử từ Viện hàn lâm, nhất là sau khi còn được LHP Venice vinh danh. Ảnh: Summit.
Kristen Stewart trong Personal Shopper: "Kiều nữ Twilight" là diễn viên Mỹ đầu tiên thắng giải César, danh hiệu tương tự Oscar của nước Pháp, với Clouds of Sils Maria (2014). Năm nay, Kristen Stewart tái ngộ đạo diễn Olivier Assayas trong tác phẩm thuộc thể loại tâm linh, theo chân một cô gái Mỹ trên đất Pháp, miệt mài tìm kiếm bằng chứng cho thấy oan hồn người anh sinh đôi của mình là có thật. Báo chí quốc tế đánh giá màn trình diễn của cô thậm chí còn hay hơn trong bộ phim cách đây hai năm. Ảnh: Les Films du Losange.
Felicity Jones trong A Monster Calls: Bông hồng nước Anh từng nhận đề cử Oscar với The Theory of Everything (2014), sắp sửa xuất hiện ở hai bom tấn Inferno cùng Rogue One: A Star Wars Story đều trong vai chính. Song, tại LHP Toronto, cô gây bất ngờ bằng vai diễn người mẹ bạo bệnh trong bộ phim thuộc thể loại kỳ ảo. Nhiều khán giả đã không cầm nổi nước mắt trước phần diễn xuất của cô cùng bạn diễn nhí Lewis MacDougall. Chuyện phim xoay quanh cậu bé Conor O'Malley có mẹ lâm bệnh nặng, hay bị bạn bè ở trường bắt nạt. Hàng đêm, cậu trò chuyện với một con quái vật và nó giúp Conor tạm quên đi cuộc sống bất hạnh của mình. Ảnh: Focus Features.
Naomie Harris trong Moonlight: Hồi đầu năm, hãng A24 cùng bộ phim Room (2015) giúp Brie Larson thắng giải Oscar. Đơn vị phát hành mới trình làng Moonlight - tác phẩm độc lập kể về cuộc đời cậu bé da màu đồng tính. Giống Room, điểm sáng của bộ phim mới nằm ở vai người mẹ. Tại LHP Toronto, nhân vật Paula của Naomie Harris gây nhiều cảm xúc cho khán giả. Cô là bà mẹ nghiện ngập, đến nỗi bỏ mặc con cái. Nhưng khi bộ phim khép lại, Paula có cuộc trò chuyện trong hối hận với con trai, khiến người xem thực sự cảm thấy bùi ngùi. Ảnh: A24.
Sasha Lane trong American Honey: Gây chú ý từ LHP Cannes hồi tháng 5, American Honeylà tác phẩm xoay quanh Star, cô gái tuổi teen rời khỏi nhà để theo chân một nhóm bán tạp chí, rong ruổi khắp miền Trung Tây nước Mỹ. Tại LHP Toronto, diễn xuất của Sasha Lane tiếp tục nhận được nhiều lời khen, đặc biệt là khi cô hoàn toàn không có kinh nghiệm diễn xuất cho tới trước khi tham gia bộ phim mới của đạo diễn Andrea Arnold. Ảnh: A24.
Joel Edgerton trong Loving: Nối tiếp thành công của The Gift, Joel Edgerton mang đến phần hóa thân đáng nhớ trong bộ phim mới của Jeff Nichols. Ở Loving, anh sắm vai Richard Loving, chàng trai kết hôn với người phụ nữ da màu Mildred Loving trong thời kỳ nước Mỹ còn bị chia rẽ vì nạn phân biệt chủng tộc. Nhân vật chỉ muốn sống hạnh phúc bên cạnh người mình yêu và sẵn sàng làm tất cả vì điều đó. Giới phê bình tại Toronto đánh giá Joel Edgerton đã khắc họa thành công những tâm tư mà Richard Loving phải trải qua bằng sự điềm đạm tinh tế mà không cần lên gân quá đà. Ảnh: Universal.
Nate Parker trong The Birth of Nation: Bất chấp những tranh cãi xung quanh án hiếp dâm tập thể mà mình bị cáo buộc cách đây nhiều năm, Nate Parker tiếp tục được LHP Toronto đánh giá cao và khán giả tại Canada sau khi theo dõi The Birth of a Nation đã đồng loạt đứng dậy vỗ tay khen ngợi tác phẩm. Phim lấy cảm hứng từ câu chuyện về Nat Turner, người nô lệ đứng đầu cuộc nổi dậy tại hạt Southapmton, Virginia, nước Mỹ vào năm 1831. Ảnh: Fox Searchlight.
Sunny Pawar trong Lion: Một cậu bé năm tuổi lạc khỏi gia đình, cứ thế ngủ trên hè phố, lang thang khắp các khu ổ chuột tại Calcutta, Ấn Độ, rồi may mắn được một gia đình Australia nhận làm con nuôi. Suốt một tiếng đồng hồ đầu tiên của Lion, khán giả tại LHP Toronto bị tài năng nhí Sunny Pawar chinh phục, dẫu đây mới là lần đầu cậu bé đóng phim. Tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật về doanh nhân Saroo Brierley - người tìm thấy mẹ đẻ nhờ Google Earth sau 25 năm xa cách. Bên cạnh Pawar, Lion còn có sự góp mặt của "Triệu phú ổ chuột" Dev Patel và Nicole Kidman. Ảnh: Weinstein Company.
Lucas Hedges trong Manchester By the Sea: Bộ phim tâm lý của Kenneth Lonergan nổi lên kể từ sau LHP Sundance hồi tháng 1, được Amazon Studios mua quyền phát hành với giá 10 triệu USD. Thời gian qua, Lonergan cắt dựng lại bộ phim, thổi thêm một chút vui tươi bằng việc cho Patrick - cháu trai của nhân vật chính Lee Chandler (Casey Affleck), xuất hiện nhiều hơn. Do Lucas Hedges thể hiện, đây là tia sáng duy nhất trong tác phẩm nhuốm màu đen tối và khán giả càng cảm thấy ám ảnh khi nó bị dập tắt ở cuối phim. Ảnh: Amazon Studios.
Theo Zing
Cannes 2016 giúp những ứng cử viên Oscar đầu tiên lộ diện Bộ phim "Loving" của Jeff Nichols, hay các ngôi sao Kristen Stewart, Shia LaBeouf được giới phê bình đánh giá khá cao khi có những màn ra mắt thành công tại Cannes năm nay. Năm 2015, lần lượt Mad Max: Fury Road, Carol, Inside Out và Son of Saulgây tiếng vang lớn tại vùng bờ biển nước Pháp dù không phải bộ phim...