“Lột trần” nước giải khát thiên nhiên
Mùa hè cũng là “mùa gặt” của các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát. Họ dốc sức tung sản phẩm, chiêu thức bán hàng, tiếp thị… với tốc độ và tần suất chóng mặt…
Đội lốt… thiên nhiên
Hàng loạt sản phẩm rất bắt mắt, được quảng bá rầm rộ, hoàn toàn đánh trúng tâm lý người tiêu dùng với thành phần chủ yếu được chiết xuất từ thiên nhiên có lợi cho sức khoẻ như: sâm, atiso, vải, dâu, trà xanh, táo, cam, la hán, cam thảo, kim ngân, cúc…. Nhưng chỉ cần chịu khó đọc thành phần, hàm lượng trên nhãn có thể “bắt vở” được “gan ruột” các loại nước giải khát này.
Theo khảo sát của chúng tôi, loại nước tăng lực hương dâu Tây có nhân sâm nhưng trên nhãn hàng cho thấy hàm lượng chiết xuất từ nhân sâm rất nhỏ, chỉ khoảng 40mg/lít. Trong khi đó, hàm lượng cafein – chất có tác dụng làm “tỉnh táo” cho người uống lại ở mức 190 mg/l, cao gấp 4 lần so với hàm lượng của nhân sâm. Như vậy, chất được thể hiện trên nhãn hàng như là thành phần chínhgiúp tăng cường sức khoẻ là nhân sâm thực chất chỉ có một hàm lượng rất khiêm tốn.
Ở một trường hợp khác, với loại trà xanh vị chanh được quảng bá 100% từ thiên nhiên nhưng thực chất vị chua có trong loại trà này lại từ vitamin C mà ra và hương chanh chủ yếu được nhà sản xuất bổ sung vào. Như vậy, cái được gọi là 100% thiên nhiên ở loại nước giải khát này đang gây tranh cãi bởi rõ ràng, hương vị chính của loại nước này lại không hề… thiên nhiên.
Cá biệt, một số sản phẩm “đội lốt” dưới mỹ từ: nước ép trái cây với màu sắc bắt mắt, hấp dẫn trẻ nhỏ như: nước ép hương vải, nước ép hương dâu, nước cam ép… nhưng thực chất thành phần chính của chúng lại là: nước, đường cùng hương vải hoặc hương dâu, hương cam tổng hợp và thậm chí là những thành phần “đánh đố” người tiêu dùng như: chất làm dày, chất điều chỉnh độ chua, chất bảo quản, màu tổng hợp.
Với những sản phẩm được quảng cáo làm từ thiên nhiên với lượng vitamin C dồi dào, giúp thúc đẩy quá trình giải độc, tăng sức đề kháng cho cơ thể như: nước cam ép chẳng hạn nhưng thực tế thành phần cũng chỉ có 20% nước cam pha từ cam ép cô đặc. Còn lại là nước, đường tinh luyện (13%), chất chống ôxy hóa, hương liệu tổng hợp và hiển nhiên là sự hiện diện của các chất ổn định sodium, carboxymethyl cellulose, guar gum…
Đáng chú ý nhất trên thị trường là dòng sản phẩm được quảng bá là thanh nhiệt làm từ thảo dược nhưng tổng hàm lượng của các thảo dược chứa trong đó chỉ quanh quẩn ở mức 13-15%, còn lại là nước, đường… Thậm chí có sản phẩm mà thành phần chủ yếu là hương liệu, sử dụng chất điều chỉnh độ chua nhưng vẫn quảng bá “100% từ thiên nhiên”!. Ngay cả nhà sản xuất cũng mập mờ, hoặc cố tình “lờ” việc công bố các hoạt chất được cho là quan trọng như chất chống lão hoá, chất thanh nhiệt, tăng sức đề kháng.
Video đang HOT
Một thứ nước “giả cầy”
Nếu tinh ý, bất cứ ai cũng dễ dàng nhận thấy, trong phần lớn nội dung quảng cáo sản phẩm nước giải khát, nhà sản xuất rất thích nhấn mạnh vào hai từ “thiên nhiên” và những tác động tích cực của nó tới sức khoẻ con người. Những gì bất lợi, không cần thiết trong việc công bố các chất cấu thành thì một là “nhẹm” đi, hai là nếu buộc phải công bố thì thể hiện kiểu mập mờ, người tiêu dùng hiểu thế nào cũng được.
Mấu chốt của vấn đề này ở chỗ, để có được những sản phẩm thiên nhiên đúng nghĩa, chi phí giá thành cho một sản phẩm sẽ tăng lên, dẫn đến lợi nhuận doanh nghiệp giảm, khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại kém đi. Cả hai tình huống này đều khiến doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép. Vì vậy, họ chẳng dại gì đầu tư cho sản phẩm thiên nhiên đúng nghĩa.
Thứ nước giải khát “giả cầy” đội lốt thiên nhiên là một nguồn lợi nhuận khổng lồ mà không một doanh nghiệp nào tiết lộ. Với công nghệ sản xuất đơn giản (pha và chế), bảo quản được vài năm, giả thành rẻ, nguồn lợi nhuận đem về quá lớn là lời giải vì sao trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm nước giải khát thiên nhiên đến vậy.
Đừng coi đó là thần dược
Theo PGS.TS Nguyễn Công Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nước trái cây có hai loại: một loại được pha chế từ hương liệu trái cây, nước đường, axit, chất thơm… Với sản phẩm này mùi vị không khác trái cây thật nhưng thực chất toàn là hương liệu trái cây. Một loại khác là nước ép trái cây nguyên chất và một phần nước ép trái cây. Trên thị trường hiện nay phần lớn là nước ép trái cây được sản xuất theo phương pháp cho thêm nước và đường, hương liệu vào nước ép trái cây. Với các sản phẩm này, cơ bản thành phần cũng rất ổn, cung cấp được năng lượng, chất đạm, chất béo, hydrat cacbon… cho người sử dụng.
Như vậy, trên thực tế, việc sử dụng nước giải khát 100% từ thiên nhiên hay chỉ là loại “giả cầy” với thành phần chủ yếu là hương liệu cũng không đáng lo ngại tới sức khỏe. Tuy nhiên, ông Thành lưu ý, các loại nước ép trái cây không thể thay thế rau quả tự nhiên. Ít nhất là vì chúng không có chứa chất xơ rất quan trọng đối với cơ thể. Nhất là với nước ép đóng hộp phải trải qua quá trình chưng cất từ hoa quả tươi, một số chất dinh dưỡng sẽ mất đi, điển hình là vitamin và chất xơ. Hơn nữa, loại nước này còn chứa một lượng nhỏ chất bảo quản, hương liệu… vì vậy không thể tốt bằng nước ép nguyên chất tươi.
Các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng dù ưa chuộng bất cứ sản phẩm nước giải khát nào cũng đều có lý do của họ. Với người này đó là mùi vị phù hợp, với người khác đó là giá thành rẻ. Điều tối quan trọng là đánh giá đúng mức về chất lượng và tác dụng của sản phẩm. Không nên vì những lời quảng cáo, vì những đồn đoán mà tẩy chay dòng sản phẩm này hoặc đề cao quá mức tác dụng của sản phẩm khác như là thần dược. Nếu hiểu đúng bản chất của các sản phẩm nước giải khát có trên thị trường, người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn thông minh hơn cho bản thân và gia đình.
Thị trường nước giải khát mùa hè 2011 vẫn chứng kiến sự lên ngôi của sản phẩm trà xanh. Có nhiều bằng chứng cho thấy, sản phẩm này làm giảm nguy cơ loãng xương, các bệnh tim mạch, ung thư cũng như trung hoà các gốc tự do có hại trong cơ thể. Trà xanh còn chứa fluo, làm chắc xương và răng. Nước trà bổ sung thêm bạc hà có tác dụng chống lại sự rối loạn trong hoạt động của dạ dày, hỗ trợ quá trình tiêu hoá, làm giảm sự đau cơ và căng cứng cơ.
Theo Dân Trí
Nước giải khát chứa chất gây ung thư có mặt tại Việt Nam
Ngay sau khi Đài Loan phát hiện một loạt sản phẩm có chứa chất gây độc, tại thị trường TPHCM không khó để tìm ra những sản phẩm liên quan.
Sản phẩm nước ép trái cây và xirô của Công ty Jin Zhuan (Đài Loan) được bày bán tại TP.HCM
Tại chợ Bình Tây (Q.6), các tiểu thương cho biết từ sau "khủng hoảng" chất lượng sản phẩm sữa bột, hạt trân châu Trung Quốc, họ chuyển sang sử dụng các sản phẩm trong nước hoặc của Đài Loan, Malaysia, Ấn Độ... Trong đó, hàng Đài Loan bán chạy nhất do so với sản phẩm cùng loại trong nước chỉ có giá bằng hoặc nhỉnh hơn nhưng hiệu quả sử dụng cao hơn.
Tiểu thương chưa biết
Hiện các quán, nhà hàng ưa chuộng loại xirô và nước ép trái cây Đài Loan bình nhựa 2,5l của Công ty TNHH kỹ thuật hóa sinh Jin Zhuan. Với giá từ 120.000-130.000 đồng/bình, loại xirô này được người bán cho biết có vị thơm hơn xirô trong nước và thiết kế bao bì tiện dụng (can nhựa trong khi sản phẩm nội bằng chai thủy tinh). Theo một chủ tiệm kinh doanh trà sữa ở Q.5, các loại hạt phục vụ việc chế biến trà sữa xuất xứ Đài Loan bán chạy nhất và hương vị khá đa dạng.
Chiều 27/5, nhiều điểm kinh doanh hàng gia vị tại chợ Bình Tây tỏ ra thận trọng khi khách hàng lạ đến hỏi mua. Chủ sạp gia vị trên đường Trần Bình (Q.6) cho biết xirô Đài Loan hút hàng lại về không đều nên phải đặt trước mới có. Mặc dù Công ty Jin Zhuan là đơn vị nằm trong danh mục có sản phẩm nhiễm chất độc hại nhưng hầu hết tiểu thương vẫn không hay biết. Hầu hết sản phẩm nhập khẩu đều không có tem phụ chữ tiếng Việt nên rất khó truy xuất nguồn gốc nhập khẩu.
Giám đốc một công ty sản xuất nước giải khát cho biết trong ngành sản xuất nước giải khát, chất tạo đục dùng để cải thiện tính cảm quan của thực phẩm dạng lỏng như nước cam, chanh, xirô, nước quả cô đặc, bột giải khát... Ngoài ra, chất tạo đục còn dùng trong sản xuất thạch. Trong danh mục phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, chất tạo đục được phép sử dụng và có quy định kiểm soát hàm lượng với tỉ lệ rất nhỏ.
Chất tạo đục không phải là chất bảo quản nên không có hại. Chất tạo đục được chế biến từ nguyên liệu tự nhiên như cùi chanh, cùi cam vì vậy không ảnh hưởng đến sức khỏe, hiện chất tạo đục brobinated vegetable oil (BVO) mới là phổ biến nhất. Nhưng do hám lợi, nhiều nhà sản xuất hương liệu cho thêm hóa chất công nghiệp vào (thường được sử dụng trong ngành nhựa) nhằm giảm giá thành.
Lấy mẫu kiểm nghiệm thức uống
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, từ đầu năm đến nay có khá nhiều lô hàng nhập khẩu phụ gia, nguyên liệu sản xuất các loại nước giải khát, nước trái cây, bột trái cây nguồn gốc xuất xứ Đài Loan được thông quan qua cảng Cát Lái (Q.2). Trong đó có một lô hàng khoảng 15 tấn chất Di (2-ethylhexyl), trị giá 44.800 USD nhưng ghi trong tờ khai dùng trong ngành nhựa. Ngoài ra, tính từ ngày 1-1 đến 27-5-2011 có khoảng 7.200 chai, lon nước giải khát nhập khẩu từ Đài Loan, chủ yếu là loại chai dung tích 580-600ml/chai.
Bột trái cây xuất xứ Đài Loan cũng có mặt ở thị trường VN. Bằng chứng là đã có khoảng 8,14 tấn bột trái cây được nhập về qua cảng Cát Lái trong gần năm tháng đầu năm nay. Bên cạnh đó còn nhiều lô hàng nguyên liệu nước ép trái cây tổng hợp hương táo, nhãn, nho, đào... với số lượng hàng trăm thùng đã được nhập về TP.HCM.
Ngày 27/5, Sở Y tế TPHCM cho biết đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP đi kiểm tra, lấy mẫu một số thức uống trên thị trường để kiểm nghiệm tìm chất DEHP.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP, cho biết ngay trong ngày hôm qua chi cục đã cử người đến siêu thị, cơ sở sản xuất, phân phối để lấy 10 mẫu thức uống có chất tạo tủa (chủ yếu là thạch dừa) gửi đến cơ quan chức năng kiểm nghiệm nhanh. Dự kiến thứ hai tuần sau (ngày 30-5) sẽ có kết quả. Ông Hòa cũng đã cùng cán bộ của chi cục đến kiểm tra đột xuất và lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm của một công ty phân phối thức uống nghi ngờ có chất DEHP có nguồn gốc từ Đài Loan.
Hà Nội: Truy tìm chất dehp từ mẫu thực phẩm ngẫu nhiên
Chiều 27/5, ông Nguyễn Công Khẩn, cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cho hay cục sẽ truy tìm chất DEHP - loại hóa chất độc hại được trộn trái phép vào chất tạo đục của nước ép, thạch, sữa... trên thị trường - thông qua các mẫu thực phẩm lựa chọn ngẫu nhiên. Ông Khẩn cho hay chiều qua, các chuyên gia về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm tại Việt Nam đã cùng nhau họp bàn để tìm chọn loại thực phẩm đích để truy tìm chất DEHP. Danh sách các loại thực phẩm này được giữ bí mật đến phút cuối nhằm bảo đảm kết quả kiểm tra được khách quan.
Ông Khẩn cho biết cục đã kiểm tra nhưng không tìm thấy những mẫu sản phẩm bị thu hồi ở Đài Loan này có số đăng ký lưu hành tại cục. Tuy nhiên, trước khả năng các sản phẩm có hại này được nhập vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, cục đã liên hệ với Sở Y tế Đài Bắc, nhưng phía Đài Bắc cũng chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng nào về việc sản phẩm được các cơ sở thực phẩm của Việt Nam nhập theo đường chính thống. Dự kiến trong tuần tới Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ thông báo kết quả kiểm tra, truy tìm chất DEHP trong thực phẩm.
Tại chợ đầu mối Đồng Xuân và phố Hàng Buồm, những địa chỉ chuyên cung cấp các chất phụ gia để sử dụng trong thực phẩm, đồ ăn uống..., có nhiều chất phụ gia nguồn gốc trong và ngoài nước có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi được hỏi về các loại chất tạo đục trong nước ép hoa quả, thạch, sữa, chủ một số đại lý tại phố Hàng Buồm cho biết chưa nghe thấy phụ gia có chất DEHP bao giờ.
Theo Tuổi trẻ
4 lợi ích khi tắm nước lạnh Nếu như bạn đã quen với việc tắm nước nóng hoặc ấm, thì giờ đây nên tập duy trì thói quen tắm nước lạnh để khỏe hơn nhé. Giúp tỉnh táo nhanh chóng Không ai có thể phủ nhận tác dụng kích thích lưu thông nhanh khi tắm nước lạnh. Mặc dù đôi khi chúng có thể gây sốc, khó chịu cho bạn...