“Lọt lưới” về Hà Nội không phải dễ…
Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, đã xử lý nhiều trường hợp xe taxi đăng ký ở tỉnh khác rồi đưa về Hà Nội để hoạt động.
Một số hãng taxi lập chi nhánh tại các tỉnh rồi đem xe về Hà Nội hoạt động, ông có biết hiện tượng đó không?
Ông Hoàng Văn Mạnh: Tôi biết và thậm chí còn xử lý rồi. Có một trường hợp, hãng ở đây nhưng chi nhánh nằm ở các tỉnh. Khi họ bí quá, đã điều các xe về Hà Nội vì ở dưới ấy không có khách. Chúng tôi không đồng ý về việc này và đã xử lý. Mười mấy trường hợp ấy đều đăng ký chạy taxi ở Nam Định rồi về đây.
Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội
Video đang HOT
Theo quy định thì hãng đăng ký hoạt động taxi ở tỉnh nào thì phải về tỉnh ấy. Không phụ thuộc dàn xe mang biển số ở đâu. Ví dụ anh về dưới Hải Phòng thì sẽ thấy một loạt biển số xe của Hà Nội, nhưng phù hiệu taxi của Hải Phòng, vì người ta lại đăng ký với Hải Phòng. Việc đó theo quy định là thoải mái. Nhưng có điều, ở chỗ nào kinh doanh được thì người ta mang đến đấy kinh doanh.
Kiểu như “nước chảy chỗ trũng” phải không ạ? Nhưng xét về hành động thì họ có sai không?
Ông Hoàng Văn Mạnh: Về hành động thì người ta sai, như thế là vi phạm luật. Địa phương nào thì phải hoạt động ở địa phương ấy. Nhưng có một điều rất khó kiểm soát. Tôi lấy ví dụ, xe chạy ở Hà Nam họ mang lên đây chạy. Nếu ông không có chuyên môn thì tài xế sẽ nói là chở khách từ Hà Nam lên đây rồi đi về, tức là họ có khách của họ. Thực ra họ về đây để kinh doanh. Tôi đã từng làm những trường hợp ấy, cũng phải theo dõi rất mất công chứ không phải đơn giản vì họ có thể chối ngay.
Thế tài xế chở khách từ Hà Nam lên Hà Nội rồi tiện đường từ Hà Nội về đón khách ở đây thì có được không?
Ông Hoàng Văn Mạnh: Về mặt lý thì sai nhưng về mặt tình thì có thể thông cảm. Nhưng điều ấy thường không ai xử lý vì lái xe người ta kiếm được đồng tiền cũng vất vả.
Theo luật, nếu hãng chủ trương kinh doanh “chui” cho nhiều xe, thì khi bị phát hiện, trách nhiệm thuộc về Thanh tra thành phố Hà Nội hay là nơi, tỉnh cấp phép?
Ông Hoàng Văn Mạnh: Xử lý mỗi trường hợp như thế không phải đơn giản, vì phải có bằng chứng khiến họ tâm phục, khẩu phục. Nói chung, để kiểm tra xử lý được việc doanh nghiệp có mang xe về Hà Nội để kinh doanh hay không là việc rất phức tạp. Còn khi phát hiện thì một là trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý là Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và người phát hiện là Thanh tra giao thông hoặc Cảnh sát giao thông sẽ giúp cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xử lý.
Cán bộ thanh tra kiểm tra hệ thống bộ đàm kết nối với tổng đài trung tâm (Ảnh Internet)
Còn nơi cấp phép thì sao, có bị liên đới gì không?
Ông Hoàng Văn Mạnh: Không sao cả, hoàn toàn không liên đới. Tôi ví dụ, anh có một chiếc xe và anh muốn chạy taxi, anh xin cấp phép tại Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hoặc Sở GTVT Bắc Ninh. Nếu đầy đủ thủ tục theo quy định thì các Sở trên sẽ phải cấp. Nếu các Sở không cấp thì anh có quyền kiện vì đó là nghĩa vụ phải làm. Còn nếu khi doanh nghiệp làm sai mà phát hiện ra thì kiến nghị đến các cơ quan quản lý tức là nơi cấp phép, khi ấy nơi cấp phép lại thu hồi. Theo nghị định thì tối đa là 60 ngày còn tối thiểu cũng phải 10 ngày.
Việc phát hiện, có ý kiến là kiểm tra bộ đàm?
Ông Hoàng Văn Mạnh: Không phải lúc nào anh cũng dừng, cũng vào được xe để kiểm tra. Chỉ trừ anh em thanh tra đi làm nhiều, quen thì phát hiện ra. Mà kiểm tra được thì cũng không làm gì được. Ví dụ như tần số đang đặt 3000 KHz thì về đây họ cũng đặt 3000 KHz chứ có gì đâu. Xem xét bộ đàm thì phát hiện ra cái gì? Chuyện cài đặt lại quá đơn giản. Chúng tôi phải sử dụng những biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra lúc giao ca chẳng hạn. Để lọt lưới về Hà Nội cũng không phải dễ. Ở các tỉnh thì còn được chứ ở Hà Nội thì khó. Họ sợ Hà Nội làm mạnh nên không dám loanh quanh đâu…
Qua báo chí, tôi muốn nhắn gửi các chủ hãng taxi: Cái quan trọng là doanh nghiệp phải giữ uy tín cho mình. Làm tốt để giữ thương hiệu thì sẽ lên. Chứ nhiều doanh nghiệp cũng làm ăn chộp giật rồi lại phê phán những doanh nghiệp khác chộp giật thì dịch vụ taxi nói chung sẽ không phát triển được. Và tôi ủng hộ một màu sơn đặc trưng cho xe taxi. Ví dụ như nước ngoài có kẻ ca rô, mình cũng nên quy định theo hướng như thế. Việc này có nhiều cái lợi cho hoạt động của taxi.
Theo ANTD