Lớp học của những người “đặc biệt”
Đã 80 tuổi nhưng cụ Hồ Hương Nam (số nhà 253, An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) vẫn hằng ngày miệt mài đến Trường để chăm sóc, dạy dỗ những trẻ em khuyết tật ở trường THCS An Dương.
Cụ Hồ Hương Nam sinh năm 1933, từng là giáo viên của Trường THCS Hoàng Hoa Thám. Quê gốc của cụ ở Đông Ba (Huế), sau năm 1954, cụ tập kết ra Bắc sinh sống và làm việc.
Khi còn là giáo viên, cụ cũng là cộng tác viên dân số gia đình và trẻ em ở phường Yên Phụ. Tiếp xúc với nhiều với mảnh đời nên cụ hiểu hơn ai hết nỗi khổ của những con người khuyết tật. Những lúc ấy cụ cũng muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ những con người bất hạnh này nhưng vì điều kiện không cho phép, mãi đến sau này ý tưởng mở lớp học tình thương của cụ mới được thực hiện.
Cụ Hồ Hương Nam – Ảnh: Hồng Nhung
Ở cái tuổi đáng lẽ ra sẽ được nghỉ ngơi để sum vầy với con cháu, thế nhưng cụ Nam lại không nghĩ vậy. “Mình tuổi già, nhưng vẫn đang còn sức khỏe để đóng góp cho địa phương. Nói rộng hơn đó là tình thương và trách nhiệm. Các cháu khuyết tật đã thiệt thòi rồi, vậy thì mình cũng phải làm một cái gì đó để đỡ đần, giúp đỡ các cháu”, cụ Nam tâm tình.
Mỗi học trò, một phương pháp giảng dạy
Cụ Nam mở lớp học tình thương vào năm 1997 đặt ở trong Trường THCS An Dương. Lúc mới mở lớp, cụ đã phải cất công đi từng nhà để vận động gia đình cho con em tới lớp. Những ngày đầu ấy cụ gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều gia đình không ủng hộ. Khi cụ đi vận động, nhiều gia đình nghĩ rằng con cái họ bị tật nguyền rồi, có học tập thì cũng không thay đổi được gì nên họ nhất quyết không cho con họ đi học. Nhiều lần bị từ chối như vậy, thế nhưng cụ Nam vẫn không nản chí, hằng ngày cụ vẫn đến từng nhà vận động. Sự kiên trì và tình thương của cụ Nam lâu dần đã lay động được mọi người để nhiều người quyết định cho con cái mình tới theo học lớp của cụ Nam. Hiện tại lớp học của cụ hoạt động từ thứ hai đến thứ sáu theo lịch của nhà trường.
Video đang HOT
Lớp học này đặc biệt từ cô giáo cho tới học sinh. Học trò đa số là trẻ em có hoàn cảnh không may (câm điếc, mù lòa, thiểu năng trí tuệ…). Nhắc tới những học sinh “đặc biệt” ấy, “cô giáo” Nam đùa rằng: “Mình đã là cô giáo đặc biệt rồi nên giờ dạy học sinh đặc biệt cũng mong sao chúng có thể làm nên những điều đặc biệt, đó là sau này có thể tự lập, hoặc ít nhất cũng ý thức được bản thân để giảm gánh nặng cho bố mẹ chúng”.
Thế nhưng để làm được điều đặc biệt ấy không hề đơn giản. Các học sinh trong lớp không được như người bình thường, nên bản năng tự chủ và ý thức tiếp thu rất kém. Lớp học có 15 người nhưng cụ phải dạy mỗi người theo một phương pháp khác nhau. Học sinh câm điếc cụ dạy họ phương pháp viết, học sinh mù cụ dạy họ phương pháp nghe… Nhiều lúc cụ Nam là cô giáo nhưng đôi lúc cần thiết cụ cũng có thể trở thành người mẹ, người bà của các học sinh ấy. Chính tình thương bao la của cụ đã truyền cho những học sinh có hoàn cảnh không may ấy thêm động lực và niềm tin vào cuộc sống. Các học sinh trong lớp luôn xem cụ như là một “bà tiên” đối với mình.
Đã 15 năm gắn bó với lớp học đặc biệt ấy, thế nhưng cụ không hề nhận bất cứ một sự trợ cấp nào từ phía chính quyền cũng như nhà trường. Cụ bảo rằng mình được dạy miễn phí, được giúp đỡ các em như thế này đã là vui lắm rồi. Hằng ngày cụ vẫn chỉ dựa vào những đồng lương hưu của mình để trang trải cuộc sống tuổi già. Cụ chỉ ước mình thêm sức khỏe để có thể gieo thêm những mầm xanh hy vọng cho những mảnh đời bất hạnh.
Hồng Nhung
Theo thanh niên
Bà tiên của trẻ tật nguyền
Bước vào tuổi 80, lưng đã còng, tóc đã bạc, bà giáo Hồ Hương Nam vẫn đều đặn "đứng lớp" 6 buổi một tuần, ngày mưa cũng như nắng mà không nhận bất kỳ khoản thù lao nào. Học trò của bà là 15 đứa trẻ sinh ra đã chịu thiệt thòi vì những khuyết tật bẩm sinh.
Lớp học đặc biệt
Tôi đến thăm lớp học đặc biệt nằm giữa khuôn viên Trường THCS An Dương, Tây Hồ vào một ngày trời trở gió, trong cái tiết se lạnh và nắng hanh hao của mùa thu Hà Nội. Nhưng với bà giáo già Hồ Hương Nam, những ngày này không phải là ngày vui, bởi hôm nay 3 học trò chăm chỉ nhất của bà đã phải nghỉ học vì bị ốm. Mười hai em khác vẫn đến lớp, nhưng đứa thì ho khù khụ, đứa sụt sịt hắt hơi, có đứa lại cả buổi không viết được chữ nào. Thời tiết thay đổi đột ngột khiến bà càng thêm lo, thêm thương những học trò tật nguyền, ốm yếu.
Khai giảng đã được hơn nửa tháng, nhưng ở Lớp học tình thương của bà giáo Nam, bài học vẫn chỉ là tô chữ cái, làm những phép toán đơn giản hay tập đọc. "Giáo án" này đã nhiều năm nay vẫn vậy, chỉ thay đổi theo sự tiến bộ của từng học trò. Chính vì vậy lớp học đặc biệt này không hề có bảng chung. Mỗi học trò theo một chương trình học khác nhau nên bảng chính là quyển vở của mỗi em. Bà giáo già đến cầm tay từng học trò, uốn từng nét chữ, dạy đánh vần từng từ, từng câu, trong khi dạy em này thì giao bài cho em khác làm.
15 học sinh của bà giáo Nam, bé nhất lên 8 tuổi, lớn nhất đã ngoài 30, là 15 hoàn cảnh thương tâm khác nhau nhưng giống nhau ở sự thiệt thòi vì các khuyết tật bẩm sinh. Em bị liệt, em bị bại não hay câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ... Hoàn cảnh gia đình của chúng cũng rất đáng thương, có em mất cả bố lẫn mẹ, có em bố nghiện ngập, phải sống với ông bà, gia cảnh nghèo khó...
Lớp học của bà giáo Nam
Mặc cảm tật nguyền và những vất vả trong cuộc sống thường ngày khiến chúng sống thu mình, cho đến khi được đến lớp của bà giáo Nam, được là thành viên trong một ngôi trường cảnh quan đẹp, có nhiều bạn bè, được học chữ, làm toán, học hát, múa các em đã thoát ra khỏi tâm trạng mặc cảm, trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ, nếu không vì lý do sức khỏe thì rất hiếm ngày chúng nghỉ học. Và niềm vui lớn nhất của bà giáo Nam là sự tiến bộ vượt bậc của những học trò đặc biệt của mình.
Lưu Hồng Dương năm nay đã 31 tuổi, gắn bó với lớp học này từ những ngày đầu tiên. Bị thiểu năng trí tuệ, liệt toàn thân, tay co quắp, không cầm nắm được gì, hằng ngày Dương chỉ nằm hoặc ngồi một chỗ, mọi việc đều phụ thuộc vào người khác. Càng lớn, tính khí càng thất thường, hay nổi nóng vô cớ.
Nhưng nay thì... Khi trò chuyện với phóng viên, ông Lưu Văn Ba, bố đẻ của Dương, phấn khởi nói: "Sau 14 năm ngồi xe lăn đến lớp học của bà giáo Nam, con trai tôi đã biết đọc báo, đã cầm bút viết được những chữ đơn giản và nhất là hay nói cười, lạc quan, vui vẻ hơn, tôi và mẹ cháu mừng và biết ơn bà giáo Nam không kể sao cho hết. Bây giờ ở nhà cháu đã tự biết xúc cơm ăn, trò chuyện với mọi người, kể chuyện trường lớp và bạn bè, đọc báo, xem ti vi chứ không sống thu mình như trước".
Một học trò lớn tuổi nữa là em Đỗ Kim Thúy, năm nay 22 tuổi. Bị liệt nửa người từ khi sinh ra, mẹ lại mất sớm, gia đình khó khăn nhưng Thúy may mắn tìm được niềm vui và niềm tin vào cuộc sống khi được vào học lớp bà Nam. Sau 14 năm, em đã đạt đến trình độ cao nhất lớp là học chương trình lớp 4 cấp tiểu học, đọc thông, viết thạo, chữ khá đẹp và nhẩm toán khá nhanh, được bầu làm lớp trưởng. Thúy hào hứng kể, đến lớp vui lắm, được bà dạy chữ, dạy hát, bạn nào học giỏi còn được bà thưởng kẹo, bim bim... Bây giờ đi chợ em đã biết tính tiền, em đã biết đọc, xem ti vi em sẽ đi học đến khi nào bà không dạy nữa thì mới thôi...
Góp nhặt yêu thương
Bà giáo Nam vẫn bảo, cái nghiệp nhà giáo đã vận vào đời mình. Từ khi gắn bó với những đứa trẻ tật nguyền, bà càng thêm yêu nghề, yêu trò hơn. Sau hơn hai mươi năm dạy tiểu học, nghỉ hưu bà tham gia nhiều phong trào ở phường Yên Phụ, đảm nhiệm hàng loạt "chức vụ" như Chi hội trưởng Chi hội Người Cao tuổi cụm 6, tình nguyện viên phòng chống ma túy, quản lý CLB sau cai, cộng tác viên dân số và khuyến học...
Năm 1997, khi làm công tác tuyên truyền về dân số, bà Nam thấy hai cháu nhỏ tàn tật, nhà không có điều kiện cho đi học tại trường dành cho trẻ khuyết tật nên bà đã vận động gia đình mở lớp học cho các em. Những ngày đầu, không ít người cho là bà lẩm cẩm, già rồi nghỉ ngơi cho khỏe, dạy trò bình thường đã vất vả, dạy trẻ tàn tật còn khó hơn rất nhiều...
Được con cháu ủng hộ, không bận tâm đến lời ra tiếng vào, bà xin UBND phường Yên Phụ cho mượn trụ sở tuần tra của cụm dân cư số 6 làm lớp học, lúc đầu chỉ vỏn vẹn 3 học sinh. Ban đầu, chính bố mẹ các em cũng không tin con mình có thể học được, không tin bà giáo già có thể "thuần" được bọn trẻ chứ chưa nói gì đến việc giúp bọn trẻ biết chữ. Nhưng chỉ sau vài buổi đứng ngoài cửa sổ xem con học, họ đã yên tâm giao con cho bà.
Học được vài năm, trụ sở tuần tra bị phá để xây nhà văn hóa, bà Nam dắt díu học trò đến học nhờ trường mầm non, nhưng trường cũng không còn phòng nào có thể dành cho bọn trẻ. Không nản lòng, bà gõ cửa khắp nơi, cuối cùng các em nhỏ tật nguyền cũng đã có được một Lớp học tình thương trong khuôn viên Trường THCS An Dương.
Từ năm 2002, lớp học của bà giáo Nam trở thành một thành viên của trường, được tham dự các hoạt động ngoại khóa, có mặt trong các buổi lễ khai giảng, bế giảng, được nhận quà từ quỹ khuyến học của nhà trường... Cô giáo Lê Thị Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS An Dương cho biết, Lớp học tình thương hoạt động đều đặn, nền nếp. Nhà trường dù còn khó khăn nhưng cũng cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các em. Bà giáo Nam thực sự là một người thầy tâm huyết, nên bố mẹ các em yên tâm gửi gắm con em mình.
Được "an cư", bà cháu đều phấn khởi, dồn sức cho việc dạy và học. Với kinh nghiệm nhiều năm đứng trên bục giảng, bà Nam bảo cần có lòng kiên nhẫn cao độ và trước hết phải là tình yêu thương dành cho lũ trẻ. Ngay như trò Dương lớn nhất lớp nhưng đến giờ bà vẫn phải đưa vào tận phòng vệ sinh vì cậu không thể tự làm.
Nhiều người bảo bà Nam không chỉ là cô giáo, mà còn là bảo mẫu kiêm người gác cổng. 15 em là 15 tính cách, bệnh tật khác nhau, nhiều em to lớn gấp hai, gấp ba cô giáo nhưng chỉ cần bà nhắc nhẹ, chúng lại răm rắp nghe theo. Bà bảo bọn trẻ đã chịu nhiều thiệt thòi, mình mà quát mắng hay nói nặng lời chúng dễ tủi thân, cần phải thật nhẹ nhàng mới được. Phải tạo không khí thật vui vẻ cho bọn trẻ có hứng học bài...
Với mái tóc bạc trắng, khuôn mặt hiền và dáng đi nhanh nhẹn, bà giáo Nam thực sự là hình ảnh bà tiên tốt bụng đối với đám trẻ ở Lớp học tình thương và những ai đã một lần được chứng kiến công việc thầm lặng mà cao cả của bà.
Theo Hà Nội mới
Nỗi lòng người cha xin cho con về... chết Đã mổ tim hơn 1 tháng, chỉ cần điều trị thêm mươi mười lăm ngày nữa là chàng trai đó có cơ hội sống. Nhưng đến lúc này, gia đình bệnh nhân đã kiệt quệ, không còn xoay sở được một đồng, một cắc bạc, cùng đường đành xin cho con về... để chết. "Biết con về là chết. Nói lời xin con...