Lồng sắt, “chuồng cọp”: Ẩn hoạ tự nhốt mình trong hỏa hoạn
“ Chuồng cọp” chung cư cũ, lồng sắt ban công hay biển quảng cáo cỡ lớn được sử dụng phổ biến ở Hà Nội. Bên cạnh tác dụng cơi nới không gian nhà hay chống trộm, những “sáng kiến” này lại vô tình chặn đường thoát thân của nạn nhân khi chẳng may xảy ra hoả hoạn như một số vụ cháy gây chết người xảy ra trong thời gian gần đây.
Chuồng cọp dày đặc tại một khu tập thể ở quận Đống Đa – hình ảnh phổ biến ở các khu nhà chung cư cũ của Hà Nội. “Sáng kiến” này có tác dụng cơi nới không gian nhà và chống trộm, nhưng vô tình lại cản đường thoát hiểm của nạn nhân trong trường hợp xảy ra hoả hoạn.
Chi chít chuồng cọp phía trước khu tập thể trên phố Yên Lãng (quận Đống Đa).
Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, trưởng phòng cảnh sát PCCC số 2 ( Công an TP Hà Nội), những “chuồng cọp” này tiềm ẩn nguy hiển khi xảy ra sự cố cháy nổ vì không thiết kế cửa thoát hiểm, vừa bịt đường thoát thân của nạn nhân, vừa cản trở lực lượng cứu hoả, cứu hộ tiếp cận.
Cận cảnh các “chuồng cọp” bằng sắt kiên cố tưởng như an toàn song lại làm mất cơ hội thoát hiểm nếu có sự cố xảy ra.
Hình ảnh lồng sắt ban công, “chuồng cọp” trên phố Giảng Võ.
Video đang HOT
Nhiều nhà ống ở Hà Nội cũng làm lồng sắt bịt ban công. Cách làm này xuất phát vì nỗi lo trộm cắp, song cũng giống như “chuồng cọp” ở các khu tập thể cũ, những lồng sắt này cũng làm mất đi cơ hội thoát hiểm cho nạn nhân trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.
Dãy nhà ở phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa) có mặt tiền trên các tầng cao gần như không còn lối thoát hiểm vì lồng sắt ban công, song sắt cửa sổ hoặc biển quảng cáo cỡ lớn.
Theo Đại tá Sơn, đã có nhiều trường hợp hoả hoạn, lực lượng cứu hộ và chữa cháy phải dùng kìm cộng lực, búa tạ để phát song sắt, rất vất vả mới tạo được lối tiếp cận vào bên trong. Việc này khá mất thời gian, làm giảm cơ hội cứu nạn cho các nạn nhân bị kẹt trong nhà, tăng nguy cơ thiệt mạng như một số vụ xảy ra trong thời gian gần đây ở Hà Nội.
Khung kim loại quây kín ngôi nhà 5 tầng – một kiểu làm đẹp mặt tiền không đảm bảo an toàn trong tình huống xảy ra hoả hoạn.
Chuyên gia PCCC khuyến cáo, các gia đình khi làm “chuồng cọp”, lồng sắt… nên thiết kê thêm ô cửa có khoá và báo cho các thành viên trong gia đình biết vị trí cất khoá, phòng trường hợp cần thoát nạn.
Kiểu song sắt cửa sổ chống trộm rất phổ biến ở Hà Nội, được làm cả ở những ngôi nhà mặt tiền chỉ có duy nhất cửa sổ, đồng nghĩa với việc không còn lối thoát hiểm nào trên các tầng trong trường hợp có cháy.
Lồng sắt chống trộm – hình ảnh “đặc trưng” ở Hà Nội.
Hữu Nghị – Xuân Ngọc
Theo Dantri
"Hà Nội cháy rất nhiều nhưng người dân thờ ơ với giặc lửa"
Ngay từ những ngày đầu của năm 2017, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã liên tục xảy ra các vụ cháy nhà dân, cháy kho hàng, cháy các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ,.... Gần đây nhất, chiều ngày 15/2, 2 nhà dân trên phố Bát Đàn (Hoàn Kiếm) đã cháy lớn làm một cụ bà hơn 80 tuổi tử vong.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn trao đổi với PV Dân trí.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC TP Hà Nội), cho biết, các vụ cháy trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có một phần không nhỏ là do ý thức, nhận thức của người dân về công tác PCCC còn hạn chế. Nhiều người vẫn còn rất chủ quan, thờ ơ về công tác PCCC trong chính gia đình và nơi làm việc của mình.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn thông tin, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn công tác PCCC trên địa bàn 2 quận Ba Đình và Đống Đa. Đây là 2 quận đông dân cư, có nhiều trụ sở cơ quan làm việc và các công trình văn hóa chính trị của đất nước. Do đó, hàng tháng, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 thường xuyên viết bài tuyên truyền về công tác PCCC gửi đến Phòng Văn hóa thông tin của 2 quận Ba Đình, Đống Đa, từ đó các quận sẽ tuyên truyền xuống các phường để phát lên loa truyền thanh cho nhân dân nắm được.
Ngoài hình thức tuyên truyền trên, năm 2016, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 còn tham mưu cho UBND 2 quận Đống Đa và Ba Đình để trực tiếp cử cán bộ PCCC sẽ bồi dưỡng kiến thức công tác PCCC cho người đứng đầu các cơ quan sự nghiệp, các trưởng phường, các bí thư chi bộ,... từ đó lực lượng này sẽ về tuyên truyền cho từng hộ dân.
"Theo định kỳ, chúng tôi sẽ bố trí cán bộ PCCC của phòng xuống các khu dân cư hướng dẫn nhân dân về công tác PCCC. Tại các cuộc này, cán bộ không thiên vào giảng lý thuyết mà chủ yếu nói về các nguyên nhân thực tế gây cháy nổ trong các hộ gia đình, cách phòng và chữa khi xảy ra cháy. Tôi lấy ví dụ, người dân rất sợ nổ bình gas, nhưng thực tế bình gas không nổ được, mà khi khí gas bị rò rỉ ra bên ngoài gặp nguồn nhiệt nào và nổ, thì đó là nổ hỗn hợp khí" - Đại tá Sơn nói.
Cán bộ PCCC đang hướng dẫn cho người dân phường Ô Chợ Dừa cách sử dụng bình cứu hỏa mini.
Người dân phường Ô Chợ Dừa được hướng dẫn cách chữa cháy khi bình gas bị rò rỉ khí gas và bốc cháy.
Một vấn đề nữa mà Đại tá Sơn nhấn mạnh, nhiều người dân có thể bỏ tiền ra mua sắm nhiều đồ đạc, thiết bị có giá trị cho gia đình nhưng lại "ngại" mua bình chữa cháy mini chỉ có giá vài trăm nghìn đồng. Theo Đại tá Sơn, bình cứu hỏa mini rất dễ sử dụng và có tác dụng rất lớn trong khâu chữa cháy ban đầu. Nếu khi phát hiện ra cháy trong gia đình, người dân nhanh chóng dùng bình cứu hỏa này là có thể dập tắt được ngọn lửa.
"Lực lượng chữa cháy tại chỗ rất quan trọng, nhà nào cũng trang bị bình chữa cháy mini thì sẽ rất tốt. Các cuộc tuyên truyền, chúng tôi đều hướng dẫn người dân rất cụ thể cách sử dụng bình chữa cháy mini. Nhưng xem ra người dân vẫn còn rất thờ ơ trong công tác PCCC. Các cuộc tuyên truyền của cán bộ PCCC ở các cơ sở, người dân thường đến nghe rất ít. Đây là vấn đề rất đáng buồn, nguy cơ cháy nổ có thể đến từ bất cứ gia đình nào" - Đại tá Sơn nói thêm.
Tối qua (15/2), Phòng Cảnh sát PCCC số 2 đã cử cán bộ xuống hướng dẫn, tuyên truyền về công tác PCCC cho các hộ dân thuộc tổ dân phố số 67, 68 của phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa). Tuy nhiên, số hộ dân tham gia cuộc tuyên truyền này rất ít, mặc dù đã được thông báo trước đó 1 tuần.
Mặc dù đã được thông báo trước 1 tuần, nhưng số lượng các hộ dân của Tổ dân phố số 67, 68 đến nghe cán bộ PCCC hướng dẫn về công tác PCCC rất ít.
Ông Nguyễn Huy Loan, Tổ trưởng Tổ dân phố số 67 chia sẻ: "Cách đây một tuần tôi đã thông báo cho các hộ dân trong khu phố là tối 15/2 sẽ có cán bộ PCCC về hướng dẫn công tác PCCC, gần đến giờ làm việc tôi còn đi thông báo lại một lần nữa, nhưng số lượng các hộ dân đến nghe chỉ khoảng 15%. Có thể nói người dân vẫn còn rất chủ quan trong công tác PCCC.
Tôi thấy cuộc tuyên truyền như này rất bổ ích, khi chưa đi nghe thì cảm thấy bình thường, nhưng khi nghe rồi thì đúng là rất quan trọng, nếu biết cách phòng tránh sẽ bảo vệ được cho gia đình mình, hàng xóm và nơi làm việc".
Nguyễn Dương
Theo Dantri
"Dựng "lồng chim, chuồng cọp" là đang giam mình vào cửa tử" Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tham mưu (Cảnh sát PCCC TP.HCM) cho biết: "Nhà dân tự dựng các "lồng chim, chuồng cọp" là đang giam mình vào cửa tử. Khi xảy ra cháy nổ thì họ không có lối thoát ra ngoài được. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến nơi phải vất vả dùng kìm, búa phá lồng sắt để...