“Lòng dân Sài Gòn luôn chờ đợi giây phút giải phóng…”
Là người trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là tác giả bức ảnh nổi tiếng “truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất”, khi trải lòng về những khoảnh khắc đã trở thành ký ức sâu đậm trong ngày 30/4/75- nhiếp ảnh Đinh Quang Thành không giấu nổi niềm xúc động…
Là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam trong nhiều năm, từng xông pha khắp các mặt trận, cập nhật ảnh chiến sự ở hầu hết các địa phương nhưng theo ông thì chuyến Nam tiến năm 1975, đúng thời khắc diễn ra chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mới thực sự để lại trong ông ấn tượng sâu sắc nhất. Ông có thể chia sẻ về việc mình khoác màu áo lính khi chưa một lần cầm súng trong thời điểm như thế nào?
Ngày 26/3/1975, khi đang công tác tại Hải Phòng, tôi nhận được thông báo từ cơ quan, tôi gấp rút trở về Hà Nội. Về tới nơi, ba lô, quần áo, súng ống và các dụng cụ tác nghiệp đều đã chuẩn bị trước, xe ô tô chờ sẵn đợi giờ xuất phát. Không có nhiều thời gian, tôi chỉ kịp thông báo với vợ mang hai đứa con sinh đôi khi đó mới hơn 5 tuổi đến để gặp giây lát trước khi lên đường.
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành giới thiệu bức ảnh tại buổi triển lãm “Đường xuân chiến dịch” ngày 25/4 tại Hà Nội
Vì chiến tuyến đang sôi sục, tôi chỉ kịp dặn dò vợ, ôm 2 con vào lòng trong vài giây ngắn ngủi, chẳng kịp để vợ lưu luyến, bịn rịn. Trong thời khắc đó, con người ta không thể nghĩ suy nhiều thứ quá bởi không khí đất nước, chiến tranh đang vô cùng khẩn trương.
Cùng đi với tôi còn có hai phóng viên quân đội là Trung úy Hứa Kiểm và Trung úy Vũ Tạo. Không giống hai anh, tôi chưa bao giờ cầm súng, nhưng giờ đây, khoác lên mình chiếc ba lô và màu áo xanh quen thuộc, cây súng ngang hông, tôi cũng cảm thấy mình trở thành người lính thực thụ.
Dấu ấn và kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông trong ngày quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn?
Sáng 30/4, tôi và hai phóng viên quân đội là Trung úy Hứa Kiểm và Trung úy Vũ Tạo đã đi theo Lữ đoàn tăng 203, trung đoàn 66 tiến vào dinh Độc Lập. Khi tôi đi ra ngoài cổng Dinh Độc Lập để ghi chép, tìm những hình ảnh để chụp, thì có một thanh niên khoảng 19-20 tuổi. Anh đỗ xịch xe máy bên cạnh tôi và rút đồng hồ nữ còn mới từ trong túi ra và nói: “Chú đổi cho cháu lấy một đồng tiền, không kể mệnh giá, chỉ cần có hình Bác Hồ đẹp là được. Vì cả đại gia đình chúng cháu đang ngồi chờ để được nhìn thấy hình của Bác trong ngày giải phóng”.
Tôi có nói với em rằng: tôi là người lính nên tôi không có quyền đổi đồng tiền in hình Bác Hồ lấy cái đồng hồ của em. Nhưng nếu em đồng ý đưa tôi đến cổng sân bay Tân Sơn Nhất thì tôi sẽ tặng em 2 đồng tiền đẹp.
Em vui vẻ chở tôi đến sân bay Tân Sơn Nhất. Đến cổng sân bay, em sợ không dám vào vì tiếng súng của quân đội ta đang truy kích địch trong đó vẫn còn nổ vang. Các thùng xăng, thùng dầu bị đạn pháo kích trúng, lửa khói đen rực bầu trời; những máy bay đặt sẵn bom, tên lửa bị nổ tung…
Quân đoàn 3 truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất
Tôi động viên em cứ đưa tôi vào, tôi không sợ, em cũng không phải sợ. Em đưa tôi vào trong sân đến đường băng. Vừa lúc đó có tổ quân đội 5 người đang băng qua đường băng để truy kích địch, tôi nhanh chóng giơ máy ảnh ra chụp cùng lúc hết cả cuốn phim được 12 kiểu ảnh. Bối cảnh của bức ảnh là những cái xe, máy bay của địch bốc cháy, bị trúng đạn nằm trên mặt đất và khói lửa rừng rực phía sau.
Video đang HOT
Chụp xong , em lại đèo tôi về Dinh Độc Lập, tôi rút ra 2 đồng tiền tặng em như đã hứa. Một tờ màu xanh mệnh giá 5 đồng, một tờ màu đỏ mệnh giá 10 đồng. Đây là những đồng tiền trước khi đi chiến dịch, vợ đút vào túi của tôi.
Em thanh niên đã rất xúc động, cầm 2 đồng tiền phóng ngay về nhà. Lúc này, tôi chưa kịp hỏi tên em, em cũng chưa được biết tên tôi. Đối với tôi, đây không chỉ là kỷ niệm sâu sắc mà tôi nghĩ đến điều lớn lao hơn. Bác Hồ đã mất cách đấy 6 năm rồi mà những người dân Sài Gòn trong giây phút giải phóng miền Nam lịch sử muốn nhìn thấy ảnh Bác. Có thể nói, người dân Sài Gòn vẫn luôn hướng về Bác…
Còn không khí nô nức của người dân Sài Gòn trong ngày giải phóng miền Nam, ông được chứng kiến như thế nào?
Không khí này thể hiện rõ nét ở bức ảnh nhân dân cầu Thị Nghè đón quân giải phóng. Khi đoàn xe chở chúng tôi đi đến cầu Thị Nghè, cửa ngõ thành phố Sài Gòn, xe bọc thép của địch án ngữ trên cầu bị xe tăng ta bắn cháy, đạn nổ, bắn vương vãi khiến đoàn xe phải dừng lại vài phút.
Khi xe dừng lại, tất cả bộ đội trên xe vận tải, xe tăng vẫn ngồi đó, còn tôi nhảy xuống. Trong khi tôi đang tìm góc chụp ảnh thì nghe thấy tiếng bước chân rầm rập chạy sau lưng mình. Đến khi tôi quay đầu lại thì là rất nhiều người dân đuổi theo, trên tay mỗi người cầm gói kẹo, người cầm bánh, bao thuốc lá. Tôi chưa định hình ra chuyện gì liền chạy quay lại xe. Cuối cùng, tôi “bị” người dân túm lại, trên tay tôi đang cầm máy ảnh nên nhân dân nhét đầy thuốc lá và kẹo vào trong cổ áo của tôi. Đồng nghiệp của tôi là trung úy Hứa Kiểm đứng trên chiếc xe sau đã chụp được bức ảnh này.
Trên đường qua Thị Nghè, nhiếp ảnh Đinh Quang Thành “bị” nhân dân đuổi theo tặng quà bằng cách nhét đầy thuốc lá, kẹo vào trong cổ áo
Phụ nữ Quận 4 mang hoa quả đặt trên hè phố để tặng bộ đội vào giải phóng thành phố
Giây phút này, tôi xúc động thật sự. Được tặng quà là tấm lòng quý trọng của người dân nhưng cái lớn hơn cả đó chính là giây phút đầu tiên, nhân dân Sài Gòn tiếp xúc với bộ đội giải phóng khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Với mong muốn nhìn thấy ảnh Bác Hồ rồi lần đầu tiên tiếp xúc với bộ đội giải phóng, có thể thấy lòng dân Sài Gòn luôn chờ đợi giây phút giải phóng.
Tôi thấy nực cười với luận điệu phản động mình nghe được qua cái máy thu thanh nhỏ rằng “Nếu Việt cộng chiếm được Sài Gòn thì sẽ tắm máu trên đường phố”. Tôi là phóng viên ảnh và những hình ảnh tôi ghi nhận là bộ đội giải phóng được tắm hoa chứ không phải người dân bị tắm máu. Rất nhiều nơi, người dân tung hoa giấy đón chào quân giải phóng…
Là người trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là phóng viên ảnh; ông có thấy tiếc nuối khi không “chộp” được khoảnh khắc quân giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc Lập?
Tôi tiếc nuối vì đoàn xe tăng chúng tôi đang đi phải dừng lại vì xe bọc thép của địch bị bốc cháy trên cầu Thị Nghè nên không đuổi kịp những xe tăng đi đầu. Mặc dù không chụp được bức ảnh treo cờ trên nóc Dinh Độc Lập nhưng tôi vẫn có những bức ảnh quý giá khác chụp tại đây như giây phút sĩ quan Việt Nam cộng hòa cởi áo, buộc giải băng trắng đầu hàng; hình ảnh xe tăng Lữ đoàn 203 chiếm Dinh Độc Lập của chính quyền Sài Gòn sáng 30/04/1975. Tổng thống Dương Văn Minh phải đọc lời đầu hàng trên Đài Phát thanh Sài Gòn; Tôi cũng chụp lại những người chiến thắng trước thềm Dinh Độc Lập vào giây phút lịch sử, giải phóng Sài Gòn như Trung úy Nguyễn Đăng Toàn, chỉ huy xe tăng 390; Trung úy Bùi Quang Thận, chỉ huy xe tăng 843, Trung sĩ Nguyễn Văn Tập, lái xe tăng 390, chiến sĩ kéo pháo xe tăng 390…
Đấy là chưa kể, trước đó tôi may mắn chớp lấy khoảnh khắc các chiến sỹ Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất. Cho đến tận ngày nay, có thể nói đây vẫn là bức ảnh duy nhất ghi lại thời khắc quan trọng ấy. Đó cũng chính là tác phẩm ghi đậm dấu ấn trong phóng sự Giải phóng Sài Gòn đã đem về cho tôi vinh dự lớn lao với giải ba cuộc thi ảnh báo chí thế giới năm 1976.
Không chỉ ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa, những hình ảnh và con người chân thực trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; đằng sau những bức ảnh ông ghi lại còn là những câu chuyện, những mảnh đời, những ký ức…?
Tôi đã chụp bức ảnh cuộc họp của Ban chỉ huy Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 (trong đó có Trung tướng Phạm Xuân Thệ) xác định các mục tiêu đánh vào Sài Gòn. Trong cuộc tổng tấn công năm 1975, Trung tướng Phạm Xuân Thệ khi ấy là Đại úy Trung đoàn phó Trung đoàn 66, sư đoàn 304, quân đoàn 2 được giao nhiệm vụ đánh thẳng vào Dinh Độc Lập.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ trong bức ảnh lịch sử do nhiếp ảnh Đinh Quang Thành chụp sáng 29/4/75. Bức ảnh cuộc họp của Ban chỉ huy Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 (trong đó có Trung tướng Phạm Xuân Thệ) xác định các mục tiêu đánh vào Sài Gòn
Điều đáng nói ở bức ảnh này là Trung tướng Phạm Xuân Thệ cùng các đồng đội họp tác chiến bằng chiếc bản đồ do chính tôi tặng. Bản đồ này tôi lấy từ Nhà Địa dư Quốc gia của chính quyền Sài Gòn tại Đà Lạt.
Tại buổi khai mạc triển lãm gần 100 bức ảnh Đường xuân chiến dịchmới đây của tôi tại Hà Nội nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã có mặt để chia vui cùng tôi. Chúng tôi đã xúc động cùng nhau ôn lại những kỷ niệm nơi chiến trường. Tại buổi triển lãm, tôi đã trao tặng bức ảnh lịch sử này lại cho Trung tướng Phạm Xuân Thệ.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hằng
Theo Dantri
Ký ức không thể quên của vị tướng dẫn cánh quân thứ 5 tiến vào Sài Gòn
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, vẫn nhớ như in ngày ông trực tiếp dẫn cánh quân thứ 5 - Trung đoàn 88 tiến vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975).
Những ngày tháng không thể nào quên
Người lính hào hứng kể lại kỷ niệm không thể nào quên về những ngày tháng Tư lịch sử của 40 năm trước bằng giọng trầm, ấm, sang sảng của một vị tướng. "Tháng 2/1975, Quân khu điều tôi về Trung đoàn 88 -một trong những trung đoàn cơ động, giữ cương vị Tham mưu phó tác chiến. Tháng 4/1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi vinh dự là Trưởng ban Tác chiến của cánh quân thứ 5 thuộc lực lượng Bộ binh cùng đồng đội theo Quốc lộ 50, vượt cầu Chữ Y, tiến vào Sài Gòn", tướng Thổ nhớ lại.
Ông kể rằng, cuộc đời binh nghiệp của ông có nhiều kỷ niệm, tham gia nhiều trận đánh và giành nhiều thắng lợi nhưng sự kiện trọng đại nhất mà ông vinh dự được chứng kiến là vào đúng giây phút lịch sử lúc 11h30 ngày 30/4/1975, khi qua sóng của Đài phát thanh Sài Gòn, Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, Trung đoàn 88 nhận lệnh tiến công chiếm căn cứ Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn rồi tiếp tục hành quân về khu căn cứ Bộ Tư lệnh Hải quân VNCH... Sài Gòn ngập trong biển người và hoa chào đón đoàn quân chiến thắng.
Chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi tuyệt vời của chiến tranh nhân dân. Cuộc chiến tranh của dân tộc ta suốt 21 năm (1954-1975) để bảo vệ đất nước của cha ông và mở ra tương lai tự do cho các thế hệ con cháu, là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện. Ông dẫn rằng, trong lịch sử quân sự nói chung có hàng trăm cách thắng và hàng trăm cách thua. Nguyễn Trãi đã nói: "Người dùng binh giỏi phải nắm chắc Thời vàThế. Nắm chắc Thời và Thế thì mất cũng như còn, không sẽ biến thành có". Nhiều bài học lớn được rút ra, nhưng bài học sâu sắc nhất là tình đoàn kết gắn bó Quân - Dân, sự kết hợp hài hoà giữa hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương kết hợp với các binh đoàn chủ lực. Cũng giống như trên sân bóng đá, người này tạo ra thế để người kia sút bóng vào lưới.
"Chúng tôi sẽ không làm tròn nhiệm vụ của mình, sẽ không có chiến thắng nếu không có sự đùm bọc, giúp đỡ của đồng bào, đồng chí ở khắp nơi trên đường tiến quân", tướng Thổ bồi hồi nói.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, vẫn nhớ như in ngày ông trực tiếp dẫn cánh quân thứ 5 tiến vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ông không thể quên những người trước đó dù không hề quen biết như má Tư Bún ở Cái Bè (Tiền Giang), anh Hai Thuần ở Tân Trụ (Long An), rồi các má, các em và bao người khác ở Cần Giuộc, Bình Chánh, Nhà Bè và trong nội đô Sài Gòn..., những người vừa gặp đã như ruột thịt, sẵn sàng hy sinh, động viên tinh thần, tạo mọi điều kiện để đơn vị hành quân thần tốc.
Ở thời bình , trách nhiệm của người lính càng lớn
Gần như suốt cuộc đời tham gia chiến trận, tướng Thổ cũng như rất nhiều đồng đội khác, hơn ai hết hiểu giá trị của hoà bình. Nhưng là người lính thì mọi người đều hiểu rằng: "Chúng ta không muốn chiến tranh, nhưng nếu cần hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của cha ông, chúng ta sẽ không nhân nhượng. Lịch sử vẻ vang hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc luôn sáng chói bởi những trang sử hào hùng. Thế hệ chúng ta và con cháu phải có trách nhiệm viết tiếp những trang sử đó".
Ông cho rằng, thời nào thì vai trò của người lính cũng đều quan trọng. Tuy nhiên, yêu cầu với người lính cũng có những thay đổi phù hợp với thời đại. Trong cuộc kháng chiến toàn dân trước đây, chúng ta tổng động viên mọi lực lượng tham gia quân đội. Ngày nay, trong kỷ nguyên khoa học - công nghệ, phát triển thông tin và hội nhập, lực lượng quân đội cũng phải có trình độ, trí tuệ, tinh nhuệ mới chế ngự được kẻ thù; yêu cầu học tập, rèn luyện với người lính cũng đặt ra cao hơn nhiều.
Chiến tranh đã rời xa 40 năm, nhưng còn biết bao nhiêu hậu quả để lại. Hàng triệu người con đất Việt đã ngã xuống, bao nhiêu đồng đội đã hy sinh nhưng gia đình, người thân chưa được chôn cất họ, linh hồn của họ chưa được yên nghỉ. Một số lượng lớn sĩ quan, binh lính bên kia chiến tuyến, cả người nước ngoài và người Việt đã ngã xuống trong khói lửa của chiến tranh, hài cốt nhiều người vẫn còn thất lạc. Rồi những nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc hoá học, chất độc da cam dioxin do máy bay Mỹ rải xuống Việt Nam... Đó là những vấn đề nhân đạo hậu chiến mà cả hai bên, nhất là những người lính đều phải góp sức giải quyết.
Trong cuộc chiến trước đây, máy bay Mỹ đã rải chất khai quang ở 32 tỉnh, thành, đặc biệt là huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị). Hơn 86 triệu lít hoá chất, trong đó có dioxin đã được rải xuống nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Theo tính toán của chính các nhà khoa học Mỹ, có khoảng 8,6 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó, khoảng 3 triệu người đi lại khó khăn.
Giờ đây, dù đã nghỉ hưu, tướng Thổ vẫn tham gia hoạt động xã hội trên cương vị Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam TPHCM kiêm Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam Việt Nam.
"Tôi muốn góp công sức nhỏ bé của mình vào việc tìm kiếm những giải pháp nhân đạo, phần nào bù đắp những thiệt thòi cho hàng triệu nạn nhân da cam", tướng Thổ chia sẻ.
Công Quang
Theo Dantri
Nhìn lại Sài Gòn trước ngày giải phóng Trong khi binh sỹ chính quyền Sài Gòn co cụm cố thủ, lính Mỹ cùng phóng viên báo giới và gia đình các quan chức vội vã tháo chạy. Cảnh cướp bóc, hôi của diễn ra ngay tại tòa đại sứ Mỹ trước khi quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Một nhân viên CIA điều phối việc di tản...