Long An tăng cường giãn cách xã hội tối đa từ 23-8
Long An quy định từ 0h ngày 23-8, tất cả người dân không ra khỏi nhà, chỉ cho phép những trường hợp đặc biệt như thành viên chống dịch COVID-19, nhân viên giao hàng, cung cấp thực phẩm và nông dân thu hoạch nông sản.
Long An đang triển khai xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho tất cả người dân – Ảnh: SƠN LÂM
Ngày 22-8, UBND tỉnh Long An tiếp tục có văn bản về việc tăng cường các biện pháp giãn cách, thiết lập trạm, chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn địa bàn.
Bên cạnh việc tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, từ 0h ngày 23-8, tỉnh này yêu cầu các địa phương thiết lập các chốt kiểm soát dịch chặt chẽ từ đơn vị cấp xã, đảm bảo thực hiện nghiêm, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, kiên quyết không để người dân rời khỏi nơi cư trú theo đúng phương châm “ai ở đâu ở đó”.
Theo văn bản này, các chốt kiểm soát chỉ cho phép lưu thông với các trường hợp đặc biệt, có giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định như thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp, thành viên sở chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 các cấp, lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, xử lý hạ tầng kỹ thuật, nhân viên giao hàng, cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và nông dân thu hoạch nông sản.
Tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh, của trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Long An triển khai phương thức làm việc tại nhà đối với toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý.
Riêng thủ trưởng cơ quan, đơn vị, lực lượng tham gia phòng, chống dịch và lực lượng giải quyết các công việc khẩn cấp thì bố trí làm việc trực tiếp tại cơ quan, đơn vị theo phương châm “3 tại chỗ” nhưng tối đa không quá 1/3 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị.
Long An cũng giao chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm xác định chính xác các địa bàn cấp xã thuộc vùng đỏ để triển khai thiết lập phong tỏa triệt để, khi phong tỏa phải đảm bảo nắm chắc được số lượng người dân trên địa bàn, lực lượng công an, quân sự làm nòng cốt đảm bảo an ninh, trật tự, kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách. Lực lượng y tế đảm bảo chăm sóc y tế cho người dân.
Video đang HOT
Các địa phương cũng phải phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Lao động – thương binh và xã hội để có phương án đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong khu vực phong tỏa thông qua hình thức phát túi an sinh hoặc các hình thức phù hợp, hiệu quả khác.
Đồng thời phải thiết lập hệ thống đường dây nóng cung cấp cho tất cả các hộ dân trong khu vực để liên hệ hỗ trợ khi cần thiết, tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin, đề nghị hỗ trợ của người dân trên địa bàn.
Tính đến nay Long An đã phát hiện 18.124 ca mắc COVID-19, hiện tỉnh này đang thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho tất cả người dân trên địa bàn.
Thủ tướng lệnh xét nghiệm người dân toàn TPHCM khi giãn cách tăng cường
Thủ tướng yêu cầu thần tốc xét nghiệm diện rộng, riêng TPHCM xét nghiệm toàn thành phố; thực hiện giãn cách tăng cường toàn địa bàn.
Bình Dương, Đồng Nai, Long An được chọn địa bàn để thực hiện.
Ngày 22/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa gửi công điện đến 4 tỉnh thành gồm TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ và tích cực tham gia của nhân dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch tại TPHCM và 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ nhận định, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp.
Thuyết phục người dân chấp hành tăng cường giãn cách xã hội
Với quan điểm đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, chủ tịch UBND TPHCM và 3 tỉnh cùng lãnh đạo các cơ quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý, lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ" trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, "ai ở đâu ở đó", cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường. Người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh, sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.
Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ cao nhất về nhân lực, vật lực y tế, lực lượng quân đội, công an và các lực lượng cần thiết khác của trung ương, các địa phương cho TPHCM và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Yêu cầu đề ra là phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng của địa phương và các lực lượng hỗ trợ của trung ương, các địa phương khác; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm đạt mục tiêu ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh đã được đề ra tại Nghị quyết số 86 của Chính phủ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh nội dung, đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi; phân loại F0 ngay tại xã, phường, thị trấn để bảo đảm hỗ trợ, chăm sóc, quản lý phù hợp, hiệu quả; bố trí sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, chuyển bệnh nhân diễn biến nặng lên điều trị tại các tuyến trên;
Cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu đến người dân, gia đình trong khu vực tăng cường giãn cách xã hội, nhất là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các đoàn thể xã hội, tổ chức tôn giáo và các tổ chức khác trong việc vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Bảo đảm an dân, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Áp dụng biện pháp giãn cách tăng cường toàn TPHCM
Thủ tướng cũng yêu cầu thần tốc xét nghiệm diện rộng (riêng TPHCM xét nghiệm toàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội) để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan.
Ưu tiên cao nhất phân bổ vắc xin cho TPHCM và tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin miễn phí, kịp thời, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch cụ thể, khả thi để phối hợp hỗ trợ TPHCM và 3 tỉnh nói trên thực hiện nghiêm, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Trong đó, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài chính và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tối đa các địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin; cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu đến từng người dân; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, của các Bộ bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Thủ tướng giao UBND TPHCM và 3 tỉnh khẩn trương thống nhất với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để ban hành Chỉ thị thực hiện Nghị quyết số 86 của Chính phủ, Chỉ thị số 16 của thủ tướng và Công điện này về việc thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo đó, TPHCM phải thực hiện giãn cách tăng cường đối với toàn bộ xã, phường, thị trấn. Các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An căn cứ tình hình dịch bệnh để lựa chọn, quyết định xã, phường, thị trấn để thực hiện.
4 tỉnh, thành được giao quyết định những người thực thi công vụ, cung cấp, cung ứng lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu, bảo đảm giảm tối đa số người được phép ra khỏi nhà.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND TPHCM và 3 tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất, xuyên suốt và bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trên địa bàn với các lực lượng hỗ trợ của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương khác trong công tác phòng, chống dịch; kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Thủ tướng tình hình, kết quả thực hiện và những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề phát sinh.
Người dân sẽ được đi chợ hộ, kể cả ở 'vùng xanh' Theo hướng dẫn mới của UBND TP.HCM, để đảm bảo công tác an toàn chống dịch, người dân ở vùng xanh cũng sẽ được đi chợ hộ với sự giúp đỡ của tổ công tác đặc biệt trên địa bàn. Sáng 22-8, sau nhiều giờ xếp hàng trước siêu thị, nhiều người ra về với hàng hóa đầy ắp - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG...