Lợn tươi, gà héo (bài 4): Gỡ điểm nghẽn lưu thông, giảm trung gian
Để “giải cứu” và giúp người chăn nuôi gia cầm vượt qua khó khăn, trước mắt cần có sự vào cuộc quyết liệt của Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương để tổ chức lại khâu lưu thông và hỗ trợ thành lập các cửa hàng, điểm bán lẻ giúp người tiêu dùng tiếp cận được với các sản phẩm gia cầm… Đó là ý kiến của ông Trần Duy Khanh (ảnh) – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam.
Buông lỏng khâu lưu thông
Hiện giá gia cầm đang liên tục giảm và có thời điểm xuống thấp kỷ lục, vậy chúng ta đã cần phải “giải cứu” chưa, thưa ông?
- Do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm và dịch Covid-19 đã khiến cho người chăn nuôi tất cả các loại gia cầm đang phải chịu cảnh ế ẩm và thua lỗ nặng. Thứ 2 là không chỉ giá bán thấp mà thậm chí bà con còn không bán được sản phẩm do sức tiêu thụ của thị trường quá yếu. Trong khi đó, theo chu kỳ sinh trưởng thì khi gà, vịt, ngan đủ tuổi xuất bán mà không tiêu thụ được thì càng để nuôi thêm bà con sẽ càng chịu thua lỗ nặng hơn.
Ông Trương Thanh Tân chăm sóc đàn vịt của gia đình ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Ảnh: Trần Quang
“Các bộ, ngành cần phải thay đổi tư duy về quản lý sản xuất và phải xác định khâu lưu thông mới là điểm nghẽn và phải rà soát, xử lý dứt điểm, triệt để giảm khâu trung gian thì người chăn nuôi nói riêng và ngành chăn nuôi, ngành nông nghiệp nói chung mới phát triển bền vững được”.
Ông Trần Duy Khanh
Vì thế, nếu lúc này Nhà nước không sớm vào cuộc và có các giải pháp hữu hiệu để giúp người chăn nuôi thì bà con sẽ kiệt sức, không còn vốn để tái đàn và sẽ để trống chuồng, thất nghiệp.
Để đàn gia cầm tăng trưởng quá nóng dẫn đến dư thừa khiến giá sản phẩm xuống thấp kỷ lục như hiện nay, theo ông trách nhiệm thuộc về đơn vị nào?
- Để xảy ra tình trạng ứ thừa quá nhiều gia cầm như hiện nay, theo tôi trách nhiệm thuộc về nhiều bộ, ngành. Thời điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi đàn lợn bị tiêu hủy nhiều nên Bộ NNPTNT khuyến cáo người chăn nuôi chuyển sang chăn nuôi gia cầm nhưng lại không có hướng dẫn, quy hoạch cụ thể dẫn đến tình trạng bà con chăn nuôi theo phong trào khiến đàn gia cầm tăng nhanh mất kiểm soát.
Video đang HOT
Trách nhiệm liên đới tiếp đến là Bộ Công Thương trong việc việc điều tiết, tổ chức khâu lưu thông, tiêu thụ sản phẩm. Tôi từng theo dõi rất nhiều năm và thấy rằng, Bộ Công Thương vẫn chưa giải quyết được khâu lưu thông thị trường.
Hiện nay khâu tổ chức lưu thông thị trường, tiêu thụ sản phẩm gần như Bộ Công Thương phó mặc cho các tư thương thao túng, tiêu thụ sản phẩm. Trong quý I vừa rồi chúng ta đã nhập hơn 200.000 tấn thịt gia cầm nhưng theo tôi thì số lượng này không quá nhiều.
Điều lo ngại nhất hiện nay là mặt hàng tạm nhập tái xuất, dù theo nguyên tắc các doanh nghiệp nhập về sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc, nhất là mặt hàng gia cầm và phụ phẩm của gia cầm. Thế nhưng khi Trung Quốc cấm hàng tạm nhập tái xuất thì gần như các mặt hàng đó lại được tiêu thụ và cạnh tranh với hàng hóa trong nước.
Trách nhiệm tiếp theo thuộc về Tổng cục Thống kê. Theo số liệu mà Tổng cục này công bố thì hiện nay Việt Nam có khoảng 467 triệu con gia cầm tương đương với sản lượng khoảng 1,25-1,3 triệu tấn. Nhưng thực tế thì số liệu đầu gia cầm còn lớn hơn, khoảng trên 2 triệu tấn.
Trong nhiều năm nay, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam và Hội Chăn nuôi Việt Nam đề nghị Tổng cục Thống kê nên xem xét lại cách tính số liệu thống kê của mình nhưng đến giờ mọi thứ vẫn chưa có thay đổi.
Chính vì cách tính sai số liệu thống kê đã dẫn đến các chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chuyên môn không sát thực tế và không đem lại hiệu quả cho sản xuất, chăn nuôi và thị trường.
Gỡ 2 “điểm nghẽn”
Vì sao hiện nay giá bán gia cầm tại các trại, nông hộ thấp mà giá bán tại chợ, siêu thị lại cao hơn gấp nhiều lần, thưa ông?
- Thực sự đây là nút thắt không chỉ riêng với chăn nuôi gia cầm mà của cả ngành chăn nuôi, ngành nông nghiệp của Việt Nam chúng ta hiện nay. Tôi cảm tưởng như chúng ta đang tách rời người sản xuất và khâu lưu thông, nhất là đối với khâu lưu thông trong thời gian qua gần như Bộ Công Thương đã buông lỏng và phó mặc cho lái buôn, thị trường.
Ví dụ, trong chăn nuôi gia cầm, để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng phải trải qua nhiều khâu. Cụ thể, như người thu gom đến trang trại mua gia cầm, sau đó chuyển đến cơ sở giết mổ, mà cơ sở này cũng không làm nhiệm vụ bán lẻ mà lại bán cho các đầu mối bán buôn. Từ các đầu mối này mới chuyển hàng đến cho các tiểu thương ở các chợ bán cho khách tiêu dùng.
Theo khảo sát của chúng tôi, do phải trải qua quá nhiều khâu như vậy nên sản phẩm gia cầm đã bị đội, tăng giá lên trên 100%. Đơn cử như con vịt, giá tại trại bán ra khoảng 25.000-30.000 đồng/kg nhưng khi đến tay người tiêu dùng phải mua với giá 75.000 – 80.000 đồng/kg, thậm chí ở siêu thị còn bán trên 100.000 đồng/kg.
Như vậy, đối tượng thu gom tại trại lãi khoảng 21%, cơ sở giết mổ lãi 6-10%, người bán sỉ (người cai thầu hàng cung cấp cho các tiêu thương tại các chợ) ăn khoảng 40%, người bán lẻ hưởng lợi thêm 35-40%.
Ông có đề xuất phương án hỗ trợ, giúp đỡ người chăn nuôi gia cầm thế nào?
- Theo nhìn nhận của tôi, hiện dư địa và nhu cầu tiêu dùng thịt lợn, thịt gia cầm của người tiêu dùng Việt Nam còn rất lớn nhưng do mọi người không tiếp cận được các sản phẩm giá rẻ, hợp lý nên mới dẫn đến tình trạng thừa sản phẩm gia cầm.
Để giải quyết vấn đề này, các bộ cần ngồi lại với nhau để bàn kỹ lưỡng và tìm ra các giải pháp căn cơ nhất để tháo gỡ các điểm nghẽn này. Theo tôi, thời điểm này Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương cần bắt tay, hợp tác chặt chẽ với nhau để nhanh chóng tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo mô hình liên kết chuỗi từ đầu vào trang trại đến khâu lưu thông, tiêu thụ sản phẩm.
Có ý kiến cho rằng, người chăn nuôi gia cầm đang rất cần các gói cứu trợ, ông có nhìn nhận gì về quan điểm này?
- Hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 5 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, trong đó trên 70% là nông hộ, gia trại nên muốn hỗ trợ theo các gói cũng rất khó thực hiện. Việc cần làm ngay lúc này là các bộ cần phải tổ chức lại khâu lưu thông và hỗ trợ thành lập các cửa hàng, điểm bán lẻ để người tiêu dùng tiếp cận được với các sản phẩm gia cầm của người chăn nuôi với giá thành hợp lý thì tức khắc sẽ giúp sức mua tăng cao. Đồng thời, người chăn nuôi cũng có lãi và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi.
Tiếp đến là các bộ ngành liên quan phải yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai, minh bạch mặt hàng tạm nhập tái xuất để công luận được biết và giám sát, không để xảy ra sự cạnh tranh lớn với các sản phẩm sản xuất trong nước.
Xin cảm ơn ông!
Trần Quang
Gà vịt tăng "nóng", giá giảm: Bộ NNPTNT điều chỉnh mức tăng trưởng
Trước tình hình tổng đàn gia cầm tăng mạnh trong thời gian gần đây, lại thêm giá các loại sản phẩm gà, vịt, trứng gia cầm liên tục ở mức thấp, mới đây Bộ NNPTNT đã chỉ đạo điều chỉnh giảm mức tăng trưởng về đầu con và sản lượng gia cầm để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại cho người chăn nuôi.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, chưa bao giờ Việt Nam có quy mô đàn gia cầm lớn như hiện nay, lên tới gần 500 triệu con. Trong năm 2020, tổng sản lượng thịt gia cầm ước đạt 1,42 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2019; trứng đạt 14,6 tỷ quả, tăng 9,6%.
Điều này khiến nguồn cung thịt và trứng gia cầm tăng mạnh, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại giảm. Hơn nữa, dù chăn nuôi gia cầm với số lượng lớn, nhưng phần lớn chủ trang trại chưa liên kết với các doanh nghiệp hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, nên đầu ra bấp bênh và phụ thuộc nhiều vào thương lái.
Các chuyên gia nông nghiệp cũng đưa ra cảnh báo, việc tiêu thụ gia cầm sẽ còn rất khó khăn và người chăn nuôi cũng sẽ gặp nhiều rủi ro.
Công nhân đang lựa chọn sản phẩm trứng gia cầm để đưa vào lò ấp tại Hòa Bình. (ảnh Minh Huệ)
Thực tế cho thấy, giá gia cầm liên tục giảm từ sau Tết Nguyên đán đến nay do tình trạng tái đàn ồ ạt tại các địa phương, cộng thêm tình hình dịch cúm gia cầm, dịch Covid-19 trên người diễn biến phức tạp, khiến nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh.
Để bảo vệ người chăn nuôi trong nước, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam kiến nghị các bộ ngành và Thủ tướng Chính phủ tạm thời chưa giảm thuế nhập khẩu gia cầm trong giai đoạn 2020 - 2025, mà vẫn giữ nguyên thuế suất nhập khẩu sản phẩm gia cầm 20% từ nay đến năm 2025.
Trong trường hợp phải hài hòa quan hệ thương mại với một số đối tác chiến lược, buộc phải cắt giảm thuế nhập khẩu thịt gà, Hiệp hội kiến nghị chỉ nên giảm thuế nhập khẩu đối với một số ít sản phẩm. Cụ thể, chỉ giảm 1 - 2% thuế nhập khẩu thịt ức gà. Đối với gà chặt đầu, đùi, cổ cánh và chân gà không nên giảm thuế nhập khẩu trong 5 năm tới.
Để giảm bớt rủi ro, thiệt hại cho người chăn nuôi, mới đây Bộ NNPTNT đã chỉ đạo điều chỉnh giảm mức tăng trưởng về đầu con và sản lượng gia cầm. Điều chỉnh giảm tỷ lệ thịt gia cầm các loại từ 16,5% về dưới 10%, trứng từ 14% xuống còn 9 - 10%.
Đặc biệt, điều chỉnh giảm lượng thịt gia cầm vào các tháng mùa nóng (từ tháng 5 - 8), nhằm tránh dư thừa gây thiệt hại cho người chăn nuôi, đồng thời tích cực tìm kiếm các thị trường để xuất khẩu sản phẩm gia cầm.
Trước đó, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) có đề ra một số định hướng cho ngành chăn nuôi 2020, như sau:
Tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2020 đạt khoảng 4%. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,5 triệu tấn, trong đó: thịt lợn khoảng 64-67%, thịt gia cầm khoảng 25-27%, thịt gia súc ăn cỏ khoảng 9-11%.
Sản lượng trứng đạt khoảng 14,5 tỷ quả trứng và sản lượng sữa đạt khoảng 1,2 triệu tấn. Bình quân sản phẩm chăn nuôi/người đạt khoảng 57 kg thịt hơi các loại, khoảng 130-135 quả trứng, khoảng 13-15 kg sữa tươi.
Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 50% và 40%. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt sản xuất ra hàng năm tương ứng khoảng 20-25%.
Giá gia cầm hôm nay 7/4: Gà vịt từ chuồng ra chợ "vênh" 40.000 đ/kg Giá gia cầm hôm nay 7/4 vẫn ở mức thấp, nhưng từ trang trại chăn nuôi đến khi gà vịt ra chợ, người tiêu dùng vẫn phải mua với giá rất cao. Đơn cử như vịt thịt, thương lái thu mua tại trại từ 25.000 - 26.000 đồng/kg nhưng khi ra đến chợ dân sinh, giá vịt thịt lên tới 65.000 - 70.000...