Lợn to như bò, lông to như que tăm, răng nanh dài cả gang ở Yên Bái
Nhiều con to như con nghé, lông to như que tăm, xoắn xuýt lấy nhau, răng nanh dài cả gang tay cong vút nhìn dễ sợ.
Đến những bản làng người Mông ở đuôi dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), dễ dàng gặp những chú lợn khổng lồ, đi lại lững thững như những con trâu lùn.
Khi còn nhỏ, lợn được đồng bào thả rông hoàn toàn, với cái cũi trên cổ.
Đồng bào Mông ở vùng đất mây mờ này có thói quen nuôi lợn lạc hậu, hoàn toàn hoang dã, nhưng lại tạo ra bản sắc đặc biệt. Họ không xây dựng chuồng trại kiên cố, mà thả rông cho chúng tự kiếm sống.
Đàn lợn của người Mông tự ủi đất kiếm ăn, hoặc may lắm thì được chủ ném cho củ sắn, bó ngô để nhai. Chúng sống nhờ cơm thừa, canh cặn.
Cái gông đeo cổ khiến chúng không chui rúc vào rừng sâu được.
Lúc còn nhỏ, chúng chạy lông nhông quanh nhà, không dám đi đâu xa. Lớn lên, chúng tiến sâu vào rừng để đào bới, chui vào các nương ngô, nương sắn dũi đất.
Để chúng không đi được xa, không chui rúc được vào rừng sâu, phá nương rẫy, đồng bào đeo cho chúng cái gông hình tam giác to tướng ở cổ. Có cái gông ấy, chúng chỉ loanh quanh kiếm ăn được ở chỗ đất trống, không sợ đi lạc.
Lợn nuôi bằng cám tăng trọng chỉ vài tháng là xuất chuồng, nhưng với lợn đen của đồng bào Mông, thì vài tháng có khi chỉ mới bằng cái phích.
Lợn to béo đến nỗi võng cả bụng xuống đất
Đồng bào Mông có thói quen tự cung tự cấp, nuôi lợn để thịt ăn vào ngày tết, nên nhà nào nuôi nhiều lợn, không ăn hết được, thì có những con lưu cữu trong nhà đến dăm bảy năm. Nhiều con to như con nghé, lông to như que tăm, xoắn xuýt lấy nhau, răng nanh dài cả gang tay cong vút nhìn dễ sợ. Có con già đến nỗi rụng hết răng mà vẫn chưa… bị thịt.
Có những con lợn Mông nuôi 6-7 năm, nặng đến 2-3 tạ. Chúng to và béo đến nỗi, lưng võng xuống, tạo ra mặt phẳng, để xô nước trên lưng mà không đổ.
Nhiều con to, béo quá, khi cho ăn, bụng nặng đến nỗi không đứng lên được, chân cứ khuỵu xuống, bụng tràn xuống đất.
Chú lợn béo ục ịch.
Lợn thường được đeo gông đến khi nặng khoảng 1 tạ, thì bị nhốt vào chuồng. Chuồng lợn cũng cực kỳ đơn sơ, chỉ có vài tấm gỗ gác lại. Lợn to béo, ục ịch, nên không chui rúc phá chuồng được. Khi ở trong chuồng, chúng được gia chủ cho ăn ngô, sắn sống, hoặc nấu thành bột cho chúng ăn. Thi thoảng chúng được bổ sung thêm bỗng rượu.
Video đang HOT
Khi chúng ít vận động, thì mỗi ngày lại béo hơn. Những con lợn này có lớp mỡ dày đến nửa gang tay. Nhiều người dưới xuôi nhìn thấy lợn đen của người Mông toàn mỡ thì rất sợ, nhưng thực ra, mỡ của chúng rất giòn, bùi, không ngán như mỡ lợn thông thường.
Nhiều con nuôi 5-7 năm, nặng 2-3 tạ.
Thịt của chúng cũng có màu thẫm. Tuy những con lợn nặng đến cả tạ, thậm chí 2-3 tạ, nhưng nững rẻ xương lại rất nhỏ, dẹt. Thịt của lợn đen thì mềm, ngọt, thậm chí được đánh giá cao hơn cả thịt lợn rừng.
Mặc dù người Mông còn nghèo, thiếu ăn, song ít khi họ bán những con lợn khổng lồ này. Họ thường nuôi đến Tết để mổ thịt, cả nhà cùng ăn. Nhà nào có con cái tuổi cập kê, thì họ sẽ để dành vài con lợn cỡ lớn, nuôi nhiều năm, để đến lúc cưới xin đem ra thịt cho bằng hết.
Nhà anh Hạng A Lềnh ở sườn một quả núi, nơi hoa mận hoa mơ nở trắng muốt, đào rừng đỏ rực, thuộc bản La Pán Tẩn (xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Yên Bái) có một đàn tới gần chục con lợn khổng lồ, có con nặng tới 2 tạ. Tuy nhiên, anh chẳng bán con nào, mà toàn mổ thịt ăn.
Anh Hạng A Lềnh nuôi toàn lợn to và để thịt vì nhà đông anh em, con cháu.
Anh cứ đóng gông vào cổ chúng, rồi thả loanh quanh ở nương nhà. Khi chúng được độ 2 năm tuổi, to lớn, đi lại kiếm ăn không hoạt bát nữa, thì nhốt vào dãy chuồng tạm bằng gỗ ở trước nhà. Hàng ngày, vợ con nấu sắn, ngô, hái rau rừng ném vào cho chúng ăn.
Nhà anh Lềnh đông con cái, nên cứ thi thoảng lại mổ một con. Lòng phèo ăn trước. Thịt xẻ ra thành từng miếng dài, treo trên gác bếp tầng tầng lớp lớp lên tận mái nhà. Khói từ bếp củi cháy quanh năm suốt tháng sẽ bảo vệ những miếng thịt khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn.
Chú lợn béo núc ních.
Ngày Tết, nhà anh cũng như đồng bào Mông ở La Pán Tẩn, đều mổ con lợn to nhất, ăn uống linh đình suốt cả tháng.
Nhà ông Hạng A Xẻ, ở cạnh nhà anh Lềnh, cũng có đàn lợn mấy con, toàn lợn khổng lồ.
Con cái đã lớn, lấy vợ, lấy chồng, rồi mỗi đứa ở một góc núi. Ngôi nhà gỗ rộng rãi mà chỉ có hai vợ chồng ông ở. Mới đây, ông lại dựng thêm một căn phòng nhỏ ở ngay chái nhà, rộng độ 20 mét vuông. Ông bảo, đây là nhà tiếp khách.
Ngày Tết, đồng bào Mông mổ lợn ăn xả láng.
Theo ông, việc dựng ngôi nhà tốn tổng cộng… 5 triệu đồng. Số tiền đó chủ yếu là mua tôn lợp, ốc vít, đinh, bản lề… Gỗ thì lấy ở rừng, còn việc dựng nhà là dân bản đến làm giúp. Căn phòng nhỏ xíu, tốn kém chẳng đáng bao, nhưng ông đã thịt tới 2 con lợn, mỗi con nặng khoảng 1,5 tạ, mà ông nuôi suốt mấy năm trời để phục vụ bà con đến dựng nhà giúp. Nhà dựng xong rồi còn ăn uống linh đình mấy ngày nữa mới hết.
Tết này, ông Xẻ mổ tiếp một con lợn khủng nữa để gọi con cháu đến ăn uống cho vui vẻ no say suốt mấy ngày liền.
Những chú lợn khủng đi long nhong khắp bản là cảnh tượng quen thuộc.
Theo Phạm Dương Ngọc (VTC News)
"Vương quốc" của loài lợn ẩn hiện như ma rừng trên nóc nhà Đông Dương
Có một vùng đất chìm trong mây, xa xôi hiểm trở bậc nhất Việt Nam, là "vương quốc" của loài lợn ẩn hiện như ma rừng.
Pờ Ma Lung (Phong Thổ, Lai Châu) là một trong 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, gần 3000m so với mặt nước biển. Pờ Ma Lung nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, tuy không phải đỉnh cao nhất, nhưng lại xa xôi hiểm trở bậc nhất Việt Nam, với những cung đường dốc ngược, dài dằng dặc, đi bộ 2-3 ngày mới tới nơi. Đỉnh núi mờ sương này rất hấp dẫn với dân mê chinh phục.
Sùng A Bình là người Mông ở xã Thèn Sin, là porter, chuyên dẫn khách chinh phục các đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Bình thuộc lòng từng cung đường lên các đỉnh núi chót vót, đặc biệt là những mỏm núi nhấp nhô dọc dãy Hoàng Liên Sơn huyền thoại.
Sùng A Bình bảo: "Gần đỉnh Pờ Ma Lung có loài lợn rừng rất kỳ quái, ẩn hiện như ma, chạy khỏe như hổ, thợ săn phục kích nhiều ngày không bắn được. Ở đấy, lợn rừng nhiều như chuột ở dưới xuôi".
Những câu chuyện về loài lợn rừng, với vùng đất nhung nhúc lợn rừng của Sùng A Bình khiến tôi rất tò mò. Sau nhiều ngày kết nối, Sùng A Bình đã thuyết phục được nhóm thợ săn, để tôi theo chân họ đi tìm loài lợn rừng kỳ quái.
Tôi và Bình trên chiếc xe máy cà tàng, chạy xuyên qua những cánh rừng, những nương ngô của xã Bản Lang. Con đường ngoằn ngoèo bé tí xíu dốc ngược, cứ lên lại xuống, loanh quanh mãi, mỏi nhừ lưng, dẫn đến một khóm dân cư toàn người Mông ở, tít hút trong rừng già.
Bản làng héo hắt, vài cây bưởi rừng múi bé tí xíu đón đoàn thợ săn chúng tôi. Những ánh mắt trẻ Mông trong veo, nép sau cánh cửa nhìn khách lạ. Sùng A Vư, Sùng A Khứ đã sắp sẵn những khẩu súng kíp, chống ở cửa. Mọi người đang nắm cơm. Chuyến đi săn kéo dài 2-3 ngày là bình thường. Đám thợ săn này ngủ vách núi, hang đá, thậm chí quấn áo mưa ngủ, nhưng tôi phải chuẩn bị lều chõng, đủ thứ chống cái rét cắt da thịt trên độ cao 2.500 mét.
Sùng A Khứ, 50 tuổi, là tay súng cừ khôi nhất vùng. Xưa lão ở trung tâm xã, nhưng vì máu đi săn, nên bỏ nhà vào mãi rừng rú sống. Ở đây, cán bộ chính quyền chẳng bao giờ vào, nên vẫn dùng được súng, vẫn bắn được thú. Săn được thú, có cái ăn, và kiếm ra tiền. Cuộc sống săn bắn hái lượm ngàn năm qua, từ tổ tiên, rồi đến Khứ vẫn duy trì.
Sùng A Khứ bảo rằng, anh ta có thể ngửi thấy mùi con thú đã đi qua khu rừng này từ vài ngày trước, nhìn vết chân mà đoán rằng có thể bắt được hay không. Khứ có tài luồn rừng, lội suối, ăn cơm nắm muối vừng, ngủ trên cành cây nhiều ngày mà vẫn khoẻ như gấu, tinh tường như cáo.
Từ loài hổ hung dữ đến những con sóc nhỏ xíu bằng ngón chân cái, chạy nhảy như gió trên cành cũng không thể thoát khỏi họng súng của Khứ nếu bị lão nhìn thấy. Với Khứ, đi săn ngoài việc kiếm ăn còn là cái thú mà cha ông đời trước của gã truyền lại.
Những chiếc bẫy lợn rừng.
Vợ và mấy đứa con của Khứ đã kéo nhau lên nương cả. Nắm cơm xong, lão nướng trà trên than rồi mới pha. Thứ trà búp shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi đậm đà vị sương trời đất.
Sáng hôm sau, mới 5 giờ, Khứ đánh thức tôi. Cả nhóm đã dậy, đồ đạc nai nịt lên đường. Cái lạnh của miền sơn cước vào buổi sáng thật tê tái. Sương giăng đặc quánh nuốt chửng ngôi nhà. Đây đó tiếng già rừng vang lên "rúc... rúc...", báo hiệu một ngày mới bắt đầu.
Khứ quẳng cho tôi chiếc balô nhỏ, và bắt tôi đeo một chiếc cung tên cùng một bó mũi tên đen bóng lão lấy trên gác bếp. Lão đem ba lô, khoác 2 khẩu súng rồi lên đường.
Chúng tôi tiếp tục đi xuyên qua những nương ngô, rồi lạc vào đại ngàn, nhảy trên những phiến đá lớn ngược suối. Theo Khứ, đầu nguồn con suối này, là khu rừng trúc xen lẫn rừng dẻ khổng lồ, lẫn như khu rừng chè cổ thụ, nơi lợn rừng tụ về nhiều như lợn con trong chuồng.
Tác giả và món chuột rừng nướng.
Chân trời đang thắm dần lên. Bầu trời rạng sáng, mây trắng bồng bềnh, ánh sáng tuôn chảy như suối.
Cuộc đi bộ liên tục kéo dài đến giữa chiều thì Khứ bảo dừng chân, hạ trại. Sùng A Bình đi lấy nước, nổi lửa nấu cơm, cũng là để sưởi ấm cho đêm sơn cước lạnh giá ở độ cao trên cả mây.
Tôi đang lang thang ngắm cảnh, thì giật mình nghe tiếng "đoàng". Thi thoảng tiếng súng lại vang lên. Lát sau, Khứ và Vư quay về, với mấy con sóc, mấy con chuột rừng, thêm con dúi thấm máu trên tay. Như những chuyên gia, loáng cái, loài gặm nhấm có rất nhiều trong rừng, đã trắng ơn ởn, bày lên giá cho khô quắt, vàng ruộm. Bữa tối, xào mầm thảo quả với mấy món đó, chẳng gì ngon bằng.
Mặt trời ngấp nghé những dải núi phía xa, Khứ gọi tôi và Bình tụt xuống nương thảo quả hai bên khe nước nhỏ, nơi có chiếc lán cũ kỹ, ẩm thấp, lâu rồi không có hơi người. Khứ hỏi tôi và Bình xem có gì khác lạ. Tôi quan sát khắp nơi, chẳng thấy có gì lạ lùng.
Tuy nhiên, đi theo chỉ dẫn của Khứ, thì mới mường tượng ra cảnh một con lợn rừng rất to, nặng tới tạ rưỡi vừa quẩn quanh ở đây hôm qua. Trên nền đất đen sì ẩm mốc, dầy mùn của nương thảo quả, quanh căn lán, là hàng trăm dấu chân in rõ, theo đường lối.
Khứ thận trọng quan sát từng dấu chân và khẳng định, ngoài con lợn độc chiếc cỡ tạ rưỡi, còn có một đàn lợn khoảng chục con, chúng khá đều nhau, cỡ 40 đến 50 kg một con.
Những dấu chân kéo dài đến tận rừng trúc. Khắp rừng trúc rộng mênh mông ở độ cao 2.500m, bị xới lộn bởi loài lợn rừng. Chúng húc đất, lật đá tìm giun để ăn, đào rễ cây, mầm trúc để chén. Có những dấu chân đàn lợn to, có những dấu chân lợn mẹ cùng đàn con lít nhít.
Sau khi đã quan sát một hồi, thì Khứ quay về chỗ vườn thảo quả tiếp tục nghiên cứu các dấu chân. Theo lời Sùng A Khứ, thì con lợn độc chiếc để lại dấu chân ở khu vực này, thực sự là một con quái vật, nó là loài thành tinh, mà cả đời cầm súng, Khứ chưa từng giáp mặt con lợn nào như con này.
Dấu chân con lợn rừng độc chiếc nặng áng chừng 1,5 tạ.
Bản thân Khứ đã có 5 lần đối mặt, nhưng nó cứ như ma. Có lần đối mặt chỉ cách 20m, Khứ bóp cò, súng nổ đinh tai. Nhưng tan lớp khói, thì chỉ thấy vết đạn làm toác gốc cây già, con lợn độc chiếc, với bộ lông bờm xờm, hai nanh cong vút biến mất như làn khói.
Có lần, gặp nó bên suối, đang ủi đất tìm giun ăn, Khứ giương súng ngắm thẳng hộp sọ, chân va vào cành cây rung động, con lợn ngẩng đầu lên, nhìn Khứ nhe nanh.
Mặc dù từng đối mặt với hổ dữ, từng hạ vô số hổ, gấu, nhưng thợ săn lão luyện Sùng A Khứ chưa bao giờ có cảm giác khủng khiếp như vậy, đó là cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Cảm giác như, đó là con lợn thành tinh, như có hồn vía ẩn sâu lớp lông xù xì đen kịt, và cái mặt nhàu nhĩ của nó. Sau vài giây mất tinh thần, khi Khứ lấy lại được bình tĩnh, định bóp cò, thì con lợn lấy đà, phóc một cái, nhảy qua suối, mất hút trong rừng. Nó biến mất nhanh như một cơn gió.
Lần gần nhất, là cách đây 3 tháng, Sùng A Khứ giáp mặt lại con lợn rừng độc chiếc kỳ quái này. Khi đó, lão gặp nó đúng ở chỗ lán thảo quả này. Vừa thả dốc, nhìn thấy nó, thì nó nhảy tót một cái, vượt qua thân cây đổ ngang, cao đến 2m, và mất hút trong vườn trúc. Khứ bảo, lợn rừng rất nhanh và khỏe, trúng vài viên đạn vẫn húc chết người trong chớp mắt, nhưng chạy nhảy như loài hổ, thì trong đời Sùng A Khứ chưa từng gặp bao giờ. Khứ không rõ, nó là lợn hay quỷ.
Theo Phạm Dương Ngọc (VTC News)
Mù Cang Chải: Xuất hiện mưa đá khá lớn trong thời gian dài Khoảng hơn 16h chiều 16/2, tại Ngã ba Kim (xã Púng Luông) địa bàn huyện Mù Cang Chải bất ngờ đón trận mưa đá kéo dài gần 50 phút. Ảnh minh họa Được biết, trận mưa đá kéo dài kèm theo những viên đá to bằng đầu ngón tay cái đã làm hư hại một số diện tích rau màu của người dân....