Lớn lên trong mùi vị canh sim lo mắm bò hóc độc đáo mẹ nấu
Ngon và đặc sắc nhất là nồi canh sim lo thập cẩm “tủ” của mẹ. Sim lo thập cẩm được nấu từ nhiều loại rau quả, tạo nên mùi vị lạ và hấp dẫn, với các loại rau vườn nhà như: bồ ngót, bình bát dây, nhãn lồng… và các loại quả non như chuối, mít…
Tô canh sim lo Trà Vinh
Tôi lớn lên ở vùng quê nghèo Trà Cú, một huyện vùng sâu đông đồng bào Khmer của tỉnh Trà Vinh. Những năm tháng tuổi thơ nghèo khó của tôi trôi êm đềm bên những phum sóc yên bình của người Khmer hiền lành chân chất.
Mẹ tôi là người Kinh nhưng bà lại nói rất sõi tiếng Khmer và biết nấu nhiều món ăn truyền thống của người Khmer trong đó canh sim lo là món ăn đằm sâu trong kí ức tuổi thơ tôi.
Cứ sau mấy tháng mài đũng quần trên giảng đường Đại học Cần Thơ tôi lại quay trở về quê trong niềm hăm hở được ăn món canh sim lo nóng hổi do mẹ tôi tự tay lựa từng cọng rau tàn mới hái ngoài vườn để nấu cho thằng con trai ở xa mới về.
Những lúc như thế trong trí tôi lại ngân nga câu ca dao của một thời tuổi dại mà tôi đã từng nghe:
Xa em nhớ vị sim lo
Xa em nhớ khứa cá kho quê nghèo!
Canh sim lo của người Khmer là sự phối hợp giữa cái béo của cá, thịt hòa cùng vị ngọt mát của rau tập tàng. Đặc biệt là vị mặn mòi đặc trưng của mắm bò hóc, một loại thực phẩm đặc trưng trong ẩm thực của người Khmer Nam bộ.
Mắm bò hóc được chế biến với nguyên liệu chính là cá (chủ yếu là cá đồng và sẽ ngon hơn khi ủ mắm bằng cá lóc).
Sau khi làm sạch, cá được ngâm nước muối một đêm rồi bỏ hết đầu, ruột, sau đó rửa kỹ lại bằng nước muối. Cuối cùng là xếp cá vào hũ (hoặc lu, khạp tùy theo số lượng cá nhiều hay ít), cùng với muối, cơm nguội.
Video đang HOT
Mỗi gia đình thường ủ với một tỉ lệ khác nhau, khoảng ba tháng sau là có thể dùng được.
Mắm bò hóc tạo nên một nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Khmer nói chung và người Khmer Trà Vinh nói riêng trong nêm nếm và chế biến món ăn.
Và khi nói đến những món ngon được chế biến bằng nguyên liệu này không thể không nhắc đến món canh sim lo.
Canh sim lo là một món ăn xuất hiện rất phổ biến trong bữa ăn của các gia đình Khmer ở Trà Vinh quê tôi, bởi lẽ nguyên liệu để nấu món ăn dân dã này rất dễ tìm lại không quá cầu kì phức tạp trong khi chế biến.
Gia vị chính trong bất cứ một nồi canh sim lo nào cũng có đó là mắm bò hóc, xả và ớt được băm nhuyễn.
Món canh này có thể được chế biến từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Để rồi từ nguyên liệu ấy mà người ta phân thành nhiều loại sim lo với những tên gọi khác nhau.
Nếu nguyên liệu chính là măng thì gọi là sim lo măng. Với món sim lo này, mẹ tôi thường ra vườn hái măng từ bụi tre sau nhà, sau đó bào mỏng nấu chung với một số loại rau vườn khác (còn gọi là rau tập tàng) như: bồ ngót, rau dền, lá bình bát dây, đọt nhãn lồng…
Không những thế mẹ tôi còn cất công lấy gạo rang xay nhuyễn làm thính bỏ vào để gia tăng mùi thơm cho tô canh sim lo nóng hổi.
Hoặc để thay đổi khẩu vị có khi mẹ tôi dùng bầu, bí hoặc mướp để nấu sim lo. Lúc ấy canh sim lo được gọi là sim lo bầu, sim lo bí, sim lo mướp.
Sim lo bầu có nguyên liệu chủ yếu là bầu không thêm nguyên liệu khác. Tuy nhiên với canh sim lo bí và canh sim lo mướp thì cần phối hợp thêm với rau tập tàng.
Nhưng với tôi, ngon và đặc sắc nhất phải kể đến nồi canh sim lo thập cẩm (hay còn gọi là sim lo lò cô) “tủ” của mẹ.
Sim lo thập cẩm được nấu từ nhiều loại rau quả, tạo nên mùi vị lạ và hấp dẫn, với các loại rau vườn nhà như: bồ ngót, bình bát dây, nhãn lồng… và các loại quả non như chuối, mít,…
Với những bữa cơm như thế bụng anh em tôi đều căng phồng.
Ăn canh sim lo thú vị nhất là vào những ngày mưa. Những lúc ấy gia đình tôi xúm xít bên nồi canh sim lo tỏa hương thơm ngát, chan canh sim lo vào cơm ăn với cá kho khô rồi cho thêm một chút muối ớt vào thì không còn gì bằng.
Dù rằng cuộc sống của gia đình tôi hôm nay đã không còn vất vả như ngày trước nhưng những món ăn bình dị chân chất của ngày xưa nhất là món canh sim lo vẫn thường xuyên xuất hiện trong bữa cơm gia đình của tôi. Một món ăn thể hiện đậm đà tình thương yêu của mẹ đối với anh em tôi.
TRẦM THANH TUẤN
Xao xuyến thắng cố Hà Giang
Thắng cố không dễ ăn với người miền xuôi nhưng nếu đã thử một lần thì bạn sẽ nhớ mãi
Trong chuyến đi Hà Giang cùng với các nghệ sĩ tham gia vở cải lương "Chuyện tình Khau Vai" (đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên), chúng tôi đã được thưởng thức món đặc sản khó quên của vùng đất này, đó là thắng cố.
Thắng cố ở chợ Đồng Văn. Ảnh: PHI ANH
Ngai ngái nhưng dễ ghiền
Thắng cố là món ăn truyền thống lâu đời của đồng bào người Mông ở các tỉnh phía Bắc trong các ngày trọng đại, nhất là ở chợ phiên. Thắng cố trong tiếng Mông có nghĩa là canh thịt. Món này được chế biến từ thịt bò, trâu, ngựa và cả thịt heo.
Tất cả các bộ phận của con vật, gồm dạ dày, tim, gan, phổi, tiết, thịt, xương đều được cho vào chảo nước ninh nhừ cùng các loại gia vị quế, hồi, sả, hạt dổi...
Thoạt đầu, ai chưa quen ăn sẽ rất khó ngửi bởi nó không chỉ ngai ngái mà còn khá ngậy. Cái mùi ngai ngái đó chính là từ ruột non của con vật còn nguyên chứ không qua sơ chế. Nghe hơi "ghê" nhưng muốn thắng cố ngon đúng vị thì không thể thiếu thứ ruột non này.
Cái mùi ngai ngái đó quyện với các gia vị đã tạo nên một hương vị rất lạ đối với những người ở miền xuôi. Ban đầu hơi ngại, húp một muỗng vẫn thấy hơi kỳ kỳ nhưng sau nhiều muỗng nữa thì nhất định sẽ ghiền và quyến luyến mãi.
Tác giả và NSƯT Quế Trân chụp ảnh cùng các cô gái miền cao ở chợ phiên
Ăn thắng cố phải đến chợ phiên
Nhiều nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc hiện nay đã có món thắng cố trong thực đơn. Nhưng để thưởng thức món này đúng vị thì phải đến cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang. Đến nơi chưa đủ, bạn phải tìm đến các buổi chợ phiên mới có thể thưởng thức món thắng cố "đâu vào đấy".
Chợ phiên Đồng Văn họp vào chủ nhật hằng tuần. Người Mông đi chợ Đồng Văn đều ghé ăn một bát thắng cố, uống vài chén rượu với bạn bè. Người dân ở đây quan niệm ai có nhiều bạn thì người ấy được mời nhiều rượu.
Đồng bào Mông thường mang theo mèn mén, đến chợ mua thêm bát rượu và thắng cố là có thể mời bạn bè cùng ăn. Ăn thắng cố phải ngồi xổm, đặt thức ăn lên một tấm gỗ dài và ăn bằng muỗng gỗ. Đi kèm tô thắng cố bao giờ cũng có bát muối cùng với ớt tươi dằm cay. Húp một muỗng thắng cố nóng với chút muối ớt sẽ thấy rất đậm đà.
Chợ Đồng Văn bây giờ rộng thoáng, được xây dựng kiên cố không khác gì chợ dưới xuôi. Nhưng nhà cửa có mọc cao hơn thì vẫn không thể thay thế được những chiếc ô của chị em đi chợ.
Chen chân vào những chiếc ô đủ màu sắc đó, ngắm nghía đến no mắt những sản vật địa phương, khi chân hơi mỏi, bụng hơi đói, chúng tôi tìm đến một hàng thắng cố nghỉ chân. Những tô thắng cố đầy ắp thịt được múc ra từ chiếc chảo to vật vã khiến ai nấy đều cồn cào.
Trong tiết trời se lạnh, chúng tôi húp từng muỗng thắng cố đậm vị, nhai nhẩn nha những miếng thịt giòn sựt, dai dai, nghe mùi thơm của các loại thảo mộc thiên nhiên lan tỏa, ấm rực cả người...
Chia sẻ cảm xúc sau chuyến đi, NSƯT Quế Trân cho biết cô rất ấn tượng với con người và vùng đất Hà Giang. Nơi đây có những phong tục tập quán phong phú, những dãy núi đá cao hùng vĩ và cả những món ăn hấp dẫn làm từ nhiều nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên mà đặc sắc nhất có lẽ là món thắng cố.
THANH HIỆP
Phở Hà Nội Nghe tên đã thấy thèm Phở Hà Nội có cái ngọt chất của xương bò, cái thơm của thịt vừa chín đến độ để thịt vẫn dẻo mà không dai. Màu nước phở trong, bánh phở mỏng và mềm. Chỉ nhìn thôi cũng đã thấy được cái ngon của phở Hà Nội. Phở gà Hà Nội. Ảnh internet Phở - món ăn truyền thống của Việt Nam Phở...