Lời xin lỗi ba giây của thanh niên đâm chết người
Chủ tọa ba lần nhắc “ bị cáo có muốn nói gì với gia đình bị hại không?” nhưng Nguyễn Quốc Mạnh vẫn lặng thinh tại phiên toà.
Khi bà nói lần thứ tư, Mạnh mới ngoái đầu về phía sau, nói “Tôi xin lỗi gia đình nạn nhân”, rồi lập tức quay lên. Tất cả chỉ khoảng ba giây. Bị cáo không nhìn vào những người tiếp nhận câu nói mình đang cùng có mặt trong phòng xử án của TAND Hà Nội hôm 10/7.
Mạnh bị cáo buộc gây ra cái chết của ông Nguyễn Thanh Sơn, 50 tuổi tại khu vực ngã tư Minh Khai- Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng vào đêm 12/9/2018. Nguyên nhân bắt nguồn từ một cuộc điện thoại.
21h30 ngày 12/9/2018, ông Sơn khi uống rượu tại nhà riêng ở phố Trại Găng đã gọi điện thoại cho bạn nhưng bấm nhầm vào số máy của Mạnh. Cách đó 4,5 km, trong một cuộc nhậu khác trên phố Đông Thiên, Mạnh bắt máy.
“ Bố mày là Sơn Khuất đây, mày là thằng nào?”, ông Sơn nói trong cơn say. Mạnh văng tục. Hai người chửi nhau, chốt hẹn gặp ở chợ Mơ để “giải quyết”.
Mạnh rời cuộc nhậu ngay lập tức. Biết bạn sắp đánh nhau, Nguyễn Mạnh Hoàng vào nhà bọc con dao quắm dài 80 cm vào bao tải, lên xe Đinh Văn Hùng chở đi “hỗ trợ” Mạnh.
Mạnh gặp thêm Đinh Phú Đức ở đầu ngõ nên nhờ chở mình về nhà lấy dao bầu 35 cm. Khoảng 23h, ông Sơn lái xe đạp điện tới và hai bên ẩu đả. Mạnh né được cú đâm của ông Sơn và cầm dao bầu đâm trả vào ngực trái. Bốn thanh niên nhảy lên hai xe máy phóng khỏi hiện trường đang loang vệt máu dài 11 m.
Qua bãi rác trên đường Lĩnh Nam, Hoàng vứt lại con dao chưa kịp dùng. Mạnh vẫn cầm theo con dao bầu dính máu, nhét trong người. 12 giờ sau, Mạnh bị công an bắt giữ. Năm ngày sau, Hoàng được bố đẻ dẫn ra đầu thú.
Video đang HOT
Sáng 10/7 trong phiên tòa mở tại TAND Hà Nội, Mạnh, Hoàng và Văn Hùng, Mạnh bị xét xử về tội Giết người; Đức, cùng Tuấn Hùng bị xét xử về tội Che giấu tội phạm.
Mạnh ngồi giữa ở hàng đầu và các đồng phạm tại phiên sơ thẩm mở 10/7. Ảnh: Thanh Lam
Là người đầu tiên trả lời chất vấn của chủ toạ, Hoàng liên tục thay đổi lời khai khiến chủ tọa ba lần phải nhắc hay trả lời thành khẩn, hỏi “có bị ai gây áp lực hay không?”. Hoàng suy nghĩ hồi lâu rồi lắc đầu.
Trong khi đó, Tuấn Hùng phủ nhận đã có hành vi che giấu tội phạm. “Nếu bị cáo có tội thì tại sao cơ quan công an không đến bắt luôn mà còn cho tại ngoại đến tận hôm nay?”, Hùng nói.
Duy nhất, Mạnh từ đầu đến cuối tỏ ra là người bình tĩnh, thừa nhận trực tiếp đâm chết ông Sơn.
Ở băng ghế khu cuối phòng xử, mẹ nạn nhân, bà Lê Thị Nguyệt, 71 tuổi, chân đi không vững, được cháu gái và con gái dắt tới dự phiên toà. Trong ba tiếng ngồi nghe xét xử, bà nắm chặt tay cô bé 16 tuổi, con của ông Sơn.
Bà kể nạn nhân là trụ cột gia đình với công việc chạy xe ôm. Mỗi tháng ông đưa 5 triệu cho bà để trang trải sinh hoạt gia đình và lo việc học của con gái. Hai năm qua, 5 gia đình bị cáo đã bồi thường 45 triệu đồng.
Tại phiên tòa hôm nay, gia đình bà yêu cầu các bị cáo bồi thường 403 triệu đồng nhưng chưa nêu được cơ sở xác định mức bồi thường và thời điểm trợ cấp nuôi dưỡng. Để gia đình có thêm thời gian chuẩn bị, HĐXX quyết định hoãn phiên toà đến 5/8.
12h trưa, nhìn Mạnh cười tươi, vẫy tay với người nhà, bà Nguyệt buồn bã nói: “Người đã mất, tôi không muốn gây thù chuốc oán. Cũng chỉ do các cháu nó nông nổi, gia đình chưa dạy dỗ đến nơi đến chốn”.
Theo trình bày tại phiên tòa, bố Mạnh nghiện ma túy, mẹ qua đời vì ung thư máu. Bị cáo mới học hết lớp 6, không nghề nghiệp, có ba tiền sự về tội Gây rối trật tự công cộng, Cố ý gây thương tích và Tàng trữ vũ khí thô sơ; một tiền án 30 tháng tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma tuý. Các đồng phạm Hoàng, Đức và Tuấn Hùng đều từng có tiền án, tiền sự.
Hai lần bị lừa tiền tỷ 'chạy trường' cho con
Ông Phạm Văn Luyện ôm đầu ngồi sụp xuống ghế cuối phòng xử án, bật khóc khi nghe tin phiên xét xử kẻ lừa tiền của ông và 43 người lần thứ hai lại hoãn.
Sáng 7/7, phòng xử án số 5 của TAND Hà Nội chật kín người khi gần 30 nạn nhân có mặt theo triệu tập của HĐXX. Đa số họ là người trung niên, đã bị Nguyễn Văn Bằng lừa từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng với chiêu giúp "chạy việc", "chạy trường". Trong số này có ông Phạm Văn Luyện, 52 tuổi, đến từ tỉnh Cao Bằng.
"Tôi tuyệt vọng quá, không thể chờ thêm nữa", ông than và kể về biến cố sập bẫy lừa. Ông là thợ sửa xe máy, vợ mở tiệm bán dép. Mong các con "thoát cảnh bần hàn", từ năm 2013, vợ chồng ông mang 350 triệu đồng nhờ người quen ở Hà Nội tìm mối "xin" cho cậu con thứ hai vào một trường công an. Sau hơn một năm, việc "chạy trường" không có kết quả, ông đòi tiền về song mới được trả 270 triệu.
Gia đình ông lại tiếp tục tìm cách xin cho con trai lớn được vào biên chế trong lực lượng vũ trang. "Trên Cao Bằng họ đòi giá 800 triệu đồng, dưới Hà Nội thì rẻ hơn nên tôi lại về đây tìm người giúp", ông Luyện với đôi mắt đỏ ngầu vì mất ngủ, uể oải nói.
Qua người quen, ông được dẫn đến gặp Bằng trong căn nhà ba tầng có bảo vệ đứng canh trước cổng trên phố Đại La. Ông choáng ngợp với nội thất gỗ sang trọng, tường phòng khách và cầu thang treo kín bằng khen của bộ ban ngành, sau này, ông mới biết là văn bằng giả.
Bằng khi đó chừng 50 tuổi, trắng trẻo, nhỏ người tiếp ông đon đả rồi giới thiệu là giảng viên Học viện An ninh, quen biết rất nhiều "ông lớn" tại các cơ quan nhà nước. Bằng cam kết "chạy việc" cho con trai ông, giá tổng cộng 700 triệu đồng.
Bị thuyết phục, ông Luyện về nhà, bắt đầu vay mượn, thế chấp bằng nhiều hình thức để gom đủ tiền. Ông giấu vợ chuyện này. Hai con trai thấy số tiền quá lớn, khuyên dừng lại nhưng ông quyết không thể lỡ cơ hội.
Lần mang 700 triệu đồng xuống đưa cho Bằng, suốt đêm ông Luyện ôm khư khư túi đựng tiền, không dám ngủ trên xe khách. Sau khi đưa tiền, ông được Bằng giao một phong bì chứa giấy báo trúng tuyển đóng dấu đỏ ghi tên con ông. "Tôi đòi chụp ảnh lại nhưng Bằng ngay lập tức cất đi, chỉ đưa cho một bản photocopy, hẹn tuần sau đưa con lên bệnh viện khám sức khoẻ", ông kể.
Chờ nhiều tháng không được gọi nhập học, ông liên lạc nhưng Bằng khất lần rồi cắt liên lạc. Ngày 2/12/2016, ông đến tận nhà Bằng đòi tiền vì "đã quá mệt mỏi". Bằng trả 70 triệu đồng và viết giấy nợ 630 triệu, hẹn 5 ngày sau thanh toán hết nhưng rồi không thực hiện.
Ông Luyện đưa ra giấy biên nhận tiền với Bằng vào năm 2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Suốt một năm sau đó, ông Luyện tuần một lần lại bắt xe khách Cao Bằng - Hà Nội xuống đập cổng nhà Bằng, song chỉ đòi được 400 triệu đồng. Tại đây, ông gặp hàng chục phụ huynh khác cũng chung cảnh ngộ. Biết bị lừa, nhưng không ai muốn tố giác vì nuôi hy vọng dần dần Bằng sẽ trả hết tiền cho mình.
Ngày 9/2/2018, từ đơn tố giác của hai nạn nhân, Bằng bị bắt. Nhà chức trách cáo buộc, từ 2011 đến 2017, Bằng đã nhận 23 tỷ đồng của 44 người. Người bị lừa nhiều nhất tới gần 4 tỷ đồng, ít nhất là 72 triệu đồng.
Ngày 7/7, phiên toà sơ thẩm xét xử Bằng về tội Chiếm đoạt tài sản tại TAND Hà Nội đã phải hoãn do vắng 21 người bị hại và nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Phiên tòa sẽ mở lại vào 6/8.
Buồn bã rời cổng TAND Hà Nội giữa trưa nắng chang chang, ông Luyện than 5 năm qua, nỗ lực "đổi đời" cho hai con khiến ông chưa một ngày ngủ ngon, sút 12 kg. Cửa hàng sửa xe máy cũng đã dẹp, đồ nghề chất han gỉ trong góc nhà. Rút trong túi ra khoe tấm ảnh gia đình chụp năm 2013, bật khóc nói: "Đây là bài học để đời, tôi phải kể lại cho con cháu để tránh lại vấp ngã như mình".
Đôi bạn thân rủ nhau buôn hơn 7kg ma túy và cùng nhận án tử Vì hám lợi, Xồng Bá Hử và Xồng Bá Và rủ nhau buôn ma túy với số lượng hơn 7kg. Biết Hử, Và sẽ nhận mức án cao nhất của pháp luật nên 2 gia đình đã đưa các con xuống để gặp 2 bị cáo này lần cuối. Họ đã khóc như mưa khi nghe HĐXX tuyên phạt án tử hình đôi...