“Lối vào” mới trong nút mạch điều trị phì đại tuyến tiền liệt
Điều trị phì đại tuyến tiền liệt, các bác sĩ BV Việt Đức vừa có cách tiếp cận từ động mạch quay (cánh tay), giúp người bệnh có thể tự đi lại sau mổ.
Trước đây, đường vào được cho là kinh điển của kỹ thuật nút mạch điều trị phì đại tuyến tiền liệt mở từ động mạch đùi. Gần đây, các bác sĩ BV Việt Đức (Hà Nội) đã có cách tiếp cận từ động mạch quay (cánh tay), giúp người bệnh có thể tự ngồi dậy đi lại ngay sau làm thủ thuật.
Tiến bộ vượt bậc trong can thiệp mạch máu
Theo TS.BS Lê Thanh Dũng, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Việt Đức, tuyến tiền liệt (TTL) là tuyến sinh dục nằm giữa bàng quang và trực tràng, ôm quanh niệu đạo sau cổ bàng quang. Trước đây, phì đại lành tính TTL khá phổ biến ở nam giới sau tuổi trung niên, nhưng ngày nay, bệnh có xu hướng trẻ hóa. Khoảng 8% số người ở độ tuổi 31-40 có tăng sản lành tính TTL, và 80% số người trên 70 tuổi. Đa số bệnh nhân thường không có biểu hiện lâm sàng mắc bệnh này.
Các bác sĩ BV Việt Đức (Hà Nội) đã có cách tiếp cận mới trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt.
“Dù là bệnh lành tính, nhưng khi tăng sản phì đại TTL sẽ cản trở đường tiết niệu dưới, khiến bệnh nhân gặp nhiều phiền toái về rối loạn tiểu tiện như: bí tiểu, tiểu nhiều về đêm, tiểu buốt, tiểu ngắt quãng không hết, phải rặn, nước tiểu tồn dư sau đi tiểu… ảnh hưởng trầm trọng tới chất lượng cuộc sống. Nếu để lâu hoặc triệu chứng không được cải thiện, có thể bị biến chứng nguy hiểm như sỏi bàng quang, rối loạn chức năng cương dương, viêm bàng quang, ứ nước thận do trào ngược bàng quang niệu quản, thậm chí bệnh nặng gây tạo sỏi, suy thận và có thể tử vong…”, TS. BS Lê Thanh Dũng nhấn mạnh.
Hiện nay, phương pháp chữa trị nội khoa là lựa chọn đầu tiên đối với các trường hợp u phì đại mà các triệu chứng ở mức độ trung gian. Điều trị nội khoa có thuốc ức chế rất tốt, giảm tăng kích thước của TTL và bàng quang, giúp người bệnh đi tiểu dễ dàng, nhưng chỉ được một giai đoạn nhất định. Khi điều trị nội khoa không còn hiệu quả thì BN phải can thiệp phẫu thuật bóc tách khối u. Tuy nhiên, khi phẫu thuật bệnh nhân phải gây mê hồi sức và có thể có các nguy cơ sau mổ như: tiểu không kiểm soát, xuất tinh ngược dòng (80%), rối loạn cương dương… làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
“Nút mạch tiếp cận theo động mạch quay giúp BN phì đại TTL không mất máu, giảm biến chứng, có thể tự đi lại bình thường ngay sau can thiệp và xuất viện sau 24h. Đặc biệt, kỹ thuật này giúp người trẻ tuổi bảo tồn được chức năng sinh hoạt chăn gối, kể cả các BN có kích thước khối u TTL lớn hơn 100g”- TS.BS Lê Thanh Dũng.
Video đang HOT
Để khắc phục những nhược điểm kể trên, một số BV đã áp dụng phương pháp điều trị mới: Can thiệp làm thuyên tắc động mạch TTL – là một kỹ thuật ít xâm lấn, can thiệp tối thiểu. Đây là tiến bộ vượt bậc về can thiệp mạch máu của chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh và đã được áp dụng rộng rãi từ năm 2010 tại nhiều nước trên thế giới.
Để thực hiện kỹ thuật này, đường đi được cho là kinh điển là các kỹ thuật viên sẽ luồn một ống thông vào động mạch đùi (trái hoặc phải) đến động mạch nuôi TTL dưới hướng dẫn của siêu âm màn hình tăng sáng của số hóa xóa nền để bơm hạt gây tắc mạch. Nút tắc động mạch cung cấp máu, làm cho tuyến này không được nuôi dưỡng và nhỏ dần đi, từ đó giảm dần hoặc mất các triệu chứng lâm sàng, giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
“Với phương pháp này sẽ hạn chế được các nguy cơ, rủi ro do phẫu thuật mở, đặc biệt hạn chế tình trạng xuất tinh ngược dòng, ít rối loạn cương dương, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, phương pháp này còn một số nhược điểm như: BN phải nằm bất động từ 6-8 tiếng sau can thiệp, và có nguy cơ xuất huyết trong tiểu khung”, TS.BS Dũng nhấn mạnh.
Can thiệp qua động mạch quay, giảm nhiều biến chứng
Để bắt nhịp với xu thế phổ biến của thế giới, từ 2016, BV Việt Đức đã cải tiến cách tiếp cận qua động mạch quay trong lĩnh vực điều trị can thiệp nội mạch, giúp cho bệnh nhân không phải nằm bất động tại chỗ, có thể đi lại ngay sau thủ thuật, giảm được thời gian nằm viện và các hạn chế trong sinh hoạt cá nhân.
“Kỹ thuật can thiệp qua động mạch quay đã được sử dụng trong can thiệp tim mạch. Các thủ thuật can thiệp nội mạch như nút động mạch điều trị ung thư gan, u xơ tử cung, phì đại TTL, lạc nội mạc tử cung… đã được khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện và mục tiêu trong thời gian tới là 50% số bệnh nhân sẽ được thực hiện theo phương pháp này”, TS.BS Dũng cho hay.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, 64 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội, cách đây 7 năm từng lo lắng sẽ không qua khỏi khi phát hiện ung thư gan, khối u có đường kính 4cm. Ông Tường đến BV Việt Đức khám bệnh thì phát hiện thêm khối u phì đại TTL. Tuy nhiên, do sức khỏe không đảm bảo, nên chỉ được can thiệp nút mạch điều trị khối u gan trước, sau đó sức khỏe ổn định mới điều trị tiếp TTL. “Nếu như ngày trước bác sĩ Dũng nút mạch điều trị u gan đi từ đường đùi, thì năm ngoái điều trị phì đại TTL, bác sĩ Dũng chọn đường đi từ cánh tay. Sau can thiệp, tôi tự đi lại và được xuất viện sau 24h. Đặc biệt, sau 3-4 tháng, khối u TTL từ 69g giảm còn 36g và tôi thấy sức khỏe của mình cải thiện rõ rệt từng ngày. Đến nay, các triệu chứng tiểu đêm, tiểu buốt và các triệu chứng rối loạn tiểu tiện không còn hành hạ tôi nữa”, ông Tường vui mừng nói.
TS.BS Lê Thanh Dũng cho biết, bệnh nhân sau khi được chẩn đoán u phì TTL, đã loại trừ các trường hợp ung thư TTL bằng xét nghiệm và sinh thiết, bác sĩ áp dụng phương pháp nút thắt theo động mạch quay./.
Theo VOV
Ngực người phụ nữ Hà Nội phình to gấp đôi sau tiêm filler
Sau tiêm filler, ngực chị Hoa phình to lên gấp đôi kèm đau đớn. Khi đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ phát hiện ngực có lỗ dò, chảy rất nhiều mủ.
Bên lề buổi khai trương thành lập TT Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ, BV Việt Đức, BS Vũ Trung Trực, Phó Giám đốc trung tâm cho biết, tại đây vừa điều trị cho trường hợp bệnh nhân Đặng Nguyệt Hoa, 32 tuổi (Long Biên, Hà Nội) bị biến chứng nghiêm trọng sau khi tiêm filler tại một cơ sở thẩm mỹ ở quận Long Biên.
Chị Hoa chia sẻ, sau khi sinh con, ngực của chị bị chảy sệ, teo tóp nên rất tự ti. Giữa tháng 6 vừa qua, chị giấu chồng đến một cơ sở thẩm mỹ để được tư vấn nâng cấp vòng 1. Tuy nhiên, thay vì gặp bác sĩ, chị được nhân viên của cơ sở này khuyên nên tiêm filler để có dáng ngực tự nhiên.
Ngay sau tiêm, chị Hoa khá hài lòng về vòng 1 của mình khi kích cỡ ngực tăng thêm khoảng 30%, tròn đều tự nhiên. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngay ngày hôm sau, chị phát hiện 2 bên ngực có dấu hiệu sưng đau.
Khi hỏi lại cơ sở thẩm mỹ, nhân viên trấn an chị rằng đây chỉ là phản ứng rất bình thường, sẽ hết sau vài ngày.
Ngực bệnh nhân liên tục chảy mủ sau khi tiêm filler
Tuy nhiên đến ngày thứ 4, ngực chị sưng to gấp đôi bình thường, đỏ nựng chực chờ như sắp vỡ. Hốt hoảng, chị đến một cơ sở thẩm mỹ khác để tư vấn, được bác sĩ đục lỗ thoát dịch nhưng tình trạng sưng, đau không giảm.
BS Trực cho biết, khi đến BV Việt Đức, bác sĩ phát hiện lỗ dò ở ngực vẫn đang chảy mủ liên tiếp. Qua chụp chiếu, bác sĩ xác định bệnh nhân may mắn khi filler chỉ được tiêm khu trú ở lớp mỡ dưới da.
Ngoài ra, kết quả cấy mẫu mủ phát hiện, bệnh nhân bị nhiễm một loại vi trùng, nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh do trong quá trình tiêm filler không đảm bảo vô trùng.
Để điều trị, ngoài dùng kháng sinh, bệnh nhân được nhân viên y tế nặn ép mủ 2 lần/ngày. Đến ngày thứ 8, ngực bệnh nhân đỡ sưng hơn, dịch chảy ít hơn và sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân được ra viện.
Theo BS Trực, mặc dù ngực bệnh nhân đã hết nhiễm trùng nhưng giờ sẽ để lại sẹo khiến ngực méo mó, biến dạng. Đặc biệt, bên trong vẫn còn chất làm đầy nên bệnh nhân sẽ cần theo dõi thời gian dài. Nếu muốn đặt túi nâng ngực, bệnh nhân sẽ cần chờ ít nhất thêm 6 tháng nữa.
Đáng lưu ý, đến giờ bệnh nhân vẫn không hề hay biết mình được tiêm loại filler nào, xuất xứ từ đâu.
BS Trực cho biết, thời gian qua, Trung tâm liên tục tiếp nhận các trường hợp gặp biến chứng do tiêm filler, phổ biến nhất là thủng lỗ dò ở mũi, ngực do quá trình vô trùng không tốt khi tiêm, một số ít trường hợp bị mù mắt do tiêm sai vị trí.
Với những chị em phụ nữ có ngực không quá nhỏ, tiêm filler hoặc bơm mỡ tự thân là giải pháp giúp ngực có vẻ đẹp tự nhiên.
Với filler, cần lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín, nguồn gốc filler rõ ràng, bác sĩ tiêm có kĩ thuật, am hiểu về cấu trúc cơ thể. Trong khi thực tế hiện nay, vì thiếu hiểu biết, rất nhiều chị em lựa chọn tiêm filler nâng mũi, nâng ngực ngay tại các tiệm cắt tóc, gội đầu, làm móng... rất dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Theo BS Trực, hiện nay thị trường filler có tới vài chục loại, từ trôi nổi giá vài trăm ngàn/ml đến giá 2-3 triệu đồng/ml, hoặc loại tốt được cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp, có giá tới 8-9 triệu/ml. Thường sau tiêm 12 - 18 tháng, filler sẽ tiêu dần và phải tiêm lại.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
"Công cụ mới" cứu quý ông khỏi dạng ung thư dễ gây liệt dương Dễ gây chết người nếu không điều trị triệt để, để lại tác dụng phụ đầy đau khổ như liệt dương, tiểu không kiểm soát..., ung thư tuyến tiền liệt là nỗi ám ảnh với quý ông. Một nhóm khoa học gia từ Đại học California ở Los Angeles (UCLA - Mỹ) và Đại học Toronto (Canada) đã phát hiện ra một dấu...