Lỗi tại ai, khi vợ… “nín đẻ”?
Một mai thiếp có xa chàng
ôi bông thiếp trả, con chàng thiếp xin
Ấy là câu ca dao ngàn đời bất biến đã phản ánh tâm thức, ước nguyện của phụ nữ Việt. Lâu nay, có dị bản: “ôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin”, thật ra chẳng hề có vòng vàng gì ở đây cả. Họ không màng đến những giá trị hào nhoáng bề ngoài, điều cốt lõi vẫn phải là đứa con mang nặng đẻ đau. Một khi gọi “con chàng” là họ nói nhún, nếu không có vai trò quyết định của họ thì sao?
Minh họa: MINH SƠN
Với người phụ nữ nói chung, một khi đã yêu, đã đến với nhau, điều mơ ước lớn nhất của họ vẫn là lúc tay bế tay bồng, gìn giữ lấy mầm sống đã rứt ra từ máu thịt.
Bên cạnh đó, vốn tơ mềm liễu yếu, yểu điệu thục nữ lại cả nghĩ, do đó, họ cần có con để nhờ cậy về sau. Ông bà ta đã đúc kết: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Con cái vẫn là điểm tựa lúc hoàng hôn xế bóng. Vì lẽ đó, chuyện có con, sinh con đẻ cái là một thiên chức thiêng liêng, một khát vọng của bất kỳ người phụ nữ nào.
Vậy “chân lý” này, xưa đã thế thì nay cũng thế?
Chưa chắc. Dường như đang có sự thay đổi chăng? Tâm lý “sợ đẻ” ở người phụ nữ trẻ đang là một xu hướng có thật chăng? Tôi thận trọng dùng câu nghi vấn, vì rằng, muốn dẫn đến một kết luận rạch ròi ắt phải có cuộc điều tra xã hội học. Tuy nhiên, cái sự “dường như” ấy ngày càng rõ nét dần. Sau khi dò hỏi ở nhiều người, tôi có thể tạm “gạch đầu dòng” một vài lý do thầm kín mà họ đã thổ lộ.
Trước hết, họ chưa muốn vướng víu, bận rộn chăm sóc con cái, “lui về phía sau”, chỉ vì nghĩ rằng đang cần phải có thời gian để khẳng định vị trí, tài năng, và ít ra phải là người kiếm ra tiền, chứ không chỉ dựa dẫm vào chồng. Đây là một trong những quan niệm sống của phụ nữ thế kỷ XXI. Họ chứng tỏ bản lĩnh hơn, tự lập hơn bởi vì rằng đã có không ít ông chồng hoạnh họe, chảnh chọe lúc đưa tiền cho vợ không quên “thòng” một câu rất ư kẻ cả như vừa khoe khoang, vừa than thở: “Cái nhà này, không có đồng lương của tôi thì sống ra làm sao đây?”. Chính vì thế, nhiều phụ nữ hoãn lại vụ sinh con để chứng tỏ cho “nửa kia” biết rằng, mình đây cũng không thua kém gì.
Thứ hai, có nhiều cảnh ngộ tréo ngoe đại khái như trong thời gian yêu nhau, họ được đàn ông ca ngợi bằng hàng triệu lời lẽ hoa mỹ, “có cánh”, chìu chuộng tận răng, vậy khi trở thành vợ thì vẫn thế? Khi nghe tôi đặt câu hỏi, nhiều cô phá lên cười khi “bật mí” cho biết họ đã được… đẩy xuống hàng Osin. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi đàn ông thường có tâm lý lúc chưa “cưa đổ” thì ga lăng hết cỡ thợ mộc nhưng một khi “đã đâu vào đấy”, thái độ lại khác hẳn.
Video đang HOT
Thế thì, lúc ấy, việc phải sinh con có còn là niềm hứng thú? Lo lắng, chăm sóc, phục vụ cho ông chồng mỗi ngày đã bỡ hơi tai, vậy đẻ thêm một bé nhóc nữa, chịu sao cho xiết? Chính vì nỗi lo lắng ấy, khiến họ tặc lưỡi: “Từ từ hãy hay”, chứ không còn nôn nóng như trước.
Rồi, một trong những nỗi khổ tâm nhất của không ít phụ nữ là vớ phải ông chồng còn có suy nghĩ “cùi bắp” rất ư lạc hậu. Dù đã “nghéo tay” phải sớm đẻ con nhằm ổn định cuộc sống lâu dài thế nhưng đến ngày vợ “khai hoa nở nhụy”, bước vào bệnh viện vừa nhìn thấy thiên thần bé bỏng, thay vì nói cười rổn rảng, tự hào thì người chồng lại xụ mặt như đưa đám. Tại sao? Cô vợ đẻ con gái. Con gái thì cũng là con chứ? Thế nhưng, trời ạ, sống trong thời buổi hiện đại đến mức thiên hạ có thể du lịch lên tận Hỏa tinh, nhưng nhiều quý ông vẫn quan niệm như thời “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Biết vậy, chi bằng “nín đẻ” quách cho xong.
Ngoài lý do trên, còn gì nữa không?
Nhiều người bảo rằng, vì quá kỳ vọng vào con mình nên nhiều phụ nữ không dám đẻ. Đẻ xong nếu không lo chu toàn, không làm hết trách nhiệm, không như ý muốn thì con cái về sau sẽ ra làm sao? Sự kỳ vọng ấy vô tình trở thành gánh nặng, áp lực khiến họ cân nhắc, thậm chí còn dẫn đến tâm lý sợ đẻ. Tôi lại không nghĩ thế, sự kỳ vọng, nuôi dạy, chăm sóc con cái còn là nỗi quan tâm của cả người chồng/người cha nữa chứ.
Vậy thì, một khi đứng trước vấn nạn “sợ đẻ” ở người phụ nữ, sự thay đổi cần bắt đầu từ đâu? Tất nhiên phải từ nhiều góc độ, nhiều yếu tố như môi trường sống, chất lượng sống.v.v… Tất cả những điều này hoàn toàn đúng. Thế nhưng sự thay đổi ấy, theo tôi điều tiên quyết, cốt lõi nhất vẫn phải bắt đầu, vâng phải bắt đầu từ nhận thức của người đàn ông/ người chồng trong mỗi nhà.
Thời buổi này, người phụ nữ đã có bản lĩnh, tri thức, họ cưới chồng không phải vì tìm một chỗ để dựa dẫm mà cần một điểm tựa. Đó phải là nơi họ có thể tâm tình, chia sẻ mọi nỗi buồn, gửi gắm niềm tin, khát vọng của đời mình. Mà với họ, trên đời này, chuyện sinh đẻ yếu tố đầu tiên. Trong hành trình ấy, hãy lắng nghe lúc ấy, người đầu ấp tay gối của mình đang cần gì. Nếu người chồng bỏ mặc, không thay đổi nhận thức thì đừng chép miệng, nhăn mày nhíu trán khi giải bài toán hóc búa vì sao cô nàng “sợ đẻ”?
Nói cách khác khi người vợ sợ cảnh tay bế tay bồng, về tâm lý, trước hết người chồng hãy xem lại chính mình. Bạn có nghĩ thế không?
Mộng tinh khôi
Hạnh phúc nhiều lúc cũng đơn giản như từ nhà ra cánh đồng của người nông dân, từ trên núi xuống nương rẫy của đồng bào rẻo cao.
Hạnh phúc sẵn có nhưng nhiều lúc tôi tìm những thứ nhầm tưởng sẽ mang lại hạnh phúc nhiều hơn nữa bằng ngã kiến và tình chấp trong nỗi hào nhoáng của danh vọng để rồi mang vác nặng nề khiến hành trình trở về nương cõi huyền nhiệm vốn là nguồn cội hạnh phúc vô biên của kiếp người trở nên xa vợi.
Ai cũng đi tìm quả hạnh phúc song phần nhiều đang thực hành sống với nhân khổ đau, bởi lẽ điều mầu nhiệm còn ẩn nơi vùng mờ tâm thức ta.
Sự viết dẫu là chia sẻ chân lý không chừng cõng nghiệp nặng nề. Bởi ngôn ngữ vốn có sau hiện tượng để gọi tên sự vi diệu chứ ngôn ngữ không là sản phẩm có trước để chụp vào những huyền nhiệm cuộc sống. Mọi khái niệm và quy luật rút ra tuồng như chúng ta tạo cây cảnh và ngắm nghía qua lăng kính hẹp của vọng thức.
Ngôn ngữ luôn luôn được sản sinh vẫn bất lực trước sự biến hóa linh động của thiên nhiên, và quá trình dựng lập ngã chấp trong tôi luôn khởi từ việc nhốt hư không vào lâu đài ảo tưởng.
Nếu bảo con người sống trên trái đất, là chưa đúng. Trái đất cũng là một hành tinh lơ lửng giữa trời, nên con người cũng đang trụ giữa hư không, mới đúng. Con người thực chất đang lơ lửng giữa trời. Nghĩa là con người ở trên trời, chứ không phải dưới đất để bảo trời xa quá.
Người ta vẫn thắc mắc, ngày nay phi thuyền đã bay thấu trời xanh vẫn không thấy cõi Thánh và Niết bàn đâu cả. Thực tế chúng ta nhìn mặt trăng mặt trời to bằng quả bóng thì ngược lại, ở mặt trăng trái đất cũng nhỏ như vậy. Nếu phi thuyền bay ra ngoài không gian thì trái đất chưa lớn bằng một hạt bụi.
Con cá ở đại dương mênh mông, dĩ nhiên nó sẽ phán chuyện con người chỉ thở bằng không khí là hoang tưởng. Cũng như nhiều người khó thể tin cùng không gian ở trái đất lại "dung chứa" vô vàn cảnh giới khác nhau; các cảnh giới đan lồng, chồng lên nhau song cảnh giới này không phương hại cảnh giới khác.
Cũng như trong ti vi, bật kênh này là đại dương dội sóng, kênh khác đang phát cảnh núi lửa phun trào, và hàng trăng cảnh giới khác cùng tồn tại (trong "cái hộp" ấy) mà màn hình ti vi vẫn như như bất động. Phim khoa học về "Lỗ hổng thời gian", khi thế giới vớt được vị thuyền trưởng và một nữ hành khách trên con tàu lịch sử sau 80 năm. Người ta phải lục lại hồ sơ kiểm định về hai con người này, thử ADN, thấy trùng khít với những người trên con tàu lịch sử kia mới tin nổi. Trong lúc lý thuyết khoa học giải thích về vấn đề chồng lấn không gian vẫn đang là giả định.
Hai con người trên con tàu Titanic sau 80 năm song với họ chỉ là vừa bị đánh rớt khỏi tàu, vẫy vùng kêu cứu và duyên may được cứu; thế mà đã 80 năm! Rõ ràng thời gian vốn ảo. Nói theo Kinh, đời này chỉ là giấc mộng! Ân sư tôi giảng pháp có nhắc đến một người lúc nằm mơ, thấy mình lớn lên, lập gia đình, rồi già khọm; choàng tỉnh, té ra cả cuộc đời đầu tắt mặt tối trải qua trong mấy mươi năm chỉ là cơn mộng phút chốc.
Giả như có một lần úp mặt vào lòng tay suy ngẫm, ta sẽ thấy con người ngay từ lúc thoát thai đã bất công: người rạng ngời tướng tốt ủ yên trong gấm vóc lụa là, kẻ đui què câm điếc lại còn sinh trong gia đình bần tiện. Xét ngang đây (tức cái nhìn trong một đời) thì bất cứ nỗi oan khuất đến với cá nhân trưởng thành nào trên địa cầu đều chưa thể sánh với nỗi đau từ "nghiệp trên trời rơi xuống".
Hẳn là phải có một sự công bằng nào đó nếu ta soi ngược về tiền kiếp của từng cảnh đơìnhư mong muốn của khoa học lượng tử, nhưng điều này khó, phải chăng vì thế ta đã có cái nhìn thiên lệch từ nguồn?
Dường như trong vũ trụ có những nguyên lý vận hành vi diệu như một bộ máy tự nhiên hoàn hảo. Một quy luật cộng trừ nhân chia phước hay nghiệp của chúng ta. Nó "quy định" số phận của từng người trong từng khoảnh khắc theo tâm ý thiện hay ác và sẽ tác động đến hư không pháp giới.
Không ai có đôi mắt sáng lại nhắm mắt mà đi, tuy nhiên mắt sáng cũng không thể nhìn thấu kiếp mình nếu tâm thức mù lòa. Tôi - một người si mê bao nỗi, từng đi ngược lại ý hướng thuần thiện nhân bản, cũng từng hành tà đạo. Nhân duyên gặp đạo mới hay, các "thiên thần" và hóa thân của đấng Từ bi luôn chắt chiu từng cơ hội nhỏ hướng tha nhân về miền sáng tinh khôi.
Buông chấp vọng tưởng phân biệt khi giác quan ta tiếp xúc với cảnh trần, buông như ta vô tình làm rơi vỡ một viên ngọc quý giá vô ngần mà không móng khởi luyến tiếc, ấy là con đường khai phát trí giác sẵn có nơi tự tâm. Do thói quen huân tập lâu ngày trở thành "bản chất", đâu ngờ chân tâm ở mỗi chúng ta vẫn không hề nhuốm bụi trần.
Ba tôi, một người hiền lành nhân hậu, suốt đời dạy dỗ bao thế hệ học trò thành đạt, lại phải nằm khá lâu trước lúc từ giã cõi đời. Tôi nghĩ nếu để chịu đựng một ngày lâm bệnh của ba thôi cũng khó. Nhưng ba đã đổi lấy sự đau đớn, đổi thọ mạng ngắn ngủi để dạy đứa con bài học vô thường miên viễn.
Thế kỷ XXI - thời đại khoa học công nghệ. Nhiều phát minh, khám phá làm chấn động nhân loại. Một trong những công trình đó là khám phá ra biểu cảm của nước (cũng như khoa học phát hiện bản tánh của thực vật). Một thí nghiệm ở Nhật với hơn một trăm vị sư ngồi tụng niệm yêu thương bên hồ Tỳ Bà ô nhiễm rộng mênh mông, sau một buổi và những ngày sau đó, mang mẫu nước xét nghiệm thấy hồ nước đang dần trong trở lại.
Thân thể người do tứ đại hợp thành, trong đó nước chiếm từ khoảng 70%, vậy ra bệnh tật có nguồn từ sân hận, chấp trước, phân biệt, tự lợi, xan tham, mê đắm, tật đố, ngã mạn..., những thứ khiến cho tế bào nước trong thân thể nhiễm ô. Đại sư Buddhadasa người Thái Lan trong cuốn "Cốt lõi của cội Bồ đề" (Hoang Phong dịch) gọi đây là "bệnh tâm linh" - "là một căn bệnh không cho phép mình quán thấy được sự thật tối hậu của mọi sự vật đúng thật với những gì là như thế.
Do đó bệnh ấy là một thứ bệnh liên quan đến vô minh, hay là sự hiểu biết sai lầm, và nếu đã là một sự hiểu biết sai lầm thì tất nhiên là nó sẽ đưa đến những hành động sai lầm và từ đó phát sinh ra khổ đau".
Từng giây phút phước họa chiêu cảm từ ý niệm và hành vi đều chi phối đến vận mạng của ta. Hành vi thì đương nhiên ảnh hưởng đến thọ mạng, nhưng khoa học lượng tử chứng minh, những suy nghĩ chẳng những ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chính ta mà còn ảnh hưởng đến toàn thời-không trong vũ trụ.
Bản thân tôi từng sản sinh nhiều quan điểm lệch lạc. Từ gia đình bước ra xã hội, tôi gặp nhiều cảnh đời tăm tối. Con người bị dồn vào đường cùng bi đát, con người kêu ông trời, nhưng ông trời dường như không thấy. Học thánh huấn nghìn xưa truyền lại nhằm thấu tỏ vạn pháp huyễn giả rồi buông xuống.
Khi ta buông cái không phải chân lý, ngay đó là chân lý. Nhưng vẫn còn một cái ta biết/"sở hữu" chân lý ấy cũng cần buông để trở về nhi nhiên thuần thiện thuần tịnh và thuần lợi người cùng vạn vật - cái này khi dùng ngôn ngữ diễn tả, phải chăng người ta gọi nó là chân lý tối thượng? Nói vậy cũng đã lộng ngôn, bởi giả như cái mà phàm tình tôi có thể hiểu đến, âu cũng là cái thấy trong mộng mà thôi.
Là chỉ sờ mó và chấp nhận đưa ra một khái niệm tạm thời chứ không thể xuyên qua bản thể của nó được. Khoảng một phần tư giây là một khảy móng tay, trong một khảy móng tay có hàng trăm triệu lần sinh diệt, cực vi tế. Một vị thầy tâm linh giảng: một giây trên màn hình là sự ghép lại của 24 hình, tức 24 lần sanh diệt, nhưng mắt chúng ta chỉ thấy một bước chân người đi chứ đâu thấy được 24 hình ghép lại. Mức sinh diệt quá nhanh nên mắt bị lừa.
Sức hút tinh thần chính là sức hút từ cõi thiêng vốn sẵn trong mình. Tinh thần ở đây có thể hiểu là Tâm. Tâm là đích khai mở trí tuệ. Giới hạn của con người cần ở trong lễ nghĩa luân thường, tránh sa vào cái thấp hèn, vì nó là nghiệp dẫn khiến tâm không định; tâm không định sẽ không sanh trí tuệ, không sanh trí tuệ sẽ không soi chiếu trở lại thứ ánh sáng khiến người ta bước lên tầng thanh cao hưởng pháp vị diệu màu.
Tôi không yểu điệu, màu mè Tôi là nhân viên văn phòng, công việc ổn định, sáng đi làm, chiều về tập thể dục, rảnh rỗi tụ tập bạn bè cà phê, xem phim tán dóc. Tôi là độc giả thường xuyên của báo, thấy nhiều bạn tìm được nửa yêu thương và cùng nhau xây dựng tổ ấm dù không có điều kiện, tôi cũng cảm thấy vui...