Lời kể của người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân COVID-19
Điều dưỡng, nhân viên vệ sinh góp phần không nhỏ trong quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19.
“Sáng 23-1 (29 tháng Chạp), tôi chuẩn bị đi làm thì cả nhà ngăn lại rồi nói: “Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tiếp nhận hai cha con người Trung Quốc bị nhiễm virus Corona kìa. Bệnh này dễ lây lan lắm, thôi nghỉ làm đi. Khi nào họ hết bệnh rồi đi làm lại”. “Một chút hoang mang và lo lắng thoáng hiện trong suy nghĩ của tôi” – bà Huỳnh Thị Sáu (50 tuổi), nhân viên vệ sinh hợp đồng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, chia sẻ.
Tết không dám sang thăm láng giềng
Bà Sáu kể: “Do chị em trong tổ vệ sinh nhà xa nên tôi đăng ký làm suốt tết. Đùng một cái, ngày hai cha con người Trung Quốc nhập viện do COVID-19 trùng với lịch trực làm việc nên tôi không thể bỏ. Tôi nói cả nhà yên tâm rồi dắt xe chạy tới BV. Trên đường đi, tôi nghĩ miên man những việc phải làm để tránh nhiễm bệnh”.
6 giờ sáng mỗi ngày, bà Sáu mặc đồ bảo hộ lau sạch hành lang trước phòng hai bệnh nhân. Tiếp theo, bà Sáu vào phòng người bệnh lau sạch sàn nhà, chùi kỹ giường nằm, bàn ghế, tủ đồ. Sau đó bà thu gom vỏ trái cây, hộp đựng cơm bệnh nhân đã dùng rồi mang khử nhiệt trước khi cho vào thùng rác. Bà quần quật với công việc độ hai tiếng mới xong. Chiều tầm 14 giờ, bà lại tiếp tục những việc làm nói trên.
“Do gần môi trường dễ lây nhiễm nên tôi thận trọng từng chút. Nhiều người hỏi tôi có sợ nhiễm bệnh không, tôi trả lời rằng không sợ lây là không thiệt lòng. Tôi nói do được BV hướng dẫn kỹ càng cách ngừa lây nhiễm và cung cấp đầy đủ đồ bảo hộ nên tôi luôn an tâm” – bà Sáu trải lòng.
Bà Sáu dọn dẹp vệ sinh phòng ở cho hai bệnh nhân COVID-19 kéo dài từ ngày 23-1 đến ngày ông Li Ding xuất viện (ngày 12-2), tính ra cũng 20 ngày. Suốt 20 ngày, bà Sáu nghỉ đúng một ngày vì nhà có giỗ. “Xong công việc ở BV, tôi về tới nhà thì trời chập choạng tối. Tết nhất tôi chỉ ở nhà bên người thân, không dám thăm láng giềng hàng xóm vì sợ mọi người ái ngại” – bà Sáu bộc bạch.
Anh Nguyễn Minh Tâm kiểm tra thiết bị căn phòng anh Li Zichao đã nằm trị bệnh COVID-19. Ảnh: TRẦN NGỌC
Uống ít nước, có khát cũng phải chịu
Video đang HOT
“Tôi được phân công trực từ ngày 23 đến 25-1 (29, 30 tháng Chạp và mùng 1 tết Canh Tý 2020). Thời điểm này trùng với ngày cha con người Trung Quốc nhiễm bệnh COVID-19 và được điều trị tại BV” – anh Nguyễn Minh Tâm (40 tuổi), điều dưỡng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, cho biết.
Công việc hằng ngày của anh Tâm là mang thức ăn vào phòng hai bệnh nhân rồi cho uống thuốc và vệ sinh giường bệnh. Người con do trẻ, khỏe nên tự ăn và tự uống thuốc. Riêng người cha đã lớn tuổi, hai tay run rẩy nên anh Tâm phải đút từng muỗng cơm.
“Tôi không đứng trực diện mà đứng chéo góc với người cha khi đút cơm để phòng hờ tình huống bệnh nhân vô tình hắt hơi, văng cơm vô người tôi. Cho uống thuốc cũng vậy, tôi cho thuốc vô miệng bệnh nhân rồi cầm ly nước cho uống. Tôi cũng đứng xệch một bên để tránh trường hợp người cha ho và văng nước vào người tôi. Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tận tình nhưng phải cẩn thận để tránh lây nhiễm” – anh Tâm nói.
Vui với công việc nhỏ bé mà giúp họ khỏi bệnh
Ngày công bố người con (anh Li Zichao) hết bệnh, tôi rất vui. Đến khi người cha (ông Li Ding) được xuất viện do đã khỏi bệnh, tôi mừng lắm. Công việc tôi làm hằng ngày cho dù nhỏ bé, không ai biết nhưng phần nào cũng giúp cha con người Trung Quốc khỏe mạnh.
Bà HUỲNH THỊ SÁU, nhân viên vệ sinh Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy
Phòng bệnh nhân nằm không sử dụng máy lạnh, chỉ mở cửa sổ cho thông thoáng. Với lại, mỗi khi vô phòng cha con người bệnh là anh Tâm phải mặc đồ bảo hộ kín mít nên người rất nóng. Khi xong công việc, áo quần anh Tâm đẫm mồ hôi.
“Thật tình mà nói, công việc của tôi kéo dài trên dưới hai tiếng nên luôn nóng trong người, khát nước kinh khủng. Thế nhưng tôi không dám uống nước nhiều trước khi vào công việc vì không thể đi tiểu tiện trong lúc đang chăm sóc bệnh nhân. Tương tự, cho dù cháy khô cổ họng tôi cố chịu, không thể uống nước trong lúc thay drap giường, theo dõi tình trạng bệnh nhân” – anh Tâm chia sẻ.
Anh Tâm được nghỉ tết vài ngày, đến ngày 30-1 (mùng 6 tết), anh tiếp tục công việc chăm sóc y tế hai bệnh nhân COVID-19 như trước đây. Nhiều người biết việc anh Tâm đang làm dễ có nguy cơ nhiễm bệnh nếu sơ sẩy nên khuyên tạm thời xin nghỉ hoặc chuyển công việc khác. “Người thân, bạn bè lo cho tôi nên nói vậy nhưng tôi nghĩ nếu ai cũng sợ lây nhiễm thì hai bệnh nhân COVID-19 bị bỏ mặc à? Họ chẳng may mắc bệnh, mình làm được gì cho họ thì làm. Thiệt tình mà nói, khi nghe hai cha con người Trung Quốc hoàn toàn khỏe mạnh, tôi vui lắm” – anh Tâm tỏ lòng.
Sự góp sức không nhỏ của những người thầm lặng
Ngoài anh Nguyễn Minh Tâm và bà Huỳnh Thị Sáu, hai bệnh nhân Trung Quốc hết bệnh COVID-19 có công lao góp sức của BS Nguyễn Thị Thanh Bình (Khoa bệnh nhiệt đới) và nhân viên y tế Khoa xét nghiệm BV Chợ Rẫy cùng nhiều nhân viên y tế khác.
BS Thanh Bình là người trực tiếp khám ông Li Ding và anh Li Zichao khi cả hai được đưa vào phòng cách ly ở Khoa cấp cứu vào chiều 22-1 (28 tháng Chạp). Nghi ngờ cả hai bị COVID-19, BS Thanh Bình báo Khoa bệnh nhiệt đới chuẩn bị phòng cách ly để tiếp nhận. Mặc dù sức khỏe có hạn nhưng BS Thanh Bình vẫn chạy nhanh trên đoạn đường đưa hai bệnh nhân từ Khoa cấp cứu tới Khoa bệnh nhiệt đới. Những ngày sau, BS Thanh Bình mặc kín đồ bảo hộ trực tiếp thăm khám hai bệnh nhân.
Trong khi đó, nhân viên Khoa xét nghiệm thường xuyên tiếp cận hai bệnh nhân để lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Công việc này đòi hỏi hết sức cẩn thận để phòng tránh sự lây nhiễm.
Có thể nói hai bệnh nhân người Trung Quốc khỏi bệnh COVID-19 là nhờ sự góp sức không nhỏ của những người gánh vác công việc ít người nghĩ tới.
BS VÕ NGỌC ANH THƠ, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy
TRẦN NGỌC
Theo PLO
Điều trị thành công 14/16 ca nhiễm, phác đồ điều trị virus corona của Việt Nam có gì đặc biệt?
Mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có một phác đồ điều trị hiệu quả đối với bệnh do virus corona chủng mới (Covid-19). Tới nay, đã có 14/16 bệnh nhân được điều trị thành công.
Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đến thời điểm này, dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng Việt Nam đã có một phác đồ điều trị hiệu quả đối với Covid-19. Ngành y tế Việt Nam đã điều trị thành công cho 14/16 ca dương tính với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, trong số các ca bệnh nhân được điều trị thành công có trường hợp bệnh nhân có nhiều bệnh nền như: huyết áp, tim mạch, tiểu đường và từng cắt phổi do ung thư. Các bệnh nhân còn lại đang có sức khỏe tiến triển tốt và sẽ sớm được ra viện trong những ngày tới.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết để ứng phó với dịch bệnh, hệ thống khám chữa bệnh, ngành y tế đã họp ngay Hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành. Với căn bệnh này, thấy có những đặc thù với căn bệnh SARS trước kia và bệnh dịch mới nổi hiện nay nên Việt Nam có hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ những ngày trước Tết. Sau đó, Việt Nam tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện.
"Ngay sau khi điều trị khỏi cho 3 bệnh nhân ra viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị một lần nữa, đưa ra những chiến lược điều trị cụ thể từ hướng dẫn đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho bệnh nhân nặng bằng phương tiện hiện đại nhất. Có thể nói đối phó với dịch Covid-19, chúng ta luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới", PGS Khuê nhận định.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cùng các y, bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chúc mừng 2 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Ảnh: Dân trí
Trường hợp cháu bé 3 tháng tuổi được Bệnh viện Nhi Trung ương tích cực điều trị, không sốt, không ho, bú mẹ tốt, tình trạng sức khỏe ổn định. Kết quả xét nghiệm đã một lần âm tính. Nếu tiếp tục theo phác đồ điều trị, kết quả xét nghiệm âm tính tiếp, bé sẽ được ra viện sớm. Cả 16 bệnh nhân mắc COVID-19 ở Việt Nam đều tiến triển tốt, nhiều ca đã khỏi bệnh và chắc chắn không có trường hợp nào tử vong.
Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, việc phân tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện của Bộ Y tế như hiện nay là hợp lý, hiệu quả. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh. Với những bệnh nhân có triệu chứng không nặng, chưa diễn biến nặng nên ở tuyến tỉnh điều trị. Tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa đã giữ bệnh nhân điều trị tại tỉnh, Vĩnh Phúc điều trị bệnh nhân tại tuyến huyện với sự hỗ trợ của bác sĩ tuyến trên và đã thành công khi điều trị khỏi cho bệnh nhân.
Ông Khuê cũng cho biết theo thông tin từ phía Trung Quốc, đã có hàng ngàn cán bộ y tế nhiễm bệnh và có ca tử vong. Đến giờ phút này chưa có thầy thuốc nào tại Việt Nam bị nhiễm COVID-19.
"Đối với bệnh truyền nhiễm, nguyên tắc số 1 là phải cách ly thật tốt. Đối với đại dịch này, đặc biệt trong khu vực bệnh viện, phải đảm bảo nguyên tắc tuyệt đối cách ly nguồn bệnh. Do vậy, khi tiếp nhận người bệnh (có thể là người bệnh nghi ngờ, có thể dương tính nhẹ, hay nặng) ở tất cả khu vực này, khi người bệnh bắt đầu bước chân vào, bệnh viện phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc cách ly của Bộ Y tế", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói thêm.
Liên quan tới những băn khoăn của người dân về khả năng lây nhiễm bệnh tiềm tàng của những bệnh nhân Covid-19 trở về cộng đồng sau khi được công bố khỏi bệnh, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, về nguyên tắc, khi bệnh nhân đã hết virus, nghĩa là hệ miễn dịch của bệnh nhân đã đủ mạnh để làm sạch virus, thì họ sẽ không có nguy cơ phát tán virus, nghĩa là không có nguy cơ lây lan cộng đồng.
Tuy nhiên, vì cộng đồng vẫn có sự lo ngại, e dè nhất định, nên các bệnh nhân sau khi được công bố khỏi bệnh, sẽ được giữ lại ở bệnh viện để chăm sóc, theo dõi thêm một thời gian. Những trường hợp khỏi bệnh đã trở về cộng đồng cũng liên tục được theo dõi tình trạng sức khỏe.
Bảo Lâm
Theo vietQ
Tin vui bất ngờ một phương pháp điều trị cho bệnh nhân covid-19 có tín hiệu lạc quan Trang scmp dẫn tin, các bệnh nhân hồi phục từ covid-19 có thể tìm thấy kháng thể trung hòa virus trong máu nhưng hiện tại nguồn tiếp viện máu hỗ trợ điều trị vẫn bị hạn chế. Theo trang scmp, chuyên gia hô hấp Zhong Nanshan cho biết, các phương pháp đầu tiên từng điều trị cho các bệnh nhân cúm gia cầm...