Lời kể cay đắng của bí thư đoàn bị kết án oan 3 năm tù
Sau 3 năm phải ngồi tù oan, anh Lý cay đắng kể lại những ngày oan khuất trong tù, những gì người thân phải chịu đựng.
Anh Bùi Minh Lý (32 tuổi, ngụ ấp Trung, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) còn nhớ như in ngày tai họa ập đến. Hôm đó đúng tối chủ nhật (19/1/2014), anh chạy xe từ nhà lên cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh ( TP.HCM), đón vợ làm nghề tóc về nghỉ Tết.
Buổi đi đón vợ định mệnh ấy bỗng dưng biến anh Lý trở thành bị can trong vụ cướp giật sợi dây chuyền của chị T. (ở phường 25, quận Bình Thạnh) xảy ra trong đêm hôm đó. Anh bị bắt giam!
Người ta chỉ nghe lời khai một phía
Tối đó, khi anh Lý chạy xe máy vào hẻm ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, gần chùa Bảo Minh thì bất ngờ có 2 thanh niên ép xe, chặn vào lề, đánh tới tấp và nói anh cướp giật dây chuyền. Không hiểu chuyện gì đang xảy ra, anh chỉ kịp nói “tôi đi đón vợ tôi, tôi không giật dây chuyền của ai hết”.
Sau một hồi đánh anh Lý, hai thanh niên đó nói “nếu không giật thì đi theo bọn tao” .
“Nghĩ mình không lấy gì của ai nên tôi đi chứ sợ gì. Khi tôi đến hiện trường xảy ra sự việc thì tôi bị đánh thêm một lần nữa”, anh Lý kể lại.
Khi tới Công an phường 25 (quận Bình Thạnh), anh Lý bị buộc tội cướp dây chuyền dù anh một mực kêu oan.
” Tất cả các giấy tờ hỏi lời khai, hỏi cung… tôi trả lời y chang từ đầu đến cuối, tại vì sự thật là như vậy sao lại nói khác được. Ba ngày sau, tôi bị tạm giam tại Công an quận Bình Thạnh “, anh Lý nhớ lại.
Lúc bị đưa về công an, có bà T. (nạn nhân) ở đó, bà T. khẳng định anh chính là kẻ giật dây chuyền. “Tôi bất ngờ không hiểu vì sao mình lại bị như vậy. Họ chỉ căn cứ lời khai của bị hại” , anh Lý kể.
Anh Bùi Minh Lý, người bị TAND quận Bình Thạnh kết án 3 năm tù oan. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Video đang HOT
Năm 2015, TAND quận Bình Thạnh tuyên phạt anh Lý 3 năm tù về tội “cướp giật tài sản”. Anh Lý cùng gia đình kháng cáo kêu oan mấy năm ròng, đến khi xét xử phúc thẩm ngày 26/9/2015, Toà phúc thẩm đã tuyên huỷ án sơ thẩm với nhận định: “Tuyên bị cáo có tội chỉ căn cứ vào các chứng cứ gián tiếp, chưa khách quan. Lời khai của người bị hại và người làm chứng có rất nhiều mâu thuẫn nên chưa đủ cơ sở chứng minh… kết án mang tính quy chụp, vi phạm tố tụng nghiêm trọng…”.
Trong khoảng thời gian trả hồ sơ xét xử lại, anh Lý vẫn bị tạm giam, đến ngày 1/6/2016 thì được tại ngoại. Và phải mất hơn 2 năm sau, anh Lý mới được xóa bỏ tư cách bị can khi Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án vào ngày 31/7/2018.
Sau 28 tháng 10 ngày ở trong trại giam, tinh thần anh Lý khủng hoảng. “Một ngày trong tù dài đằng đẵng, đó là môi trường sinh tồn khắc nghiệt, phải tranh giành từng miếng ăn, chỗ ngủ.
Nhiều khi tôi nghĩ những người đã làm oan sai cho tôi chỉ cần vào ở 10 ngày thôi, không cần nhiều, họ sẽ trải qua cảm giác khổ đau mà những người bị oan như tôi phải chịu đựng”, anh Lý bày tỏ.
Gia đình suy sụp, mượn tiền đi kêu oan khắp nơi
Sau khi anh Lý được tại ngoại, chưa kịp vui mừng thì nghe người thân nói đã vay 130 triệu đồng để đi thăm nuôi, kêu oan và thuê luật sư cho anh. Số tiền đó với anh quá lớn, khiến tinh thần anh đã bất ổn nay càng hoảng loạn hơn.
” Cha mẹ thương con, vợ thương chồng, trong nhà có gì bán được gia đình tôi bán hết để kêu oan cho tôi. Mảnh đất hơn 200m2 với giá 50 triệu, vàng cưới của hai vợ chồng cũng bán đi, ngoài ra còn vay tiền ngân hàng và vay thêm bà con họ hàng mỗi người một ít để làm hồ sơ kêu oan. Vừa ngồi tù oan, vừa được về, giờ lại nai lưng mà làm trả nợ. Trời ơi, sao vậy trời!”. , anh Lý cay đắng kể.
Sau khi tại ngoại, anh Lý phải gồng mình để trả số nợ gia đình vay mượn để kêu oan cho mình. (Ảnh; Hoàng Thọ)
Thời điểm bị bắt, em trai anh Lý mới qua đời được 6 tháng, là con cả, anh phải lo liệu mọi việc trong nhà. Gánh nặng cứ thế đè lên vai anh.
Cũng từ ngày anh bị bắt oan, người cha già – ông Bùi Văn Luân (55 tuổi) đang điều trị nhiều căn bệnh buộc phải thay con trai gồng gánh mọi việc. “Cả nhà tôi suy sụp tinh thần nhưng rồi vẫn phải ráng đi làm để có tiền thăm nuôi và thuê luật sư kêu oan cho con” , ông Luân bùi ngùi.
Trước khi bị bắt, anh Lý từng là Bí thư chi đoàn ấp Trung, xã Đông Thạnh với nhiều bằng khen về công tác. Lúc đó, người thợ xây dựng này cũng là một đảng viên dự bị, sắp được chuyển đảng chính thức. Những bằng khen từ công tác đoàn của anh không giúp gì được khi ra tòa.
Anh Lý kể, sau khi được toại ngoại, anh từng lên TP.HCM để tìm gặp gia đình bà T., với mục đích nói với gia đình bà T. mình không phải là kẻ cướp giây chuyền của bà và đã được minh oan. Nhưng sau 3 lần tìm kiếm, anh Lý không gặp được bà T.
“Tôi giờ tập trung kiếm việc, kiếm tiền lo cho gia đình và trả nợ, đến nay tôi cũng trả được một khoản rồi. Bây giờ mình cũng không mặn mà gì với công tác đoàn nữa. Huyện ủy cũng có xuống gặp trực tiếp, động viên tiếp tục cố gắng để chuyển đảng chính thức, nhưng tôi xin thôi” , anh Lý bộc bạch.
Bí thư đoàn bị kết án 3 năm tù oan: Thẩm phán phải chịu toàn bộ phí bồi thường?
Theo luật sư, khi Nhà nước bồi thường xong, người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại phải có nghĩa vụ hoàn trả số tiền Nhà nước đã bỏ ra bồi thường cho người dân.
Những ngày qua, câu chuyện về anh Bùi Minh Lý (32 tuổi, ngụ ấp Trung, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) - chàng trai bị TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) kết án 3 năm tù oan đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.
Trước khi bị bắt, anh Bùi Minh Lý từng là Bí thư chi đoàn ấp Trung với nhiều bằng khen về công tác. Lúc đó, anh Lý cũng là một đảng viên dự bị, sắp được chuyển đảng chính thức.
Nhiều người thắc mắc, tại sao dù không đủ chứng cứ xác định phạm tội nhưng TAND quận Bình Thạnh vẫn "thẳng tay" kết tội anh Lý cướp giật tài sản và xử phạt 3 năm tù giam. "Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại", vậy ai sẽ chịu trách nhiệm với bản án đã huỷ hoại cả tuổi trẻ của anh Bùi Minh Lý?
Anh Bùi Minh Lý, người bị TAND quận Bình Thạnh kết án 3 năm tù oan. (Ảnh: Thy Huệ)
Sáng 10/3, trả lời VTC News về vấn đề này, luật sư Trần Minh Cường - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, việc kết án sai làm mất hết cơ hội chính trị, cơ hội cuộc sống cho bản thân người bị kết án oan và cho cả gia đình họ.
Đối với trường hợp của anh Bùi Minh Lý, việc cần làm ngay của các cơ quan chức năng là công khai xin lỗi anh Lý theo quy định của pháp luật. Sau đó, rà soát lại toàn bộ vụ việc và nhanh chóng bồi thường cho anh Lý theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Về trách nhiệm bồi thường, Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước cũng đã quy định rõ trong Điều 60 và Điều 64.
Theo đó, đối với kinh phí bồi thường, Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Kinh phí bồi thường bao gồm tiền chi trả cho người bị thiệt hại và chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại.
Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách Trung ương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách Trung ương. Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh. Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm cấp phát kịp thời và đầy đủ kinh phí bồi thường.
Người thi hành công vụ có lỗi (Thẩm phán, điều tra viên...) có nghĩa vụ hoàn trả số tiền Nhà nước đã bỏ ra bồi thường cho người dân.Luật sư Bùi Minh Cường - Đoàn Luật sư TP.HCM
Như vậy, khi có yêu cầu bồi thường có cơ sở, Nhà nước phải bố trí kinh phí để bồi thường cho người có yêu cầu. Tuy nhiên, khi Nhà nước bồi thường xong thì người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại (Thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên...) phải có nghĩa vụ hoàn trả ngân sách một phần hoặc toàn bộ số tiền Nhà nước đã bỏ ra bồi thường cho người dân theo quy định tại Điều 64.
Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường.
Luật sư Cường cũng cho biết thêm, đối với các vụ bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, các khoản bồi thường có thể gồm: Thiệt hại về tài sản do bị xâm phạm, thiệt hại về thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, thiệt hại về vật chất do người thiệt hại bị mất, thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm hại, thiệt hại về tinh thần, chi phí khiếu nại...
Người bị thiệt hại có nghĩa vụ cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu bồi thường và chứng minh những thiệt hại thực tế, mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
"Trên thực tế, giá trị yêu cầu bồi thường của người bị oan sai là rất lớn vì thời gian nhiều và đôi khi những thiệt hại mang tính vô hình khó có thể cân đo đong đếm được. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác thực hiện bồi thường thiệt hại của Nhà nước bị kéo dài do quá trình thương lượng, các bên khó tìm được điểm chung để thống nhất giải quyết", luật sư Trần Minh Cường cho hay.
Chia sẻ với VTC News, anh Bùi Minh Lý cho biết, điều hiện tại anh mong muốn nhất là nhận được lời công khai xin lỗi của TAND quận Bình Thạnh tại nơi anh cư trú là ấp Trung (xã Đông Thạnh). Còn việc bồi thường, anh đã nhờ luật sư nghiên cứu với mức hợp lý để không quá làm khó ai.
"Giờ tôi chỉ cần TAND quận Bình Thạnh về đây (ấp Trung, xã Đông Thạnh) công khai xin lỗi tôi. Tôi sống ở đây, dân làng biết tôi, tôi mang oan họ dị nghị, vì vậy tôi cần được rửa oan tại đây. TAND quận Bình Thạnh nói sẽ công khai xin lỗi ở Bình Thạnh, tôi không chấp nhận, vì ở đó có ai biết tôi là ai đâu", anh Lý nói.
Tối 19/1/2014, vợ chồng chị N.T.T. đãi tiệc tất niên ở Phường 25 (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Bàn tiệc đặt ở hai bên đường hẻm. Khi chị T. bưng thức ăn ra thì bị một thanh niên chạy xe máy giật sợi dây chuyền rồi phóng ga tẩu thoát. Sau đó, chồng chị T. và một người trong đám tiệc lấy xe máy đuổi theo. Đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, khi thấy anh Lý đang chạy xe thì hai người này áp sát, xông vào đánh, khống chế anh Lý và mời công an đến làm việc.
Tháng 7/2015, TAND quận Bình Thạnh xử sơ thẩm, tuyên phạt anh Lý 3 năm tù về tội cướp giật tài sản. Trong hơn 28 tháng bị tạm giam, anh Lý bị đưa ra tòa 5 lần, 3 phiên sơ thẩm và 2 phiên phúc thẩm. Ngay từ đầu khi bị bắt tạm giam, anh Lý đã kêu oan.
Tháng 9/2015, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã hủy án, trả hồ sơ để điều tra lại. Sau nhiều lần trả hồ sơ, ngày 31/7/2018 cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra với anh Lý do đã hết thời hạn điều tra mà không đủ chứng cứ xác định anh phạm tội.
Sau khi xác định anh Lý bị oan, đại diện các cơ quan tố tụng quận Bình Thạnh liên lạc anh Lý đề nghị được tổ chức xin lỗi anh tại TAND quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, anh Lý không đồng ý mà yêu cầu phải xin lỗi anh tại địa phương nơi anh sinh sống.
Bí thư chi đoàn bị kết án oan: ' tôi từng muốn chết đi' "Lúc đó tôi nghĩ chết còn sướng hơn sống. Nhưng rồi lại suy nghĩ mình không có làm, nếu mình chết đi thì mãi mãi sẽ là một tội phạm. Do đó tôi ráng cố gắng", anh Lý nói. Trưa 8/3, anh Bùi Minh Lý (ngụ tỉnh Long An) bước từ trong nhà ra với chiếc áo sơ mi cũ, chiếc quần tây...