Lời hứa bên nhau trọn đời là có thật! Như cái cách mà ông đã bên bà 60 năm qua…
Người vợ vì biết mình không thể có con nên đã 3 lần làm đơn ly hôn để “giải thoát” cho chồng. Nhưng bằng trái tim lãng mạn và trên hết là lời hứa sẽ nắm tay bà mãi mãi, họ đã ở bên nhau gần 60 năm qua…
Cặp vợ chồng ông Thọ và bà Tú.
Tôi đã từng đọc ở đâu đó nghiên cứu từ các nhà khoa học uy tín rằng, tình yêu sinh ra bởi các loại hoóc-môn sinh học. Vì bị chi phối bởi hoóc-môn nên tình yêu cũng chỉ có một thời hạn nhất định. Trong bối cảnh xã hội hiện đại như ngày nay, việc mơ đến một mối tình chung thủy suốt đời, có lẽ là ước muốn của nhiều người. Báo cáo của Bộ VH-TT&DL, phối hợp với Tổng cục Thống kê, dưới sự hỗ trợ của UNICEF cho thấy, số vụ ly hôn tại Việt Nam đang tăng chóng mặt. Nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly hôn thì năm năm 2010, con số này đã lên tới 126.325 vụ.
Giữa lúc nhiều người đang mất đi niềm tin vào hôn nhân và các mối quan hệ tình cảm lâu dài thì vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Thọ lại âm thầm chứng minh điều ngược lại. Nếu được gặp và trò chuyện với họ, tôi tin chắc, bạn sẽ cảm thấy rằng, tình yêu vĩnh cửu là có thật. Nó kéo dài qua tuổi trẻ, cho đến khi về già, người ta vẫn có thể yêu nhau bằng tình yêu ngọt ngào, sắt son.
Người vợ 3 lần làm đơn ly hôn để giải thoát cho chồng
Ông Thọ năm nay đã 85 tuổi và vợ ông – bà Đinh Thị Ngọc Tú cũng đã bước sang tuổi 79. Dù tuổi cao nhưng cả hai vẫn duy trì nếp sống rất tươi trẻ. Buổi sáng, khi vừa đặt chân đến ngôi nhà của họ ở khu chung cư Trung Hòa – Nhân Chính, điều làm tôi ngạc nhiên chính là gu âm nhạc trẻ trung của hai ông bà. Họ nghe bài hát “Nơi tình yêu bắt đầu” với âm lượng cỡ lớn và trong lúc ông đang bận sửa soạn quần áo thì bà Tú đi lại, sắp đặt đồ đạc thật ngăn nắp. Ngôi nhà có 2 người già sinh sống nhưng lúc nào cũng gọn gàng, tràn đầy hoa lá với gam màu sáng và lãng mạn như của những người trẻ.
Nụ cười hạnh phúc của ông Thọ khi nhắc đến vợ mình.
Năm tháng dường như chưa bao giờ là vật cản với tình yêu của họ. Trong ngôi nhà này, tình yêu luôn hiện hữu khắp nơi. Hai người tóc đã bạc vẫn xưng hô với nhau là “anh – em” ngọt ngào. Họ tôn trọng nhau từ những cử chỉ, lời nói nhỏ nhất. Lúc ông Thọ trò chuyện với tôi, khi bà Tú muốn lên tiếng đều nhẹ nhàng nói “em xin phép nói thêm nhé…”.
Họ đã sống bên nhau như thế gần 60 năm cuộc đời. Trong suốt thời gian ấy, họ chưa từng có con. B à Tú mắc bệnh hẹp ống dẫn trứng, dù đã chữa trị nhiều nơi, đã tìm đến các danh y hàng đầu Việt Nam… kết quả nhận lại chỉ là những nỗi tuyệt vọng.
Khi hiểu mình không thể sinh con, bà Tú đã 3 lần viết đơn ly hôn, mục đích để giải thoát cho chồng đi tìm hạnh phúc khác. Đối với bà, mỗi lần ngồi làm đơn là một lần trái tim đau đến rỉ máu. Nhưng vì yêu, thương chồng, bà luôn cảm thấy, nếu cứ cố giữ tình yêu này lại cho riêng mình, đó là ích kỷ.
Dù đã cao tuổi nhưng hai ông bà vẫn luôn hạnh phúc bên nhau từng ngày.
Video đang HOT
Những lúc rảnh rỗi, họ có sở thích khiêu vũ để rèn luyện sức khỏe.
“Tôi không có con nhưng nhà tôi thì bình thường. Tôi nghĩ rằng bây giờ có thể chồng tôi còn trẻ, chưa nghĩ nhiều đến chuyện con cái nhưng rồi sau này sẽ ra sao, ai chẳng mong có người dựa dẫm lúc tuổi già”.
Thế là cứ cách vài năm, bà Tú lại viết một lá đơn, sẵn sàng chấp nhận việc lìa xa ông Thọ – tình yêu lớn nhất của mình. Thế nhưng 3 lần làm đơn cũng là 3 lần bà Tú nhận lại những cái lắc đầu từ chối. “Đến lần thứ 3, nhà tôi tỏ ra giận giữ và xé đơn. Ông nói tôi làm thế là xúc phạm ông ấy…”.
Từ đó về sau, hai người không bao giờ đề cập đến chuyện sinh con hoặc ly hôn nữa và cùng nhau, sống hạnh phúc từng ngày. Đã có lúc họ nghĩ đến chuyện nhận con nuôi nhưng rồi cả hai đều thống nhất rằng, con cái là kết quả hiện hữu của tình yêu, họ tôn trọng điều đó nên không muốn nhận một đứa trẻ xa lạ để bù lấp khoảng thiếu hụt của mình.
“Tôi nghĩ lấy nhau mà có con là hạnh phúc, lý tưởng được cụ thể hóa. Nếu không có con thì anh phải tìm một nguồn vui khác. Nguồn vui của tôi đơn giản là sống với nhau và yêu thương nhau nhiều hơn”, ông Thọ quan niệm.
Mỗi năm dắt tay nhau đi du lịch một nước, sẽ vào viện dưỡng lão khi về già
Ông Thọ trước đây từng làm rất nhiều công việc khác nhau. Ông từng là Trưởng ban biên tập phát thanh thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Đài tiếng nói Việt Nam, cán bộ văn phòng Quốc hội, Tổng biên tập đầu tiên của báo Đại biểu Nhân dân, giảng viên lâu năm của khoa Quan hệ Quốc tế – ĐH Đông Đô… Ông biết tới 4 ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Trung và là một trong những trí thức Hà thành có tiếng hồi những năm 60 của thế kỷ trước.
Ông Thọ quen bà Tú trong một dịp tình cờ đến chơi nhà em họ. Một tiếng sét ái tình chợt lóe sáng bên tai họ và ngay từ lần đầu, cả hai đã nhận ra đối phương chính là một nửa mà mình đang cất công tìm kiếm.
Hàng tuần. vợ chồng ông Thọ lại dành thời gian sinh hoạt cùng CLB khiêu vũ gần nhà.
Hai người luôn làm mọi thứ cùng nhau.
Dù tuổi cao nhưng ông Thọ luôn là người đàn ông rất lãng mạn.
Lấy nhau, trải qua nhiều khó khăn của thời kỳ chiến tranh, bao cấp, cả hai vẫn thủy chung với tình yêu của mình. Có khoảng thời gian, hai người phải đi sơ tán xa nhau 50km, thế mà ngày nào họ cũng nhớ thương nhau như hồi mới yêu. Cứ mỗi tuần, ông Thọ lại bất chấp nguy hiểm, vất vả đạp xe về thăm bà Tú. Khi gặp nhau, nước mắt hạnh phúc ngập tràn. Nếu họ lỡ hẹn, dù chỉ một lần thôi là ruột gan hai vợ chồng lại cồn cào như có lửa đốt… Bây giờ, khi ngồi kể lại những kỉ niệm tình yêu ấy, tôi vẫn thấy đôi mắt của cả hai ông bà đều sáng lên, lấp lánh niềm vui, hạnh phúc.
Bà Tú nói rằng vì thương bà và lo cho tương lai, t hời còn trẻ, ông Thọ luôn tích cực lao động, làm thêm các công việc dịch sách và dạy học để có thêm thu nhập, tích lũy khi về già. Bản thân bà trong thời gian còn làm y sĩ ở bộ Nội thương cũng tích cực làm thêm để phụ giúp chồng. Bây giờ cả hai người đã nghỉ hưu nhưng kinh tế vẫn vững vàng. Họ đã dự định rất xa cho một tương lai không còn ai nương tụa khi tuổi cao, sức yếu.
“Tôi đã nghĩ trong một vài năm nữa, khi sức lao động không còn, chúng tôi phải vào trung tâm nuôi dưỡng người già. Hai chúng tôi đặt hàng trước sẽ có 1 phòng, không rộng lắm, chỉ khoảng 20m2, có đầy đủ tiện nghi và chúng tôi sẽ trả tiền hàng tháng”, ông Thọ nói.
Ảnh chụp của hai vợ chồng ông Thọ trong các chuyến du lịch.
Cuộc sống của hai ông bà hiện tại rất viên mãn. Mỗi buổi chiều, họ nắm tay nhau tản bộ. Một tuần 3 buổi, họ tham gia CLB khiêu vũ gần nhà và mỗi năm, cặp đôi lại đi du lịch một nơi. Đến bây giờ, cả hai đã cùng đi được 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, riêng ở Việt Nam, họ đã đi hầu khắp các điểm du lịch lớn.
Người ta thường nói phụ nữ là người giữ lửa hạnh phúc gia đình nhưng bản thân bà Tú lại tự nhận mình là người có tâm sinh lý bất ổn và nhiều lúc giận nhau, chính ông Thọ lại là người xuống nước. Ông Thọ nói ông chính là chấp nhận sự vô lý ở bà Tú bởi ông hiểu, phụ nữ không có con, họ thiệt thòi và đôi khi, thường hay nghĩ tiêu cực, tính khí thất thường.
Ông Thọ có thói quen ghi nhật ký mỗi ngày.
Ông Thọ có thói quen viết nhật ký mỗi ngày – vừa là cách để luyện trí nhớ, vừa là lưu lại những khoảnh khắc ngọt ngào bên vợ. Tôi chợt nghĩ, có lẽ ít có người đàn ông nào lãng mạn như thế khi tuổi đã cao. Chính ông Thọ cũng nói hai vợ chồng ông đã đi qua thời trai trẻ lãng mạn và sự lãng mạn ấy không mất đi mà ngày một tăng lên, được củng cố thêm.
Bà Tú luôn khiêm tốn, cho rằng chính ông Thọ mới là người nhường nhịn mỗi khi vợ chồng giận nhau.
Để khép lại câu chuyện tình yêu đẹp này, tôi xin phép mượn lời của BTV Diệp Chi từng chia sẻ trên trang cá nhân rằng: “Tôi tin vào những điều mình được tận mắt chứng kiến để khẳng định rằng tình yêu vĩnh cửu là có thật, lời hứa “ bên nhau trọn đời” là có thật. Dẫu có thêm bao nhiêu lần “60 năm cuộc đời” đi nữa thì đôi bàn tay ấy vẫn cứ nắm chặt, hai dáng hình ấy vẫn cứ quấn quýt – bởi họ sinh ra là dành cho nhau, bởi họ đến với nhau và ở bên nhau mãi mãi là định mệnh – chẳng thể nào khác được. Đừng ước có nhiều người yêu, hãy ước chỉ một bàn tay nhăn nheo cầm lấy tay mình khi mắt đã mờ, chân đã chậm… Có những điều, chỉ khi không còn cơ hội làm gì nữa, ta mới biết quý trọng, nâng niu”.
Theo Afamily
Có thật kiếp trước tôi mắc nợ anh ta?
Giờ tôi không biết phải làm sao với người chồng "hết thuốc chữa" này. Rồi còn cái bụng bầu và đứa con đang học bán trú... Hay tại kiếp trước tôi mắc nợ anh ta?
Tôi 34 tuổi, lấy chồng từ năm 20, trôi dạt tứ phương không kể xiết. Từ một cô gái miền Trung giờ tôi còn thạo món cà nấu nước dừa, khô cá lóc lá sầu đâu, biết chèo xuồng ba lá ở miền Tây; lên miền Đông thì biết cạo mủ cao su, nhặt hột điều, suốt mùa điều ở tuốt trong vườn chỉ có món cơm trắng với trái điều vắt ráo kho sả ớt. Tôi cũng từng có hai năm làm người Sài Gòn hoa lệ với việc bán hàng rong trong khi chồng chạy xe ôm. Rồi không kham nổi giá cả đắt đỏ và nạn cá độ, chúng tôi bỏ Sài thành, lên trụ lại xứ sở ngàn thông, làm thuê ở một trang trại rau sạch.
Ảnh minh họa
Tất cả là tại chồng tôi. Bốn mươi rồi, gọi lão thì chưa phải, gọi anh nghe cũng không đúng mấy, nhưng chẳng lẽ gọi thằng? Thôi thì gọi "anh ta" vậy. Chúng tôi lấy nhau chẳng qua chỉ vì hai ông già là bạn nhậu. Nhậu rồi hứa làm sui, tưởng nói khơi khơi vậy thôi, ai dè con gái lớn lên thì gả thật. Không ưng ư? Ông già khăng khăng: "Ngày người ta bước tới, mi không ưng thì đó là ngày giỗ của tao". Vậy là đành chịu, trả một cục hiếu, cứu một mạng người, đồng nghĩa với chôn đời mình vào huyệt mộ.
Chồng tôi không chỉ nghiện ruợu như cha của anh ta mà còn bài bạc, cá độ. Cưới chưa đầy năm đã tám lần chủ nợ đến nhà kiếm. Tôi bảo, một là thôi nhau, hai là đi xứ khác làm ăn, ở đây với cảnh cơm không đủ ăn mà nợ cứ đòi thì tôi không chịu được. Vậy là dắt díu nhau đi. Về miền Tây đi biển theo lời một người đồng hành trên chuyến xe "tư vấn". Đi biển cũng được, vì đó là nghề của chồng tôi. Tôi cũng biết sang cá, bán cá. Cảnh lạ quê xa chắc không nhiều bạn bè để bài bạc, nhậu nhẹt. Ai dè tôi "bé cái lầm". Người nơi đó rất xông xênh, cứ xong việc là gầy chiếu nhậu, "mồi" thì ê hề quanh ao, quanh vườn.
Tôi bái phục nhất là cảnh chồng nhậu say lăn quay, vợ chống xuồng ba lá tới vác chồng bỏ lên xuồng, nổ máy mang về. Ở đây, chồng tôi "lách" chuyện bài bạc bằng cách chơi hụi, nhưng cứ bảo tôi đưa tiền đóng để "nuôi chót" rồi len lén "hốt đầu". Mãn kỳ, tôi tính sắm sửa cái này cái nọ cho khỏi cảnh ở đậu, thì chồng gãi đầu gãi tai, ấp a ấp úng... Tôi ở miền Tây lâu nhất, vì đứa con đầu lòng ra đời, nơi này đã cưu mang mẹ con tôi. Nhưng khi quen cảnh, quen người, chồng tôi bắt đầu mượn nợ để bài bạc nên đành lòng ra đi.
Chúng tôi dắt díu nhau lên Bình Phước giữ vườn điều, nhặt hạt điều thuê cũng dư sống nhưng cảnh cũ tái diễn. Tôi không hiểu sao mấy ông nhậu "thảo ăn" tới vậy. Có xị rượu cũng ngoắc vào "làm một ly cái coi" dù đó là người chưa quen. Vậy là lại lên đường. Vào Sài Gòn bát nháo lao xao nhưng ai cũng sống được. Không bà con thân thuộc, không quen biết họ hàng chắc con ma rượu, ma bài không níu áo chồng tôi được nữa. Nhưng rồi con nhỏ đau bệnh, tiền nhà, tiền gas, tiền nước, tiền điện... chỉ trông vào sào hàng hóa tả pí lù của tôi.
Còn chồng? Chạy xe ôm cũng được nhưng chẳng hề đưa về cho mẹ con tôi đồng nào. Khổ sở. Thiếu thốn. Bà chủ nhà trọ thương tình bảo, bà có người em họ ở Lâm Đồng rất cần công nhân phụ vườn rau sạch. Tạng người tôi có lẽ không hợp với phố phường, lên đó giá cả rẻ, rau cải hàng ngày cũng khỏi tốn tiền. Chồng tôi đồng ý đi vì có lẽ háo hức vùng đất mới. Đứa con gái 12 tuổi lại chuyển trường.
Quả thật Lâm Đồng là nơi "đất lành chim đậu". Người dân ở đây hiền lành và thân thiện. Tôi được nhận ngay vào làm công nhân với lương ba triệu/tháng, được nuôi cơm ngày hai bữa. Con học bán trú. Chồng chê việc trang trại mưa không tới lưng nắng không táp ngực "là việc đàn bà" nên ra chợ Đà Lạt chạy xe ôm "cho biết người biết ta". Nhưng, chuyện cũ tái diễn. Mới ở được bốn tháng mà anh đã mượn nợ đến 50 triệu đồng.
Tôi biết được là nhờ bà chủ nợ đến tận trang trại tìm, làm dữ, đòi tôi phải ứng lương để trả nợ cho chồng. May mà bà chủ của tôi cũng... "không phải dạng vừa". Bà hỏi bà chủ nợ cho mượn nợ có giấy tờ không? Trong giấy đó "con nhỏ này" có ký nhận không? Nhờ vậy mà tôi "thoát" và biết nợ anh ta mượn tới hai mươi phần trăm lãi suất/tháng.
Cù cưa cù nhằng cũng mất hai tháng mới truy ra tất cả những món anh ta nợ. Tôi bảo giờ đã cùng đường đi rồi. Nếu anh không tự giải quyết được thì ly hôn. Anh ta hoảng hốt thật sự, vừa năn nỉ van xin, vừa cúc cung mỗi ngày mỗi đi về, đưa tiền chạy xe được cho vợ, lại làm hết việc nhà. Để thu nhập căn bản hơn, anh ta xin làm công nhật ở trại rau từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần. Thứ Bảy và Chủ nhật có khách du lịch thì đi chạy xe ôm. Tôi lại một lần nữa tin anh ta và bất ngờ bị "vỡ kế hoạch", khi phát hiện mình có bầu ba tháng thì cũng là lúc chủ nợ đến "truy sát" anh ta. Lần này là những người đàn ông xăm mình với tờ giấy thế chấp nhà - dù là nhà thuê và 100 triệu tiền mặt anh ta nợ.
Tôi không chịu được nữa, ngã khuỵu bên bàn ăn. May nhờ hàng xóm đưa đi cấp cứu. Giờ tôi không biết phải làm sao với người chồng "hết thuốc chữa" này. Rồi còn cái bụng bầu và đứa con đang học bán trú... Hay tại kiếp trước tôi mắc nợ anh ta?
Theo PNO
Điều thật sự người con gái cần ... Lọt thỏm giữa một đêm khuya khoắt cuối năm, vi vút trên đường phố Sài Gòn trong vắt khí Xuân, tôi ngồi một bên, đung đưa chân trên xe của một người bạn, tôi hỏi: Điều tuyệt vời nhất anh từng làm cho bạn gái cũ của anh là gì? Anh trả lời đó là vào ngày sinh nhật của cô, anh đã...