Lợi, hại của các phương pháp trị mụn
Trị mụn bằng mỹ phẩm chứa corticoid
Tác dụng điển hình của corticoid là chống viêm và điều trị các bệnh dị ứng. Đây là loại thuốc có chỉ định điều trị về một số bệnh lý của da nhưng lại được nhiều bệnh nhân mụn trứng cá tin tưởng và ưa chuộng vì hiệu quả cực nhanh, chỉ trong thời gian rất ngắn (thường khoảng một tuần) là khỏi mụn; hơn nữa, da cũng trở nên trắng trẻo, giảm nhờn và căng mịn. Chính vì điểm này mà nhiều người lầm tưởng đây là thuốc tốt và mua về sử dụng. Hầu hết các loại kem trộn được bán ngoài chợ với giá vài chục nghìn cũng chứa corticoid với khả năng trị mụn siêu tốc, da trắng mịn cực nhanh, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, khi ngưng dùng thuốc thì mụn bắt đầu xuất hiện trở lại và bùng phát khủng khiếp hơn ban đầu. Ngoài ra, corticoid còn làm yếu hệ thống bảo vệ của da, làm teo da, giãn mao mạch, xuất huyết dưới da, mất sắc tố và giảm chức năng khác của da.
Trị mụn bằng thuốc uống
Thường thì bạn sẽ cảm thấy tình trạng mụn có thuyên giảm khi uống thuốc, tuy nhiên, các loại kháng sinh trị mụn thường chỉ có khả năng ức chế mụn trong thời gian dùng thuốc. Khi ngưng sử dụng, mụn sẽ tái phát trở lại vì các nguyên nhân gây mụn chỉ được khống chế tạm thời trong giai đoạn dùng thuốc mà không được triệt tiêu tận gốc. Ngoài ra, nhiều trường hợp còn được chỉ định uống thuốc ngừa thai để cân bằng nội tiết tố, giúp điều trị mụn. Song giải pháp này xét về lâu dài cũng không tốt cho sức khỏe của bệnh nhân. Nhìn chung, điều trị mụn qua đường uống cần cực kỳ cẩn thận, đặc biệt là đối với phụ nữ đang trong giai đoạn cho con bú hoặc mang thai, vì một số loại thuốc uống trị mụn hiện nay rất độc hại, có thể dẫn đến dị dạng thai.
Trị mụn bằng sản phẩm thiên nhiên
Một số loại mỹ phẩm có thành phần chiết xuất từ tự nhiên cũng có công dụng điều trị mụn, như: AHA (axit trái cây họ cam, quýt), azelaic axit (axit tự nhiên được tìm thấy trong ngũ cốc và động vật), dầu trà xanh (tea tree oil)… Vì có chiết xuất từ thiên nhiên nên các mỹ phẩm này thường không gây tác hại cho da, tuy nhiên, phương pháp này chỉ phù hợp với tình trạng mụn nhẹ và bệnh nhân phải thật sự kiên nhẫn vì khả năng tác động rất chậm. Đừng bao giờ hy vọng mụn có thể biến mất sau ba-bốn ngày, ít nhất cũng phải cần hai-ba tuần điều trị hoặc lâu hơn nữa. Những tình trạng mụn nặng, viêm nhiễm thì không khả thi.
Đây là phương pháp điều trị khá phổ biến hiện nay, thích hợp với các tình trạng mụn nhẹ lẫn mụn cấp độ nặng. Loại ánh sáng này được chứng minh có khả năng làm giảm đáng kể các vi khuẩn gây mụn, đồng thời thu nhỏ kích cỡ các tuyến dầu, giảm sản xuất dầu theo thời gian, giúp hạn chế nguy cơ phát sinh mụn trứng cá. Sau khi chiếu tia laser, bệnh nhân thường cảm thấy mụn cải thiện dần sau hai-ba lần điều trị. Tuy nhiên, laser lại có nhiều nhược điểm khiến loại ánh sáng này không phải là lựa chọn tối ưu của đa số bệnh nhân trứng cá hiện nay. Các tác dụng phụ mà da thường gặp phải sau khi điều trị là: da quá khô và trở nên kém đáp ứng với các loại kem dưỡng hoặc gel, da bị tấy đỏ, bỏng và đau rát do cường độ ánh sáng quá mạnh khiến các tế bào da bị tiêu diệt, gây thiệt hại cho các lớp sâu của da, khiến da sưng đỏ và trở nên đặc biệt nhạy cảm trong một khoảng thời gian dài. Bệnh nhân cần có chế độ nuôi dưỡng, bảo vệ và chăm sóc da đặc biệt, cần thời gian nghỉ dưỡng sau điều trị, nếu không, làn da mỏng manh sẽ có nguy cơ bị đen sạm, nhiễm trùng hoặc sẹo lồi lõm…
Theo Dep