Lời giải cuộc chiến Syria : ‘Ba cây chụm lại’ liệu có ‘nên non’?
Hội nghị thượng đỉnh 3 bên lần thứ 5 giữa Iran, Nga và chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra tại Ankara đầu tuần này, với trọng tâm được bàn thảo là cuộc chiến đã bước sang năm thứ 9 tại Syria.
“Một cây làm chẳng nên non” liệu “ba cây chụm lại” có tìm ra được giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột dai dẳng tại một trong những điểm nóng nhất thế giới.
Thành lập Ủy ban Hiến pháp
Lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về Syria ở thành phố Sochi, Nga vào tháng 11/2017.
Từ đó đến nay, các cuộc gặp 3 bên khác để tìm ra giải pháp cho câu hỏi hóc búa Syria lần lượt được tổ chức tại Ankara vào tháng 4/2018, Tehran vào tháng 9/2018 và Sochi vào tháng 2/2019.
Lãnh đạo Nga-Thổ-Iran trò chuyện sau họp báo tại Ankara ngày 16/9. Ảnh: Reuters
Cuộc gặp lần thứ 5 tại Ankara được đánh giá là “hiệu quả và thành công”, nguyên thủ các quốc gia tham dự đã đi đến một loạt thỏa thuận quan trọng.
Tuyên bố chung về kết quả thượng đỉnh cho thấy các thành viên khẳng định cam kết vững chắc với chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Tổng thống của 3 nước nhấn mạnh những nguyên tắc này cần phải được tất cả các bên tuân thủ, không ai được phép có hành vi phá vỡ.
Ba nhà lãnh đạo cũng thảo luận về tình hình ở Đông Bắc Syria, cho rằng ổn định và an ninh tại khu vực này chỉ khả thi trong trường hợp chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này được tôn trọng, và nhất trí phối hợp hành động hướng tới mục tiêu trên.
Putin, Erdogan và Rouhani đã cùng nhau bác bỏ mọi nỗ lực hòng tạo ra những vấn đề mới trên thực địa dưới chiêu bài nỗ lực chống khủng bố, bao gồm những sáng kiến bất hợp pháp về vấn đề tự trị.
“Chúng tôi đều ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và kiên quyết cho rằng một khi các vấn đề an ninh và chống khủng bố được giải quyết, sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria sẽ được khôi phục hoàn toàn. Nó cũng liên quan đến việc rút toàn bộ binh lính nước ngoài khỏi lãnh thổ Syria”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh
Một điểm đáng chú ý trong cuộc gặp 3 bên lần này, theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đó là họ đã nỗ lực “vượt qua khác biệt liên quan đến vấn đề thành lập Ủy ban Hiến pháp của Syria”, quyết định khởi động công việc nhằm thành lập ủy ban này mà không trì hoãn, chậm trễ thêm.
Video đang HOT
Ông Erdogan nhấn mạnh: Quá trình thành lập ủy ban và chuẩn bị các cơ chế để hoạt động sẽ được tiến hành trong sự phối hợp với Liên hợp quốc”.
Trong khi đó, Tổng thống Putin lại tỏ ra khá thận trọng, khẳng định còn quá sớm để nói về thời gian chính xác ủy ban bắt đầu hoạt động, nhưng đồng tình rằng cần thành lập càng sớm càng tốt.
Ông chủ Điện Kremlin lý giải: “Chúng tôi cho rằng hoạt động của Ủy ban Hiến pháp Syria sẽ đóng vai trò quyết định trong việc bình thường hóa tình hình tại Cộng hòa Arab Syria. Chúng tôi đã bàn về điều này nhiều lần, luôn nhắc lại rằng không có phương án nào thay thế cho tiến trình chính trị cả”.
Chống khủng bố và tái thiết
Thảo luận thêm các nỗ lực chống khủng bố trên lãnh thổ Syria, các bên dành sự quan tâm đặc biệt cho Idlib, tỉnh tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các tay súng đang chống trả các lực lượng của chính quyền sở tại.
Tuyên bố của “bộ ba” Tehran-Ankara-Moskva bày tỏ nhất trí tiến hành các biện pháp thực tế trên cơ sở các thỏa thuận trước đây nhằm bảo vệ dân thường, phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.
Theo hãng thông tấn Nga TASS, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã giải thích rõ rằng, điều này không có nghĩa là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang có kế hoạch tổ chức một chiến dịch quân sự chung tại Idlib. Thay vào đó, ông giải thích đây là những bước đi hướng đến “tăng tính hiệu quả” của các nỗ lực chống khủng bố.
Cảnh hoang tàn ở Idlib, Syria do chiến tranh. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, chủ nhà Ankara lại khẳng định rằng, họ sẵn sàng thiết lập một vùng an ninh ở bờ Đông sông Euphrates thuộc Syria, nếu không đạt được thỏa thuận với Mỹ trong 2 tuần nữa.
“Nếu trong 2 tuần chúng tôi không thể đi đến thỏa thuận với Mỹ, chúng tôi sẽ buộc phải tự mình thiết lập một vùng an toàn tới phía Đông sông Eupharates tại Syria”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan
Quan điểm từ phía nhà lãnh đạo này cho rằng “không thể chấp nhận việc hậu thuẫn cho các tổ chức khủng bố dưới chiêu bài chống khủng bố”, ám chỉ việc Washington “chống lưng” cho Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo (SDF). Đây là lực lượng mà Ankara xem là liên quan đến Đảng Lao động người Kurd, một tổ chức “ngoài vòng pháp luật” tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Và vì thế, không quá khó hiểu khi Erdogan nhận định rằng, mối đe dọa chính đối với Syria hiện nay chính là SDF, sau khi mối lo về tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị loại bỏ.
Cuộc chiến Syria sắp sửa đi đến hồi kết, đồng nghĩa với việc cần quan tâm đến sự cấp bách cần phải tái thiết đất nước bị chiến tranh giày xéo này. Đó cũng là nội dung được quan tâm tại sự kiện nóng hổi diễn ra ở Ankara hôm 16/9.
Từ Moskva, quan điểm được đưa ra là cần phải hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế mới mong giải quyết những vấn đề tầm vĩ mô và khôi phục cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội của Syria.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng cho rằng, các lực lượng quốc tế “phải thực sự quan tâm đến việc hồi hương người di cư, không phải với mục đích lợi dụng họ để đạt mục tiêu chính trị, tức giành được thêm phiếu trong những vấn đề chủ chốt liên quan đến sự phát triển của Syria”.
Mới chỉ bắt đầu
Có vẻ như những nội dung thống nhất về vấn đề Syria trong thượng đỉnh lần 5 của tam giác Nga – Iran – Thổ mang đầy màu sắc lạc quan và tích cực, thậm chí có thể nói có phần vượt xa mong đợi của dư luận.
Lãnh đạo Nga tỏ ra rất hài lòng với kết quả thượng đỉnh, dành nhiều mỹ từ như “hoàn toàn hiệu quả và thành công”, “tuyên bố chung phản ánh cam kết hướng đến những nỗ lực hơn nữa vì lợi ích hòa bình lâu dài tại Syria”…
Quang cảnh thượng đỉnh 3 bên Iran-Nga-Thổ về Syria. Ảnh: Mehr
Thế nhưng, cũng cần lưu ý rằng, tất cả mới chỉ là những bước khởi đầu, quá trình liên lạc, trao đổi vẫn sẽ tiếp diễn, và các bên đã nhất trí tổ chức kỳ thượng đỉnh tiếp theo ở Tehran.
Ngoài ra, một cuộc gặp cấp chuyên gia bàn về giải pháp cho Syria, hay từng được gọi là tiến trình Astana, được thống nhất diễn ra vào tháng tới tại Nur-Sultan, Kazakhstan.
“Cuộc hẹn” này, theo giới chuyên gia, nhiều khả năng sẽ hướng đến hiện thực hóa ưu tiên hàng đầu hiện nay là khuyến khích đối thoại chính trị trong nội bộ Syria.
Hoàng Bách
(Theo National, TASS)
Theo baonghean
SAA ngừng bắn Idlib: Thất bại hay đòn nghi binh?
Syria chấp nhận một lệnh ngừng bắn bắt đầu từ tối 1/8 tại Idlib, với điều kiện thỏa thuận giảm leo thang được thực thi.
Chính phủ Syria hôm 1/8 thông báo đã chấp nhận ngừng bắn có điều kiện tại Idlib - thành trì của quân nổi dậy tại Syria và là mục tiêu chiến dịch quân sự quy mô được chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành từ cuối tháng 4 vừa qua.
Hãng thông tấn Syria Sana dẫn lời một nguồn tin quân sự cho biết, Syria chấp nhận một lệnh ngừng bắn bắt đầu từ tối 1/8 tại Idlib, với điều kiện thỏa thuận giảm leo thang (đạt được hồi tháng 9/2018 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Sochi) được thực thi.
Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ và phe đối lập Syria, Nga và chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, đã nhất trí thiết lập một "khu vực phi quân sự" ở Idlib. Sáng kiến là nhằm chia tách những vùng lãnh thổ do các nhóm thánh chiến và đối lập kiểm soát với những khu vực liền kề do chính phủ kiểm soát.
Bản đồ chiến sự Syria ngày 2/8
Mục tiêu của thỏa thuận này nhằm tránh nguy cơ xảy ra xung đột giữa phe đối lập và lực lượng chính phủ. Tuy nhiên, chỉ một phần thỏa thuận được tôn trọng. Các tay súng thánh chiến từ chối rút quân, và lực lượng chính phủ vẫn tiến hành các cuộc không kích.
Chính vì vậy, các nhà quan sát địa phương lo ngại rằng, lệnh ngừng bắn sẽ không được duy trì lâu dài. Phe đối lập sẽ tiếp tục lợi dụng thỏa thuận để tiến hành các cuộc tấn công nhỏ lẻ vào các mục tiêu quân sự của lực lượng chính phủ xung quanh Idlib.
Phản ứng trước thông tin trên, Đặc phái viên của Nga về Syria Alexander Lavrentiev cho biết, nước này hoan nghênh quyết định của Chính phủ Syria về việc thiết lập lệnh ngừng bắn.
Tuy nhiên, ông Lavrentiev cũng bày tỏ quan ngại về sự tuân thủ của các nhóm phiến quân đối với thỏa thuận ngừng bắn. Số lượng những tay súng thánh chiến tại Idlib hiện đang ở mức chưa từng có.
Quyết định bất ngờ
Giới quan sát cho rằng, việc chính phủ Syria chấp nhận lệnh ngừng bắn trong bối cảnh quân đội Ả Rập Syria (SAA) đang giành lợi thế trên chiến trường là một điều hết sức bất ngờ.
Các chuyên gia quân sự đã đặt ra hai kịch bản đi đến quyết định của chính quyền Tổng thống Assad.
Thứ nhất, việc SAA mở chiến dịch giải phóng tây bắc Syria mà không có sự giúp đỡ của Iran đã khiến cho các cuộc tấn công trở nên thiếu hiệu quả. Sau gần 5 tháng, SAA đã không đạt được bước tiến đáng kể nào trên chiến trường này.
Các chiến thắng gần đây của SAA có lẽ chỉ là sự cố gắng nhằm giành ưu thế trên bàn đàm phán tại thủ đô Nur Sultan, Kazakhstan. Thực tế, SAA đã quá rệu rã sau một thời gian dài chiến đấu với phiến quân.
Chấp nhận lệnh ngừng bắn là phương án duy nhất mà chính quyền Tổng thống Assad lựa chọn nhằm giữ vững những thành tựu trên chiến trường, tránh bị "thua ngược" trong cuộc chiến với phiến quân.
Thứ hai, SAA chỉ muốn có thêm thời gian để tập trung lực lượng, xốc lại tinh thần, chuẩn bị đối sách (khi không có Iran) để mở một cuộc tấn công quy mô lớn hơn nhằm giải phóng hoàn toàn Syria.
Nhiều khả năng, đây mới là mục đích chính khiến Tổng thống Assad chấp nhận thỏa thuận với phe đối lập. Bởi lẽ, ông từng tuyên bố, lực lượng chính phủ sẽ giải phóng Idlib bằng mọi cách, bất chấp cái giá phải trả có lớn đến đâu.
Trung Kiên
Theo baodatviet
Ông Trump nói 'làm ơn đừng can thiệp bầu cử', ông Putin phản ứng hài hước Tổng thống Putin bật cười thích thú trước lời "cảnh báo" hài hước của người đồng cấp Mỹ về yêu cầu Nga không can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Ngày 28/6, Tổng thống Trump đã có cuộc gặp song phương với Tổng thống Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Osaka, Nhật Bản. Đây là cuộc gặp...