Lối đi riêng của nhà làm phim Việt độc lập
Các nhà làm phim trẻ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện phim độc lập, song đối với họ đó cũng là hành trình xây dựng tiếng nói cá nhân.
Các nhà làm phim Việt trẻ cùng có mặt chia sẻ về con đường làm phim đầy thách thức nhưng cũng không kém phần thú vị của họ trong một tọa đàm dành cho khán giả yêu phim tại Hà Nội. Trao đổi về việc thực hiện các dự án phim độc lập với nguồn lực hạn chế, các nhà làm phim đều cho biết đó là hành trình lâu dài, phải cân đối nhiều yếu tố để một bộ phim có thể đi từ ý tưởng mơ hồ đến rạp.
Vừa xây dựng vừa tìm kiếm
Phạm Ngọc Lân, đạo diễn phim dài “ Culi never cries” ( Cu li không bao giờ khóc) kể về việc những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện khiến anh quyết định điều chỉnh và sản xuất phim như một bộ phim đen trắng. Bộ phim sau đó đã đạt giải thưởng phim dài đầu tay xuất sắc nhất liên hoan phim Berlin lần thứ 74.
“Ban đầu tôi cũng chưa có ý tưởng cụ thể mà vừa viết vừa phát triển. Tôi tìm kiếm và duy trì một ‘không khí chung’ của dự án phim. Còn những phong cách thể hiện, điều chỉnh đến từ ý kiến của mọi người thì mình cũng trao đổi khá thoải mái và cố gắng tính toán kĩ để phù hợp với điều kiện và kinh phí của tác phẩm”.
Hình ảnh trong phim Cu li không bao giờ khóc.
Trong Culi never cries, sau khi nhận tro cốt của người chồng xa cách từ lâu ở Đức, một người phụ nữ trở về quê hương Việt Nam, mang theo một con cu li. Cháu gái trẻ của người phụ nữ thì đang chuẩn bị đám cưới. Phim đan xen câu chuyện của các nhân vật trên quá trình tìm lại quá khứ và mở ra tương lai.
Phạm Ngọc Lân cho rằng nói đến vừa làm phim vừa nghĩ đến khán giả, mỗi dự án sẽ có những “luật” riêng, các yếu tố về diễn viên, nhân vật. “Ở góc nhìn của tôi, điều đó có nghĩa là tôn trọng khán giả, bằng sự thành thật với chính mình của nhà làm phim”.
Nhà sản xuất/đạo diễn đến từ TP.HCM Nguyễn Lương Hằng nói về phim ngắn cô thực hiện gần đây – “Supermarket affairs” (Chuyện siêu thị). Người mẹ và con gái là người nhập cư Việt Nam ở Mỹ. Trong một buổi mua đồ tại siêu thị/chợ châu Á chuẩn bị cho ngày giỗ chồng/cha của họ, hai mẹ con gặp một người đàn ông lạ ưa nhìn và kéo theo đó mở ra những câu chuyện mâu thuẫn phức tạp trong gia đình này.
Video đang HOT
Phim đã được trình chiếu tại LHP Châu Á Osaka, Palm Springs và Nashville cùng các liên hoan phim khác và đã giành được một số giải thưởng. Nguyễn Lương Hằng cũng đảm nhận vai trò nhà sản xuất cho Thưa mẹ con đi (2019) của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh.
Hằng cho biết những cảm hứng cho bộ phim được tích lũy theo thời gian từ chính cuộc sống cá nhân, mối quan hệ giữa cô và mẹ, trải nghiệm về thời gian sống và làm việc tại Mỹ. Mang hơi hướng của một phim bi hài kịch, đây không chỉ là câu chuyện về những thế hệ khác nhau, mà còn là câu chuyện về người Việt Nam, những người nhập cư, người Việt ở nước ngoài.
Theo Hằng, khi làm việc trong môi trường quốc tế, các yếu tố như sự khác biệt về văn hóa sẽ ảnh hưởng đến việc nhà làm phim chọn cách biểu đạt. Cô đôi khi cũng phải điều chỉnh trong các dự án phim của mình, để có thể đưa câu chuyện đến với khán giả một cách tốt nhất. “Song cũng phải đặt ra ranh giới về những thứ thuộc về tiếng nói riêng của nhà làm phim”.
Phải thuyết phục chính mình
Với đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh của Thưa mẹ con đi, quá trình xây dựng các dự án phim là quá trình tìm sợi dây kết nối giữa các ý tưởng với nhau, giữa nhà làm phim và nhà sản xuất, dự án… Và để theo đuổi một dự án nào, thì cũng “cần phải thuyết phục rất nhiều người”.
“Đối với phim thương mại hay phim chuyển thể thì điều này còn quan trọng hơn nữa. Không chỉ nhà làm phim Việt Nam mà các nhà làm phim nước ngoài cũng sẽ gặp khó khăn trong việc cân bằng các yếu tố với nhau, mà mình sẽ phải cố gắng vận hành cùng với những mong muốn khác nhau đó”.
Phim truyện điện ảnh thứ ba của Trịnh Đình Lê Minh, chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Ngày xưa có một chuyện tình, sẽ ra mắt vào tháng 11/2024.
Hình ảnh phim “Ngày xưa có một chuyện tình”.
“Tôi hiểu tinh thần của tác phẩm gốc, còn điểm nhìn trong phim là của đạo diễn. Đối với khán giả, tôi cố gắng để có thể mở ra những cánh cửa để họ đến với phim của mình”.
Hà Lệ Diễm, đạo diễn phim tài liệu “Children of the Mist” (Những đứa trẻ trong sương) về đoạn đường trưởng thành của cô bé Di người Hmong cho biết cô cũng từng trải qua những hoang mang, bối rối trong quá trình theo đuổi bộ phim của mình. Đã có lúc nhà sản xuất cho rằng bộ phim sẽ không thể hoàn thành được, cô đã viết “tâm thư” thuyết phục để có thể đi tiếp với dự án.
“Tôi cũng từng làm và bỏ, gặp và bỏ rất nhiều. Đó là quá trình phải dựa vào bản thân mình, đôi khi không ai giúp được bạn. Tôi nghĩ trước tiên đó là thuyết phục được chính mình về việc tại sao phải làm bộ phim đó, phải kể câu chuyện đó”.
Phim được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021, lọt vào danh sách rút gọn tranh giải Phim tài liệu xuất sắc nhất của Giải thưởng Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ – Oscar lần thứ 95. Hà Lệ Diễm hiện đang thực hiện bộ phim thứ hai, “Đường lên phương Bắc” ở vùng Tây Bắc Việt Nam.
Diễn viên ngôi sao hay đạo diễn tên tuổi mới 'hút' khán giả?
Không còn là thời của các diễn viên, danh hài nổi tiếng "hốt bạc" phòng vé phim Việt như vài năm trước, hiện tại có thể thấy, để bán được vé, thu hút khán giả đến rạp nhờ phần nhiều ở tên tuổi của các đạo diễn, ê kíp nhà sản xuất chuyên nghiệp.
Diễn viên ngôi sao không "cứu" nổi bộ phim
Nhiều năm trước, để một bộ phim Việt thắng lớn phòng vé, các đạo diễn, nhà sản xuất thường mời cho bằng được và trả cát sê rất cao để các ngôi sao góp mặt. Một loạt phim ăn khách trước đây nhờ vào những tên tuổi như: danh hài Hoài Linh, Việt Hương (Nhà có 5 nàng tiên, Quý tử bất đắc dĩ, Tía tui là cao thủ), Trường Giang (Lật mặt 1, Siêu sao siêu ngố), "ngọc nữ" Ninh Dương Lan Ngọc (Gái già lắm chiêu, Cua lại vợ bầu)...
Hình ảnh tại hậu trường phim kinh dị Cám với hai diễn viên chính Lâm Thanh Mỹ và Rima Thanh Vy. ĐPCC
Tuy nhiên, ở thời điểm này, phim Việt ăn khách không còn phụ thuộc hoàn toàn vào ngôi sao điện ảnh, mà phần lớn nhờ vào tên tuổi, tài năng của người đảm nhận vai trò đạo diễn hay ê kíp sản xuất bộ phim, chẳng hạn như trường hợp phim của Trấn Thành, Lý Hải. Thất bại của các phim có diễn viên nổi tiếng đóng gần đây cũng đã cho thấy điều đó.
Phim 1990 (chiếu năm 2021) của đạo diễn Nhất Trung không thắng nổi phòng vé dù quy tụ cả 3 nữ diễn viên có độ nhận diện và hấp dẫn rất lớn trên thị trường là Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 9X, Nhã Phương. Phim Duyên ma (2022) do đạo diễn Khánh Toàn - Tâm Nguyễn thực hiện mời Kiều Minh Tuấn lúc ấy đang rất hút đóng cặp với Ngọc Trinh nhưng thất bại thảm hại ở phòng vé. Phim Người mặt trời (2023) của đạo diễn Timothy Linh Bùi có Chi Pu đóng chính cũng bị khán giả ngó lơ.
Với các phim từ đầu năm 2024 đến nay, dù có nhiều diễn viên ngôi sao đóng nhưng vẫn ế vé. Có thể kể đến: Trà có sự góp mặt của Việt Hương chỉ thu về hơn 1,6 tỉ đồng; Sáng đèn tập hợp một loạt ngôi sao sân khấu thu được 3,4 tỉ đồng; Quý cô thừa kế 2 với sự trở lại của Trang Nhung - Huy Khánh chỉ đạt 6,4 tỉ đồng; B4S: Trước giờ yêu có Jun Vũ mang về 3,8 tỉ đồng; Án mạng lầu 4 có Trương Thế Vinh - Lương Bích Hữu rời rạp với 2 tỉ đồng; Móng vuốt có ngôi sao Tuấn Trần chỉ thu về 3,8 tỉ đồng; hay Thái Hòa diễn tốt cũng không giúp Cái giá của hạnh phúc thoát lỗ nặng.
Rõ ràng, hiện nay, phim mới ra rạp của các đạo diễn chưa có tên tuổi, quy mô đoàn phim nhỏ sẽ rất khó gây được chú ý với khán giả. Trong số các đạo diễn mới và trẻ có phim công chiếu gần đây, như Đinh Công Hiếu, Andy Nguyễn, Tiến M.Nguyễn, Vũ Khắc Tuận... qua các phim Vô diện sát nhân, Fanti, Trên bàn nhậu dưới bàn mưu, Mùa hè đẹp nhất thì chỉ có mỗi đạo diễn Lưu Thành Luân là ngoại lệ khi thắng với Quỷ cẩu đạt doanh thu 108 tỉ đồng. Lý do là phim anh có chất lượng tốt và mới mẻ hơn ở cách thể hiện so với các đạo diễn trẻ khác.
Còn những ê kíp nào có thể chinh phục khán giả ?
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ thị trường điện ảnh Việt hiện tại còn nhiều khó khăn, nên "ở VN, nếu không nằm trong top 5 - top 10 đạo diễn hàng đầu, thì sẽ rất "khó sống" vì phim làm ra trầy trật và khó trụ rạp để đạt doanh thu cao". Tuy nhiên, anh "luôn hy vọng càng ngày thị trường cũng như đối tượng khán giả sẽ càng mở rộng hơn".
Phim Ngày xưa có một chuyện tình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh công chiếu tháng 10 tới. ĐPCC
Thực tế, điện ảnh Việt đang thiếu và không có nhiều đạo diễn mới, trẻ, tài năng cho dòng phim thương mại, thấu hiểu được thị hiếu, thị trường để tạo ấn tượng phòng vé. Đạo diễn Lý Hải nêu ý kiến: "Diễn viên ngôi sao hay đạo diễn trăm tỉ cũng chưa chắc chắn là đáp án cho việc bộ phim có thể thắng hay không; quan trọng là bộ phim phải được đầu tư chỉn chu, chất lượng tốt, nội dung hay thì sẽ được khán giả ủng hộ".
Nhìn lại, điện ảnh Việt sau "thương hiệu phim" Trấn Thành, Lý Hải, còn những ê kíp nào có thể chinh phục được khán giả? Điểm lại những gương mặt đạo diễn và ê kíp sản xuất hiện vẫn đang được khán giả kỳ vọng khi ra phim mới, số lượng đó cũng không quá ít. Victor Vũ hiện đang dốc sức tìm diễn viên mới cho phim trinh thám ly kỳ Thám tử Kiên sau doanh thu 100 tỉ đồng của Người vợ cuối cùng chiếu rạp năm ngoái. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bắt tay với HK Film đang đi chọn bối cảnh và các công đoạn tiền kỳ cho bộ phim điện ảnh mới có chủ đề quảng bá du lịch VN. Ê kíp Bảo Nhân - Namcito dừng "vũ trụ phim gái già" để tuyển diễn viên cho bộ phim lịch sử Hoàng hậu cuối cùng.
Bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn - nhà sản xuất Hoàng Quân định hình được hướng đi của họ với loạt phim kinh dị Bắc kim thang, Chuyện ma gần nhà, Tết ở làng địa ngục, Kẻ ăn hồn có doanh thu lãi ổn định, nên khán giả cũng đang đặt nhiều hy vọng ở bộ phim kinh dị lồng ghép yếu tố dân gian có tên Cám sẽ ra rạp vào 27.9 tới.
Ê kíp Thu Trang sau Chị Mười Ba, Nghề siêu dễ, Con Nhót mót chồng được khán giả ủng hộ, đang bấm máy Nụ hôn bạc tỉ dự định chiếu tết 2025 cùng với phim hài Bộ tứ báo thủ của Trấn Thành. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng hiện có sự kết hợp đường dài với nhà sản xuất Will Vũ, sau thành công của lần hợp tác Chị chị em em 2, sẽ công chiếu Cô dâu hào môn tháng 10 năm nay.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh làm vị trí sản xuất cho Ngày xưa có một chuyện tình (chuyển thể truyện Nguyễn Nhật Ánh) của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, sẽ chiếu rạp vào tháng 10; đồng thời cũng làm sản xuất cho dự án phim PictureHouse (tên tiếng Việt là Chớp bóng) của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Võ Thanh Hòa đang bắt tay tiền kỳ cho công tác đạo diễn với phim Kính vạn hoa (cũng từ truyện Nguyễn Nhật Ánh) và làm nhà sản xuất đứng sau đạo diễn trẻ Lưu Thành Luân cho phim Linh miêu chiếu rạp tháng 11. Ê kíp Huỳnh Lập - Hồng Tú sau Pháp sư mù tạo được chú ý cũng sẽ ra mắt Nhà gia tiên vào tháng 12. Đạo diễn Lý Minh Thắng kết hợp Xưởng phim Màu hồng của nhà thiết kế Thủy Nguyễn đang làm phim Công tử Bạc Liêu...
Phim Việt tranh giải LHP Berlin 2024 Bộ phim của Việt Nam - Cu li không bao giờ khóc - tranh hạng mục Panorama tại Liên hoan phim Berlin. BTC Liên hoan phim Berlin đã công bố danh sách phim tham dự mùa giải năm nay. Ở hạng mục Panorama, bộ phim của Việt Nam - Cu li không bao giờ khóc - sẽ tranh giải cùng với 33 tác...