Lời đề nghị ‘khiếm nhã’ khiến đỉnh núi trên dãy Himalaya mãi mãi không có người leo
Đỉnh Machhapuchhare không phải là nơi để giẫm chân lên. Đó là nơi chỉ để ngắm nhìn ngưỡng mộ, Tirtha Shrestha, nhà thơ và là người dân sống lâu năm ở Pokhara, nói.
Người Nepal đồng tình với việc không nên mở cửa cho leo núi ở Machhapuchhare.
Machhapuchhare, tên ngọn núi dịch ra là “Đuôi cá” – là ngọn núi cao 6.993 m ở dãy Annapurna ở miền Trung Nepal, dãy núi có 3 trong số 10 đỉnh núi cao nhất thế giới.
Nhưng Machhapuchhare tự nhiên là ngọn núi nổi bật nhất, một phần là vì vị trí cách xa những ngọn núi cao hơn nhiều trên dãy Annapurna, nơi nó đứng đơn độc và trông có vẻ rất cao dù chỉ có chiều cao khá khiêm tốn.
Đỉnh Machhapuchhare, “Đuôi cá”, cao 6.993 m ở dãy Annapurna ở miền Trung Nepal, đến nay vẫn còn nguyên sơ không dấu chân người.
“Bất cứ đối thoại nào, không chỉ riêng về Pokhara, mà về vẻ đẹp của dãy Himalaya, sẽ đều không trọn vẹn nếu thiếu Machhapuchhare. Vẻ đẹp nơi này đã khiến nhiều nhà thơ, nhà văn và nghệ sĩ xúc động. Trong nhiều tác phẩm dân ca, ngọn núi xuất hiện với bao lời tụng ca. Với chúng tôi Machhapuchhare là mẫu mực của cái đẹp,” Tirtha Shrestha, nhà thơ và là người dân sống lâu năm ở Pokhara nói.
Du khách thường sẽ dành vài ngày ở Pokhara, ngắm hình ảnh phản chiếu kỳ vĩ của núi Machhapuchhare trên Hồ Phewa. Hoặc dành thời gian ngắm buổi sớm tinh mơ và ánh mặt trời lộng lẫy khi chiều muộn phủ lên đỉnh cao chót vót ở phần sườn núi quanh Hồ Begnas.
Hồ Phewa ở Pokhara có góc nhìn ấn tượng hướng về đỉnh Machhapuchhare và dãy núi Annapurna.
Ngắm nhìn ngọn núi từ sườn núi ở Sarangkot hoặc Astam quanh thung lũng Pokhara là một trải nghiệm thú vị. Du khách sẽ đi bộ đến khu trại ở chân núi của ngọn núi nhỏ hơn, Mardi Himal, nằm bên dưới Machhapuchhare. Cung đường đi bộ dài 40 km này được thiết lập từ năm 2012, kéo dài 5 ngày này đi đến độ cao 4.500 m và giúp ta có được góc nhìn cận cảnh, hoàn hảo nhất với ngọn núi Machhapuchhare.
Vượt qua đỉnh Mardi Himal khoảng 1.000 m cao là điểm gần nhất mà người ta từng tiếp cận ngọn núi. Đó là vì nơi đây cấm leo núi Machhapuchhare, một hiện tượng hiếm hoi ở quốc gia như Nepal vốn khuyến khích du lịch leo núi nồng nhiệt đến mức thậm chí đỉnh núi cao nhất thế giới – đỉnh Everest ở độ cao 8.848 m – còn bị tắc đường.
Nhưng lý do khiến Machhapuchhare vẫn còn là đỉnh núi nguyên sơ – cũng như sự bùng nổ của ngành thương mại thám hiểm và leo núi ở Nepal ngày nay – có thể đều gắn bó mật thiết với một con người: Trung tá James Owen Merion Roberts (1916-1997).
Jimmy Roberts khiến Machhapuchhare trở thành đỉnh núi trên dãy Himalaya mãi mãi không có người leo.
Video đang HOT
Jimmy Roberts là một sĩ quan nổi tiếng trong Quân đội Anh, với những đóng góp đáng kể trong hành trình thám hiểm dãy núi Himalaya và Nepal.
Roberts được chỉ định làm tùy viên quân sự thứ nhất tại Nepal vào năm 1958. Ông sử dụng chức vụ, niềm đam mê và kiến thức với dãy Himalaya để mở cửa dãy núi xa xôi ở quốc gia này cho ngành thương mại leo núi và thám hiểm, một ngành công nghiệp sau đó tiếp tục đóng góp đáng kể vào nền kinh tế Nepal và đời sống của cư dân bản địa.
Ông không chỉ là người tiên phong trong kỷ nguyên vàng thám hiểm dãy Himalaya, mà còn khiến thế giới có thể tiếp cận vẻ đẹp của nơi này khi ông sáng lập công ty du lịch lữ hành đầu tiên, hãng Mountain Travel, vào năm 1964.
Ông thậm chí cũng đã đưa từ “trek” [đi bộ đường trường] và làm từ này trở nên phổ biến, đây cũng là từ đồng nghĩa với các chuyến đi bộ đường trường ở dãy Himalaya ngày nay. Nhờ đó, ông vẫn được mọi người ngưỡng mộ nhớ đến với tên gọi “cha đẻ ngành trekking” ở Nepal.
Niềm đam mê của Roberts với Pokhara và đỉnh Machhapuchhare bắt đầu sau khi ông đọc bản báo cáo từ Nepal do một sĩ quan quan đội viết năm 1936 – viết về ngọn núi và một thị trấn kỳ thú bên bờ hồ.
Đỉnh núi Machhapuchhare hùng vĩ chưa từng bị chinh phục.
“Việc nhìn ngắm Pokhara và Machhapuchhare và những ngôi làng nơi lính tôi sinh sống ở đó, và đặc biệt là ngắm những người tộc Gurung (một trong những bộ tộc Gurkha chính ở dãy Himalaya) đã sớm trở thành niềm say mê”, Roberts viết trong phần đề tựa quyển sách “Leo ngọn núi Đuôi Cá” [Climbing the Fish's Tail] của tác giả Willfrid Noyce.
“Nhưng thời đó, phần đất bên trong Nepal là vùng đất linh thiêng, bị canh giữ cẩn mật hơn cả thánh địa Mecca hay Lhasa ở thời thịnh vượng”.
“Tôi là người Anh đầu tiên trong thánh địa Mecca của riêng mình [Pokhara]. Ngọn núi Machhapuchhare tỏa sáng trong ánh trăng, một kim tự tháp trắng khổng lồ lạnh lùng,” ông viết trong lần chạm mặt đầy ấn tượng.
“Vì vậy, Machhapuchhare trở thành đỉnh núi lý tưởng trong tôi, như một sở hữu riêng tư ngoài kia trên thế giới, không thể chạm tới nhưng vẫn thuộc về riêng tôi bởi chút quyền phi lý, nghiền ngẫm về một đất nước và con người sẽ định hình phần còn lại đời tôi”.
Người Gurung dưới chân đỉnh Machhapuchhare linh thiêng.
Vào năm 1957, sau hơn 20 năm ngắm nhìn Machhapuchhare, Roberts tổ chức chuyến thám hiểm đầu tiên lên đỉnh núi (do Noyce dẫn đầu và có một số nhà leo núi khác tham dự), đến khi ấy ngọn núi vẫn chưa có ai leo.
Một điều nổi bật khi Noyce nhớ lại về chuyến đi đó là Roberts đã dễ dàng bỏ cuộc ngay ra sau khi vấn đề hậu cần buộc nhóm tiếp cận đỉnh núi giảm xuống chỉ còn hai người.
Roberts tình nguyện đưa nhóm hỗ trợ xuống núi trong khi Noyce và một nhà leo núi khác tiếp tục hành trình tiến về đỉnh núi. Cuối cùng họ cũng bỏ dở chinh phục đỉnh núi, chỉ 45 m ngay bên dưới đỉnh vì thời tiết xấu.
Nepal là quốc gia khuyến khích du lịch leo núi nồng nhiệt.
Sau chuyến hành trình, Roberts đưa ra một đề nghị khá khác thường với chính quyền Nepal: đặt lệnh cấm leo lên đỉnh núi và khiến Machhapuchhare là một đỉnh trên dãy Himalaya mãi mãi không có người leo. Ngạc nhiên thay, họ chấp thuận đề nghị.
Lisa Choegyal, nhà văn và là chuyên gia lâu năm trong ngành du lịch sống ở Nepal từng quen biết Roberts từ năm 1974, cho biết: “Jimmy không phải là nhà leo núi với cái Tôi quá lớn. Dù vậy, trong trường hợp này có vẻ như là do sự kiêu ngạo, nếu ông không leo được ngọn núi, ông không muốn ai leo được hết. Nhưng điều đó không thực sự phản ánh tính cách lịch thiệp của ông trong đời thực”.
Roberts có sự gắn bó ruột thịt với người Gurung, những người coi Machhapuchhare là đỉnh núi linh thiêng. Và với người ở Chomrong, ngôi làng tộc Gurung gần núi Machhapuchhare nhất, thì quả là không thực sự vui vẻ gì khi thấy những người leo núi nước ngoài cố gắng lên tới đỉnh núi.
Tuy nhiên, nhiều ngọn núi là linh thiêng với nhiều cộng đồng ở Nepal, và điều đó không hề khiến Chính phủ Nepal ngừng cấp giấy phép leo núi, cũng như không khiến Roberts ngừng không leo các ngọn núi khác.
Nhưng có lẽ vì tình yêu với người Gurung và sự say mê bất tận của ông với ngọn núi, Roberts đã đưa ra đề nghị khác thường đó.
Roberts có sự gắn bó ruột thịt với người Gurung, những người coi Machhapuchhare là đỉnh núi linh thiêng.
Chính xác bằng cách nào Roberts có thể thuyết phục Chính phủ Nepal đồng ý đến giờ vẫn còn là điều bí ẩn. Tuy nhiên, sự cảm thông có vẻ rõ nét, số đông ở Nepal chấp thuận không cho phép leo đỉnh núi nguyên sơ này này.
Dù người ta không bao giờ biết rõ vì sao Roberts muốn đỉnh núi không bao giờ bị xâm hại, đặc biệt là sau khi tự bản thân ông cố gắng leo tới đỉnh một lần và đã đến rất gần, ta khó mà bắt lỗi Roberts khi ông làm vậy, khi nhìn thấy bao nhiêu nơi đã tan hoang vì du lịch quá độ và ngành leo núi thương mại.
Có lẽ cũng phù hợp khi nhiều ngọn núi khác ở Nepal giúp sinh ra lợi nhuận mà người dân cần đến, thì vẫn còn một ngọn núi hùng vĩ nguyên vẹn, nơi con người không thể chạm tới, lặng yên dõi theo thế giới từ đỉnh cao cô độc và linh thiêng.
Chiến dịch tiêm chủng thành công ở các ngôi làng hẻo lánh trên dãy Himalaya
Dù nằm ở khu vực hẻo lánh có địa hình hiểm trở, bang Himachal Pradesh hồi đầu tháng này đã trở thành nơi đầu tiên ở Ấn Độ tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng bệnh COVID-19 cho tất cả người trưởng thành.
Nhân viên y tế Bimla Thakur, 56 tuổi, đi bộ xuyên núi để tiêm phòng cho người dân ở các ngôi làng hẻo lánh. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters (Anh), nằm sâu trong dãy Himalaya, làng Malana ở bang Himachal Pradesh (Ấn Độ), được bao quanh bởi những vách đá dựng đứng và những sườn núi hiểm trở. Để đến được ngôi làng này, nhóm các nhân vien y tế đã phải băng qua khu vực vừa xảy ra lở đất một ngày trước đó, đi bộ trên những con đường ngổn ngang sỏi đá suốt 3 giờ đồng hồ.
Địa hình dốc là một trở ngại khiến các y bác sĩ phải đi bộ hàng giờ, thậm chí hàng ngày để đến các ngôi làng hẻo lánh ở bang Himachal Pradesh giúp tiêm vaccine cho người dân. Ngoài ra, niềm tin tôn giáo cũng là một thách thức đối với việc vận động người dân nơi đây đi tiêm chủng. Song bang chủ yếu phụ thuộc vào du lịch này đã miễn dịch cho khoảng 5 triệu người trưởng thành
Các nhân viên y tế phải đi bộ hàng giờ để tiêm phòng cho người dân ở các ngôi làng hẻo lánh trên dãy Himalaya. Ảnh: Reuters
Ngày 14/9, một nhóm các nhân viên y tế gồm 5 người, do bác sĩ Atul Gupta, cán bộ y tế quận dẫn đầu, đã lên đường đến Malana để tiêm mũi vaccine thứ 2 cho người dân. Những đống đổ nát sau trận lở đất khiến họ phải dừng xe, mang theo 2 hộp vaccine trên vai và đi bộ đến lối đường mòn dẫn tới ngôi làng hẻo lánh.
Trước khi đến làng Malana, Gupta và nhóm của ông đã phải đặt những thùng đựng vaccine vào một chiếc giỏ gắn với ròng rọc, dùng dây cáp để chuyển vaccine từ đường mòn qua hẻm núi đến ngôi làng. Điều này giúp các nhân viên y tế dễ dàng di chuyển khi phải vượt hẻm núi dốc khoảng 100 mét mới đến được điểm tiêm chủng.
Bộ dụng cụ y tế và hộp đựng COVISHIELD, được vận chuyển trên một xe đẩy dây thừng đến làng Malana. Ảnh: Reuters
Ông Gupta cho biết hồi tháng 8, để thuyết phục 1.100 người dân Malana tiêm mũi vaccine đầu tiên, giới chức đã phải nhờ các nhà sư cầu nguyện một vị thần Hindu ở địa phương. Điều này giúp người dân yên tâm để các nhân viên y tế có thể khám chữa bệnh cho họ.
Nhân viên y tế mang theo bộ dụng cụ y tế và một thùng đựng vaccine để tiêm phòng cho người dân ở các ngôi làng hẻo lánh trên dãy Himalaya. Ảnh: Reuters
Khi nhóm y bác sĩ đến ngôi làng, gần 30 người dân đã hoàn thành tiêm mũi vaccine đầu tiên, đã xếp hàng chờ được tiêm mũi thứ 2 ở ngay đối diện một ngôi đền cổ kính.
Ngồi cạnh bức tường gỗ chạm khắc trong ngôi đền, trưởng làng Rajuram cho biết: "Ban đầu, mọi người rất sợ hãi khi tiêm vaccine, họ sợ rằng sẽ ốm hoặc chết. Sau đó tôi đã làm gương tiêm vaccine và khuyến khích mọi người cùng tiêm chủng".
Giám đốc Y tế Jai Ram Thakur của bang Himachal Pradesh đã ca ngợi chiến dịch tiêm chủng thành công ở khắp tiểu bang. Ông cho rằng thành công này là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của giới chức địa phương và việc thúc đẩy ưu tiên tiêm chủng tại các điểm nóng du lịch của chính phủ.
Kamla Devi, 58 tuổi, một nhân viên y tế, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho một người dân trong làng. Ảnh: Reuters
Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho hầu hết tất cả người trưởng thành vào tháng 12 tới. Cho đến nay, nước này đã tiêm ít nhất một mũi vacine cho 2/3 dân số và tiêm đủ 2 mũi vaccine cho gần 1/4 dân số. Ông Thakur hy vọng Himachal Pradesh sẽ trở thành bang nhanh nhất đạt được cột mốc tiêm đủ 2 mũi vaccine cho tất cả người dân vào tháng 11 tới.
Chuyến bay giá 1,2 triệu USD qua dãy Himalaya Chuyến bay kéo dài khoảng 6-10 giờ là cơ hội để du khách tận hưởng khung cảnh ngoạn mục trên "nóc nhà của thế giới".