Lọc dầu Nghi Sơn được bù lỗ ngàn tỷ/năm: Thành tích GDP?
Ngoài việc địa phương được thành tích GDP, việc ưu đãi các dự án lọc hóa dầu khiến Việt Nam mất nhiều hơn được.
Ưu đãi nhiều
Được khởi công xây dựng năm 2013 tại khu kinh tế Nghi Sơn thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn dự kiến sẽ đi vào vận hành chạy thử từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2017, vận hành thương mại từ tháng 7/2017. Dự kiến, đến năm 2020, nhà máy sẽ vận hành 100% công suất.
Đối với dự án này, Chính phủ đã cam kết dự án được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu mà còn được cộng vào giá bán thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen…).
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang trong quá trình xây dựng. Ảnh: VietNamNet
Đặc biệt, theo thỏa thuận với liên danh nhà đầu tư lọc dầu Nghi Sơn, trong 10 năm, nếu Nhà nước Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm phải bù cho lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.
Theo thông tin mới đây, khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, tổng thu ngân sách nhà nước sẽ sụt giảm do số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ bị giảm. Về tác động với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), do bao tiêu sản phẩm từ lọc dầu Nghi Sơn, với phương án giá dầu 45 USD/thùng, tập đoàn này sẽ phải bù lỗ 1,54 tỷ USD/10 năm (tương đương khoảng 3.500 tỷ đồng/năm).
Giá dầu càng tăng thì khoản bù lỗ của PVN càng lớn. Trong khi đó, về lợi nhuận thu được của PVN với tư cách cổ đông tương ứng với tỷ lệ vốn góp khoảng 716 triệu USD/10 năm, tương đương 1.600 tỷ đồng/năm nếu giá dầu 45 USD/thùng. Nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng, lợi nhuận chỉ còn 641 triệu USD/10 năm, tương đương 1.400 tỷ đồng/năm.
Video đang HOT
Nhìn vào những chính sách ưu đãi của Chính phủ dành cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng, dự án này được hưởng cơ chế ưu đãi tương tự như Lọc dầu Dung Quất, thậm chí có những thứ còn hơn cả Dung Quất khi được ưu đãi cả đầu ra và đầu vào về mặt thuế suất. Ngoài ra, Nghi Sơn còn được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi liên quan đến đầu tư, giải phóng mặt mặt bằng…
Lý giải cho hàng loạt ưu đãi này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, dự án lọc dầu Nghi Sơn là một trong những dự án trọng điểm của khu vực miền Trung và trước đây, đích thân một số vị lãnh đạo cấp cao đã giới thiệu và đưa dự án này về cho khu vực Bắc miền Trung. Người ta hy vọng, cũng như Lọc dầu Dung Quất, Lọc dầu Nghi Sơn sẽ trở thành điểm sáng của khu vực Bắc miền Trung, với các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến sản phẩm từ dầu mỏ nó sẽ trở thành điểm nhấn cho sự phát triển của khu công nghiệp (KCN) Nghi Sơn và cảng nước sâu Nghi Sơn, giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động dồi dào của các tỉnh Bắc miền Trung.
Ngoài ra, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên sức hút về công nghệ cũng như về vốn đầu tư, không chỉ với nhà đầu tư Nhật Bản, mà với các nhà đầu tư có công nghệ cao nói chung vào khu vực này.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thừa nhận, trong hàng loạt ưu đãi dành cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhất là những cam kết về tiêu thụ sản phẩm cũng như ưu đãi về thuế không phải là những cơ chế mang tính thị trường hoàn toàn nhưng điều này được giải thích là nhằm bảo đảm an ninh năng lượng.
“Khi dự định xây dựng KCN Nghi Sơn và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Việt Nam mới chỉ đảm bảo năng lượng cho nền kinh tế khoảng 10-15%, và đến giờ cũng chỉ 30%. Chính vì thế, an ninh năng lượng là một trong những đòi hỏi để xây dựng một số nhà máy lọc dầu ở Việt Nam.
Vào thời điểm bắt tay vào dự án lọc dầu Nghi Sơn, thời điểm đó, giá dầu thô cũng như xăng dầu trên thế giới đang ở mức cao, an ninh năng lượng và yêu cầu tự chủ về xăng dầu là đòi hỏi rất lớn của kinh tế Việt Nam.
“”Đáng lưu ý, khi bắt tay vào xây dựng, các nhà quản lý Việt Nam đã xác định: bất kỳ dự án nào trong giai đoạn đầu đưa vào sản xuất hiệu quả cũng không cao, đặc biệt là những công nghệ luyện cán thép, lọc hóa dầu… Như lọc hóa dầu giai đoạn đầu lợi nhuận gần như không có, thậm chí là bị lỗ nhưng người ta kỳ vọng khi công nghiệp hóa dầu phát triển, nó sẽ trở thành một khu công nghiệp lớn, mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế. “, ông Thịnh cho biết.
Cũng đánh giá về những chính sách ưu đãi mà các địa phương và Chính phủ dành cho các dự án lọc dầu nói chung dù xác định sẽ bị lỗ thời gian đầu, thậm chí như Lọc dầu Nghi Sơn dù chưa đi vào hoạt động đã tính phải bù lỗ hay Lọc dầu Dung Quất hoạt động đã 7 năm vẫn đang phải bù lỗ, ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, người từng dũng cảm từ chối dự án thép tỷ đô ở Vân Phong cho rằng, đó là vì các địa phương sẽ được thành tích về tăng GDP và giải quyết việc làm cho lao động.
“Tỉnh chỉ được tiếng ngân sách tăng vọt. Tuy nhiên cuối cùng địa phương cũng không được sử dụng đồng nào vì đó là thuế tiêu thụ đặc biệt, phải nộp hết cho Trung ương. Chính vì thế, phát triển dự án lọc dầu, cái địa phương được chủ yếu là về lao động. Cái lợi đó quá ít so với những gì Việt Nam phải trả”, ông Chi đánh giá.
Giá đắt phải trả
Cái giá Việt Nam phải trả, cái hại nhiều hơn lợi từ các dự án lọc hóa dầu mà ông Phạm Văn Chi đề cập chính là nguy cơ ô nhiễm môi trường.
“Không chỉ công nghiệp luyện gang thép mà công nghiệp lọc hóa dầu cũng gây ra nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tôi được biết mới đây Bình Định đã dừng dự án lọc dầu Nhơn Hội và nói “không” với các dự án lọc hóa dầu nói chung. Họ dừng lại là đúng bởi nếu không sẽ mất hết bãi biển của Nhơn Hội. Hơn nữa, khi dự án càng kéo dài thì thiệt hại về tiền của càng lớn.
Đã đến lúc Việt Nam nên từ chối các dự án lọc dầu. Ở nước ngoài, họ xây dựng nhà máy lọc dầu ở vùng hoang mạc nên làm được, còn Việt Nam, các dự án toàn nằm ở ven biển. Nếu chấp nhận như thế, biển Việt Nam sẽ trở thành bãi rác của công nghiệp đóng tàu, công nghiệp gang thép và lọc dầu”, nguyên Chủ tịch Khánh Hòa thẳng thắn.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng chỉ rõ, từ những năm 70 của thế kỷ XX, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nhà đầu tư sành sỏi như Nhật Bản, Mỹ… đã nhìn thấy rõ nguy cơ về ô nhiễm môi trường do công nghiệp hóa và đã có biện pháp xử lý an toàn chất thải, khí thải ra môi trường.
Tuy nhiên, đến nay, đối với Việt Nam và nhiều nước đang phát triển khác đang trong quá trình công nghiệp hóa, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như phát triển các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường lớn (lọc hóa dầu, luyện cán thép, nhiệt điện…) chưa được nhìn nhận đúng mức.
“Trong thời gian qua, Việt Nam chỉ chú trọng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài sao cho nhiều nhất, tất cả các địa phương, vùng miền đều đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà xem nhẹ hiệu quả kinh tế cũng như vấn đề an toàn cho môi trường, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh các KCN, nhà máy FDI…
Các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam hay các nước đang phát triển cũng nhằm chuyển công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm của họ sang các nước lạc hậu, kém phát triển hơn để thu được lợi nhuận cao hơn. Nhiều quốc gia phát triển giải quyết tốt vấn đề môi trường ở nước họ nhưng để làm được điều đó ở các nước họ đến đầu tư đòi hỏi chi phí rất cao, thường chiếm tới 20-30% tổng vốn đầu tư. Nếu phía Việt Nam không đòi hỏi, yêu cầu, giám sát chặt chẽ thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phớt lờ để thu được lợi nhuận cao nhất.
Ở Việt Nam, không chỉ dự án lọc hóa dầu, mà các dự án luyện thép, nhiệt điện, giấy…. vấn đề an toàn môi trường, xử lý rác thải, chất thải, khí thải không được quan tâm đúng mức. Nếu không xử lý kịp thời môi trường, e rằng lợi nhuận Việt Nam có được từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng không đủ để bù đắp, phục hồi môi trường sống cho người dân”, ông Thịnh nói.
Vị chuyên gia dẫn các vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thời gian qua của Formosa Hà Tĩnh, nhà máy giấy Lee&Man (Hậu Giang)… và coi đó là những bài học đắt giá.
“Đã đến lúc Việt Nam bắt buộc phải quan tâm đến việc quản lý chất lượng công nghệ của các dự án đầu tư, lựa chọn công nghệ ít ảnh hưởng đến môi trường và an toàn với người dân, từ đó đảm bảo hoạt động sản xuất bền vững cho các khu vực và toàn nền kinh tế”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Theo_Báo Đất Việt
PVN bù lỗ cho lọc dầu Nghi Sơn hàng ngàn tỉ đồng/năm
Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) mới đây đã có báo cáo đánh giá tác động liên quan đến thu ngân sách nhà nước khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (NSRP - ở Thanh Hóa) đi vào hoạt động.
Theo đó, khi NSRP đi vào hoạt động, năm 2017 tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến giảm 1.377 tỉ đồng, năm 2018 giảm 10.929 tỉ đồng, năm 2019 giảm 10.632 tỉ đồng và năm 2020 giảm 14.110 tỉ đồng. Riêng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), do bao tiêu sản phẩm từ NSRP nên với phương án giá dầu 45 USD/thùng thì sẽ phải bù lỗ 1,54 tỉ USD/10 năm (tương đương khoảng 3.500 tỉ đồng/năm). Tuy nhiên, PVN sẽ thu được lợi nhuận theo tỉ lệ góp vốn 1.400-1.600 tỉ đồng/năm. Như vậy, khi NSRP đi vào hoạt động, PVN sẽ phải bù lỗ bình quân 80-110 triệu USD/năm, tương đương khoảng 1.800-2.500 tỉ đồng/năm.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư 9 tỉ USD gồm bốn thành viên liên doanh với PVN chiếm 25,1%, các công ty của nước ngoài chiếm phần còn lại. Dự kiến dự án sẽ đi vào vận hành thử vào tháng 11-2016 đến tháng 6-2017, vận hành thương mại từ tháng 7-2017. Đến năm 2020 nhà máy sẽ vận hành chính thức.
Theo_PLO
Được lợi gì từ các dự án tỷ USD? Nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang tiếng đầu tư tỷ USD vào Việt Nam (VN) nhưng nền kinh tế không được lợi gì, thậm chí còn phải bù lỗ. Miễn giảm các loại thuế, tiền thuê đất suốt vòng đời dự án; chấp thuận các đòi hỏi ưu đãi vượt khung; hưởng thêm chế độ đặc thù... khiến...