Loạt tên tuổi lớn của Hoàng gia Anh gọi thẳng ‘The Crown’ mùa 5 là ‘rác rưởi, vô nghĩa’, Netflix nói gì?
The Crown mùa 5 tiếp tục đứng trước nhiều chỉ trích.
Trở lại với mùa 5 trong năm 2022, The Crown – Hoàng Quyền lựa chọn khai thác một trong những mốc thời gian nhạy cảm nhất trong lịch sử Hoàng gia Anh – năm 1992. Từng được Nữ hoàng Anh Elizabeth II gọi là “năm kinh khủng”, 1992 đánh dấu sự chia ly của Công nương Diana và Hoàng tử Charles III cùng những câu chuyện bên lề về cuộc hôn nhân của cả hai.
The Crown mùa 5 – Ảnh trong phim
Thế nhưng vẫn giống như những mùa phim trước, The Crown mùa 5 tiếp tục đối mặt với vô số bình luận trái chiều, trong đó chỉ trích không hề ít. Đặc biệt là khi bộ phim ra mắt sau sự kiện có tác động lớn – Nữ hoàng Anh qua đời và Hoàng tử Charles đăng cơ. Hàng loạt những cái tên có quan hệ mật thiết đến Hoàng gia Anh đã lên tiếng về The Crown, phần lớn đều thể hiện sự bất bình với loạt phim lần này.
“Rác, vô nghĩa và tàn nhẫn”
Nhân vật đầu tiên lên tiếng về nội dung của The Crown là cựu Thủ tướng Vương quốc Anh John Major. Trả lời với The Daily Mail, ngài Major thẳng thắn gọi bộ phim là “một mớ vô nghĩa”, đồng thời cho rằng Netflix nên có dòng cảnh báo “từ chối trách nhiệm” (Disclaimer, tức thông báo cho khán giả rằng những gì họ sắp xem là chủ quan, hoặc chỉ để tham khảo chứ không đại diện cho sự thật) trước khi bước vào mỗi tập phim.
” Tôi thấy rằng Netflix vẫn tiếp tục phớt lờ việc gắn cảnh báo ở mỗi đầu credit phim, trên cơ sở ‘ai cũng biết đây là phim thôi’. Nhưng như thế là chưa đủ. Nếu ai cũng biết, vậy sao không thông báo rõ ràng điều đó? Nếu không hành động, hàng triệu khán giả khắp thế giới vẫn sẽ bị phần kịch bản giả tưởng và xuyên tạc này ảnh hưởng…“, Major cho biết.
John Major trong phim và ngoài đời – Ảnh: The Daily Mail
Việc yêu cầu Netflix gắn cảnh báo “từ chối trách nhiệm” cho bộ phim cũng là ý định của Judi Dench – nữ diễn viên nổi tiếng từng được Hoàng gia Anh phong tước hiệu “Quý bà – Dame”. Trong bức tâm thư gửi cho The Times, Judi Dench gọi mùa 5 của The Crown bằng từ “tàn nhẫn”, và như Major bà lo sợ nhiều khán giả sẽ tin rằng những gì xảy ra trong 10 tập phim này là thật. ” Đã đến lúc Netflix cân nhắc lại, hãy vì một gia đình và đất nước vừa hứng chịu sự tang thương mà đưa ra một hành động tôn trọng vị nguyên thủ đã hết lòng vì nhân dân của bà suốt 7 thập kỷ“, Dench nhấn mạnh trong thư.
Judi Dench viết thư về The Crown mùa 5 – Ảnh: The Daily Mail
Có thể thấy, một số cái tên nêu trên có nhiều vấn đề với The Crown hơn chỉ là những chi tiết “giả tưởng”. Chí ít, họ đều mong mỏi Netflix tinh tế thông tin đến người xem đại chúng rằng phim chỉ là phim, và nó cần được nhìn nhận tách biệt khỏi sự thật lịch sử. Song, vẫn có những nhân vật thể hiện sự phẫn nộ rõ rệt, điển hình là David Mellor.
Cựu Bộ trưởng phụ trách Ngân khố của Hoàng gia Anh không tiếc lời chỉ trích The Crown mùa 5 trong một cuộc phỏng vấn với The Daily Mail. Mellor lo ngại về cách nhìn nhận, đánh giá của khán giả về phim, đặc biệt về hình tượng của “tân vương” Charles III. ” Là một biên kịch giỏi, tôi chẳng thể nào nghĩ rằng Peter Morgan phải đi đến thứ kịch bản giả tưởng rác rưởi rõ ràng thế này. Ngài Charles III là một vị vua tốt kể từ khi lên ngôi đến nay, và thật đáng xấu hổ khi ngài bị khắc họa như trong phim“, Mellor công khai chia sẻ.
Trong The Crown mùa 5 lần này, Charles III được xây dựng phần cốt truyện và loạt âm mưu lật ngôi hướng đến Nữ hoàng Elizabeth II, mà trong đó có cả John Major nhúng tay. ” Major không đời nào làm thế!“, Mellor bổ sung.
Charles III được khắc họa đầy tranh cãi – Ảnh trong phim
Vậy đứng trước hàng loạt lời lẽ bất bình công khai của những nhân vật cộm cán, Netflix đã lên tiếng thế nào?
Netflix phản hồi
Thông qua US Weekly và Variety, Netflix đã đưa ra quan điểm của mình dành cho The Crown mùa 5. Thực chất trong mùa 5 này, khi nhận về nhiều bình luận trái chiều, Netflix đã chèn một dòng ở đầu phim để nhắc người xem rằng đây chỉ là “phim hư cấu được lấy cảm hứng từ sự kiện có thật” vì hiểu rõ tính chất nhạy cảm của giai đoạn bối cảnh lần này.
” Chúng tôi luôn quảng bá The Crown như một bộ phim chính kịch hư cấu, và tự tin rằng mỗi một thành viên ekip đều hiểu rõ đây chỉ là sản phẩm giả tưởng được dựa trên các sự kiện lịch sử. Mùa 5 này được làm nên từ sự tưởng tượng về những gì có thể đã xảy ra suốt cả thập kỷ về gia đình hoàng gia, đằng sau những cánh cửa đóng sầm kia“, Netflix khẳng định.
Netflix lên tiếng về The Crown mùa 5 – Ảnh trong phim
Không chỉ có Netflix mà ngay cả các diễn viên tham gia The Crown mùa 5 cũng lên tiếng. Dominic West – Hoàng tử Charles của phim đã gọi việc gắn nhãn cảnh báo “thật sự xu nịnh”. James Murray (Hoàng tử Andrew trong phim) cũng không thích việc gắn cảnh báo này, khẳng định khán giả chắc chắn phân biệt được đâu là phim chính kịch hư cấu, đâu là phim tài liệu hay thậm chí giáo lý. Đến “Công nương Diana” Elizabeth Debicki cũng lên tiếng trấn an khán giả rằng cô và cả dàn cast đều tiếp cận, thể hiện hình tượng Hoàng gia Anh một cách đầy tôn trọng. ” Nếu có ai nghĩ rằng chúng tôi chả có tinh thần trách nhiệm gì, thì họ sai rồi“, Debicki cho biết.
Elizabeth Debicki và nhiều diễn viên lên tiếng – Ảnh trong phim
Có thể thấy, Netflix vẫn luôn có thái độ rất cứng rắn với các dự án phim của mình trước nhiều luồng ý kiến, đặc biệt là chỉ trích. Nhất là đối với những dự án có dính líu đến yếu tố sự thật, nền tảng này chưa từng lo sợ hay nhún nhường trước bất kì lời chỉ trích nào. Trước The Crown mùa 5, bộ phim Monster về tên sát nhân Jeffrey Dahmer cũng gặp trường hợp có thể xem là tương tự. Phim vẫn thành công vang dội về số liệu, tiền vẫn chảy vào túi đội ngũ sản xuất mặc cho không ít nhân vật có thật, thành viên gia đình nạn nhân lẫn thủ phạm được khắc họa trong phim lên tiếng trong sự giận dữ lẫn bất lực, hay nhiều chi tiết trong phim bị khắc họa sai lệch với thực tế, khiến một bộ phận khán giả hiểu lầm về nạn nhân.
Khán giả Việt khen - chê Black Panther 2: Bi thương, chân thành nhưng tội nghiệp nhóm làm kỹ xảo!
Black Panther: Wakanda Forever được công nhận là phim hay nhất Giai đoạn 4 của Marvel, song vẫn có điểm hạn chế.
Vào tối 9/11, bom tấn Black Panther: Wakanda Forever đã có buổi chiếu ra mắt, thu hút sự chú ý không nhỏ từ khán giả và truyền thông Việt Nam. Sự trở lại của chiến binh Báo Đen sau nhiều năm được xem là "tín hiệu quan trọng" không chỉ khép lại Phase 4 của Marvel, mà còn cho thấy nước đi tiếp theo của Wakanda sau khi T'Challa, hay Chadwick Boseman qua đời. Dưới đây là những đánh giá đầu tiên của khán giả và các trang bình luận tại Việt Nam sau buổi chiếu phim đầu tiên.
Phim hay nhất Giai đoạn 4 của Marvel
Không ít ý kiến đều đồng tình rằng Black Panther: Wakanda Forever là dự án hay nhất của Giai đoạn 4. Trong số đó, nữ hoàng Ramonda và Shuri là 2 nhân vật được khen ngợi nhiều nhất nhờ diễn xuất tuyệt vời, cùng với đó là cách xây dựng sâu sắc và được đầu tư nhất phim.
Trang Phê Phim đánh giá:
"PHIM SIÊU ANH HÙNG HAY NHẤT NĂM... CHỈ SAU THE BATMAN
Điểm cộng:
- Diễn xuất của dàn diễn viên chính trọn vẹn, giàu cảm xúc (đặc biệt là Nữ Hoàng).
- Thiết kế bối cảnh và trang phục vẫn xuất sắc như phần đầu.
- Nhạc hay đủ dùng, xứng đáng nghe đi nghe lại nhiều lần.
- Màn tri ân Chadwick mang lại cảm giác trọn vẹn và cảm động.
Điểm trừ:
- Giữa phim hơi dài dòng.
- Một số tình huống gây hài không cần thiết nhưng không lố lăng như Thỏ.
- Cảnh đấu cuối chưa thỏa mãn, nếu không muốn nói là KHÁ KÉM so với vị thế của 2 người đứng đầu 2 vương quốc hùng mạnh bậc nhất.
- Riri chưa để lại nhiều ấn tượng ngoài mục đích giới thiệu nhân vật và chỉ như một cái cớ gượng ép để thúc đẩy hành động của các nhân vật.
Kết: Black Panther 2 vẫn là một phim đáng xem, tốt hơn rất rất nhiều so với các tác phẩm kém chất lượng của Marvel cho ra mắt gần đây."
Khán giả J.Y:
"Những người đau khổ nhất sẽ là những thủ lĩnh vĩ đại nhất...
Màn lăng xê nữ chính quá thành công của Marvel. Đúng là có khen có chê, nhưng với mình thì phim đỉnh quá đó!"
Khán giả L.G.C:
"Phim hay nhất Giai đoạn 4 rồi, xây dựng tình tiết và tuyến nhân vật rất tốt."
Khán giả L.L.N lại không thể kìm nén những cảm xúc của mình khi Marvel khai thác sâu một chủ đề đầy cảm xúc, đặc biệt là một đất nước, một gia đình vừa trải qua nỗi mất mát lớn:
" Wakanda Forever là bộ phim tốt nhất của Giai đoạn 4 và cũng là một trong những phim tốt nhất của Marvel. Giữa lúc hãng phim này đã làm mình thấm mệt với content ra liên tục đến mức sẵn sàng buông bỏ, bộ phim này giàu chất liệu và "mạnh mẽ về tính chủ đề", đến mức mình đồng điệu theo từng hơi thở và từng cảm xúc cheo leo của nhân vật.
Lại nhớ những gì bác già Scorsese từng nói: "Phim Marvel thiếu đi những rủi ro về cảm xúc", Wakanda Forever là minh chứng rõ ràng rằng Marvel không chỉ dừng lại ở công thức, sự lặp lại những đề tài nhất định mà có thể khai thác những đề tài sâu hơn. Ở đây chính là những sang chấn hậu mất mát.
Một dân tộc mất vua. Một người mẹ mất con. Một cô em gái mất anh ruột. Câu chuyện gia đình chồng chất lên câu chuyện chính trị, lột tả nên bức tranh cực kỳ hiếm thấy ở thể loại phim siêu anh hùng. Vì ở đây không có siêu anh hùng nào cả. Trong Wakanda Forever chỉ có những con người đổ vỡ, học cách ôm ấp và sống tiếp với những bi thương. Trọng tâm của câu chuyện là Shuri, người phải học cách trưởng thành từ những nỗi đau. Đúng. Câu chủ đề của Wakanda Forever chỉ ngắn gọn: một cô gái phải học cách vượt qua nỗi đau mất anh trai - người đứng đầu đất nước mình - để có thể dẫn dắt người dân. Qua đó, hành trình của Shuri không chỉ hiện lên ở hình thức mà còn ở tâm thức.
Talokan được đưa vào phim tự nhiên và dễ chịu, tạo thành một bộ phim khai thác những nhức nhối của hai dân tộc hậu thuộc địa một cách dễ chịu. Talokan và Namor không chỉ là tuyến nhân vật chống đối, mà còn là tấm gương để Wakanda soi chiếu lại hành trình của họ từ bóng tối bước ra ánh sáng, và chịu trách nhiệm cho từng bước đi đó của mình.
À, đây là phim Marvel có nhạc phim hay nhất từ trước đến giờ mình được thưởng thức, mà không phải nó hay nhờ âm nhạc hay chất liệu của Ludwig Gorranson. Nó hay ở chỗ đặt để khoảng lắng. Những khoảng lắng đau đến tột cùng để than khóc và tưởng nhớ Chadwick Boseman cùng di sản mà anh để lại.
Bởi vậy nên ngay từ logo hãng phim mình đã rơi nước mắt rồi."
Cảm xúc có lẽ là điểm cộng lớn nhất của Black Panther 2 khi ngay từ đâu, phim đã được xây dựng từ sự mất mát. Theo khán giả T.D, phim ít cảnh chiến đấu nhưng bù lại dạt dào về cảm xúc. Ngoài ra, một khán giả khác còn vô cùng bất ngờ khi Black Panther: Wakanda Forever có rất nhiều người Việt được nêu tên ở phần credit.
Khán giả T.D:
"Bộ phim đầy sự chân thành, tang thương và mang nhiều nỗi buồn. Sẽ không đỉnh cao ở các trận chiến, nhưng nó khép lại mất mát và mở ra chương mới."
Khán giả Đ.X.T:
"Quá nhiều cảm xúc cho một lời chào. Lần đầu tiên người Việt Nam xuất hiện nhiều đến thế trong một phim Marvel."
Dài dòng, kỹ xảo bấp bênh
Bên cạnh những lời khen, Black Panther: Wakanda Forever vẫn nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả Việt. Trang chuyên đánh giá phim siêu anh hùng SUPERWORLD thất vọng khi tính cách nhân vật khác hẳn phần 1, cộng thêm tình tiết dài dòng một cách không cần thiết.
SUPERWORLD đánh giá chung:
"Tôi cũng không dám nói là phim hay hay dở, mà thật ra nó cũng còn xa mới tới mức dở nhưng bảo hay thì... nó lạ lắm. Xây dựng nhân vật kiểu gì ấy, nhân vật cư xử khác hẳn phần 1. Quay ngoắt 180 độ luôn, chỉ có em Shuri được khắc họa cẩn thận, có thể nói là lăng-xê thành thánh nữ.
Mà phần 2 tự nhiên nhân vật nào cũng nói đạo lý. Kiểu mở mồm ra là câu phức dài đến nỗi không thể hiển thị hết cùng 1 lần trên màn hình. Đến M'Baku tự nhiên cũng nói đạo lý nói nhân văn.
Nhưng thôi tôi sẽ tập trung vào anh Namor 1 tí. Nghe nói anh gánh team, anh là phản diện xuất sắc, tôi đã rất kì vọng. Không ngờ lên phim anh lại là ông hoàng đạo lý, chúa tể thao túng.
[...]
May mà giọng anh hay và mắt anh ướt nên anh nói gì nghe cũng thuyết phục.
[...]
Phim dài 1 cách không cần thiết thực sự. Đoạn tri ân T'challa thì thôi, để lúc khác nói. Phim này chắc cũng tỷ đô thôi, xem không tệ nhưng nó cứ bị gồng và màu mè sao sao ấy. Chịu."
Thế nhưng, điều khiến không ít khán giả quan ngại ở phần 2 của Black Panther còn là yếu tố kỹ xảo - thứ từng là thế mạnh của Marvel. Một số người cảm thấy khó chịu khi vương quốc Talokan dưới nước quá nghèo nàn, tăm tối. Chưa kể, nhiều lỗi luộm thuộm, vụng về về hiệu ứng hình ảnh tiếp tục lộ rõ mồn một trên màn ảnh, điều đã xuất hiện trong một số phim Marvel gần đây.
Khán giả V.N:
"Điểm cộng:
- Xây dựng tâm lý nhân vật tốt
- Diễn xuất giàu cảm xúc, đặc biệt là Angela Bassett trong vai Nữ hoàng Wakanda
- Trang phục và bối cảnh xuất sắc
- Màn tri ân Chadwick Boseman xúc động
- Nhạc phim hay nha
Điểm trừ:
- Những đoạn ở vương quốc Talokan tối quá
- Giữa phim hơi lê thê
- Cảnh đấu cuối chưa thoả mãn
Chốt lại đây vẫn là phim siêu anh hùng hay nhất năm nay nha qúy vị."
Khán giả N.N.Đ:
"Team kỹ xảo của Marvel hãy ra tín hiệu để được giải cứu. Mấy cảnh phim làm như kiểu render bằng nỗi sợ hãi, tối hơn Game of Thrones."
Khán giả Đ.H:
"Xem hay quá nè, làm về quyền nữ duyên dáng tinh tế mà vừa đủ. Tui thì không thích cứ mãi khóc thương Chadwick nên tập trung xem Shuri thì đánh giá cao cách xây dựng trong phần này. Nói chung thích thích thích x1000 lần hơn phần 1. Nhưng kỹ xảo nhiều chỗ ảo quá trời ơi cho team kỹ xảo thở tí đi Marvel ơi..."
Black Panther: Wakanda Forever có suất chiếu sớm vào ngày 10/11, và sẽ chính thức công chiếu vào ngày 11/11 tại Việt Nam.
Trailer Black Panther: Wakanda Forever
Lý do khiến bộ váy của Emma Watson không đẹp như Lọ Lem: Sự đấu tranh không có kết quả thỏa đáng Emma Watson sẵn sàng "không đẹp" ở Người Đẹp Và Quái Vật để bảo vệ tiếng nói của bản thân. Phần trang phục của các công chúa Disney luôn được khán giả quan tâm trong các dự án chuyển thể. Nếu đã từng "lóa mắt" với phiên bản váy dạ hội đẹp nao lòng của Lọ Lem năm 2015 thì phần đông khán...