Loạt show thời trang bị hủy do biến thể Omicron
Sau một năm nhiều biến động, ngành thời trang thế giới tiếp tục chao đảo khi tình hình dịch trở nên phức tạp.
Các trường hợp mắc Covid-19 tăng đến mức chưa từng thấy kể từ mùa đông năm 2020 và việc biến thể Omicron lan nhanh trên toàn thế giới đã khiến nhiều thương hiệu buộc phải đưa ra quyết định hủy sự kiện.
Armani là một trong những thương hiệu đầu tiên hủy bỏ các buổi trình diễn trực tiếp vào tháng 1. Theo đó, show Armani Privé Haute Couture ở Paris (Pháp), show thời trang nam mùa Thu năm 2022 của Giorgio Armani và Emporio Armani tại Tuần lễ thời trang nam Milan đã được thông báo hoãn, theo WWD.
Giorgio Armani cúi đầu khi kết thúc buổi trình diễn ở Dubai (UAE). Ảnh: Giovanni Giannoni.
Trong tuần trước, Project cũng thông báo hủy bỏ triển lãm thương mại ở New York (Mỹ). Brunello Cucinelli hoãn các buổi trình diễn tại Pitti Uomo hay Tuần lễ Thời trang nam Milan.
Tuần lễ Thời trang nam London – sự kiện thường diễn ra vào tháng 1 – cũng bị hủy. Joseph Keefer – nhà tư vấn và giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang cùng tên – cho biết anh sẽ hủy bỏ không gian trưng bày của mình tại Tuần lễ Thời trang nam Paris.
“Sự lây lan của biến thể mới đã đẩy các nhà mốt đến quyết định khó khăn. Nhưng tôi nghĩ nó cần thiết lúc này”, nhà thiết kế Brunello Cucinelli nói với WWD.
Armani cũng bày tỏ quan điểm tương tự khi tuyên bố với truyền thông: “Các buổi biểu diễn là rất quan trọng nhưng sự an toàn của nhân viên và công chúng phải được ưu tiên”.
Dù vậy, một số nhà thiết kế cho biết các show được lên kế hoạch vào tháng 2 vẫn chưa bị hủy. Theo Patricia Bonaldi – người sáng lập và giám đốc sáng tạo của thương hiệu cao cấp Brazil PatBo, chương trình Tuần lễ Thời trang New York của thương hiệu cô vẫn được chuẩn bị. Sự kiện sẽ bắt đầu vào ngày 10/2.
Theo Glossy, đối với những thương hiệu hoãn lịch trình, các buổi trình diễn ảo là sự thay thế khả thi. Dù bị hạn chế về nhiều mặt, chúng cũng có ích trong việc quảng bá bộ sưu tập. Sự nổi lên của thế giới ảo metaverse đã làm cho những chương trình đó trở nên dễ tiếp cận hơn. Vào tháng 3, metaverse Decentraland sẽ tổ chức một buổi trình diễn thời trang.
Thế giới ảo đang có tác động lớn đến ngành công nghiệp thời trang. Ảnh: 3Dlook.
Video đang HOT
Hơn nữa, một trong những công ty tổ chức sự kiện – UNXD – trước đây đã làm việc với các thương hiệu như Dolce & Gabanna. Thương hiệu Cucinelli cũng đã có kế hoạch tổ chức chương trình trên Pitti Connect với kỹ thuật số của Pitti Uomo.
“Mặc dù không gì có thể thay thế trải nghiệm trực tiếp, tôi vẫn tìm thấy giá trị trong việc hiển thị kỹ thuật số. Điều này thách thức chúng tôi tạo ra những nội dung hấp dẫn hơn qua màn ảnh”, Bonaldi nói.
Amy Smilovic – giám đốc sáng tạo của Tibi – đã chuẩn bị cho sự kiện Tuần lễ Thời trang New York bằng cách quay show trước thời hạn và sẽ chiếu nó vào đúng ngày. Tuy nhiên, cách làm của Smilovic có sự mới mẻ hơn như việc hiển thị trong metaverse hoặc sử dụng các nền tảng thực tế ảo phức tạp.
Thời trang nam giới đã thay đổi thế nào?
Những show thời trang dưới đây cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ trong phong cách của phái mạnh, từ sự nữ tính đến hiện đại.
Giorgio Armani Xuân - Hè 1976
"Dù Paris (Pháp) được coi là trung tâm của thời trang, Milan (Italy) mới thực sự là nơi diễn ra quá trình hiện đại hóa trang phục", Highsnobiety nhận định. Giorgio Armani giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên của mình tại đây vào năm 1975 cho mùa Xuân - Hè 1976. Những bộ vest vốn có phần vai rộng được ông thiết kế trở nên mềm mại và thoải mái hơn. Điều này được chứng minh qua những bộ quần áo ông làm cho Richard Gere lúc đóng American Gigolo (1980). Ông cho thấy nam giới cũng có thể mặc các loại vải nhẹ như len crepe vốn được xem là loại vải nữ tính. Tuy nhiên, đỉnh cao của Armani được thể hiện qua việc ông sử dụng vải lanh, khởi đầu cho xu hướng sang trọng nhàu nhĩ đã thu hút công chúng vào năm 1985. Ảnh: Aldo Fallai.
Jean-Paul Gaultier Xuân - Hè 1985
Tính đa dạng trong ngành công nghiệp thời trang đã được nhà thiết kế người Pháp Jean-Paul Gaultier đề cao nhiều thập kỷ trước. Ông trở nên nổi tiếng vào đầu những năm 1980 với việc pha trộn nhiều kiểu người mẫu trên sàn diễn. Với bộ sưu tập Et Dieu Créa lHomme (Chúa đã tạo ra con người), ông cho những người đàn ông mặc váy. "Không có sự khác biệt giữa quần áo nam và nữ đối với tôi. Tất cả có thể trộn lẫn", Gaultier nói với Washington Post vào năm 1984. Ảnh: Daniel Simon.
Yohji Yamamoto Thu - Đông 1998
Đường cắt rộng rãi gắn liền với những thiết kế của Yohji Yamamoto. Ông thường thể hiện sự gợi cảm uể oải - ý tưởng thường dành cho trang phục nữ. Cách tiếp cận đó đã được thể hiện rõ nhất khi ông chỉ tuyển chọn phụ nữ (đa dạng độ tuổi, kích cỡ và chủng tộc) cho buổi trình diễn bộ sưu tập nam giới Thu - Đông 1998 của mình. Vivienne Westwood, Charlotte Rampling và Ines de la Fressange sải bước trên sàn catwalk trong những chiếc áo khoác ngoại cỡ, mỉm cười, gật đầu với khách mời như đang tán tỉnh. Áo khoác, sơ mi và quần dài là những thứ dễ nhận biết nhưng lại không có sự cứng nhắc liên quan đến trang phục nam vào thời điểm đó. Buổi biểu diễn đã thành công rực rỡ, đạt được sự cân bằng hiếm có giữa hiện đại và chủ nghĩa lãng mạn. Điều này đưa Yamamoto trở thành nhà thiết kế quần áo nam được yêu thích trong 2 thập kỷ sau đó. Ảnh: Bertrand Rindoff Petroff.
Helmut Lang Xuân - Hè 1998
Xem trọng tính tối giản đã khiến Lang trở nên nổi tiếng từ năm 1994. Kết thúc sự say mê với trang phục quyền lực có vai rộng những năm 1980, thương hiệu mang đến cảm giác mới cho chủ nghĩa tối giản khi hòa trộn nó với rockabilly, punk. Ảnh: Imaxtree.
Rick Owens Thu - Đông 2009
Rất ít nhà thiết kế có ảnh hưởng đến trang phục nam giới trong khoảng 10 năm nay nhiều như Rick Owens. Ông để nam giới gắn liền với áo dài, quần tụt hay giày bệt - những thứ được các rocker và rapper thường mặc. Hơn nữa, ông đã thuyết phục những người đàn ông bình thường, chỉ có sở thích thời trang thoáng qua ăn mặc theo cách này, đưa nhiều người ra khỏi vùng an toàn. Show diễn "Crust" Thu - Đông 2009 vẫn là dấu hiệu cho vẻ ngoài đặc trưng của nhà thiết kế này. Ảnh: Nathalie Lagneau.
Givenchy Thu - Đông 2011
Riccardo Tisci đã thể hiện quan điểm mới khi mang những chiếc sweat shirt in họa tiết đồ họa lên sàn diễn và thuyết phục được mọi người bỏ ra 700 USD cho chúng. Tisci gây chú ý hơn khi Kanye West mặc một chiếc váy kilt bằng da màu đen đến từ bộ sưu tập cho chuyến lưu diễn. Khi đó, hành động này của nam rapper gây tranh cãi về việc kỳ thị người đồng tính. Tuy nhiên, nó cũng giúp Givenchy trở thành tâm điểm chú ý ở thời điểm đó. Ảnh: Karl Prouse.
Louis Vuitton Xuân - Hè 2019
Sức ảnh hưởng của Virgil Abloh đối với phong cách thời trang nam đương đại là không thể phủ nhận. Khi tiếp quản bộ phận nam giới của Louis Vuitton, anh đã cho ra mắt nhiều sản phẩm, không chỉ riêng quần áo đơn thuần mà còn về mọi thứ khác trong thời trang để bắt kịp xu hướng hiện tại. Qua bộ sưu tập có tiêu đề "We Are The World", nhà thiết kế muốn phản ánh vấn đề toàn cầu hóa, cách Internet thúc đẩy văn hóa đại chúng và khiến cho phong cách nam giới tại New York (Mỹ) và Paris (Pháp) không thể phân biệt được. Điều này được thể hiện rõ nét qua việc tuyển chọn 56 người mẫu thuộc các sắc tộc khác nhau, trong đó có các rapper như Kid Cudi và Playboi Carti, vận động viên trượt tuyết Blondey McCoy và Lucien Clarke, nghệ sĩ Lucien Smith. Ảnh: Eva Al Desnudo.
Bộ sưu tập áo dài tái hiện dòng tranh bị lãng quên 'chào' Xuân mới Nhà thiết kế La Sen Vũ vừa trình làng bộ sưu tập mới trong show thời trang đặc biệt. Bên cạnh sắc vóc vạn người mê của dàn hoa hậu, á hậu, phần trình diễn còn gửi gắm thông điệp văn hóa sâu sắc. Chương trình Chào Xuân mới 'chiêu đãi' khán giả show diễn thời trang áo dài với bộ sưu tập...