Loạt ngân hàng lớn của Mỹ nối lại giao dịch trái phiếu Nga
Bộ Tài chính Mỹ đã có động thái bật đèn xanh, cho phép trái chủ Mỹ bán bớt lượng trái phiếu Nga mà họ nắm giữ vào tháng trước.
Đồng ruble của Nga. Ảnh: THX/TTXVN
Biện pháp này được triển khai sau lời kêu gọi từ các nhà đầu tư, khi họ cho rằng không rõ số phận của tài sản ở Nga sẽ thế nào sau khi các lệnh trừng phạt của Washington khiến Bộ Tài chính Nga không thể trả cổ tức bằng đồng USD.
Theo đài Sputnik, loạt ngân hàng lớn của Mỹ bao gồm JP Morgan Chase, Bank of America, Citibank và Tập đoàn Jeffries đã tái khởi động giao dịch trái phiếu Nga sau khi các cơ quan tài chính ở Washington nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Theo các nguồn tin của Reuters, một số ngân hàng lớn khác của châu Âu như Barclays và Deutsche Bank cũng đang có những động thái tương tự.
Video đang HOT
Cách tiếp cận của các ngân hàng đối với tài sản Nga được cho là khác nhau. Trong khi một số ngân hàng hỗ trợ khách hàng thoái vốn khỏi trái phiếu Nga thì những ngân hàng khác cung cấp các dịch vụ bổ sung, ví dụ như giao dịch để xử lý tài sản.
Trong một văn bản gửi tới các nhà đầu tư vào tuần trước, Bank of America đã thông báo với khách hàng rằng họ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bán trái phiếu của chính phủ Nga và một số công ty nhất định. Về phần mình, một người phát ngôn của ngân hàng Jeffries cho biết họ đang hỗ trợ khách hàng trong khuôn khổ quy định của các lệnh trừng phạt toàn cầu.
Diễn biến mang tính đột phá này xảy ra vài tháng sau khi Washington và các nước đồng minh phương Tây siết chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngân hàng và các tổ chức tài chính của Nga.
Ngày 6/6, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành lệnh cấm mua chứng khoán Nga tại thị trường thứ cấp. Tuy nhiên, trong tháng 7, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ đã đảo ngược lệnh cấm, cho phép các nhà đầu tư bán trái phiếu Nga nắm giữ và cấp giấy phép cho phép giao dịch đến hết ngày 20/10. Động thái này đã thúc đẩy các ngân hàng lớn bắt đầu thận trọng quay trở lại thị trường nợ của Nga.
Nga ước tính hiện có khoảng 40 tỷ USD trái phiếu chính phủ lưu hành trên thị trường. Moskva đảm bảo rằng tất cả các thanh toán theo thỏa thuận sẽ được giải quyết đúng hạn và đầy đủ bằng đồng ruble, thay vì đồng USD hoặc đồng euro do các hạn chế trừng phạt đối với các khoản thanh toán của Nga.
Trong bối cảnh Nga chịu nhiều lệnh cấm, hồi tháng 6, truyền thông Mỹ đưa tin Nga đã “vỡ nợ” về mặt kỹ thuật đối với các khoản nợ nước ngoài sau khi không thể thanh toán các nghĩa vụ bằng đồng USD và viện dẫn sự kiện này là bằng chứng cho thấy các lệnh trừng phạt hiệu quả. Các quan chức tài chính Nga đã bác bỏ thông tin này, nêu rõ một quốc gia vỡ nợ khi không thể hoặc không muốn trả nợ. Trong trường hợp này, trái phiếu của Nga đã được xây dựng để có phương án dự phòng một khi không thể thanh toán bằng đồng USD và đồng euro.
Ưu thế khí đốt của Nga đang giảm dần?
Sức mạnh từ "vũ khí" khí đốt của Nga với EU dường như đang suy giảm đáng kể khi lượng dự trữ tăng và nguồn cung đa dạng hơn.
Đường ống của nhà máy lưu trữ khí đốt Reckrod, gần Eiterfeld, miền trung nước Đức. Ảnh: AP
Theo trang tin Oilprice.com mới đây, các nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia của Anh Standard Chartered cho biết, kho khí đốt của châu Âu đang được lấp đầy mặc dù nguồn cung đường ống của Nga giảm đáng kể trong năm nay, điều này đã làm suy yếu sức mạnh "vũ khí khí đốt" của Moskva đối với EU.
Các nhà phân tích được Bloomberg trích dẫn lưu ý: "Mọi người từng nghĩ rằng châu Âu khó có thể trải qua một mùa Đông thoải mái mà không có khí đốt của Nga, nhưng nhờ vào 'sức mạnh' của kho dự trữ, chúng tôi cho rằng điều đó có thể xảy ra. Sức mạnh 'vũ khí' khí đốt của Nga đã suy giảm đáng kể".
Theo Standard Chartered, châu Âu bắt đầu mùa sưởi ấm (mùa Đông) năm nay với lượng khí đốt dự trữ thấp hơn định mức theo mùa, nhưng tốc độ xây dựng kho lưu trữ khí đốt ở châu Âu vào mùa Hè này đã tăng nhanh.
Tháng trước, Nga cho biết nguồn cung cấp khí đốt qua Nord Stream sẽ bị cắt xuống chỉ còn 20% công suất, vài ngày khi Gazprom khởi động lại đường ống ở mức 40% công suất sau khi bảo trì định kỳ 10 ngày. Lời giải thích của Nga về việc dòng khí đến châu Âu thậm chí còn thấp hơn là do một tuabin khác tại một trạm nén đã được gửi đi sửa chữa, trong khi tuabin mà Canada trả lại sau khi bảo trì vẫn chưa được trả lại và lắp đặt.
Theo các nhà phân tích của Standard Chartered, mặc dù lượng giao hàng của Nga qua Nord Stream thấp, nhưng lượng khí tồn kho của EU vẫn "tăng tương đối mạnh". Ngân hàng này ước tính rằng ngay cả khi Nga cắt tất cả các dòng khí đốt đến châu Âu, mùa khai thác ở châu Âu sẽ kết thúc với lượng khí dự trữ đủ để cung cấp cho mùa Đông.
Dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu cho thấy, tính đến ngày 9/8, kho chứa khí đốt của EU đã đầy 72,4%, trong đó kho chứa của Đức đầy 73%, do châu Âu đang vận chuyển khối lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) kỷ lục từ Mỹ và các nhà cung cấp khác để thay thế đường ống khí đốt của Nga.
Nhưng theo hãng tin AP, một mình LNG không thể lấp đầy khoảng trống do thiếu nguồn cung từ Nga tạo ra. Các cơ sở xuất khẩu LNG của thế giới đang hoạt động hết công suất trong bối cảnh thị trường năng lượng thắt chặt và không còn khí đốt. Một vụ nổ tại một nhà ga của Mỹ ở Freeport, Texas gần đây, khiến châu Âu mất đi 25% nguồn cung chỉ sau 1 đêm.
Thêm vào đó, châu Âu sẽ phải cạnh tranh với châu Á về lượng LNG hạn chế, với các nhà phân tích tại Capital Economics dự báo giá sẽ ở mức cao. Ngay cả giá của Mỹ cũng sẽ tăng lên vì nước này là nhà xuất khẩu LNG lớn.
Do đó, duy trì các nguồn năng lượng khác có thể là chìa khóa cho châu Âu. Ví dụ, Đức đang kéo dài việc vận hành các nhà máy than. Mặt khác, các quốc gia EU đang tìm cách bảo đam nguồn cung năng lượng thay thế, với các nhà lãnh đạo của Italy, Pháp và EU gần đây đã ký kết các thỏa thuận với các đối tác của họ ở Algeria, Azerbaijan và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Tuy nhiên, bất chấp việc dự trữ khí đốt tăng lên cùng nguồn cung đa dạng hơn, các ngành công nghiệp ở châu Âu, bao gồm cả nền kinh tế lớn nhất là Đức, cảnh báo rằng họ có thể phải cắt giảm sản lượng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí đốt có thể dẫn đến sự sụp đổ của chuỗi cung ứng và sản xuất.
Cô gái "cầu cứu" ngân hàng vì hơn 1 tỷ trữ tại nhà bị... cháy thành than Nhìn số tiền lớn bị cháy, cô gái không khỏi xót xa và chỉ còn cách cầu cứu ngân hàng. Cô Zhou sống ở Hồ Bắc, Trung Quốc tiết kiệm được 300.000 tệ (1,1 tỷ đồng) trong 5 năm trời. Số tiền này được cô dành dụm để mua nhà. Tuy nhiên, mới đây, gia đình Zhou xảy ra hoả hoạn, nhiều đồ...