Loạt doanh nghiệp xăng dầu bị điểm tên không chịu nhập đủ hàng
Lãnh đạo Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương chỉ đích danh 6 doanh nghiệp không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, 6 thương nhân không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao là: Công ty TNHH sản xuất Thương mại Hưng Phát, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV, Công ty cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm, Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam; Công ty TNHH Trung Linh Phát và Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh.
Nhiều doanh nghiệp không nhập xăng dầu theo lượng được giao khiến nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn. (Ảnh minh họa)
Do đó, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý IV/2022 phục vụ nhu cầu thị trường, Bộ Công Thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (bao gồm nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, lượng xăng là hơn 2,2 triệu m3, bình quân hơn 749 nghìn m3/tháng; dầu diesel là hơn 3,1 triệu m3, bình quân hơn 1 triệu m3/tháng; dầu mazut là hơn 110 nghìn tấn, bình quân hơn 36 nghìn tấn/tháng… Tổng cộng lượng xăng dầu là hơn 5,5 triệu m3/tấn, bình quân hơn 1,8 triệu m3/tấn/tháng.
Việc phân giao được thực hiện căn cứ vào tỷ trọng tổng nguồn đã phân giao đầu năm 2022 cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và đã có danh sách với số lượng hạn mức cụ thể đến từng thương nhân đầu mối.
Vẫn theo Vụ Thị trường trong nước, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2022 được Bộ Công Thương giao cho 36 đầu mối kinh doanh xăng dầu lên tới hơn 20,72 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Theo báo cáo tổng hợp từ các đầu mối kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp đã thực hiện tổng nguồn xăng dầu mặt đất (xăng, diesel, dầu hỏa, dầu mazut) trong 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 17,2 triệu m3/tấn.
Đối với mặt hàng chủ đạo là xăng và diesel, một số thương nhân thực hiện tổng nguồn gần đạt, thậm chí vượt so với tổng nguồn tối thiểu được giao. Như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đạt 99,6% đối với xăng; 95,9% đối với diesel; Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) thực hiện đạt 100,3% đối với xăng; 83,4% đối với diesel; Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) đạt 93,2% đối với xăng; 167,0% đối với diesel…
Doanh nghiệp đầu mối vẫn khó khăn về chi phí
Video đang HOT
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, có hai nguyên nhân dẫn đến việc đứt gãy nguồn cung ở một số địa bàn, đặc biệt là quý III/2022.
Thứ nhất, về mặt khách quan, theo quy định của Nghị định 95, các doanh nghiệp đầu năm đăng ký theo sản lượng trung bình hoạt động của năm trước. Trong khi đó, năm 2021 và 2020 lại là năm diễn ra đại dịch nên sản lượng sụt giảm.
Thứ hai, do tình hình địa chính trị, giá thế giới biến động rất lớn, mang tính chất dị biệt nên không có chính sách nào có thể bao phủ để kịp thời thích ứng với biến động giá cả và tình hình địa chính trị thế giới trong năm 2022.
Trong khi 6 tháng đầu năm không có tình hình biến động lớn do vẫn còn lượng tồn kho thì bắt đầu đến quý III tình hình có sự biến đổi do giá xăng dầu đến đà suy giảm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề chi phí.
Trước hết là chi phí hoạt động lưu thông của xăng dầu, giúp hàng hóa được bán ra thị trường từ thương nhân phân phối, đến cửa hàng bán lẻ. Chi phí này đã được áp dụng suốt từ năm 2014 đến nay và chưa được sửa đổi dù chúng tôi đã kiến nghị đề xuất nhiều lần và theo quy định phải rà soát hàng năm”.
Thứ nữa là chi phí tạo nguồn, là các chi phí đã được quy định tại các Nghị định 83, 95. Chi phí này bao gồm giá cả thế giới, premium, phụ phí, chi phí đưa hàng từ nước ngoài về, kể cả chi phí nhập từ các nhà máy lọc dầu trong nước. Đây là vấn đề rất mới, bắt đầu thực hiện trong năm 2022.
Với chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng và premium trong nước, đáng lẽ phải được áp dụng từ 11/7, nhưng đến 11/10 mới được áp dụng, chậm đến 3 tháng, dẫn đến trong quý III, các doanh nghiệp lấy hàng trong nước thiếu tới 600 đồng/lít xăng.
Trong khi đó, chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng thời gian vừa qua chi phí này lại biến động tăng rất cao, việc điều chỉnh nhưng không sát thực tế nên các doanh nghiệp lỗ trong quý III tại khâu tạo nguồn khoảng hơn 2000 tỷ đồng. Đây chính là lý do các doanh nghiệp rất ngần ngại vì lỗ rất lớn.
Lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, đối với khối lượng xăng dầu Bộ giao cho các doanh nghiệp thì chắc chắn phải nhập thêm. Trong khi với giá cả hiện tại trong quý IV, nhất là tháng 11, 12 thì premium đang ở mức trên dưới 10 USD, như vậy chi phí doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được.
Thêm nữa, để bảo đảm được cho các doanh nghiệp có khả năng nhập đúng tiến độ, số lượng xăng dầu do Bộ đề xuất thì phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước theo cách thức lấy quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.
Hiệp hội cũng đề xuất Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Tài chính để rà soát các chi phí, thay vì 6 tháng thay đổi 1 lần thì 3 tháng thay 1 lần để giảm đi chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho doanh nghiệp.
Thanh tra Chính phủ thanh tra 15 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, 2 nhà máy lọc dầu
Theo quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, có 15 doanh nghiệp đầu mối và 2 doanh nghiệp sản xuất thuộc diện thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Thanh tra công tác chấp hành pháp luật của doanh nghiệp xăng dầu - Ảnh: T.THƯƠNG
Tổng Thanh tra Chính phủ vừa ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại công điện số 160 ngày 22-2 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Theo đó, giai đoạn được thanh tra sẽ từ ngày 1-1-2017 đến ngày 30-6-2022. Khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan tới trước hoặc sau thời kỳ thanh tra. Thời hạn thanh tra là 60 ngày làm việc thực tế tại đơn vị, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (13-10).
Các thương nhân đầu mối xăng dầu nằm trong danh sách thanh tra gồm có sáu doanh nghiệp tại miền Bắc, gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty CP Hóa dầu Quân đội, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty TNHH MTV - Tổng công ty Xăng dầu Quân đội và Công ty TNHH Petro Bình Minh.
Tại miền Trung sẽ thanh tra hai doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh.
Tại miền Nam sẽ thanh tra bảy đơn vị, bao gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Công ty cổ phần thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Long Hưng, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.
Ngoài ra, hai doanh nghiệp sản xuất xăng dầu là Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng nằm trong diện thanh tra của cơ quan Thanh tra Chính phủ.
Trưởng đoàn thanh tra sẽ do ông Dương Quốc Huy - vụ trưởng Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo kinh tế ngành (Vụ 1), Thanh tra Chính phủ - đảm nhiệm, cùng các thành viên của Thanh tra Chính phủ.
Ngoài cơ quan thanh tra, quyết định thanh tra cũng nêu bộ trưởng Bộ Công Thương, bộ trưởng Bộ Tài chính, bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng các chủ tịch UBND tỉnh, thành phố liên quan, lãnh đạo của các công ty thương nhân đầu mối, doanh nghiệp sản xuất chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Trước đó, để phục vụ cho công tác thanh tra, Thanh tra Chính phủ vừa lập tổ công tác làm việc với Bộ Công Thương cùng nhiều bộ ngành khác để thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Có báo cáo vào hồi tháng 8, Bộ Công Thương cho biết hiện có 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu; 2 thương nhân đầu mối chính sản xuất xăng dầu cung cấp 70 - 75% lượng xăng dầu cho nội địa, là Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn...
Bộ Công Thương đánh giá từ năm 2017 đến nay, các thương nhân đầu mối cơ bản đã đảm bảo cung ứng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, ngay cả khi nguồn cung trong nước gặp sự cố ngừng sản xuất như hồi tháng 1-2022.
Tuy vậy, việc duy trì lượng hàng dự trữ lưu thông theo quy định 20 ngày tiêu thụ có những thời điểm không đạt. Hoặc khi nhu cầu tăng đột biến, thị trường thấy xu hướng giá tăng cao, lượng hàng và chủng loại dự trữ lưu thông phân bổ cho địa bàn không đều, nên không cung ứng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ, khiến nguồn cung bị gián đoạn một số thời điểm.
Trong bối cảnh đó, lượng xăng dầu dự trữ quốc gia còn thấp, khi chỉ tương đương 9 ngày nhập ròng và 6,5 ngày tiêu thụ. Tình hình buôn lậu, xăng dầu giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp, nhất là địa bàn các tỉnh phía Nam và một số tỉnh miền Trung.
Về giá bán xăng dầu, Bộ Công Thương cho hay được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, giá cơ sở được thực hiện nhất quán theo quy định, sử dụng công cụ Quỹ bình ổn hiệu quả, linh hoạt, công khai minh bạch thông tin điều hành giá.
Cơ cấu tính giá cơ sở hiện nay bao gồm một số loại thuế chưa phù hợp, như thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, dẫn đến làm tăng giá, ảnh hưởng tới mặt bằng giá hàng hóa trong nước...
Đồng Nai: Doanh nghiệp xăng dầu đóng cửa vì không có lợi nhuận Những ngày qua, tình trạng khan hiếm xăng dầu xảy ra tại nhiều tỉnh thành cả nước. Nguyên nhân được cho là chính sách chiết khấu hoa hồng thấp, các cửa hàng xăng dầu không đủ bù chi phí, càng bán càng lỗ. Ghi nhận của PV tại tỉnh Đồng Nai. Phóng viên NGUYỄN SƠN: Tôi đang đứng tại Cửa hàng xăng dầu...