Loạt chính khách Mỹ kêu gọi công nhận Biden thắng
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Shelby, Thống đốc Louisiana Edwards kêu gọi người Mỹ công nhận chiến thắng của Biden và đưa đất nước “sang trang”.
“Đại cử tri đoàn đã họp vào đầu tuần này, đó là quy trình hiến định của chúng ta để xác định kết quả của cuộc bầu cử tổng thống. Các đại cử tri đã bầu 306 phiếu cho Joe Biden và 232 phiếu cho Donald Trump, giúp Biden trở thành Tổng thống đắc cử”, thượng nghị sĩ Richard Shelby, thành viên đảng Cộng hòa, cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 16/12.
“Dù tôi ước kết quả sẽ khác, nhưng đã tới lúc chúng ta phải bước sang trang mới”, ông nói thêm.
Thượng nghị sĩ Richard Shelby tại thủ đô Washington hôm 2/7. Ảnh: AFP.
John Bel Edwards, thống đốc Louisiana, cùng ngày cũng kêu gọi mọi người nhanh chóng công nhận Biden là Tổng thống đắc cử, bất chấp các đảng viên Cộng hòa trong phái đoàn quốc hội bang phản đối điều này.
“Tôi là một luật sư. Tôi biết tòa án của chúng ta tồn tại để giải quyết các tranh chấp, nhưng tranh chấp cần phải có thật”, Thống đốc Edwards, một đảng viên Dân chủ, nói, cho rằng nếu có bằng chứng thực sự về gian lận bầu cử quy mô lớn, Trump và các đồng minh đã phải trưng được chúng ra. “Nhưng sự thật là họ đã không đưa được bất kỳ bằng chứng nào”, ông cho hay.
Edwards nói thêm ông lấy làm tiếc khi Tổng chưởng lý bang Jeff Landry, thành viên đảng Cộng hòa, ủng hộ vụ kiện của Texas nhằm đảo ngược chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Video đang HOT
Dù tránh chỉ trích trực tiếp Tổng thống Trump, Thống đốc Edwards lưu ý rằng nhiều tòa án bang và liên bang khắp cả nước đã bác các vụ kiện về gian lận bầu cử.
Thống đốc Louisiana John Bel Edwards tại thành phố New Orleans hồi tháng 6/2018. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, trong khi Thống đốc Edwards kêu gọi mọi người nên chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử, các thành viên đảng Cộng hòa trong phái đoàn quốc hội Louisiana vẫn không thừa nhận chiến thắng của Biden.
Ngay cả khi đại cử tri đoàn hôm 14/12 đã bỏ phiếu xác nhận Biden là Tổng thống đắc cử, nhóm đảng viên Cộng hòa này vẫn không thay đổi quan điểm. Phát ngôn viên của Thượng nghị sĩ Mỹ John Kennedy tuyên bố ông vẫn “tiếp tục theo dõi các quy trình pháp lý và hiến pháp”.
Hạ nghị sĩ Clay Higgins thậm chí còn công kích chiến thắng của Biden. “Joe Biden có thể nhậm chức vào ngày 20/1. Theo quan điểm của tôi, đó sẽ là lễ nhậm chức không công bằng, là kết quả của cuộc bầu cử bị dàn xếp. Đó chính là ngày u ám cho phe Cộng hòa chúng ta”, Higgins nói.
Văn phòng của các hạ nghị sĩ Cộng hòa Steve Scalise, Mike Johnson, Ralph Abraham và Garret Graves hiện không trả lời về việc liệu họ có chấp nhận kết quả bầu cử và lễ nhậm chức sắp tới của Biden hay không.
Trước đó, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnel đã chúc mừng Biden đắc cử, đồng thời yêu cầu các thượng nghị sĩ Cộng hòa không tham gia vào nỗ lực nhằm đảo ngược kết quả bầu cử.
“Nền dân chủ được vận hành tốt nhất khi người thua cuộc thừa nhận thất bại, nhẹ nhàng rời đi và cùng phối hợp để đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ”, Thống đốc Edwards nói.
Ngày 6/1, Phó tổng thống Mỹ và cũng là Chủ tịch Thượng viện Mike Pence sẽ chủ trì phiên họp quốc hội toàn thể để chứng nhận phiếu đại cử tri của từng bang, theo thứ tự bảng chữ cái. Đây là bước cuối cùng trong quá trình kiểm phiếu đại cử tri và cũng gần như khép lại tranh cãi về cuộc bầu cử.
Trump cân nhắc bổ nhiệm công tố viên đặc biệt điều tra con trai Biden
Trump đang tham vấn các cố vấn và đồng minh về khả năng bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để phụ trách cuộc điều tra Hunter Biden.
Theo một số quan chức chính quyền Trump và các đảng viên Cộng hòa, Tổng thống Donald Trump đã hỏi ý kiến Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, cố vấn Pat Cipollone và một số đồng minh khác về việc bổ nhiệm công tố viên đặc biệt này.
Ngoài phương án để một công tố viên đặc biệt điều tra Hunter Biden, con trai của Tổng thống đắc cử Joe Biden, Trump còn muốn bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt khác để điều tra cáo buộc về gian lận bầu cử.
Trump được cho là đã rất tức giận khi William Barr, bộ trưởng tư pháp vừa thông báo từ chức, đã không thông báo công khai cuộc điều tra đã được tiến hành trong hai năm qua nhắm vào Hunter trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông đã bổ nhiệm Jeff Rosen làm quyền Bộ trưởng Tư pháp thay thế Barr trong những ngày cuối của nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định nếu Trump muốn Rosen đi xa hơn Barr trong các cuộc điều tra này, ông có thể sẽ sớm thất vọng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump giữa các binh sĩ Mỹ khi tới xem một trận đấu bóng bầu dục giữa Lục quân và Hải quân trong Học viện quân sự Mỹ ở West Point, New York, hôm 12/12. Ảnh: AP
Barr hôm 14/12 thông báo từ chức từ tuần tới, một tuần sau khi Hunter Biden tiết lộ đang bị công tố viên liên bang điều tra về vấn đề tài chính. Thông thường, Bộ Tư pháp không tiết lộ những cuộc điều tra đang tiến hành, dù đối tượng bị điều tra có thể công bố thông tin.
Quyền Bộ trưởng Bộ Tư pháp Rosen trong tuyên bố hôm 15/12 cho biết rất "vinh dự" khi nhận nhiệm vụ mới và "sẽ tiếp tục tập trung vào những ưu tiên chính của Bộ".
Các nguồn tin cho hay Trump đang cân nhắc có nên gây áp lực với Rosen để bổ nhiệm công tố viên đặc biệt hay không, hoặc nếu cần, có thể thay thể quyền Bộ trưởng bằng một người có nhiều khả năng nghe lời ông hơn. Tổng thống thậm chí đã yêu cầu nhóm pháp lý của mình, bao gồm luật sư riêng Rudy Giuliani, xem xét khả năng ông có quyền bổ nhiệm công tố viên đặc biệt hay không.
Một câu hỏi quan trọng khác là liệu Rosen có chống lại áp lực từ Tổng thống hay những lời công kích từ nhiều phía hay không trong những tuần cuối của chính quyền Trump. Nếu không, ông có thể bị gạt sang một bên, dành chỗ cho người sẵn sàng thực hiện theo ý muốn của Trump.
Các trợ lý của Trump đang thúc giục Tổng thống thúc đẩy việc bổ nhiệm công tố viên đặc biệt, với niềm tin rằng điều này có thể gây tổn hại cho chính quyền Biden ngay từ trước khi Tổng thống đắc cử nhậm chức. Nếu cuộc điều tra do một công tố viên đặc biệt phụ trách, Biden sẽ không dễ dàng ra lệnh đình chỉ. Tuy nhiên, hiện chưa có quyết định chắc chắn nào được đưa ra.
Trong phần lớn nhiệm kỳ, Barr được coi là một trong những thành viên nội các trung thành nhất của Trump, sau khi ông khép lại vụ điều tra Nga của công tố viên đặc biệt Robert Mueller theo hướng có lợi cho Trump.
Sau khi Barr từ chức, vấn đề lớn nhất với Bộ Tư pháp dưới thời Trump là cuộc điều tra Hunter Biden. Vụ điều tra liên quan tới nhiều công tố viên liên bang và đặc vụ FBI. Việc bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt cũng được cho là rất phức tạp, đòi hỏi phải tổng hợp nhiều góc độ điều tra.
Theo quy định của luật liên bang Mỹ, chỉ Bộ trưởng Tư pháp mới có quyền chỉ định và sa thải công tố viên đặc biệt. Việc bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt cho cuộc điều tra Hunter Biden sẽ báo hiệu một cuộc điều tra kéo dài và phức tạp hơn cuộc điều tra hiện nay, vốn chủ yếu tập trung vào vấn đề thuế của con trai Hunter.
Cuộc bỏ phiếu khiến Trump 'thêm một lần đau' Sau khi công bố kết quả phiếu đại cử tri tại Wisconsin, nơi Biden chiến thắng, Thống đốc Tony Evers nói một cách nhẹ nhõm: "Chúng ta đã làm được". Ngày 14/12, 10 đại cử tri Wisconsin bình tĩnh bước vào tòa nhà nghị viện yên ắng của bang, nơi cảnh sát xuất hiện nhiều hơn so với người biểu tình. Trong lúc...