Loạn thị trường thuốc thú y thủy sản: “Mờ mắt” vì lợi nhuận
Trong khi nông dân ngập trong “mê hồn trận” của thị trường thuốc thú y thủy sản thì cùng lúc đó, nhiều doanh nghiệp hết lần này đến lần khác bị cơ quan chức năng phát hiện vi phạm các vấn đề về chất lượng, quản lý sản phẩm…
Hoạt động nhập khẩu kháng sinh cấm, công khai bán buôn tại các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của cả nước diễn ra rất “sôi động” và không được quản lý chặt chẽ.
Mải quảng cáo, “quên” chất lượng
Một số sản phẩm không có tên trong danh mục được bán tận ao cho nông dân. Ảnh: T.H
Rất nhiều doanh nghiệp “ma”
Do là ngành kinh doanh có lợi nhuận cao, công đoạn sản xuất chỉ là nhập khẩu nguyên liệu, phối trộn, đóng gói và phân phối ra thị trường nên rất nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ tham gia hoạt động này. Tiếng là “doanh nghiệp”, nhưng rất nhiều đơn vị không có địa chỉ, người đại diện pháp luật, hoặc nếu có thì là “địa chỉ ma”, số điện thoại không liên lạc được… Mới đây, trong 802 sản phẩm được “cấp khống” giấy phép lưu hành vừa bị cơ quan chức năng xử lý, có 88 sản phẩm chưa xác định được tình trạng lưu hành. Nguyên nhân do các công ty có các sản phẩm này không còn hoạt động hoặc đổi địa chỉ, không tìm ra.
Video đang HOT
Giữa tháng 7 vừa qua, vụ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để đưa hơn 800 sản phẩm thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường vào danh mục được phép lưu hành một cách trái pháp luật tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản bị báo chí phát hiện. 139 doanh nghiệp với 802 sản phẩm bị thu hồi khiến nhiều người nuôi trồng thủy sản cả nước hoang mang. Thế nhưng, đây không phải là lần đầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thú y thủy sản bị cơ quan chức năng “tuýt còi”.
Công ty TNHH Công nghệ sinh học BECKA không chỉ bị nhắc tên trong danh sách 139 doanh nghiệp vừa nêu trên mà trước đó, giữa năm 2015, công ty này cũng từng bị Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang phát hiện có nhiều sai phạm trong sản xuất thức ăn, thuốc thú y thủy sản đối với sản phẩm BK Khoáng.
Hay như Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare từng bị cơ quan chức năng xử phạt đối với một sản phẩm cắt tảo độc, chống viêm ruột cho tôm. Qua kết quả phân tích mẫu cho thấy, nhiều thành phần chính ghi trên bao bì của sản phẩm này có tỷ lệ bằng 0%.
“Trong khi đó, Cty CP chăn nuôi C.P Việt Nam được xem như một tên tuổi lớn trong ngành nông nghiệp ở Việt Nam. Thế nhưng, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp này cũng bị cơ quan chức năng “tuýt còi”. Mới đây nhất, C.P có đến 8 sản phẩm bị Tổng cục Thủy sản công bố là đã được đưa vào danh mục lưu hành trái luật”.
Là người hơn 30 năm gắn bó với việc nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm HTX Thới An (quận Ô Môn, Cần Thơ), phải thừa nhận, trong khi hoạt động sản xuất của bà con ngày càng đình trệ, hệ thống nhân viên quảng cáo, marketing của các doanh nghiệp ngày càng bành trướng.
“Đó là chưa kể chiết khấu cho các đại lý cao, có khi lên tới… 30%. Cuối năm, cuối quý, đơn vị nào tiêu thụ nhiều thuốc, nhiều sản phẩm còn được thưởng chuyến đi du lịch nước ngoài, tặng quà lưu niệm giá trị cao… bảo sao các đại lý không ham, không xúi nông dân tăng cường sử dụng thuốc được?” – ông Hải cho biết thêm.
Kháng sinh cấm cũng nhập tuốt
Nhập khẩu kháng sinh cấm
trong năm 2015 16 doanh nghiệp nhập khẩu 109.440kg nguyên liệu Enrofloxacin
15 công ty nhập khẩu 284.900kg nguyên liệu Oxytetracyclin 5 công ty nhập khẩu hơn 6.800kg nguyên liệu kháng sinh Tetracycline
Trong khi rất nhiều doanh nghiệp “lì đòn”, dù liên tục bị xử phạt nhưng vẫn tồn tại thì cùng với đó, các sản phẩm kháng sinh cấm, kháng sinh hạn chế sử dụng cũng được nhập khẩu, bày bán công khai.
Theo khảo sát của PV NTNN, dù đã bị ngành chức năng cấm hoặc hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, nhưng các loại kháng sinh này vẫn được mua bán công khai tại các vùng nuôi ở ĐBSCL. Tại TP.HCM, các loại kháng sinh như Oxytetracyline, Tetracyline, Enrofloxacin… đều được nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, bán với giá từ 800.000 đến 2 triệu đồng/kg, tùy loại.
Còn theo Cục Thú y, chỉ riêng trong năm 2015, có 16 doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu Enrofloxacin với khối lượng 109.440kg, 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu Oxytetracyclin với khối lượng 284.900kg. Ngoài ra còn có 5 công ty nhập khẩu hơn 6.800kg nguyên liệu kháng sinh Tetracycline. Tất cả các công ty đều đăng ký nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh với mục đích sản xuất thuốc thú y. Đây là 3 nhóm nguyên liệu kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
Ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng thừa nhận, việc cung cấp các dụng cụ, vật tư, thuốc, chế phẩm vi sinh cho nuôi trồng thủy sản qua quá nhiều tầng lớp trung gian với mức chiết khấu rất cao. Do đó, giá thành bị đội lên tới 50%, thậm chí, nhiều sản phẩm vi sinh khi tới tay nông dân có giá cao gấp 2-3 lần.
Chưa hết, ông Quang nhận định, ngành sản xuất, kinh doanh các chế phẩm, vật tư phục vụ nuôi tôm là ngành siêu lợi nhuận, lại trải qua rất nhiều tầng lớp trung gian nên việc quản lý khó khăn. Từ đó, các doanh nghiệp dễ dàng đưa sản phẩm giả, sản phẩm nhái hoặc sản phẩm không đảm bảo chất lượng ra thị trường.
Trong khi đó, khi được hỏi tới vụ việc làm giả hồ sơ sản phẩm thủy sản, Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thuốc thủy sản tại TP.HCM lại cho rằng, có nguyên nhân do chính các cơ chế, thủ tục đăng ký hồ sơ, giấy tờ hợp lệ kéo dài, nhiêu khê nhiều bất cập hiện nay.
Điều này tạo ra cơ chế doanh nghiệp muốn tiếp tục hoạt động, sản xuất buộc phải “leo rào”, “chạy” giấy tờ, thậm chí, ngó lơ luôn các yêu cầu của cơ quan chức năng trong việc quản lý sản phẩm.
TS Trần Hữu Lộc – Giám đốc Phòng Nghiên cứu bệnh học thủy sản Minh Phú Aquamekong: Đưa được một sản phẩm thú y thủy sản ra thị trường rất “nhiêu khê” Đây là nhận định của TS Trần Hữu Lộc. Cũng theo TS Lộc, trong ngành thú y thủy sản, các sản phẩm được chia làm 4 nhóm chính, gồm kháng sinh, các vi sinh có lợi, nhóm kích thích miễn dịch của thủy sản và nhóm sản phẩm xử lý môi trường.
Tại Việt Nam hiện nay, các sản phẩm này phần lớn được doanh nghiệp nhập khẩu về rồi phối trộn, pha chế thêm hoặc nhập khẩu “nguyên con” từ các nước có nền nông nghiệp phát triển. Cũng có một phần các sản phẩm thú y thủy sản được sản xuất trong nước, nhưng không nhiều so với nhu cầu của ngành nông nghiệp hiện nay.
Tuy nhiên, ông Lộc nhấn mạnh, việc đăng ký để đưa một sản phẩm thú y thủy sản ra thị trường hiện nay khá “nhiêu khê”, qua nhiều tầng nấc hồ sơ, thủ tục. Trong khi đó, bệnh học thủy sản là một ngành khá mới mẻ ở Việt Nam, việc trị bệnh còn rất vất vả và bấp bênh. Chính lý do này có thể khiến một số doanh nghiệp chọn “đi đường vòng” để nhanh chóng đưa sản phẩm ra đồng ruộng.
Thế nhưng, trên thực tế, kháng sinh là biện pháp chữa trị nhanh nhất nhưng cũng không bền vững trong nuôi nuôi. Trong khi đó, mức độ hiểu biết về bệnh thủy sản của bà con nông dân thì không giống nhau.
“Thấy sản phẩm được quảng cáo là “hay”, trị được bệnh cho tôm, cá thì nông dân sử dụng chứ đâu phải ai cũng quan tâm thành phần thuốc là gì, có kháng sinh cấm hay không” – ông Lộc cho biết.
Khải Huyền
Theo Danviet