Loạn “bí kíp” phòng dịch bệnh Covid-19
Tin đồn là một thứ “dịch” kèm theo mùa Covid-19, bao gồm tin đồn về tình hình dịch và cả những “bí kíp” phòng bệnh sai lệch, khiến các chuyên gia đau đầu
Cách đây không lâu, một bảng “phân biệt giữa bệnh nhân corona và cảm cúm thông thường” lan truyền trên mạng khiến các bác sĩ (BS) hết hồn.
Khổ với “hướng dẫn”… trên trời rơi xuống
Nội dung cho rằng cảm cúm thông thường thì sẽ có các dấu hiệu như: sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, đau rát cổ họng, ho nhiều, thường kết thúc sau 5-7 ngày dùng thuốc, sốt từng cơn không kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, uể oải…
Còn bệnh do nhiễm virus corona chủng mới, “hướng dẫn” này khẳng định sẽ chảy nước mũi, khó thở, đau đầu, đau cơ, sốt cao kéo dài, viêm phổi, uống thuốc nhiều ngày không đỡ, đã tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người đi qua vùng dịch… Tuy nhiên, tất cả đều… sai.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM), là một trong những người đã đăng tải lại trên Facebook cá nhân “bảng phân biệt” nói trên kèm dòng chữ “Trời ơi, ở đâu ra?”. Ông giải thích rằng cái sai lớn nhất, dễ thấy nhất là làm gì có cách phân biệt bệnh Covid-19 do virus corona với cảm cúm thông thường.
Cụ thể, triệu chứng của Covid-19 thực ra khá giống với cảm cúm thông thường, đa số người bệnh thường ho, sốt, điều đã thấy rõ ở các ca nhiễm Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam. Nếu xét thấy người có biểu hiện bệnh có yếu tố dịch tễ (đi về từ vùng dịch, có tiếp xúc với người bệnh/thân nhân người bệnh), bệnh nhân sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm để xem có dương tính với 2019-nCoV (tức virus corona gây Covid-19) hay không.
Khi các BS khuyên người dân tránh đến nơi đông đúc, cũng là lúc “BS mạng” bắt đầu đồn thổi những lời khuyên như “không nên đi bơi vì nước hồ sẽ chứa nhiều chất dịch mang virus”, “đi ăn sẽ lây qua đường ăn uống”.
BS Trương Hữu Khanh cho biết những suy nghĩ đó là sai. Ví dụ khi đi bơi, quan trọng là phải chọn hồ vắng người một chút, tránh cảnh chen chúc, ở quá gần người bên cạnh; tránh nói chuyện cự ly gần với người mình không biết có bệnh hay không, bởi đó mới là nguồn lây chứ không có chuyện nCoV gây Covid-19… bơi trong nước.
Tương tự, khi đi ăn phải chọn quán vắng. Không phải virus này lây qua đường ăn uống mà nó sẽ lây khi bạn vừa ăn vừa nói chuyện cự ly gần với người mang bệnh.
Video đang HOT
Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, thời gian cho mỗi lần rửa tay tối thiểu khoảng 20 – 30 giây, là một trong những biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc, lây lan dịch Covid-19 nói riêng và các dịch bệnh khác nói chung.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Khi lời khuyên bị “tam sao thất bản”
Lời khuyên nên để nhiệt độ phòng trên 25 độ C vì 2019-nCoV suy yếu khi nhiệt độ cao, sau khi lan truyền trên mạng cũng bị hiểu sai thành “virus corona… chết ở 26 độ C”, rồi có người lại thắc mắc sao cơ thể người 37 độ C nó không chết?
BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), nêu rõ sự sai lầm khi hiểu về giá trị của nhiệt độ đối với virus corona này: “Nhiệt độ cao, độ ẩm cao là những yếu tố có thể khiến virus corona suy yếu, tức giảm khả năng tấn công bạn chứ không phải không thể, vì virus này vẫn tồn tại ở các vùng nóng, ẩm”.
Vì vậy, giữ nhiệt độ phòng trên 25 độ C (trong khoảng 26-27 độ C) chỉ giúp giảm nguy cơ, nếu kết hợp với các biện pháp khác như mở cửa sổ, dùng quạt thay máy lạnh, rửa tay thường xuyên, cố gắng giữ khoảng cách trên 1 m với người có bệnh… sẽ giúp giảm nguy cơ đến mức thấp nhất có thể.
Ngay cả các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng bị “chế biến” không ít. Một tấm ảnh có nội dung nói về chuyện thực hư “bôi dầu mè phòng được virus corona chủng mới” như dân mạng đồn đại hay không, đã bị dịch kiểu chỗ được chỗ mất, gây hiểu nhầm là: “Cồn 75% chỉ rửa bề mặt vật dụng, không có tác dụng gì khi virus đã lên da và mũi”. Thế nhưng, phần chữ tiếng Anh trong hình ảnh này thực chất khẳng định rằng bôi dầu mè, cũng như các hóa chất tẩy rửa khác, không giúp bạn phòng vệ khỏi việc virus corona tấn công vào cơ thể, mà còn có thể làm hỏng da bạn.
Nhầm lẫn giữa công dụng sát khuẩn với “công dụng tin đồn” là khả năng bảo vệ của các chất vệ sinh tay cũng là điều khá phổ biến của “dân mạng”. BS Trương Hữu Khanh phân tích: “Tác dụng của nước rửa tay khô chứa cồn là giúp vi khuẩn, virus bám trên da chết đi. Nồng độ cồn cho nước rửa tay trên 60 độ là đủ, cùng lắm là 70 độ, nếu cao hơn thì hiệu quả cũng chẳng hơn, lại còn hại da tay, gây đau. Còn nếu nghĩ bôi lên tay sẵn để phòng virus thì cồn bao nhiêu độ cũng chẳng làm được điều đó, vì nó sẽ bay hơi ngay. Nếu tay tiếp tục chạm vào nơi có thể có mầm bệnh, phải rửa lại. Tay có dính bẩn thì phải rửa bằng nước và xà phòng”.
Các BS khuyến cáo để có được hướng dẫn phòng bệnh chuẩn xác nhất, người dân nên tham khảo thông tin từ các nguồn chính thống như của WHO, Bộ Y tế, phần trích dẫn, phỏng vấn chuyên gia đăng tải trên báo chính thống.
ANH THƯ
Theo Người lao động
Không dám đi bơi vì lo nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người"(?!)
Đã có người không dám đi bơi vì nghĩ nước bể cũng có thể lây nhiễm bệnh Whitmore. Liệu vi khuẩn "ăn thịt người" có đáng sợ như vậy?
Khi có vết trầy xước, cần rửa sạch tay ngay khi tiếp xúc với nước hay đất không sạch. Ảnh minh họa
Bệnh không mới
Anh Nguyễn Văn Hoài (ở Hà Nội) liên tiếp đọc được thông tin, các bệnh viện như: Bạch Mai rồi Hà Tĩnh, Thái Nguyên ghi nhận trường hợp mắc vi khuẩn "ăn thịt người" nên rất hoang mang. "Đọc thấy căn bệnh làm ăn mòn cơ thể mà mình cũng thấy rùng mình. Nghe nói vi khuẩn có trong đất và nước không sạch, không biết liệu có bị nhiễm vi khuẩn này khi đi tắm sông, suối hay không? Mấy hôm nay cũng sợ mà không dám đi bơi luôn", anh Hoài chia sẻ.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng I TPHCM) cho rằng, người dân không nên quá lo lắng vì tên gọi vi khuẩn "ăn thịt người". Từ "ăn thịt người" là do vi khuẩn này có tiết ra hai độc tố gây thối rữa thịt nhưng vi khuẩn này có tên là Aeromonas hydrophila.
Còn bệnh có tên Whitmore (hay bệnh melioidosis) và do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh và vi khuẩn không dịch sang tiếng Việt chứ không phải vi khuẩn "ăn thịt người".
Bệnh này đã có từ lâu chứ không phải giờ mới xuất hiện. Bệnh là do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua vết trầy xước ở da là chính. Cụ thể, vi khuẩn từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử nên bị gọi là "ăn thịt người".
"Vi khuẩn có trong đất và nước không sạch. Bệnh này không lây từ người sang người và cũng không dễ bị nếu sinh hoạt, vệ sinh sạch sẽ. Bệnh gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em", BS Khanh cho hay.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, mọi người không nên quá hoang mang vì đây là bệnh hiếm gặp và không dễ lây lan và khó tạo thành dịch.
Việc người dân không dám đi bơi vì sợ mắc căn bệnh này, các chuyên gia cho rằng điều này là thực sự không cần thiết. Mọi người có thể yên tâm vì hiện các bể bơi và nước máy đều được khử khuẩn bằng Clo nên không có điều kiện cho vi khuẩn này tồn tại.
Tuy nhiên, những nguồn nước công cộng như hồ bơi dễ trở thành địa điểm lây truyền vi khuẩn, một số căn bệnh thông qua môi trường nước ô nhiễm như nhiễm trùng da, vết thương nhiễm trùng... Trong trường hợp có những xây xát nhỏ như vết thương ngoài da, đứt tay chân... không nên đi bơi hay tắm ở ao hồ bẩn để tránh bị truyền bệnh hoặc truyền bệnh. Sau khi bơi, mọi người cần chú ý vệ sinh da sạch bằng xà phòng, sữa tắm có độ kiềm cao để tẩy sạch chất hữu cơ bám dính vào cơ thể.
Làm gì để phòng tránh bệnh?
Theo BS Trương Hữu Khanh, bệnh Melioidosis là căn bệnh nhiễm trùng cơ hội, không dễ mắc ở những người có sức khỏe bình thường mà chỉ gây bệnh trong điều kiện có biến đổi môi trường, môi trường ô nhiễm, trên cơ địa của những người bị suy giảm miễn dịch.
Đa số các trường hợp mắc thường ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, hay mắc các bệnh mãn tín, những người có vết đứt tay trên da. Nhiễm các virus khác gây phát ban, sử dụng thuốc steroid làm giảm sức đề kháng của cơ thể.
Để phòng ngừa bệnh, trên cơ thể có trầy xước cần xử lý cẩn thận vết thương. Khi tiếp xúc với đất hay nước không sạch nên có phương tiện bảo hộ như có găng hay ủng bảo vệ. Rửa sạch tay chân ngay khi tiếp xúc với nước hay đất không sạch.
Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh Whitmore được phát hiện và điều trị hợp lý sẽ điều trị khỏi, không để lại di chứng. Cũng giống như những bệnh dễ chữa khác như tiêu chảy nếu kịp thời bù nước và muối, dùng kháng sinh thì nhanh khỏi.
Bởi vậy, khi có những dấu hiệu ban đầu cần phải đến viện sớm. Triệu chứng bệnh có thể cấp tính gồm sốt, triệu chứng hô hấp, suy hô hấp, co giật. Hoặc viêm phổi kéo dài, sốt kéo dài, loét hoại tử một hay nhiều vùng da trên người.
Với các trường hợp nhiễm trùng, khi vào viện cần làm xét nghiệm vi sinh. Xét nghiệm vi sinh bằng phương pháp soi, nuôi cấy, sinh học phân tử hay miễn dịch. Xét nghiệm này giúp việc chẩn đoán, tiên lượng bệnh đúng. Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử trí, điều trị phù hợp.
Theo giadinh.net
Muôn kiểu chống dịch Covid-19 của công nhân Nhằm bảo vệ bản thân, gia đình trước sự xâm nhập và lây nhiễm của dịch bệnh Covid-19, nhiều công nhân lao động đã chủ động tìm hiểu thông tin và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời, tích cực tuyên truyền cho những người xung quanh để chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Công nhân lao...