Loại vi khuẩn quen thuộc gây ra vụ ngộ độc ở Khánh Hòa
74 người ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, được xác định ngộ độc do ăn cơm cuộn có rong biển, nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng.
Mới đây, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo nguyên nhân vụ ngộ độc tại thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.
Loại thức ăn khiến 74 người bị ngộ độc, trong đó có 52 học sinh, xuất phát từ cơm nắm (gồm rong biển, cơm, trứng gà chiên, xốt Mayonnaise, tương ớt, tương cà) và cơm cuộn (gồm rong biển, cơm, trứng gà chiên, xúc xích chiên, cà rốt, dưa leo, nước chấm).
Kết quả xét nghiệm, cho thấy trong loại thực phẩm này có nhiễm khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) và chủng sinh nội độc tố Staphylococcal enterotoxin. Ngoài ra, trong phân và chất nôn của người bị ngộ độc dương tính với vi khuẩn tụ cầu vàng.
Trước đó, trong vụ ngộ độc khiến 345 người nhập viện sau khi ăn cơm gà tại TP Nha Trang, bàn tay một người phụ nữ cũng được xác định dương tính với vi khuẩn tụ cầu vàng.
Thủ phạm quen thuộc gây ra các vụ ngộ độc
Tụ cầu vàng – loại vi khuẩn gây nhiều loại bệnh nhất trong nhóm vi khuẩn tụ cầu – có hình cầu, tụ thành từng cụm như chùm nho, không di động. Chúng thường xuất hiện và là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc. Loại vi khuẩn này phân bố ở khắp nơi và có khả năng sinh độc tố.
PGS.TS Bùi Khắc Hậu, nguyên Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết vào mùa hè, ngộ độc do vi khuẩn tụ cầu thường phổ biến. Bởi tụ cầu vàng có ngoại độc tố rất mạnh, chịu nhiệt cao, khi ở nhiệt độ 100 độ C cần 1-2 giờ mới bị phá hủy.
Do vậy, nếu người dân ăn phải thực phẩm có tụ cầu vàng hoặc độc tố của chúng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. Thêm nữa, ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng rất dễ gây ra thành dịch.
Video đang HOT
Theo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, vi khuẩn tụ cầu vàng phân bố rộng rãi trong tự nhiên, thường ký sinh trên da và niêm mạc. Chúng hay xuất hiện ở thực phẩm giàu chất đạm, chất béo như thịt gia súc, gia cầm, cá. Các thực phẩm có hàm lượng nước cao hoặc có nhiều tinh bột, nhiệt độ bảo quản thực phẩm không đảm bảo dễ bị nhiễm tụ cầu vàng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), khoảng 25% người và động vật có tụ cầu vàng trên da và trong mũi. Những người mang vi khuẩn này có thể làm ô nhiễm thực phẩm, nếu họ không rửa tay trước khi chạm vào.
Đồng thời, thực phẩm không được nấu chín sau khi xử lý như thịt, bánh pudding, bánh ngọt và bánh mì sandwich dễ nhiễm tụ cầu vàng.
Ở nhiệt độ thấp, độc tố của tụ cầu vàng có thể duy trì trên 2 tháng, thức ăn bị nhiễm vi khuẩn này không có mùi vị khác thường nên khó phát hiện. Điều này rất nguy hiểm cho người dân dù không gây tử vong, đây là hồi chuông cảnh báo đáng lo ngại về an toàn thực phẩm.
Triệu chứng ngộ độc tụ cầu vàng
Bác sĩ Vi Thị Chuyên, khoa Xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng, CDC Bắc Kạn, cho biết vi khuẩn tụ cầu vàng phổ biến rộng rãi trong thiên nhiên, trong niêm dịch mũi, trong khoang miệng và họng của người cũng như động vật, trên da và các mụn ghẻ lở, mưng mủ… và đặc biệt là ở vú bò sữa bị viêm.
Chúng sinh độc tố có các tính chất gây ngộ độc khác nhau như gây viêm họng, gây viêm da mưng mủ, gây dung giải hồng cầu.
Ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng thường xuất hiện sau khi ăn 1-6 giờ, tùy thuộc vào lượng độc tố có trong thức ăn. Người bị ngộ độc do nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng có biểu hiện lợm giọng, bụng quặn đau, nôn mửa dữ dội, tiêu chảy, mệt mỏi rã rời. Có người bị nhức đầu, ra mồ hôi, co giật cơ, huyết áp hạ, mạch yếu.
Vi khuẩn tụ cầu vàng có hình cầu, tụ thành từng cụm như chùm nho, không di động. Ảnh: Shutterstock.
Do thời gian diễn biến bệnh nhanh, khoảng 1-2 ngày là hết các triệu chứng, ca tử vong do vi khuẩn này thường chủ yếu là trẻ em bị duy dinh dưỡng, người cao tuổi mắc bệnh mạn tính.
Khi điều trị ngộ độc do vi khuẩn tụ cầu vàng, người bệnh cần uống nhiều nước. CDC Mỹ cho hay thuốc kháng sinh không có tác dụng trong điều trị bệnh này, vì độc tố không bị ảnh hưởng bởi kháng sinh. Những người bị nặng, có thể cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
Để hạn chế ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo không để những người bị viêm xoang, viêm mũi họng, có mụn ở tay tiếp xúc với nguyên liệu thực phẩm. Người dân cần thực hiện 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn:
Chọn thực phẩm tươi, sạch, an toàn
Thực hiện “ăn chín uống sôi”. Ngâm kỹ rửa sạch, gọt vỏ quả tươi trước khi sử dụng
Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín
Che đậy bảo quản cẩn thận thức ăn sau khi nấu chín
Đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng
Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín, không dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín
Rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm đặc biệt sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn dễ ô nhiễm khác
Bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm phải khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ, hợp vệ sinh
Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng, quá hạn
Sử dụng nguồn nước sạch an toàn trong chế biến thực phẩm
Vụ học sinh ngộ độc ở Khánh Hòa: Chưa đủ cơ sở để xác định thức ăn gây ngộ độc
Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa vừa có báo cáo về vụ ngộ độc thực phẩm tại cơ sở bán hàng rong ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn.
Lúc 10h20 ngày 9/4, Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa nhận được tin báo của Trạm Y tế thị trấn Tô Hạp việc 4 học sinh trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Đến chiều cùng ngày, 74 người có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, trong đó 37 học sinh trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp, 15 học sinh trường THCS Tô Hạp, 22 trường hợp trong cộng đồng. Bệnh nhân xuất viện cuối cùng lúc 16 giờ ngày 10/4.
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến hàng rong bán trước cổng trường học
Các ca ngộ độc có điểm chung là ăn cơm cuộn, cơm nắm do bà Bùi Thị Lương bán hàng rong gần trường THCS Tô Hạp bán cho mọi người. Thức ăn được chế biến sẵn để vào thùng xốp trước khi đem tới điểm bán.
Làm việc với cơ quan chức năng, bà Lương cho hay, hàng ngày bà chế biến sẵn món cơm cuộn và cơm nắm tại nhà. Sau đó bảo quản trong thùng xốp, đem bán gần trường THCS Tô Hạp. Ngày 9/4, bà Lương đã bán hơn 140 suất cơm nắm, cơm cuộn, không còn thức ăn đã chế biến. Nguyên liệu chế biến món cơm nắm, cơm cuộn gồm rong biển, cơm, thanh cua, trứng gà chiên, sốt mayonnaise, tương ớt, tương cà, xúc xích chiên... Đội điều tra ngộ độc thực phẩm huyện Khánh Sơn không thu được mẫu thức ăn cơm nắm, cơm cuộn đã chế biến mà chỉ có mẫu nguyên liệu thực phẩm, mẫu bàn tay, mẫu phân người lành mang trùng được gửi Viện Pasteur Nha Trang để kiểm nghiệm.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu của Viện Pasteur Nha Trang cho biết, mẫu rong biển cơm cuộn phát hiện vi khuẩn Staphylococcus và phát hiện chủng sinh nội độc tố Staphylococcal. Kết quả này phù hợp với kết quả mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm cũng dương tính với vi khuẩn Staphylococcus. Do vậy, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kết luận có thể nhận định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm trên là do vi sinh vật - vi khuẩn Staphylococcus. Tuy nhiên, tại thời điểm điều tra, tại cơ sở không còn mẫu thức ăn đã chế biến nên đội điều tra không lấy được mẫu thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm. Do đó, không đủ cơ sở khoa học để xác định cụ thể thức ăn nào là thức ăn nguyên nhân gây ngộ độc.
Bác sĩ Lê Văn Khoa, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Đây là vụ ngộ độc thứ 5, người mắc là học sinh tại địa bàn thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn. Cái này do các thức ăn cơm cuộn, do bà Bùi Thị Lương bán hàng trước trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp, đã xác minh, điều tra nguyên nhân".
Điều vụ tra vụ ngộ độc botulinum nghi do ăn chả lụa ở TP.HCM Bệnh viện Chợ Rẫy đã hết thuốc hiếm giải độc botulinum, do đó các bác sĩ sẽ rất khó khăn khi điều trị cho những bệnh nhân bị ngộ độc loại vi khuẩn này. Tối 20.5, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, vụ ngộ độc botulinum nghi ăn chả lụa xảy ra trên...