Loại giấy nghìn năm tuổi ở Nhật Bản
Thân thiện với môi trường, giấy washi vẫn được sản xuất thủ công tại một số nơi ở Nhật Bản sau nhiều thế kỷ.
Cỗ đèn lồng chiến binh diễu hành trong lễ hội Nebuta Matsuri có lớp phao làm từ giấy washi truyền thống.
Nhiều người biết đến giấy washi như một phần không thể thiếu để làm đèn lồng Nhật Bản. Vào mùa hè, thành phố Aomori (Nhật Bản) lại thấp thoáng bóng những “chiến binh khổng lồ” diễu hành trên đường phố.
Những cỗ đèn lồng khổng lồ nhiều hình dạng này là tâm điểm của lễ hội Nebuta Matsuri với lịch sử gần 300 năm. Lễ hội diễn ra vào buổi tối, kéo dài suốt một tuần trong tháng 8 là một trong những sự kiện theo mùa lớn nhất Nhật Bản.
Cùng với những tay trống (taiko) và vũ công, cỗ đèn lồng chiến binh này mô tả khung cảnh trong kabuki (một loại hình sân khấu truyền thống) với nội dung thần thoại Nhật Bản.
Người dân địa phương thường mất hàng tháng để thiết kế và sản xuất ra các cỗ đèn lồng này. Một người thợ thủ công tên Hiroo Takenami cho biết những “chiến binh” này được làm từ loại giấy truyền thống washi có nguồn gốc từ nhánh cây dâu tằm (kozo).
Loại giấy làm đèn lồng đặc biệt
Theo ông Takenami, lớp phao bọc ngoài cỗ đèn lồng hiện đại ngày nay không hoản toàn là giấy washi: “Nhưng trận mưa lớn như trút nước làm hỏng lớp giấy truyền thống bọc ngoài cỗ đèn lồng khi diễu hành. Vì vậy, tôi phải sản xuất một loại giấy bao gồm cả sợi tổng hợp để tăng khả năng chống nước”.
Lớp giấy trên phần phao bọc về cấu tạo giống như giấy washi thủ công, nhưng không phải là washi nguyên bản, theo ông Takenami.
Sự điều chỉnh là điều cần thiết khi duy trì các hoạt động lễ hội truyền thống. Giấy chế tạo bằng máy đã thay thế phần lớn giấy washi thủ công nguyên bản trên khắp đất nước Mặt trời mọc. Tuy nhiên, một số thị trấn ở Nhật Bản vẫn gìn giữ quá trình sản xuất thủ công.
Video đang HOT
Năm 2014, truyền thống làm giấy washi đặc biệt (honminoshi) ở thành phố Mino đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể. Giấy sekishubanshi (thành phố Hamada) và hosokawa (thành phố Ogawa) cũng được công nhận danh hiệu này.
“Đào tạo thế hệ nghệ nhân làm giấy trong thời hiện đại và truyền thụ kiến thức làm nghề là rất quan trọng. Chúng tôi vừa gìn giữ ngành nghề thủ công này, vừa duy trì hiệu quả về mặt tài chính”, ông Takeshi Kano, một trong nhiều nghệ nhân làm giấy washi thủ công chia sẻ.
Học cả thập kỷ để trở thành nghệ nhân
Một trong những địa danh làm giấy washi lâu đời nhất ở Nhật Bản là thành phố Mino, nơi có khu phố buôn bán từ thời Edo (1603-1868). Những chiếc đèn lồng được làm bởi người dân địa phương và các nghệ nhân lành nghề ở Mino đều sử dụng washi.
Takeshi Kano là một trong 8 nghệ nhân nổi tiếng ở Mino có kỹ năng đạt chuẩn để làm ra giấy washi thủ công với hình thức nguyên bản và truyền thống nhất. Ở Mino, chỉ 10% tổng số giấy đạt tiêu chuẩn chất lượng nguyên bản. Để được công nhận, người thợ phải trải qua quá trình đào tạo ít nhất 10 năm với tư cách thành viên của Hiệp hội Bảo tồn giấy Honminoshi.
“Những người sống trong cộng đồng làm giấy truyền thống này tự hào về kỹ năng làm washi của họ và coi đó là biểu tượng, bản sắc văn hóa của các địa danh ở Nhật Bản”, đại diện UNESCO về truyền thống làm giấy ở Mino.
Chia sẻ về loại giấy washi đặc biệt còn gọi là honminoshi của thành phố Mino, nghệ nhân Takeshi cho biết: “Giấy washi chuẩn của Mino phải được làm hoàn toàn thủ công, chỉ sử dụng 3 thành phần là nhánh cây dâu tằm (kozo), nước và chất nhầy giúp tăng sự đồng đều của các sợi thực vật khi phân tán trên giấy (neri)”.
Quy trình thủ công làm giấy washi ở một số thành phố tại Nhật Bản.
Quy trình làm giấy washi về cơ bản được lưu truyền qua các nghệ nhân suốt nhiều thế kỷ. Đầu tiên, họ sẽ hấp nhánh cây dâu tằm cho đến khi đủ mềm để lột bỏ vỏ. Phần bên trong được rửa sạch với nước sông hay suối, sau đó đem phơi dưới ánh sáng mặt trời để tẩy trắng tự nhiên.
Những người thợ làm giấy đem phần vỏ đã được tẩy trắng đun sôi và tiếp tục ngâm nước lạnh, cẩn thận loại bỏ vết bẩn và bụi. Họ làm mềm các sợi vỏ bằng cách đập thủ công rồi đem trộn trong thùng với nước và chất nhầy neri để tạo thành bột giấy.
Khung gỗ với bản lề là vật dụng giúp tạo thành những tấm giấy khi nhúng vào nước lạnh. Các tấm giấy hình thành sẽ được đem ép qua đêm, để khô trên ván. Quá trình này kéo dài khoảng vài tuần để chuyển từ bột giấy sang giấy.
Tồn tại qua hàng thế kỷ
Theo Nihon Shoki, bộ sách cổ, biên niên sử của Nhật Bản được viết vào năm 720 sau Công nguyên, giấy được giới thiệu bởi các nhà sư Hàn Quốc vào đầu những năm 600 sau Công nguyên. Thời điểm đó, giấy washi được sử dụng để viết kinh sách khi Phật giáo bắt đầu du nhập và được đón nhận khắp Nhật Bản.
Phương pháp sử dụng các loại sợi kết cấu chắc chắn hơn từ thực vật như vỏ cây dâu tằm ngày càng phát triển. Độ bền của giấy được cải thiện đáng kể khiến phương pháp sản xuất thủ công này được sử dụng rộng rãi hơn khắp xứ Phù Tang. Kết cấu chắc chắn và dễ thấm hút khiến washi trở thành loại giấy lý tưởng cho nghệ thuật thư pháp và các tác phẩm khác từ mực.
Giấy washi với kết cấu dẻo dai, bền bỉ được sử dụng trong thư pháp, làm đồ thủ công đến làm cửa ra vào, trang trí nội thất ở Nhật Bản.
Washi có kết cấu chắc chắn bởi sợi thực vật nên thường được sử dụng làm tấm chắn giấy ở cửa ra vào, màng che, cũng như làm đèn lồng. Hơn nữa, loại giấy này rất thân thiện với môi trường.
Không giống như sản phẩm được sản xuất công nghiệp, quy trình làm washi chỉ sử dụng các cành cây mới bị loại bỏ nên nghệ nhân không chặt toàn bộ cây. Washi không có hóa chất và có thể phân hủy sinh học.
Cùng sự phát triển của Nhật Bản khi trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại, giấy washi nguyên bản lâu đời được thay thế bằng các loại giấy khác với chi phí sản xuất tiết kiệm hơn. Washi không phải là loại giấy thủ công duy nhất tại Nhật Bản, nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ với quy trình sản xuất lâu đời.
Du khách đến thành phố Mino, thủ phủ giấy wahi, có thể dễ dàng khám phá nền văn hóa đầy tự hào của người Nhật từ những cửa hàng thủ công đương đại trưng bày các vật phẩm truyền thống làm từ washi như quần áo, túi xách, ô giấy, đồ trang trí nội thất, bưu thiếp…
Đến những xưởng sản xuất giấy hay một số tòa nhà lịch sử, bạn có thể tham gia làm búp bê washi và các đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống. Một số tour du lịch cung cấp dịch vụ trải nghiệm tham quan đồn điền cây dâu tằm, xưởng thủ công, nhà máy và cho du khách tự tay làm giấy washi… Ở bảo tàng giấy và thủ công Udatsu, các nghệ nhân sẽ hướng dẫn du khách cách làm washi, bày bán nhiều loại giấy thủ công nổi tiếng khắp Nhật Bản.
Kinh nghiệm vi vu Mộc Châu cuối mùa hồng chín
Điểm xuyết khung cảnh Mộc Châu tháng 12 là sắc đỏ của những trái hồng chín, thu hút du khách không kém vẻ đẹp các loài hoa cuối năm.
Mùa hồng chín Mộc Châu bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm. Trong đó, mùa hồng giòn thường có sớm hơn, từ tháng 8 đến tháng 10, còn từ tháng 10 đến cuối năm là mùa của hồng chát.
Hồng chát là loại cây ăn quả đặc sản, còn được gọi là hồng ngâm, vì quả hái từ trên cây thường có vị chát, người dân phải ngâm nước nhiều ngày để ra hết chất chát mới có thể ăn. Nếu không tác động, hồng trên cây phải đợi đến khi chín đỏ mềm mới ngon. Đầu mùa đông cũng là thời điểm cây hồng chát rụng lá, còn lại những chùm quả chín mọng trên cành, gây ấn tượng với du khách.
Nếu muốn check-in giữa vườn hồng sum suê, bạn phải đợi đến tháng 8 - 10, thời điểm giống hồng Fuyu Nhật Bản nơi đây chín rộ. Tại vườn, du khách có thể vào hái ăn và mua quả trực tiếp với giá 40.000 - 55.000 đồng/kg.
Những chùm hồng chát trĩu cành được du khách chụp hôm 6/12 ở bản Phiêng Cành
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Đức Chiến, chủ homestay ở Mộc Châu, số lượng cây hồng chát ở địa phương không còn nhiều, khá khó khi anh tìm mua được một cây trồng ở homestay lấy quả cho khách thưởng thức. Nếu đi tìm, bạn chỉ nhìn thấy lác đác vài cây ở nhà người dân. Cây thường đứng lẻ loi giữa khu đất rộng, các bạn trẻ gọi là cây hồng cô đơn.
Khu vực đường đi vào ngũ động bản Ôn, các bản Nà Ka, Tân Lập, Phiêng Cành là nơi du khách có thể gặp các cây hồng cô đơn. Bạn có thể xin người dân hái ăn thử.
Các cây hồng cô đơn trở thành điểm check-in thu hút các bạn trẻ
Hai ngày là thời gian vừa đủ để vi vu Mộc Châu. Các điểm đến thích hợp dịp cuối năm và tiện đường bắt gặp những cây hồng là đồi chè, ngũ động bản Ôn, bản Phiêng Cành, thác Dải Yếm, rừng thông Bản Áng, vườn dâu tây.
Xe khách Hà Nội đến trung tâm thị trấn Mộc Châu có giá vé khoảng 160.000 - 200.000 đồng một chiều, với thời gian di chuyển khoảng 3 giờ. Du khách nên xuất phát buổi sáng ở Hà Nội, và trở về từ Mộc Châu vào chiều hôm sau.
Cơ sở lưu trú địa phương có các lựa chọn cho du khách như nhà nghỉ, khách sạn, homestay, với giá phòng từ 150.000 đồng đến 1 triệu đồng một đêm.
Hết mùa hồng chín, Mộc Châu khoác lên mình sắc trắng của hoa mận tháng 1 - 2. Nở cùng thời gian này còn có hoa đào, hoa cải trắng và vàng.
Trải nghiệm khách sạn bằng băng độc đáo và mới lạ Nghỉ ngơi dưới những ngôi nhà bằng băng khổng lồ, thư giãn trong phòng tắm hơi làm từ băng,... Nghe thật hấp dẫn! ICEHOTEL, Thụy Điển Ở Jukkasjrvi, cách tiếp cận sáng tạo của ICEHOTEL đã khuyến khích du khách đón nhận cái lạnh có nghĩa là bạn có thể ngủ trong một căn phòng làm bằng băng bất kỳ lúc nào và...