Loại củ chống được nhiều virus gây bệnh mất mùa rớt giá, nông dân Ninh Thuận than lỗ nặng
Vụ tỏi năm nay nhiều nông dân ở Ninh Thuận bị thua lỗ nặng vì sản lượng thấp và giá bán cũng thấp.
Tỏi Ninh Thuận sản lượng giảm trên 50%
Thời điểm cuối tháng Giêng năm 2022, đi trên những rẫy tỏi ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) chúng tôi đều nghe những tiếng thở dài của nông dân vì vụ tỏi thất thu, giá tỏi lại bấp bênh, lệ thuộc vào thương lái.
Đang thu hoạch 2 sào tỏi (2.000 mét vuông) của gia đình, ông Phan Hồng ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải buồn rầu chia sẻ: “Mùa tỏi năm nay gia đình tôi coi như mất trắng, chỉ vớt vát lại được vài triệu đồng để đầu tư mua giống cho vụ tỏi năm sau,…”
Do sâu bệnh nên mớ tỏi vừa thu hoạch của gia đình ông Phan Hồng đã vàng cháy, củ nhỏ nên chỉ bán với giá 20.000 – 25.000 đồng/kg. (Ảnh: Đ.C)
Ông Hồng cho biết, nếu như mọi năm 2 sào tỏi của gia đình ông cho sản lượng khoảng 2 tấn tỏi tươi, sau khi trừ hết chi phí cũng thu lời hơn 30 triệu đồng. Thế nhưng năm nay, sản lượng sụt giảm hơn 70%, dự kiến chỉ vào khoảng 7-8 tạ tỏi tươi nhưng củ nhỏ nên bị thương lái chê, mua giá thấp…
“Năm nay thời tiết thất thường, sâu bệnh nhiều nên cây tỏi không thể phát triển, nhổ lên toàn những củ nhỏ nên bị thương lái ép giá. Số tỏi của gia đình chỉ bán được với giá 20.000 – 25.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí gia đình tôi lỗ nặng. Cũng may còn thu lại được ít tỏi giống để dành cho vụ sau chứ nhiều hộ không những bị lỗ vốn mà còn không có tỏi giống để trồng”, ông Hồng ngậm ngùi.
May mắn hơn hộ ông Hồng, số tỏi đang thu hoạch của gia đình chị Nguyễn Thị Dung cho chất lượng củ to và đều hơn nên giá bán gấp đôi, ở mức 44.000 – 45.000 đồng/kg tỏi tươi nhưng cũng chỉ bằng 50% năm ngoái.
Chục hộ trồng tỏi thì chỉ có 1 – 2 hộ có tỏi đẹp để thu hoạch như gia đình chị Dung nhưng sản lượng thu được cũng chỉ bằng 50% năm ngoái. (Ảnh: Đ.C)
Chị Dung cho biết, dù bán được giá cao hơn so với các hộ khác nhưng sản lượng tỏi của gia đình chị cũng đã sụt giảm hơn 50% so với những vụ trước.
Theo chị Dung, năm trước 1 sào tỏi của gia đình cho thu hoạch 1,2 tấn tỏi tươi nhưng năm nay chỉ còn khoảng 5-6 tạ.
Video đang HOT
“Sau khi trừ chi phí vụ tỏi năm nay thì gia đình tôi may mắn huề vốn, đó là do vợ chồng tôi không bỏ tiền thuê công, chỉ lấy công làm lời mới được vậy…”, chị Dung tâm sự.
Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc HTX tổng hợp nông nghiệp Thái An cho biết, hiện nay bà con trồng tỏi đang bước vào cao điểm của mùa thu hoạch nhưng sản lượng không như mong muốn, trung bình giảm hơn 50% – 60% so với mọi năm. Nguyên nhân là do thời tiết diễn biến thất thường, mưa nhiều vào đầu vụ khiến tỏi nhiễm bệnh nấm, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng củ tỏi.
Tỏi Ninh Thuận là sản phẩm đặc thù
Tỏi là một trong những sản phẩm đặc thù được tỉnh Ninh Thuận công bố năm 2018, sản phẩm tỏi của Hợp tác xã dịch vụ thu mua nông sản Thanh Hải (huyện Ninh Hải) cũng đã được công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao.
Sản phẩm tỏi Ninh Thuận cũng đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể tỏi Phan Rang.
Nông dân phơi tỏi khô sau khi thu hoạch để bảo quản được lâu hơn. (Ảnh: P.Hiếu)
Trước đây diện tích trồng tỏi ở Ninh Thuận thường tập trung ở các địa phương như: Ninh Hải, Thuận Bắc và TP Phan Rang-Tháp Chàm.
Nhưng hiện nay, do người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng cùng với đô thị hóa (đặc biệt ở TP Phan Rang-Tháp Chàm) nên phần lớn diện tích trồng tỏi tập trung nhiều ở huyện Ninh Hải chỉ còn khoảng gần 40ha. Trong đó, nhiều nhất ở xã biển Vĩnh Hải với diện tích hơn 35ha.
Do yếu tố khí hậu vô cùng khắc nghiệt nên tỏi Phan Rang có hương vị cay nồng đặc trưng, giống tỏi Phan Rang có sức chống chịu với khí hậu khắc nghiệt, chứa hàm lượng allicin, glucogen, aliin, fitonxit, các vitamin và các nguyên tố vi có tác dụng tăng cường kháng sinh chống lại virus gây bệnh, ngăn ngừa tất cả các bệnh ung thư, diệt khuẩn, sát trùng, chống viêm nhiễm và làm đẹp.
Ninh Thuận: Trên vùng đất khô cằn nông dân vẫn trồng thứ "rau vua" thu tiền tỷ nhờ một "cây đũa thần"
Nhờ áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ít bị ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng sản phẩm khi xảy ra thời tiết bất lợi, nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn, nhiều nông dân Ninh Thuận đã thu hàng trăm triệu đồng/năm nhờ trồng măng tây xanh.
Nông dân Tiền Giang, Ninh Thuận tránh hạn hán, xâm nhập mặn nhờ tưới tiến tiến, tiết kiệm nước
Tỉnh Tiền Giang có tổng diện tích canh tác trồng cây trên cạn khoảng 109.000ha (cây ăn trái 79.000ha, cây lâu năm 19.000ha, cây rau màu 7.400ha, cỏ 3,100ha).
Diện tích áp dụng biện pháp tưới truyền thống là 88ha, chiếm 80,8%. Trong khi diện tích áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là 21.000ha, chiếm 19,2%. So với năm 2015 diện tích cây trồng trên cạn được tưới tiết kiệm nước tăng 17.000ha.
Tỉnh Tiền Giang có 18 HTX tham gia áp dụng tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm với tổng diện tích 381ha cho một số loại cây ăn quả và rau màu các loại.
Hệ thống ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước của HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đang áp dụng trong trồng măng tây xanh. Ảnh: Thanh Vân
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, việc áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước vào sản xuất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả về nhiều mặt như tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là giải quyết được phần nào việc thiếu nước trong điều kiện thời tiết khắc nhiệt như hiện nay.
Đối với sản xuất nông nghiệp, năng suất cây trồng tăng từ 10 - 50%; chi phí công lao động để tưới và chăm sóc giảm từ 20 - 30%; đối với sử dụng tài nguyên nước thì lượng nước tiết kiệm so với tưới truyền thống từ 20 - 40%; hiệu quả đóng góp vào thu nhập của người dân, doanh nghiệp tăng từ 20 - 40% so với không áp dụng.
Ông Mẫn cho biết, việc áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ít bị ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng sản phẩm khi xảy ra thời tiết bất lợi, nắng nóng, hạn hán kéo dài. Đặc biệt vào các năm hạn mặn lịch sử như 2016, 2020.
Với việc trồng măng tây xanh kết hợp với tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã mang lại thu nhập cao cho thành viên HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú. Ảnh: Thanh Vân
HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, ở xã An Hải (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) là một trong những đơn vị ứng dụng hiệu quả mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho măng tây gắn với liên kết sản xuất cánh đồng lớn trên vùng đất cát khô cằn.
Ông Hùng Ky, Giám đốc HTX Dịch vụ Tuấn Tú cho biết, qua thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương là 35ha và đã mang lại hiệu quả rất cao.
Trong đó, tiết kiệm công lao động, nhiên liệu, năng lượng điện, giữ độ ẩm cho đất thường xuyên, môi trường tự nhiên và tiết kiệm phân bón, thuốc BVTV...
Chị La Thị Hoa, thành viên HTX cho hay, gia đình chị là một hộ nghèo của thôn. Nhưng khi tham gia HTX và thực hiện tưới nước tiết kiệm bước đầu trồng 1 sào đất thu được 837kg. Đến nay, chị đã trồng được 2,5 sào măng tây; sản lượng năm 2020 thu về hơn 3 tấn, thu nhập 122 triệu đồng.
Và rất nhiều hộ khác vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định trong vòng 2 năm, có những hộ xây nhà khang trang như: gia đình chị Báo Thị Úc, Châu Nga, Kiều Thị Số...
"Việc áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây măng tây xanh có hiệu quả cao so với các hộ chưa áp dụng tưới tiết kiệm khoảng 40 - 50% chi phí, doanh thu của HTX tăng từ 30 - 40%/năm", ông Hùng Ky chia sẻ.
Năm 2025: 800.000ha cây trồng trên cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), sau 5 năm thực hiện kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng trên cạn giai đoạn 2015 - 2020, đến thời điểm hiện tại, có gần 530.000ha cây trồng trên cạn được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, vượt khoảng 30.000ha so với mục tiêu đề ra và tăng 4,5 lần so với 2015.
Tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng trên cạn giai đoạn 2015 - 2020, ngày 21/12, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, việc áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn...
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng trên cạn giai đoạn 2015 - 2020, ngày 21/12. Ảnh: Minh Ngọc
Trong 5 năm triển khai kế hoạch hành động, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước có áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng trên cạn.
Các vùng phát triển mạnh mẽ gồm Đông Nam Bộ 181.000ha; Tây Nguyên 142.000ha; ĐBSCL 111.000ha; Nam Trung Bộ 44.000ha; Bắc Trung Bộ 9.000ha.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hiệp, giai đoạn này chúng ta vẫn chủ yếu là xây dựng các mô hình, khả năng thực hiện, triển khai thực hiện không được nhiều dẫn tới thiếu nguồn lực, có những nơi đủ nguồn lực thì triển khai chưa bài bản, bên cạnh đó còn một số địa phương đầu tư kinh phí cho việc này.
Để giai đoạn 2021 - 2025 đạt được mục tiêu tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt từ 700.000 - 800.000ha cây trồng trên cạn (khoảng 30% diện tích) ông Hiệp đề nghị Tổng cục Thủy lợi quyết liệt triển các giải pháp, không thể dừng lại ở việc tiếp tục đầu tư xây dựng các mô hình, nếu tiếp tục làm như vậy chúng ta sẽ thất bại.
"Riêng tưới tiên tiến, tiết kiệm không thể làm mô hình rồi triển khai nhân rộng, vì khi hết kinh phí có thể mô hình sẽ tan", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Hà Nội sôi động thị trường máy sấy quần áo Do thời tiết mùa này mưa nhiều, nồm ẩm kéo dài tạo điều kiện cho các loại nấm mốc phát triển, gây mùi khó chịu, nhất là với quần áo giặt xong rất lâu khô. Do vậy, thị trường máy sấy, tủ sấy quần áo trở nên sôi động và lượng tiêu thụ tăng mạnh trên địa bàn Hà Nội. Máy giặt sấy...