Loài cá mọc sừng như kỳ lân trong truyền thuyết
Dù mang tên kỳ lân biển, nó thực chất thuộc bộ cá voi. Vẻ ngoài kỳ lạ khiến loài này được nhiều người chú ý.
Loài này có tên tiếng Anh là “ narwhal”, thuộc họ kỳ lân biển cùng với cá voi trắng. Tuy nhiên, cá voi trắng không có chiếc sừng như chúng. Kỳ lân biển sống quanh năm ở khu vực vùng Bắc Cực lạnh giá. Đây là nơi có điều kiện thời tiết khắc nghiệt với những lớp băng biển dày đặc trong 6 tháng mùa đông.
Điều khiến kỳ lân biển được chú ý nhiều nhất là chiếc sừng dài. Tuy nhiên, nó thực ra không phải sừng, mà là răng của con cá. Kỳ lân biển là loài cá voi có răng. Tuy nhiên, răng của chúng không thực sự nằm trong miệng.
Chỉ kỳ lân biển đực mới có một chiếc răng dài, thẳng, nhô ra khỏi hàm trên bên trái khoảng 1,8-3 m. Thông thường, chiếc răng của con cá đực trưởng thành thường dài hơn nửa tổng chiều dài cơ thể chúng (khoảng 5 m). Răng mọc theo hình xoắn ốc ngược chiều kim đồng hồ, giống chiếc sừng kỳ lân truyền thuyết.
Video đang HOT
Thực tế, trong quá khứ, chiếc răng của kỳ lân biển cũng được xếp vào hạng quý hiếm. Theo Earthsky, đây là món hàng được người Viking đem từ Bắc Cực tới châu Âu, Địa Trung Hải và Viễn Đông thời Trung Cổ. Chỉ có những người rất giàu mới đủ tài chính để sở hữu chúng. Thậm chí, ngai vàng của vua Đan Mạch những năm 1600 cũng được trang trí bằng răng kỳ lân biển.
Chiếc răng dài của kỳ lân biển không có vai trò quá lớn trong đời sống. Con cái không có răng dài vẫn sống lâu như con đực. Nhiều giả thuyết khác đặt ra về công dụng của nó như phá băng, “đấu kiếm” hay cảm nhận nhiệt độ, đào dưới đáy biển… Tuy nhiên, những giả thuyết này vẫn chưa thực sự được chứng minh.
Theo Earthsky, công dụng chính của nó đơn giản chỉ là đặc điểm giới tính. Giống sư tử sử dụng bờm hay chim công sử dụng lông, loài cá voi này dùng chiếc răng dài để xác định thứ bậc xã hội và tranh giành con cái. Dù vậy, các nhà khoa học chưa đưa ra những tài liệu cụ thể về điều này.
Kỳ lân biển có vai trò quan trọng với nền kinh tế và văn hóa của các cộng đồng bản địa ở Greenland hay Canada. Hiện nay, loài này đang chịu ảnh hưởng từ sự ấm lên toàn cầu. Một vấn đề khác với kỳ lân biển là ô nhiễm tiếng ồn do loài này giao tiếp bằng âm thanh. Các tàu vận chuyển đi qua Bắc Cực ngày một nhiều khiến vùng biển ồn ào hơn. Dù vậy, ít nhất tới hiện tại, kỳ lân biển vẫn thuộc nhóm “ít quan tâm” về tình trạng bảo tồn.
Nghề bắt tôm đang dần mai một ở Bỉ
Đánh bắt tôm trên lưng ngựa là nghề từng rất phổ biến ở Bỉ. Tuy nhiên, hiện tại, số lượng ngư dân còn theo nghề này đang ngày một ít đi.
Oostduinkerke (Bỉ) nằm ở rìa phía nam của biển Bắc lạnh giá. Bãi biển vắng lặng của Oostduinkerke là nơi mưu sinh của những ngư dân cưỡi ngựa đặc biệt. Họ mặc chiếc áo vàng đặc trưng, cưỡi trên lưng ngựa Brabant mạnh mẽ để bắt những con tôm ẩn dưới làn nước biển.
Trong quá khứ, nghề bắt tôm trên lưng ngựa khá phổ biến với những gia đình ngư dân sống ở khu vực biển Bắc từ Pháp đến Đức và miền Nam nước Anh. Ngày nay, chỉ còn khoảng 17 người tiếp tục theo nghề này. Họ sống ở Oostduinkerke. Theo phong tục xưa, đây là nghề cha truyền con nối và chỉ dành cho nam giới.
Những ngư dân này mặc bộ đồ màu vàng truyền thống có khả năng chống thấm. Họ buộc 2 chiếc giỏ đan ở 2 bên hông ngựa. Phía sau con ngựa kéo một tấm lưới hình phễu dài khoảng 9 m. Ngư dân xuống biển khi thủy triều xuống. Tới điểm nước ngang ngực ngựa, họ sẽ điều khiển những con ngựa để kéo lưới. Cuối ngày, những người này gỡ lưới và chất tôm vào 2 giỏ đeo bên hông ngựa.
Thông thường, mỗi lần đánh bắt kiểu này, ngư dân sẽ kiếm được khoảng 10-13 kg tôm. Những sinh vật khác như sứa, cá nhỏ mắc vào lưới sẽ được đem thả lại biển. Việc đánh bắt thường được thực hiện khoảng 2 lần/tuần, trừ những tháng mùa đông.
Ngựa Brabant với thân hình to lớn cùng sức mạnh là yếu tố quan trọng giúp ngư dân di chuyển dưới biển. Theo Atlas Obsucra, người dân ở đây thường nói đùa: "Muốn đánh bắt trên lưng ngựa, trước tiên, bạn phải yêu con ngựa của mình. Một số người ở đây còn nói họ dường như yêu ngựa hơn cả vợ mình. Giữa cả hai cần tạo dựng được niềm tin. Lần đầu tiên thấy sóng biển, con ngựa chắc chắn không thích thú gì", tờ này viết.
Những con tôm được chế biến theo công thức riêng hoặc đem bán. Đây là nguyên liệu quan trọng cho những món hải sản địa phương.
Nghề đánh bắt tôm trên lưng ngựa đang ngày càng mai một khi xã hội phát triển. Những chiếc thuyền đánh cá hiện đại có thể giúp ngư dân kiếm được nhiều hơn. Từ đó, những người mặn mà với nghề này cũng ít dần đi.
Tuy nhiên, vào năm 2013, phương pháp đánh bắt kỳ lạ này đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Điều này khiến những ngư dân có thêm động lực bảo tồn nét đẹp văn hóa này. Tới năm 2016, phụ nữ cũng được phép tham gia vào việc đánh bắt tôm trên lưng ngựa. Nele Bekaert, bà mẹ ba con 37 tuổi là phụ nữ đánh bắt tôm đầu tiên được công nhận. Trước đó, bà cũng phải trải qua khóa huấn luyện 2 năm và một số bài kiểm tra để có thể chính thức làm việc.
Những bí mật về Con đường Tơ lụa nổi tiếng trong truyền thuyết Con đường Tơ lụa hình thành cách đây hơn 2100 năm và là con đường mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử. Con đường này đã dẫn tới sự pha trộn văn hóa giữa châu Âu và châu Á. Năm 139 TCN, trong một cuộc tìm kiếm đồng minh ở viễn tây, Hán Vũ Đế (156-87 TCN) - hoàng đế thứ bảy...