Loại bỏ nguyên nhân cháy xe do xăng
Loại bỏ nguyên nhân cháy xe do xăng (Ảnh Internet)
Đó là thông tin được đưa ra tại buổi báo cáo một số kết quả nghiên cứu về xác định nguyên nhân và giải pháp phòng chống cháy nổ ô tô xe máy do Bộ KH-CN phối hợp với một số Bộ, ngành tổ chức chiều 12/11.
Báo cáo trên nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học do Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì phối hợp với Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hoá dầu – Bộ Công Thương, Viện Cơ khí Động lực – Trường ĐHBK Hà Nội… thực hiện từ tháng 6/2012-11/2013.
Sau gần 6 tháng triển khai, nhóm thực hiện đề tài đã điều tra, nghiên cứu, phân tích một cách toàn diện từ kết cấu xe máy, nhiên liệu, đến thực tiễn người sử dụng phương tiện để xác định nguyên nhân gây cháy, nổ đối với ô tô và xe máy.
Theo đó, nguy cơ gây cháy nổ từ kết cấu, đặc tính một số hệ thống của phương tiện xe cơ giới được xác định từ hệ thống điện có thể phát sinh nguồn nhiệt, nguồn lửa do chập điện, phát sinh tia lửa và nhiệt độ sinh ra trên bộ sạc điện lớn. Tiếp đến là hệ thống dẫn nhiên liệu bị rò rỉ. Đây là nguy cơ cao gây cháy nổ khi gặp nguồn nhiệt (nguồn lửa hay tia lửa điện)…
Về nguy cơ gây cháy nổ từ nhiên liệu và phụ gia, nhóm nghiên cứu cho biết, nhiên liệu chính ngạch đáp ứng tiêu chuẩn và qui chuẩn Việt Nam không phải là nguyên nhân gây cháy, nổ ô tô, xe máy.
Tuy nhiên, việc sử dụng một số phụ gia tăng RON trong pha chế nhiên liệu dẫn đến thành phần phụ gia vượt tiêu chuẩn, hoặc có các thành phần khác với phụ gia thông dụng dễ làm nhiên liệu biến chất. Từ đó, làm trương nở hoặc phá hủy các chi tiết bằng vật liệu polymer; tạo nên các hợp chất trung gian không có lợi như: các màng polymer làm kẹt bơm xăng, vòi phun; các oxit kim loại làm hỏng bugi, bộ chuyển đổi xúc tác, sensor oxy; hình thành các hợp chất FeS tự bắt cháy.
Video đang HOT
Ngoài ra, việc sử dụng dung dịch hoặc viên tiết kiệm nhiện liệu có chứa hợp chất của sắt và/hoặc mangan một cách tùy tiện có thể làm tăng hàm lượng Fe, Mn trong nhiên liệu tạo ra hợp chất FeS như phân tích ở trên sẽ làm tăng nguy cơ cháy.
Sau khi chỉ ra những nguy cơ nêu trên, nhóm thực hiện đề tài kiến nghị, cần hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn liên quan đến phòng, chống cháy nổ đối với các phương tiện giao thông, ô tô, xe máy phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình thực tế ở Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị người sử dụng phương tiện có thói quen chăm sóc, bảo dưỡng xe định kỳ; không tự ý thay đổi kết cấu của xe; không tự ý sử dụng dung dịch hoặc viên tiết kiệm nhiên liệu trôi nổi trên thị trường.
Theo 24h
Chưa xác định chính xác nguyên nhân cháy xe
Ngày 14-1, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cùng Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã có kết luận sơ bộ về các nguyên nhân gây cháy xe trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên nguyên nhân chính vẫn chưa xác định được
Sau khi được Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM giao nhiệm vụ nghiên cứu nguyên nhân xảy ra hàng loạt vụ cháy ô tô, xe máy vừa qua, Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã có những kết luận sơ bộ về vấn đề này. Theo đó, khả năng tự cháy của xe máy liên quan đến các sự cố phát sinh nhiệt độ cao từ hệ thống điện hay động cơ, cho dù không có rò rỉ xăng.
Loại trừ nguyên nhân từ methanol, acetol
Đại diện Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ lọc hóa dầu Trường Đại học Bách khoa TPHCM, TS Huỳnh Quyền cho biết dựa theo kết quả nghiên cứu thực nghiệm tại trung tâm thì khả năng tự cháy nổ của methanol hay nhiên liệu xăng pha nhiều methanol là hoàn toàn không thể xảy ra.
Các nhà khoa học đã nung nóng một chén kim loại từ 100C -500C, sau đó cho từng giọt các mẫu xăng A92 có hàm lượng methanol, acetol thay đổi từ 10% đến 30% vào chén inox. Kết quả thí nghiệm cho thấy trong tất cả các mức nhiệt độ, các mẫu xăng A92 đều không bốc cháy.
Các nhà khoa học đang tiến hành các thực nghiệm để tìm nguyên nhân có thể gây cháy xe. Ảnh nhỏ: Một vụ cháy xe mới nhất xảy ra vào chiều 13-1 ở Hà Tĩnh. Ảnh: Chánh Trung - NguoiHaTinh
Nhưng TS Huỳnh Quyền cho biết những kết quả nghiên cứu thực nghiệm khác cho thấy sự phá hủy (hòa tan) vật liệu bằng nhựa, polymer đã xảy ra khi nhiên liệu có hàm lượng methanol cao... Bên cạnh đó, nhiên liệu với hàm lượng methanol từ 15% trở lên cũng có khả năng ăn mòn các vật liệu đồng, kẽm, thép. Tuy nhiên, về tốc độ phá hủy vật liệu của methanol cần phải có thời gian thử nghiệm thêm. Từ kết quả thí nghiệm bước đầu này, các nhà khoa học cho rằng việc sử dụng nhiên liệu chứa methanol cao có thể là nguyên nhân làm rò rỉ nhiên liệu trong quá trình vận hành xe. Nếu sự rò rỉ nhiên liệu này kết hợp với một số yếu tố khác như ôxy hoặc nguồn nhiệt khác có thể gây cháy xe.
Nguy hiểm từ bình chứa nhiên liệu!
TS Huỳnh Quyền cho biết thêm, cũng không có hiện tượng nổ khí khi tăng dần hàm lượng cồn (methanol, ethanol) trong nhiên liệu xăng. Tuy nhiên, khi tiến hành thu thập kết quả thực nghiệm về khả năng tự bốc cháy của nhiên liệu xăng có pha thêm ethanol và methanol cho thấy trong trường hợp bình chứa nhiên liệu của động cơ cạn (còn khoảng 5% so với dung tích của bình chứa) thì phần không gian trên bề mặt của lớp nhiên liệu sẽ hình thành hỗn hợp bão hòa hydro carbon. Hỗn hợp này có thể tự cháy nổ.
Quá trình này thường xảy ra ở nhiệt độ thấp nên cũng trùng hợp với phần lớn vụ cháy xe đã xảy ra ở khu vực miền Bắc (khí hậu lạnh) và ngay cả khi phương tiện không hoạt động (nhiệt độ động cơ ở trạng thái nguội). "Tuy nhiên, để khẳng định thêm nguyên nhân này, chúng tôi cần thêm thời gian để thực hiện các thực nghiệm để tạo mô hình bình chứa xăng và thử nghiệm các trạng thái khác như nhiệt độ, mức độ cạn của bình chứa..." - TS Huỳnh Quyền cho biết.
Cháy do quá nhiệt, xăng có chỉ số octan thấp
Đại diện Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Động cơ đốt trong Trường Đại học Bách khoa TPHCM, ThS Trần Đăng Long và ThS Huỳnh Thanh Công cho biết có thể xác định khả năng tự cháy của xe máy có liên quan đến các sự cố phát sinh nhiệt độ cao từ hệ thống điện hay động cơ của xe, cho dù có hay không có rò rỉ xăng. Theo nhóm nghiên cứu, để có thể gây cháy xe, cần 3 yếu tố là ôxy, chất cháy (xăng bị rò rỉ) và nguồn nhiệt. Nhóm nghiên cứu đã thực nghiệm khả năng cháy xe do động cơ quá nhiệt.
Theo các nhà khoa học, các xe bị cháy gần đây đa phần là xe có hệ thống giải nhiệt bằng chất lỏng hoặc bằng nước kết hợp với gió. Khi xảy ra sự cố trong hệ thống làm mát (không đủ nước làm mát, lấy gió không tốt...) hay có sự cố trong hệ thống bôi trơn... sẽ gây ra hiện tượng quá nhiệt của động cơ. Một số loại xe sử dụng IC không tốt, không có khả năng điều chỉnh góc đánh lửa sớm theo tốc độ động cơ cũng gây ra hiện tượng này và khi gặp các yếu tố như ôxy, xăng bị rò rỉ thì sẽ sinh ra cháy.
Một nguyên nhân gây cháy nữa có thể xảy ra là do hiện tượng ngắn mạch, quá tải ở hệ thống điện nhưng hệ thống điện không tự bảo vệ được. Đối với sự cố ở hệ thống khởi động, cầu chì không đúng, đấu nối thêm các hệ thống điện... khiến hệ thống điện tạo ra nguồn nhiệt lớn gây cháy.
Ngoài ra, các nhà khoa học của Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Động cơ đốt trong cũng cho biết các xe máy đời mới, đặc biệt là xe tay ga (bị cháy nhiều gần đây) có tỉ số nén cao, nếu sử dụng xăng có chỉ số octan thấp có thể tạo ra hiện tượng kích nổ và nhiệt độ động cơ tăng cao, kết hợp với một số yếu tố thuận lợi khác nữa thì hoàn toàn có thể gây cháy.
Cần nghiên cứu thêm
PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, cho biết qua những nghiên cứu vừa rồi của Trường Đại học Bách khoa TPHCM thì có thể thấy nguyên nhân chính xác gây cháy xe vẫn chưa thể kết luận được. Có thể khẳng định các vụ cháy xe vừa qua có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau và các kết quả của Trường Đại học Bách khoa TPHCM chỉ mới là kết quả sơ bộ. Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu thêm để tìm rõ nguyên nhân gây ra cháy xe. PGS-TS Phan Minh Tân cho biết trước mắt, người dân nên đổ xăng tại các cửa hàng xăng dầu lớn, uy tín, không "độ" thêm xe hay sử dụng chất phụ gia...
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh, sẽ yêu cầu thêm nhiều đơn vị nghiên cứu khác như các trường đại học, viện nghiên cứu ở phía Bắc vào cuộc để hỗ trợ nghiên cứu tìm ra nguyên nhân cháy xe. Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM sẽ yêu cầu các nhà sản xuất xe máy tham gia quá trình điều tra tìm hiểu nguyên nhân gây cháy xe.
TS Huỳnh Quyền cho biết đang triển khai tiếp tục thực nghiệm các khả năng gây cháy xe khác. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đang tiến hành thực nghiệm với một mẫu phụ gia pha vào xăng được bán trôi nổi trên thị trường TPHCM để xác định xem việc pha các loại phụ gia như vậy có thể gây cháy nổ xe hay không.
Theo Giáo dục VN
Cháy ở trung tâm đăng ký quyền sử dụng đất TP Huế Sáng nay 12/11, một vụ cháy đã xảy ra ở Trung tâm Đăng ký quyền sử dụng đất TP Huế, số 1 đường Phạm Hồng Thái, thành phố Huế. Vào khoảng 7h30' sáng 12/11, một ngọn lửa lớn bùng lên ở mái tôn của phía bên phải tòa nhà Trung tâm Đăng ký quyền sử dụng đất TP Huế. Những tia lửa lớn...